Mỗi người dân đất Việt dường như ai cũng có mong ước được một lần đến Cao Bằng, mảnh đất đầu Tổ quốc. Nhưng có lẽ riêng với những người lính, mong ước ấy phải được nhân đôi vì Cao Bằng còn là nơi có khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời. Đặt chân lên mảnh đất cội nguồn của những người lính, tâm thức thôi thúc tôi đi tìm dấu người xưa...

Bác Hồ tới kiểm tra một đơn vị quân đội trong chiến dịch biên giới. Ảnh tư liệu

Phên giậu thứ tư

Mùa thu này, thị xã vùng biên như “bừng lên hội đuốc hoa” khi khắp các nẻo đường đều rực rỡ cờ hoa chào mừng 510 năm thành lập tỉnh (1499-2009). 510 năm rồi cơ à? Không ít người Cao Bằng cũng ngạc nhiên hỏi nhau vì sự kiện này. Thì từ trước tới giờ, đã bao giờ Cao Bằng kỷ niệm ngày thành lập tỉnh đâu? Sử sách từng ghi Cao Bằng là miền đất địa đầu Tổ quốc đã có từ rất lâu đời, gắn liền lịch sử từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước từ thời Văn Lang – Âu Lạc. Vậy thì ngày thành lập sao chỉ cách nay 510 năm?

“Cái khó bó cái khôn”, tỉnh nghèo nên phải lo chuyện làm ăn, phát triển kinh tế trước. Mãi mấy năm gần đây, vấn đề đi tìm ngày thành lập tỉnh mới được đặt ra. Sau nhiều hội thảo khoa học, nghiên cứu của các nhà sử học, chuyên gia đã xác định mốc thời gian, chọn năm 1499 là “chuẩn”. Chị Nông Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng giải thích trước nỗi băn khoăn của tôi về con số 510. Các nhà nghiên cứu xác định rằng: Dưới triều vua Lê Hiến Tông (1498- 1504), nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của miền đất Cao Bằng đối với việc bảo vệ lãnh thổ quốc  gia Đại Việt ở dải biên cương phía Bắc, năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), nhà Lê quyết định tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên đại, thành trấn Cao Bằng.

Nhìn rộng hơn dọc dài lịch sử, mới thấy sự kiện chia tách này mang tầm chiến lược. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta xưa nhập vào, tách ra một đơn vị hành chính như vậy. Nó xuất phát từ vị trí quan trọng của Cao Bằng. Ngày nay, nói đến những vùng đất biên cương, người ta thường dùng từ “phên giậu”, một hình ảnh hoán dụ và hơi mang dáng dấp văn học. Nhưng riêng với Cao Bằng, từ cách đây 6 thế kỷ, trong Dư địa chí viết năm 1435, Nguyễn Trãi với tầm nhìn của một nhà quân sự thao lược đã đánh giá Cao Bằng là một trong bốn phên giậu quan trọng của đất nước.  Sách viết: “Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ Định… Có 1 lộ phủ, 4 châu, 273 làng xã. Đấy là nơi phên giậu thứ  tư về phương Bắc vậy”. Cũng nhìn rộng dọc dài lịch sử, mới hiểu vì sao Cao Bằng trở thành ngọn nguồn cách mạng. Trong một công trình nghiên cứu gần đây, Thiếu tướng, PGS, TS Trịnh Vương Hồng (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) từng cho rằng: Việc chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, ngoài yếu tố “địa” còn có yếu tố “nhân” thuận lợi, tức Cao Bằng được cả đất và người cho một sự nghiệp lớn. Cuối năm 1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Bác nói: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta… Từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể thủ”.

Theo tài liệu của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng, có một nhân vật đặc biệt mà tôi muốn nhắc tới. Đó là Nùng Tồn Phúc. Ông vốn là tù trưởng, từng âm mưu xây dựng thành trì, lập quốc gia riêng. Sau triều đình dẹp loạn, bị bắt đưa về Thăng Long thì ông lại giác ngộ, trở thành một vị quan trấn biên thao lược, oai hùng. Cha con và cả… vợ ông đã nhiều lần lãnh đạo đồng bào các dân tộc đẩy lùi giặc ngoại xâm, thậm chí “tiên phát chế nhân” để bảo vệ bờ cõi… Từ ông, có thể nhìn thấy một Cao Bằng dũng cảm, dám đánh và biết đánh từ xa xưa, một Cao Bằng có bề dày truyền thống quân sự…

Từ khu rừng huyền thoại

Từ thị xã Cao Bằng, vượt qua quãng đường gần 60km là tới khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi 65 năm trước, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời. Đường nhựa êm ru nhưng đèo dốc trập trùng, uốn lượn nên phải mất tới hơn một giờ đồng hồ chạy ôtô mới tới nơi. Anh lái xe cho hay, có con đường nhựa này là nhờ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quân đội, đường được đầu tư xây dựng, chứ trước kia vào rừng chỉ là đường mòn, ôtô không đi nổi. Còn thời “34 chiến sĩ”, không hiểu các cụ vượt núi băng rừng thế nào để tìm ra nơi đắc địa này.

Đỉnh Slam Cao trong khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát để quyết định trận thắng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Bia lưu niệm Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại di tích lịch sử Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình – Cao Bằng). Ảnh: Văn Minh

Rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao (tiếng Tày nghĩa là núi ba ngọn), gọi là khu di tích nhưng thật sự là một khu rừng thanh vắng và thiêng liêng. Đường từ thị trấn Nguyên Bình vào rừng, dân cư thưa thớt, lâu lâu mới có một ngôi nhà thấp thoáng. Tôi là người khách duy nhất mặc quân phục đứng giữa khu rừng huyền thoại chiều thu vắng lặng bỗng nôn nao một cảm xúc tìm về cội nguồn. Bức phù điêu do Bộ Quốc phòng kính tặng, tái hiện cảnh 34 chiến sĩ tuyên thệ dưới tán cây rừng năm xưa trước mắt tôi như sống động với hình ảnh Đại tướng, những người lính áo vải, cầm súng, cầm dao, vai quàng ruột nghé đựng số gạo ít ỏi… 34 chiến sĩ huyền thoại năm ấy, giờ chỉ hai người còn sống, một cụ vào Lâm Đồng, một cụ ở Tuyên Quang nhưng những câu chuyện về họ thì còn lưu truyền mãi (chúng tôi sẽ giới thiệu cùng bạn đọc trong một dịp khác).

Tôi tha thẩn trong rừng, dưới những tán đại thụ rợp mát, vi vu, thầm thì như kể chuyện ngày xưa. Rừng vắng và ít khách thăm tới mức những bậc đá vào khu di tích phủ đầy rêu phong, thi thoảng lại gặp một cây cổ thụ đổ vắt ngang đường. Ghé vào hai chiếc lán mô hình tái hiện nơi ăn ở của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa,  tôi chợt rưng rưng xúc động khi thấy những chiếc phản tre chạy dài. Mới đây thôi, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần cũng vừa đăng bài kể chuyện ở một sư đoàn chủ lực, cách đây 19 năm, bộ đội phải ngủ trên những tấm phản kê dài trên hai chiếc cọc tre như thế. Vậy mà giờ đây, có điều kiện được tới nhiều đơn vị trong toàn quân, đâu đâu cũng thấy nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội khang trang, sạch đẹp. Tôi lại nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể câu chuyện dễ làm ta rơi nước mắt. Bữa cơm chiều liên hoan nhân ngày tuyên thệ là một bữa cơm nhạt không rau, không muối. Bát ăn cơm cũng không có, phải lấy lá rừng và đũa thì tự kiếm bằng… que trong rừng. Bưng “bát” lên không được, mọi người đành dùng “chiến thuật”… bốc. Ai có thể ngờ một đội quân thiếu thốn đến tột cùng như thế lại có thể phát triển dọc dài đất nước, thành những binh đoàn, những quân binh chủng lớn mạnh, làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu?

Năm ngoái, tôi có dịp vào công tác ở Cà Mau, “đất mũi” tận cùng phía Nam của Tổ quốc, lại được nghe thêm nhiều câu chuyện về đại tá, anh hùng Bông Văn Dĩa, một trong những người tiên phong tham gia mở con đường Hồ Chí Minh trên biển… Lịch sử quân đội ta là một dòng chảy không ngừng của những đoàn quân mang khí phách thiêng liêng của những anh hùng áo vải từ khu rừng Trần Hưng Đạo. Mỗi sự kiện lịch sử có thể mang đến cho chúng ta nhiều bài học nhưng với riêng tôi, đến “khu rừng thiêng” này, tôi lại suy ngẫm bài học về tầm nhìn cho tương lai. Ai dám bảo đội quân “lèo tèo” trong khu rừng heo hút này “làm nên chuyện”? Ai dám tin con đường Nam tiến để đưa ngọn lửa cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang từ địa đầu Cao Bằng tới mũi Cà Mau có thể thành công qua dằng dặc cách trở nguy nan hàng nghìn ki-lô-mét, hàng triệu khó khăn? Vậy mà, trong bức thư (đồng thời là chỉ thị) gửi cho Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được viết trên bao thuốc lá, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tiên đoán, vạch đường: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ nam chí bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”. Chỉ có một tầm nhìn chiến lược, một niềm tin sắt đá và những bước đi hợp lý mới có thể tạo ra một con đường đi đến thành công như vậy.

Tôi chợt nhận ra thêm một điều: Khu rừng  thiêng Trần Hưng Đạo không chỉ là cội nguồn của những người lính nói chung mà còn là “cội nguồn” của những người làm báo chiến sĩ, những người từng được Tổng bí thư gọi là “hai lần chiến sĩ”. Bởi lịch sử còn ghi, chỉ một tuần sau khi ra đời và đánh thắng hai trận đầu, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân dù ít người là thế, thiếu thốn là thế vẫn cho ra mắt một tờ báo mang tên Tiếng súng reo.  Không có máy chữ, lại thiếu cả giấy nên báo được làm từ đủ loại giấy học sinh, giấy bản, do các đội viên chữ đẹp viết rồi ghép lại. Báo có nhiều tin bài phong phú. Ngoài tường thuật về lễ thành lập Đội, tường thuật hai trận đầu chiến thắng, báo còn thông tin cả tình hình trong nước và thế giới. Đặc biệt, ngoài tiếng phổ thông, báo còn được dịch ra nhiều thứ tiếng dân tộc như Tày, Nùng, Dao, phát hành tới nhiều tổ chức quần chúng như: Thanh niên, phụ nữ, nông hội… Câu chuyện về Báo Tiếng súng reo thêm một lần để lại nhiều bài học quý  cho những người làm báo.

Qua hàng trăm bậc đá trải dài hơn 1km dốc uốn lượn, tôi bước lên đỉnh Slam Cao, nơi 65 năm trước, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã lên quan sát để đi đến quyết định táo bạo: Đánh đồn Phai Khắt, một trận đánh sáng tạo và giàu kịch tính, lập nên chiến thắng đầu tiên của quân đội ta theo đúng chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “trận đầu phải thắng để tạo thanh thế”. Từ đỉnh Slam Cao, nhìn sang nhiều vùng núi trập trùng khác, tôi lại nghĩ đến một sự kiện đáng tự hào khác của Cao Bằng và cũng là của quân đội ta. Trên đỉnh Đông Khê với độ cao gần 1.000 bậc, trong  chiến dịch Biên giới (1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngồi quan sát trận địa bên cạnh những cán bộ chỉ huy quân đội. Bài thơ chữ Hán Đăng sơn (Lên núi) của Người, với câu đầu “Chống gậy lên non xem trận địa” đã được viết trong dịp này. Tôi lại nhớ đến lời chị Nông Thị Thanh Tâm nói hôm trước, tự hào: “Cả cuộc đời  vì nước vì dân, Bác Hồ luôn sát sao với mọi việc, mọi người. Trong lịch sử, có lẽ hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào ở độ tuổi 60, chống gậy lên non, ra trận chỉ huy và làm nên chiến thắng…”.  “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” không chỉ là lời một bài hát, mà là hiện thực về Bác Hồ, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân…

Ghi chép của NGUYỄN VĂN MINH