QĐND - ""Rắn như thép, vững như đồng, trong như gương"" là những phẩm chất truyền thống quý báu của bộ đội Lữ đoàn 144 (Bộ Tổng tham mưu). Chúng tôi đã tìm hiểu những ""bí quyết"" trong công tác giáo dục, rèn luyện các phẩm chất ấy cho bộ đội ở Lữ đoàn 144.
Phương pháp giáo dục càng giản dị, càng hiệu quả
""Là một đơn vị cận vệ, trực tiếp làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ ở vị trí trọng yếu nên chúng tôi được cấp trên quan tâm công tác giáo dục, đó là điều kiện quan trọng để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ"" - Đại tá Nguyễn Đăng Dự, Chính ủy Lữ đoàn 144 bộc bạch như vậy. Theo anh Dự, giáo dục chính trị cần thường xuyên đổi mới, áp dụng những phương thức tiên tiến, hiện đại, nhưng phải rất giản dị, sát đặc điểm từng chiến sĩ thì mới thu được hiệu quả cao. Ở Lữ đoàn 144, khi mới vào đơn vị, chiến sĩ được ưu tiên hàng đầu về giáo dục chính trị, làm cho mỗi người hiểu sâu sắc truyền thống đơn vị, tự xác định trách nhiệm của bản thân trong học tập, phấn đấu trở thành người chiến sĩ cận vệ mẫu mực.
Giới thiệu với chúng tôi về bài giảng ""Rèn luyện để trở thành người chiến sĩ cảnh vệ mẫu mực"", Trung tá Đinh Trung Kiên, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn cho biết: ""Đây là công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ đúc kết suốt 62 năm qua. Chúng tôi quan niệm, phương châm giáo dục chính trị phải được cụ thể hóa bằng việc đầu tư thời gian giảng dạy chính khóa cũng như ngoại khóa. Việc giáo dục ngoại khóa được tiến hành đồng loạt, cả trong giờ nghỉ, ngày nghỉ cũng như trong các hoạt động huấn luyện, SSCĐ của bộ đội. Qua mỗi hoạt động, bộ đội hiểu rõ mình phải thể hiện sự mẫu mực về điều lệnh, chấp hành nghiêm kỷ luật, tinh thông nghiệp vụ, giỏi kỹ chiến thuật và võ thuật; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ 24/24 giờ trong ngày"".
 |
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm, động viên Lữ đoàn 144. Ảnh: Minh Trường
|
""Phương pháp giản dị"" được quán triệt sâu sắc đến đội ngũ cán bộ trực tiếp lên lớp, giảng bài cho bộ đội. Thượng úy Vũ Văn Thắng, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 tâm sự: ""Khi kết hợp giữa triển khai nhiệm vụ quân sự với giáo dục truyền thống, tôi không ""đao to, búa lớn"" mà thường lấy các ví dụ rất đơn giản. Vừa qua, khi giao nhiệm vụ cho chiến sĩ đi làm nhiệm vụ bảo vệ tại Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi chỉ dành ít phút để kể chuyện về công lao, tấm gương đạo đức của Đại tướng. Anh em chiến sĩ ai cũng cảm động, đồng chí nào cũng xung phong trực đêm, nhận việc khó về mình"".
""Dùng hành động của chính mình để giáo dục"" cũng là một trong những phương pháp được đội ngũ cán bộ Lữ đoàn 144 xem là ""phương pháp giản dị"". Đại tá Nguyễn Đăng Dự cho rằng, giản dị, dễ gần bộ đội là con đường ngắn nhất để truyền thụ, cảm hóa, thuyết phục bộ đội.
Rèn công phu để… ít phải dùng đến
Binh nhất Đoàn Văn Lợi (Đại đội 2, Tiểu đoàn 1) đứng gác, nhặt được gói tiền có giá trị lớn bên đường đã trả lại người mất. Quân nhân Dương Văn Lương (Đại đội 20) đã mưu trí khống chế và tóm gọn tên cướp… Những tấm gương trên của chiến sĩ Lữ đoàn 144 xuất hiện rất nhiều, hàng chục lượt trong vòng hai năm qua. Vì sao bộ đội 144 lại có khả năng xử lý nhanh gọn, chính xác các tình huống như vậy? Đại tá Nguyễn Ngọc Quế, Lữ đoàn trưởng cho rằng, điều đó là nhờ công tác huấn luyện của đơn vị đã được tiến hành bài bản, công phu.
Lấy ví dụ như việc huấn luyện điều lệnh đội ngũ, anh Quế cho biết: Mỗi ca gác của chiến sĩ cảnh vệ khoảng hai tiếng, nhưng đơn vị tập cho bộ đội có thể đứng nghiêm trong cả 2 tiếng. Việc rèn luyện công phu đã tạo ra bản lĩnh, tinh thần sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Trung úy Ngô Quốc Đoàn, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 11, Tiểu đoàn 4 bày tỏ: ""Huấn luyện SSCĐ ở đơn vị vừa đáp ứng các yêu cầu chung của một đơn vị quân đội, vừa phải đáp ứng các tiêu chí riêng của một đơn vị cảnh vệ. Những nội dung như nghiệp vụ canh gác, bảo vệ mục tiêu; công tác chuyên trách bảo vệ nơi ở và làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những vị trí cơ mật của sở chỉ huy… phải được tính toán, lên mọi tình huống và huấn luyện bộ đội thông thạo"".
Xem giáo án huấn luyện của Ngô Quốc Đoàn, chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi mỗi nội dung đề mục huấn luyện đều có sự thống kê, phân tích một cách hệ thống tất cả những tình huống mà bộ đội có thể gặp. Từ cách xưng hô, chào hỏi cho đến những tình huống phức tạp như việc người dân nhờ chuyển thư, quà cho lãnh đạo; thanh niên bên ngoài xô xát ngay cạnh mục tiêu hay những tình huống cướp giật, vi phạm pháp luật… ""Kho tình huống"" này được xây dựng là nhờ quá trình bền bỉ tích lũy của đội ngũ cán bộ qua nhiều năm, cùng với việc tham khảo các đơn vị làm nhiệm vụ tương tự trong và ngoài quân đội.
""Bộ đội là rèn càng công phu thì càng ít phải dùng đến. Như luyện tập võ thuật, đơn vị có chương trình huấn luyện thêm về võ chiến đấu, võ nâng cao và một số môn phái võ thuật nổi tiếng của thế giới. Càng giỏi võ thì khi xử lý tình huống, anh em càng ít phải dùng, có khi rất nhẹ nhàng đã khống chế được đối tượng. Đó cũng là sự chủ động đối phó để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các mục tiêu canh gác"" - anh Quế khẳng định.
HỒNG HẢI