 |
Những chiến sĩ canh trời Điện Biên hôm nay. Ảnh: QUANG THÁI |
Tôi đã nhiều lần lên lòng chảo Mường Thanh, thăm hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng, leo Đồi A1, Đồi D... ngó xuống hầm Đờ-cát tôi càng hiểu thêm về giá trị của một kỳ tích. Nhưng cứ mỗi lần lên Điện Biên Phủ tôi lại đứng trước một câu hỏi: Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được Pháp xây dựng kiên cố, trang bị hiện đại... là vậy mà sao vẫn bị thất bại; có điều gì độc đáo trong nghệ thuật tác chiến của quân ta?
Từ vây lấn tập đoàn cứ điểm...
Pháo đã kéo vào trận địa, sẵn sàng nhả đạn nhưng lại... kéo pháo ra; từ “đánh nhanh, thắng nhanh” lại chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”... những quyết định thiên tài ấy của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là rất rõ. Nhưng khi len lỏi men theo hệ thống giao thông hào xung quanh lòng chảo Mường Thanh tôi hiểu thêm rằng, hệ thống hầm hào mà quân và dân ta đã tạo nên như một sợi dây thòng lọng thít dần, thít dần vào “cổ họng” tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đẩy nó đến chỗ “tắt thở”. Đây có thể xem là một điển hình của hình thức chiến thuật vây lấn. Với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng kiên cố, vững chắc, lực lượng mạnh... quân và dân ta sử dụng hình thức lấn dần từng bước, kiên trì khống chế tiếp tế đường không, tiêu hao sinh lực từ mặt đất làm cho địch yếu dần, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch là rất sáng suốt. Đây cũng là nét độc đáo của chiến thắng Điện Biên Phủ. Chuyện xưa là vậy. Còn hôm nay, một vài lần trở lại Điện Biên tôi cảm nhận những quyết định độc đáo, những hình thức tác chiến năm nào đang được tái hiện trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Đến “bao vây, cô lập” giặc đói nghèo
Xét cả về mặt kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh thì hiếm tỉnh miền núi nào lại có vị trí chiến lược đặc biệt như Điện Biên với 398,5km đường biên giới giáp với Lào và Trung Quốc, 4 cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không Điện Biên Phủ không chỉ bó hẹp nội địa mà đã nối thông với các nước trong khu vực. Đó vừa là thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, phức tạp cho tỉnh.
Điện Biên có 106 xã, phường, thị trấn thì có đến 87 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Giúp các xã này thoát nghèo là một trong những chủ trương lớn của tỉnh. Theo đó, nhiều biện pháp được tiến hành nhưng ấn tượng hơn là việc giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh xuống giúp đỡ. Theo sự phân công của UBND tỉnh, 49 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã giúp các địa phương triển khai nhiều mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo, mở mang các công trình phục vụ đời sống nhân dân. Đúng vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, Tỉnh ủy - UBND tỉnh chỉ đạo rút kinh nghiệm bước đầu các mô hình xóa đói giảm nghèo. Huyện Điện Biên là một điển hình về kinh tế trang trại của tỉnh. Nếu như năm 2004, huyện chỉ có 152 trang trại thì nay con số đó đã là gần 200, tăng 12,6%. Trung bình mỗi trang trại ở huyện Điện Biên thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 350 lao động. So với Điện Biên, Mường Nhé gặp nhiều khó khăn hơn nhưng đây cũng là một điểm sáng về kinh tế trang trại. Từ chỗ số trang trại chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay, theo báo cáo, toàn huyện đã có gần 100 trang trại tập trung với mức thu trung bình từ 30 đến 100 triệu đồng/trang trại/năm. Mô hình kinh tế này đã mở ra hướng làm ăn mới cho đồng bào các dân tộc. Nhờ đó đói nghèo ở Mường Nhé đã giảm mạnh. Nếu như năm 2002, huyện có đến 53,8% hộ đói nghèo thì hết năm 2007 con số đó chỉ là 32,4%, số hộ khá và giàu tăng trung bình mỗi năm 0,5%... Sau khi rút kinh nghiệm, UBND tỉnh Điện Biên sẽ chỉ đạo nhân rộng mô hình này ra các xã vùng sâu, vùng xa.
Bộ đội tiếp tục đi tiên phong
Trao đổi với chúng tôi Đại tá Dương Công Chức, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cho rằng: Bộ CHQS tỉnh xác định bất cứ thời kỳ nào việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, giúp dân xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay càng phải đặc biệt quan tâm. Từ cơ sở đó, ngay sau khi nhận giúp đỡ xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, Bộ CHQS tỉnh đã huy động hàng nghìn ngày công xuống giúp đỡ, hướng dẫn người dân chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế. Nhà văn hóa bản trị giá 500 triệu đồng đã được bộ đội cùng nhân dân xây dựng bề thế, khang trang (Bộ CHQS tỉnh góp 200 triệu đồng). Hơn 4km đường liên thôn, bản đã được mở mới. Bệnh xá quân dân y được đưa vào sử dụng trở thành địa chỉ đáng tin cậy trong điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Sau mỗi mùa huấn luyện, Bộ CHQS còn tổ chức cho bộ đội hành quân đến những bản, làng vùng sâu, vùng cao để giúp đồng bào đẩy lui nghèo đói. Mới đây, trước khi bước vào mùa huấn luyện 2008, cán bộ, chiến sĩ Phân đội 1, Đơn vị M41 đã hành quân về xã Mường Lói, huyện Điện Biên. Tuy vất vả nhưng bộ đội rất vui vì được góp phần làm cho đời sống đồng bào ngày thêm no ấm. Kinh nghiệm của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên trong giúp dân là phải miệng nói tay làm. Để bà con nghe, làm theo thì bộ đội phải làm trước, hướng dẫn. Điều thuyết phục đồng bào nhất là hiệu quả công việc. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Điện Biên biết tiếng đồng bào dân tộc. Điều này là rất cần thiết với bộ đội khi thực hiện “ba cùng” với đồng bào. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao năm nào Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cũng mở các lớp dạy chữ, dạy tiếng đồng bào dân tộc cho bộ đội.
Kim Ngọc và Đức Minh