QĐND - Trước tới nay, mỗi ngày Báo QĐND Cuối tuần vẫn nhận được khá nhiều thơ của các nhà thơ và những người yêu thơ từ khắp mọi miền đất nước. Nhưng chưa bao giờ như trong gần 2 tháng vừa qua, báo nhận được nhiều thơ đến thế! Đó là những tiếng lòng của hàng triệu đồng bào, đồng chí tiếc thương, kính phục và ngợi ca Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng lỗi lạc, một nhân cách vĩ đại, một tấm gương cộng sản mẫu mực-người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Thật khó khăn cho Người biên tập khi chọn đăng thơ về Đại tướng, bởi tuy chất lượng nghệ thuật có khác nhau, nhưng bài nào cũng ngập tràn cảm xúc, dào dạt Thơ Dâng. Vì vậy, ngoài những bài đã được giới thiệu trên những số báo gần đây, số báo kỳ này xin trích giới thiệu một số tác phẩm và tác giả tạm gọi là… “đặc biệt”.

Ông Lương Văn Tự (điện thoại: 09122.93688) nguyên là Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), là một nhà kinh tế và ngoại giao nổi tiếng, từng nhiều lần xuất hiện trên Báo QĐND với những bài báo sắc sảo và thuyết phục. Có lẽ đây là lần đầu tiên ông gửi thơ cho Báo QĐND Cuối tuần, với những vần lục bát khá nhuyễn và ý tứ thật sâu xa:

Ra đi duyên nợ vẫn còn

Trấn Nam, trấn Bắc, vẫn còn miền Trung

Nằm trên đỉnh núi ung dung

Vẫn lo trấn giữ non sông muôn đời!

Có một tác giả đã thốt lên: Là người lính tôi sẵn sàng chết thay cho Người/ Để Người sống mãi Đại tướng ơi! Đó là câu thơ của tác giả Nguyễn Đình Cởi, CCB Hải quân thời chống Mỹ cứu nước; hiện sống tại Khối 2, phường Trường Thi, TP Vinh-Nghệ An (điện thoại: 01263.121.327). Kết thúc bài thơ dài mở đầu bằng 2 câu thơ “quả quyết” trên đây, tác giả Nguyễn Đình Cởi viết:

Tôi không dám làm thơ ca ngợi Người

Vì Người vĩ đại quá, Người ơi!

Cho tôi làm một hạt cát nhỏ

Trong bãi cát vàng sóng đưa nôi…

Hẳn là tác giả muốn nhắc đến bãi cát vàng êm dịu ở Vũng Chùa-Đảo Yến, nơi Đại tướng đã chọn để an giấc ngàn thu? Cũng với mạch liên tưởng ấy, tác giả Hoàng Chung Thủy (Thầy thuốc Ưu tú, Đại tá quân y viện Binh đoàn Hương Giang đã nghỉ hưu) viết:

Ngôi sao lặn nhưng hào quang rạng mãi

Non nước tiễn Anh về chốn vĩnh hằng

Chốn Bác Hồ lồng lộng giữa cao xanh…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân và toàn dân trìu mến gọi là Anh Văn. Và trong nỗi tiếc thương vô hạn, tác giả Nguyễn Thượng Hiền (ở chi hội 4, Hội CCB phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân-Hà Nội) đã xưng “em” thật tự nhiên và cảm động:

Hôm nay tiễn Anh, sầu khôn kể

Dòng lệ tuôn trào thấu biển khơi

Tiếc thương, em gọi trong sâu thẳm

Chẳng thấy Anh về, Anh Cả ơi!

Tác giả Nguyễn Khắc Phúc, CCB ở ngõ 195 Minh Khai-Hà Nội (ĐT: 043. 862 6752) có bài thơ chỉ 7 câu lục bát nhưng được đóng bìa cứng cẩn thận: Nghe tin Anh Cả mất rồi/ Vô cùng thương tiếc một đời “Đại Nhân”/ Nghe tin Anh Cả từ trần/ Trẻ, già ngơ ngác bần thần tiếc thương… Lời thơ mộc mạc, nôm na bình dân không có gì đặc biệt xuất sắc, nhưng điều thú vị là bài thơ được chính tác giả tự dịch sang tiếng Pháp và trình bày song ngữ, với nhã ý “để cho khách quốc tế cùng thưởng thức”: En entendant les nouvelles, il est parti!/Extrêmement pleurer une vie de “peuple”/ En entendant les nouvelles, il est décédé!/ Les enfants et les âgés sont perplexes et chagrins…

Tác giả Phạm Thị Tam ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh-Quảng Bình cũng có bài thơ “Kính dâng hương hồn Đại tướng” độc đáo không kém:

An hưởng thái bình đất nước ta

Xá người dưỡng dục vận thời xa

Lệ dâng bình địa, đất sinh lửa

Thủy đọng thanh thiên, trời nở hoa!

Sinh mệnh uyên thâm đan dũng trí

Thành danh cao khiết kết tài ba

Danh thơm lừng lẫy đàn nhân thế

Tướng giỏi lưu truyền khúc tráng ca!

Đây là một bài Đường thi rất đúng niêm luật, với nhiều từ Hán Việt được sử dụng khá hợp lý và đắc dụng. Một người phụ nữ thời nay mà làm được bài thơ thể Đường luật “cổ thi” như vậy thật đáng nể! Nhưng bài thơ còn độc đáo ở chỗ: Nếu ta ghép riêng lần lượt tất cả 8 chữ đầu của 8 câu thơ trên đây, sẽ được một câu văn rất ý nghĩa, đó là: “An Xá Lệ Thủy Sinh Thành Danh Tướng” (làng An Xá của huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) là nơi đã sinh thành danh tướng Võ Nguyên Giáp). Thật bất ngờ và thú vị!

Một người phụ nữ khác, doanh nhân Vũ Thị Minh Nguyệt quê ở xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương-Thái Bình lại chọn thể thơ tự do để diễn tả niềm tôn kính và nỗi tiếc thương vô hạn của mình trước Quốc tang Đại tướng. Xin kết thúc bài “điểm thơ” kỳ này bằng bài thơ xúc động của chị:

Quảng Bình ơi, đâu chỉ là bão lũ

Tin sét ngang trời Người đã ra đi....

Nỗi đau này hơn ngàn lần bão quét

Xin kính cẩn vĩnh biệt Người - Đại tướng của lòng dân!

Hà Nội hôm nay xám xịt một màu tang

Trăm triệu người Việt Nam đang khóc

Quá đau đớn để nói lời vĩnh biệt

Vị Tướng toàn tài, đức độ một ông Tiên

Ngủ ngon Người ơi trong cõi Người Hiền

Cả dân tộc đồng lòng ru giấc

Thêm một lần cả nước nhòa trong nước mắt

Giây phút bàng hoàng Người lặng lẽ ra đi.

Vẫn biết rằng sinh tử biệt ly

Hình bóng Người đã bao trùm sông núi

Tài đức của Người đã lừng danh thế giới

Trái tim Người đập từng phút vì dân.

Khí phách uy nghi, Tài-Đức rạng ngời

Hồn sen Việt rước Người về Tiên cảnh

Mấp máy môi con gọi Người - vị Thánh

Linh hồn người thành hào khí non sông!

NGƯỜI BIÊN TẬP