 |
Đường Trường Sơn năm xưa. Ảnh tư liệu |
Cuộc tiến công xâm lăng Cam-pu-chia của Mỹ-ngụy chẳng những không xóa được “
vùng đất thánh” Việt cộng, mà còn mất luôn cái chính thể Lon ton tay sai. Các chính khách phương Tây nhận xét: “
Kết cục bi thảm này vẫn bắt nguồn từ con đường mòn ấy”. Tổng thống Ních-xơn uất ức vì chính con đường ấy đe dọa sự tiêu vong cái học thuyết “
Việt Nam hóa chiến tranh”. Sau khi tái đắc cử vào Nhà Trắng, ông ta liền bật đèn xanh mở lại chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, thực hiện chiến dịch “cắt cổ” con đường mòn thâm nhập.
Quân ủy Trung ương chỉ đạo Bộ tư lệnh Trường Sơn, Quân khu IV với Quân chủng Phòng không phải hiệp đồng đập tan thủ đoạn này. Đẩy mạnh chi viện lớn các chiến trường, kịp thời bảo đảm cho quân Giải phóng tiến công liên tục, rộng khắp. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị.
Sư đoàn 472 đứng khu vực Đường 9, được Bộ tư lệnh tăng cường hai trung đoàn cao xạ thiện chiến, tổ chức hiệp đồng công - pháo - xe tiến công lưới lửa phong tỏa của địch. Qua một tuần chiến đấu, mở đường vòng tránh nhưng không vượt qua nổi Đường 9, cuộc họp “chống phong tỏa” được tiến hành ngay tại trận địa, Cục trưởng Cục Cao xạ Vũ Thành đến dự. Tham mưu trưởng sư đoàn báo cáo: “Mười ngày qua, B52 đều từ hướng Tây Nam kéo đến tọa độ 16,1 vĩ độ bắc - 106,1 độ kinh đông dồn dập trút bom, lớp này tiếp lớp khác, đợt sau chồng lên đợt trước. Xen kẽ các trận B52, hơn chục máy bay phản lực lao đến đánh bổ sung dọc nam và bắc đường số 9... Pháo của ta đánh quyết liệt, hy sinh hơn mười đồng chí, hạ được 3 máy bay nhưng vẫn không gỡ nổi trọng điểm...”. Thúc Yêm, Trưởng phòng Công binh bổ sung: “Chúng tôi đã mở hai đường kín vòng tránh xa điểm địch đánh, nhưng vẫn bị các trận bom “rải thảm” phá tan hoang. Nếu không trị được con quỷ ấy thì chẳng con đường nào thay nổi “cuống họng” này.
Cục trưởng Vũ Thành gật gật: “Phải bẻ gẫy cổ nó”. Tin kỹ thuật của Bộ vừa thông báo: Bộ tư lệnh Không quân Mỹ ra lệnh cho các căn cứ, phải gia tăng phát hiện tên lửa SAM... Do ta đánh bại thủ đoạn trinh sát và thủ đoạn tia la-de của địch, nên Quân chủng Phòng không đưa được tên lửa lên Trường Sơn. Cục trưởng Vũ Thành giới thiệu: “Đồng chí Trung đoàn trưởng tên lửa sẽ trình bày kế hoạch diệt pháo đài bay Mỹ”. Trung đoàn trưởng tên lửa đứng dậy nói ngắn gọn phương án tác chiến phối hợp tên lửa với pháo cao xạ của sư đoàn. Anh đề xuất những điều kiện bảo đảm cho tên lửa cơ động trên địa hình Trường Sơn. Vì xe TZEM quá dài, cần có bán kính đường vòng 20 mét trở lên mới kéo được tên lửa vào trận địa. Phải bảo mật sao cho địch không nghi ngờ, phát hiện khi ta chưa phóng đạn, cần phải nắm được quy luật hoạt động hằng ngày của chúng...
Sau cuộc hội nghị hiệp đồng, Sư đoàn 472 tiến hành ngay các biện pháp bảo đảm tên lửa tiếp cận trận địa nhanh gọn, ngụy trang khu vực rất khôn khéo. Điều hai tiểu đoàn truy lùng gián điệp trên các dải núi Nam, Bắc Đường 9 và dọc hành lang chiến lược. Tiểu đoàn thông tin đặt vọng quan sát trên các đỉnh núi thành mạng lưới nắm địch trên vùng trời Tây Nam Lào. Có máy vô tuyến điện thoại tiếp sức bổ trợ mạng thông tin tải ba, tăng hiệu quả thông báo phi cơ địch cách vài trăm ki-lô-mét... Ba ngày, cả khối lượng chuẩn bị đồ sộ đã hoàn tất, bảo đảm tuyệt mật đến trước giờ khai hỏa... Tuy nhiên, làm sao cho các xạ thủ tên lửa giữ kín khi bắt mục tiêu chính xác, thì phải bàn. Vì không phát sóng ra-đa, rất khó phân biệt loại “F” hay “B” từ xa, mà hễ phát sóng thì bị “con mắt điện tử” của máy bay DB66 phát hiện ngay… Qua một hồi thảo luận, Trung đoàn trưởng tên lửa đề xuất: “Nếu những trạm quan sát xa của sư đoàn thông báo trực tiếp được với đài chỉ huy tên lửa, ta sẽ kịp nắm địch mà không bị lộ. Cao xạ có khí tài của sư đoàn tiếp tục đánh để thu hút và làm rối loạn phán đoán của địch, tạo tình huống bất ngờ cho tên lửa... Sư đoàn trưởng 472 chấp nhận.
Đầu tháng 12-1972, bầu trời Nam Lào trong xanh, nắng lóa trên nóc rừng. Các trạm quan sát địch trên đỉnh Phu Ca Tè, đỉnh Cô-po cùng báo: “Có tiếng rù rù nặng chịch ở hướng Tây Nam”. Khoảng 8 giờ 25 phút, trạm Phu Can báo: “Chín F4 bay qua dãy Phu Khốp, tạt sang Phu Thuổng đến Hát Hài...”. Máy phát sóng ra-đa tên lửa vẫn ắng lặng, các trạm quan sát thông báo liên tục.
Đài “F” vượt qua Phu Thuổng, tách làm hai tốp. Một vòng lên thượng nguồn Xê Săng-soi phía tây Mường Phìn, một tốp vòng xuống phía biển, đột nhiên ngoắt lại, vọt qua đỉnh Voi Mẹp lao xuống dọc Đường 9. Pháo cao xạ ta bắn như phun lửa. Chúng bật lên cao, loang loáng lách qua, đảo lại hung hăng nhưng không đánh trả. Ta biết chúng giở thủ thuật để phát hiện SAM. “T25 báo cáo! Tiếng rù rù hướng Tây Nam to dần”. “T26 báo cáo! Ống nhòm nhìn rõ hai máy bay rất to, dài, cao ngất ngưởng như tòa nhà”. Sĩ quan điều khiển tên lửa biết ngay đó là EB66-B, loại máy bay chuyên gây nhiễu ngụy trang. Loại này đi thì phía sau nhất định có B52. Nó được trang bị khí tài phát nhiễu công suất lớn tới cường độ 3. Ở chiến trường Lào, chúng coi khinh các loại cao xạ, nhưng với tên lửa thì EB66 chỉ là tấm bia khổng lồ.
Mạng thông tin tải ba từ các trạm quan sát vùng trời liên tục báo trực tiếp về đài chỉ huy tên lửa và sư đoàn. Đường bay của các tốp phản lực, của EB66 được phản ánh lên các tiêu đồ. Đàn máy bay giặc từ hướng Tây Nam tiến đến vùng trời Sa-ra-van Mường Phìn, lượn 3 vòng hình ê-líp… Dưới đất không phát hiện dấu hiệu khả nghi có SAM… Hai “con chồn hoang” mở rộng vòng lượn như chờ đón “con quỷ tàn bạo” đi tới. “T25 báo cáo! Tây -Tây Nam nhiều tiếng rù rù nặng chịch”. Các sĩ quan điều khiển căng mắt căng tai theo dõi đường bay địch trên tấm mica trong suốt. “T25 báo cáo! Tây Nam xuất hiện nhiều chấm đen!”. “Đúng nó!”- Trung đoàn trưởng vẫy tay: Máy phát sóng chờ lệnh. “T26 báo cáo! Tây Nam 35 độ, bốn chấm đen to một xăng-ti-mét”.
Chỉ huy trưởng nhẩm tính thời gian, hạ lệnh phát sóng kiểm tra. Nhờ các trạm quan sát định hướng chính xác, ra-đa bắt nhanh cả tốp mục tiêu nổi rõ trên màn hiện hình. “Đúng B52 không?”. Sĩ quan ra-đa căng mắt. Giây phút quyết định thắng bại, đài 1 khẳng định có, lập tức đài 2 phát sóng. Ta địch đều rõ nhau… Trắc thủ quả quyết: “Đúng nó”. “EB66 có không?”. “Nó bay thứ tư, bên trái”.
Trên màn hiện sóng trắng bạc một dải nhiễu. Người trắc thủ kỳ cựu điều chỉnh tách mục tiêu, những tín hiệu chuyển động như bầy nhặng, nổi rõ bốn tín hiệu to đậm-đó là 3 chiếc B52 và một EB66 gây nhiễu tích cực yểm trợ. Trung đoàn trưởng nín thở chờ cho cả tốp bay vào đúng tầm, bật tiếng đanh gọn: “Phóng!”. Hai quả tên lửa lao vút. Có lẽ kẻ địch sững sờ trước tín hiệu nguy hiểm, những trái đạn không bị vô hiệu hóa. Những trái cầu lửa bùng đỏ rực trời giữa “bầy nhặng”. Vô vàn tiếng nổ chát chúa khắp dải núi. Tiếng hò reo vang lừng; “Cháy rồi…cháy rồ… ôi…”. “Tên lửa muôn năm”.
Bọn giặc trời tán loạn. Hai pháo đài bay còn lại thoát chết vội vã trút bom bừa bãi rồi quay đầu về hướng xuất phát. Những chiếc “F” hộ tống vội tản đi các hướng. Một tốp bay ngang Đường 9 liền bị các trận địa cao xạ ta giăng lưới lửa. Hai phản lực bốc cháy, giặc lái không kịp nhảy dù.
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp biểu dương trận đánh tiêu diệt có giá trị quyết định làm thất bại một thủ đoạn chiến lược phong tỏa của giặc Mỹ. Đại tướng kêu gọi Bộ đội Trường Sơn cần khẩn trương hơn nữa bảo đảm quân vào khỏe, đủ sức chiến đấu ngay được. Vũ khí hỏa lực mạnh đến nhanh kịp phát huy hiệu suất cao… Đấy là mục tiêu trọng yếu nhất của tuyến chi viện Trường Sơn trong giai đoạn này.
NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG