 |
Đoàn xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: vietnampictorial |
QĐND Online - Điện Biên là một tỉnh miền núi tây bắc Bắc Bộ, được tách ra từ tỉnh Lai Châu vào tháng 1-2004, bắc giáp Trung Quốc, Lai Châu, đông giáp Sơn La, tây và tây nam giáp Lào. Điện Biên còn có tên gọi bằng tiếng Thái là “Mường Thanh”, nghĩa là “Mường Trời”, một cái tên nghe thật huyền thoại.
Người Thái, mỗi khi kể chuyện khai thiên lập địa và nguồn gốc loài người, thường nói đến đất Mường Thanh như một nơi khởi tổ, phát sinh ra loài người. Còn theo các tài liệu lịch sử thì Mường Thanh là vùng đất của nước Văn Lang dưới thời Hùng Vương. Đến đời Lý, Mường Thanh nằm trong địa hạt châu Lam Tây. Đời Trần, Mường Thanh thuộc châu Ninh Viễn, lộ Đà Giang. Sang đời đầu Lê, Mường Thanh thuộc châu Phục Lễ, trấn Gia Hưng. Năm 1469, Mường Thanh thuộc phủ An Tây, đạo thừa tuyên Hưng Hoá. Năm 1775, chúa Trịnh đặt ra châu Ninh Biên thì Mường Thanh là thủ phủ của Ninh Biên. Mãi đến năm 1841, Ninh Biên mới được đổi tên thành Điện Biên. Thời ấy Điện Biên bao gồm cả Tuần Giáo và Lai Châu.
Cũng theo các tài liệu lịch sử, Mường Thanh đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử đầy biến động. Vào khoảng thế kỷ 11 và 12, chúa Lạng Chượng đem binh lên chiếm Mường Thanh và cai trị ở đó trong một thời gian dài. Thời Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh, nghĩa binh áo đỏ của Sa Khả Sâm tham gia chiến đấu, góp phần giải quê hương, đất nước, nên được Lê Lợi phong chức tước lớn, được làm chủ vùng đất phía trên của lộ Đà Giang (tức vùng Tây Bắc). Năm 1431, Lê Lợi lại mang quân ngược dòng sông Đà lên đánh đèo Cát Hãn, thu hồi lại Mường Lễ (bao gồm cả Mường Thanh).
Năm 1751, Hoàng Công Chất, một lãnh tụ khởi nghĩa vùng Nam Sơn (Thái Bình) đã liên kết cùng các thủ lĩnh địa phương là tướng Ngãi, tướng Khanh đánh tan quân giặc Phẻ ở thành Tam Vạn (Xam Mứn), giải phóng Mường Thanh và các vùng đất gần đó. Sau chiến thắng năm 1754, Hoàng Công Chất đã cho xây dựng thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, Điện Biên). Thành rộng 80 mẫu, trong thành chia làm hai khu, khu thành nội và khu thành ngoại. Khu thành ngoại có chỗ ở của quân sĩ, khu thành nội là chỗ ở của các tướng lĩnh. Sau khi Hoàng Công Chất mất, để ghi nhớ công lao của người anh hùng và tình đoàn kết của các dân tộc miền ngược với miền xuôi, nhân dân Mường Thanh đã lập đền thờ ông tại khu đất thành nội.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhưng mãi đến năm 1890 chúng mới đặt được ách thống trị ở Điện Biên. Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc Điện Biên đã liên tục nổi dậy đấu tranh, song cuối cùng các phong trào khởi nghĩa đều bị đàn áp và đi đến thất bại. Tiêu biểu là các phong trào đấu tranh của Lường Sám (1914-1916), của Pa Chay (1918-1922).
Năm 1952, Điện Biên được giải phóng trong chiến dịch Tây Bắc lần thứ nhất. Đến tháng 11-1953, thực dân Pháp lại nhảy dù xuống tái chiếm Điện Biên Phủ. Quân xâm lược Pháp, được sự giúp đỡ của Mỹ, đã dốc sức xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương và huyênh hoang tuyên bố là “pháo đài bất khả xâm phạm” và “một cối xay thịt” quân chủ lực Việt Minh.
Với quyết tâm đập tan âm mưu của địch, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận. Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị đầy đủ mọi mặt cho chiến dịch, ngày 13-3-1954, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định nổ phát súng đầu tiên tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu hết sức kiên cường và anh dũng, ngày 7-5-1954 chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Đây là một chiến thắng có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm của dân tộc và cũng là một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Điện Biên Phủ hoàn toàn được giải phóng, đồng bào các dân tộc được hưởng tự do. Hoà bình được lập lại trên miền Bắc nước ta.
Năm tháng trôi qua với biết bao sự biến động của xã hội trong các thời kỳ lịch sử, một vùng đất đã từng mang những tên gọi khác nhau, duy có cái tên Mường Thanh - Điện Biên vừa mang tính huyền thoại vừa mang tính lịch sử thì hầu như không thay đổi. Và cái tên tỉnh Điện Biên ngày nay còn có ý nghĩa là một vùng biên cương vững vàng của Tổ quốc. Cái tên ấy tuy được đặt ra từ thời phong kiến, nhưng nó đã chứa đựng cả sức nặng của một nguyện vọng từ bao đời nay của dân tộc ta, cộng thêm cả sự lẫy lừng của một chiến công oanh liệt làm “chấn động địa cầu”.
Ngày nay, với những điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, đất đai, tiềm năng khoáng sản và du lịch, Điện Biên đang cùng cả nước chuyển mình trong công cuộc đổi mới. Đồng bào các dân tộc Điên Biên dưới sự lãnh đạo của Đảng đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, rút ngắn dần khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước, để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đăng Vinh