QĐND - Vào cuối buổi sáng ngày 19-5-2005, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, Quốc hội khóa XI, đang họp kỳ họp thứ bảy. Lúc đó tôi là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Văn phòng Quốc hội), được phân công trực thường xuyên tại phòng Đoàn Chủ tịch kỳ họp. Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, từ Hội trường Ba Đình bước ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An với vẻ mặt nghiêm nghị: "Tiến mời ngay các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và chị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng vào hội ý gấp". Chưa đầy 5 phút sau, các đồng chí được mời đã có mặt đầy đủ tại phòng Đoàn Chủ tịch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An mở đầu:

- Tôi vừa nhận được thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị chưa thông qua Luật Giáo dục, vì theo Đại tướng một số nội dung cơ bản của Luật như mục tiêu giáo dục, nguyên lý giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa, hệ thống giáo dục quốc dân, trách nhiệm nhà giáo v.v.. chưa được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật. Theo chương trình thì ngày mai Quốc hội sẽ thông qua Luật Giáo dục, đề nghị các đồng chí cho ý kiến. Trước hết mời anh Nguyễn Văn Yểu, Phó chủ tịch Quốc hội phụ trách xây dựng pháp luật và chị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì thẩm tra cho ý kiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ ngày 19-5-2005. (Tác giả của bài viết ngồi ngoài cùng bên phải). Ảnh: Tư liệu của Quốc hội

 

Cả anh Nguyễn Văn Yểu và chị Tâm Đan đều báo cáo là mấy ngày hôm nay, Ủy ban thẩm tra và Ban soạn thảo ngồi với nhau rà soát lại từng chương, từng điều, chỉnh lý bổ sung nhiều nội dung mới vào các vấn đề mà Đại tướng quan tâm. Bản Dự thảo lần cuối trình Quốc hội thông qua đang in, đầu giờ chiều mới có.
Nghe xong, Chủ tịch Nguyễn Văn An nói:

- Đại tướng đã có ý kiến và đây chính là sự quan tâm của Đại tướng đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tôi đề nghị chiều nay, anh Nguyễn Văn Yểu, anh Phạm Gia Khiêm, chị Tâm Đan sang nhà Đại tướng, mang theo cả bản Dự thảo Luật Giáo dục mới nhất đã bổ sung, chỉnh lý để báo cáo anh Văn.

Quay sang tôi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An giao nhiệm vụ:

- Tiến liên hệ ngay với Văn phòng của Đại tướng, sắp xếp thời gian để đại diện Quốc hội và Chính phủ sang báo cáo Đại tướng.

Cuộc hội ý vừa kết thúc, tôi đi bộ từ Hội trường Ba Đình sang nhà riêng của Đại tướng. Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý của Đại tướng tiếp tôi thân tình:

- Kịp thời quá! Đại tướng vừa hỏi tôi xem thư của Đại tướng gửi Chủ tịch Quốc hội đã có hồi âm chưa? Anh ngồi uống nước chờ một lát, tôi vào báo cáo Đại tướng ngay.

Ít phút sau, anh Huyên đi ra phòng khách hồ hởi nói với tôi:

- Đại tướng đồng ý, 3 giờ chiều mời các anh, chị đến!

Trước khi chia tay, anh Huyên còn dặn tôi: “Anh Văn không được khỏe, mấy hôm nay không tiếp khách, nhưng vì anh Văn rất quan tâm đến Luật Giáo dục nên nhận lời tiếp ngay. Nhưng đề nghị các đồng chí làm việc ngắn gọn, thời gian không quá một tiếng”.

Đây là dịp may không dễ có trong đời, được Đại tướng tiếp tại nhà riêng. Vốn là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi ý thức được khoảnh khắc lịch sử: Cả lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ sang báo cáo Đại tướng ngay trước ngày thông qua Luật Giáo dục-một văn bản pháp luật trực tiếp liên quan đến quốc sách hàng đầu, đến việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài… và lại vào dịp tuổi thọ 95 của vị Đại tướng lừng lẫy năm châu.

Trưa hôm đó, tôi điện cho anh Đỗ Khắc Tái, Phó giám đốc Trung tâm thông tin, đề nghị cho một đồng chí nhiếp ảnh đi cùng để lưu lại hình ảnh quý hiếm này. Đúng giờ, chúng tôi có mặt, Đại tướng thân mật bắt tay từng người. Để tranh thủ thời gian, anh Nguyễn Văn Yểu, anh Phạm Gia Khiêm và chị Tâm Đan lần lượt báo cáo quy trình xây dựng Luật Giáo dục lần này, đặc biệt là những nội dung của Luật mà Đại tướng quan tâm đã được Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung vào Dự thảo Luật, các đồng chí thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã trực tiếp cho ý kiến nhiều lần. Chị Tâm Đan còn báo cáo kỹ những chương, điều được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung. Đại tướng chăm chú nghe, gương mặt ông vui dần lên, hơn lúc ban đầu. Tôi nhìn trên tường phòng khách treo bức ảnh Bác Hồ ở chiến khu mộc mạc, giản dị. Dường như Bác đang dõi theo buổi làm việc quan trọng này.

Trong buổi làm việc, Đại tướng nhắc đi nhắc lại đến ba lần việc phải chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” mà sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm. Đại tướng hướng về phía chị Tâm Đan:

- Trong Luật phải xác định thật rõ mục tiêu giáo dục, nguyên lý giáo dục để từ đó xây dựng chương trình, lựa chọn phương pháp giảng dạy khoa học, hình thành các bộ sách giáo khoa mẫu mực, ổn định… Và điều quan trọng nhất là phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Đây là khâu quyết định đến chất lượng giáo dục. Các đồng chí đã tiếp thu, chỉnh lý như thế thì tôi yên tâm.

Một tiếng đồng hồ trôi thật chóng vánh, Đại tá Nguyễn Huyên liếc nhìn đồng hồ như ngầm nhắc chúng tôi về thời gian. Hiểu ý, anh Nguyễn Văn Yểu thay mặt đoàn cảm ơn và xin chúc Đại tướng luôn mạnh khỏe, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho sự phát triển đất nước nói chung và cho sự nghiệp giáo dục nói riêng.

Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội