“Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là một trong những vị tướng huyền thoại của thế kỉ 20 được cả thế giới ngưỡng mộ”, nhà sử học Na Uy, Tiến sĩ Xtên Tôn-nét-xơn (Stein Tonnesson) đã nhấn mạnh như vậy trong buổi trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 11 vừa qua của Tiến sĩ Tôn-nét-xơn có ý nghĩa quan trọng bởi đây là lần đầu tiên ông giới thiệu cuốn sách “Việt Nam năm 1946: Chiến tranh đã bắt đầu như thế nào?”. Trong cuốn sách này, nhà sử học đã ghi lại những cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông đã thực hiện trước đây. Khi được hỏi về người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Tôn-nét-xơn như vui hẳn lên. Kỉ niệm trong những lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây gần hai mươi năm tái hiện trong ông mồn một như thể nó vừa mới diễn ra hôm nào.

“Tôi đã gặp Tướng Giáp vài lần và ông đã để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm”, ông Tôn-nét-xơn bồi hồi nhớ lại. “Lần đầu tiên tôi được gặp trực diện với ông trong một buổi gặp mặt của các cựu chiến binh tại Bảo tàng Cách mạng. Tôi ngồi sát cạnh ông. Tôi rất ngạc nhiên vì Tướng Giáp cùng nhiều cán bộ quân sự cấp cao kiên nhẫn ngồi nghe những cựu binh bị di chứng chiến tranh đọc thơ do chính họ sáng tác, dù thơ đó chưa hẳn đúng vần, đúng điệu. Đó chính là sự kính trọng và yêu thương của một vị tướng với đồng đội”.

Tiến sĩ Tôn-nét-xơn (bên trái) và Đại sứ Na Uy tại Việt Nam trong buổi giới thiệu sách "Việt Nam năm 1946: Chiến tranh đã bắt đầu như thế nào?".

Phong cách điềm tĩnh, sự đối đáp gọn ghẽ, chuẩn xác và sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra tại Nhà khách Chính phủ Việt Nam năm 1992 không chỉ khiến Tiến sĩ Tôn-nét-xơn mà cả những người có mặt tại Nhà khách ngưỡng mộ. Ông Tôn-nét-xơn kể: Năm đó, tôi may mắn được tham dự vào cuộc gặp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra. Đó không phải là cuộc họp riêng mà là cuộc gặp với sự có mặt của đông đảo báo chí. Tôi phải chen sát vào gần tường mới có thể nhìn lên bàn chủ toạ. Ông Mắc Na-ma-ra là người đến trước. Ông ta có thân hình cao to, lực lưỡng và có thái độ áp đặt người khác. Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới, Mắc Na-ma-ra đã thừa nhận những sai lầm trong chính sách của Mỹ khi tiến hành chiến tranh ở Việt Nam và ý của ông ta là muốn thuyết phục Tướng Giáp phải thừa nhận Việt Nam cũng có những sai lầm của mình. Một lúc sau, Tướng Giáp mới đến. Ông bước vào căn phòng một cách điềm tĩnh và ngồi vào chỗ của mình. Mắc Na-ma-ra đến thẳng chỗ Tướng Giáp và nói: “Tôi đã chờ đợi cuộc gặp này từ lâu rồi. Tôi muốn phía ông cũng phải thừa nhận những sai lầm trong chính sách của mình”.

Khi nhận câu hỏi trên của ông Mắc Na-ma-ra, Tướng Giáp đứng lên  nói với giọng đanh chắc: “Đây là cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã tiến hành để xâm lược nước chúng tôi. Chúng tôi phải đứng lên để bảo vệ hòa bình cho đất nước mình. Như vậy, chẳng có gì là sai lầm của chúng tôi cả. Có sai lầm chỉ ở trong chính sách của các ông mà thôi”. Thế rồi, cứ mỗi lần Mắc Na-ma-ra đứng lên định ngắt lời hoặc hỏi, Tướng Giáp cứ phớt lờ đi. Chính vì vậy, một con người cao lớn như Mắc Na-ma-ra đã bị Tướng Giáp khuất phục...

Tiến sĩ Tôn-nét-xơn còn có cơ hội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa vào năm 2005, khi đó tuổi của ông cũng đã cao. Chính vì vậy, không còn có những tranh luận như năm 1992 hay bài diễn thuyết hùng hồn và kéo dài như ông đã làm trong cuộc gặp với Mắc Na-ma-ra. Tuy nhiên, qua cuộc gặp này nhà sử học Tôn-nét-xơn đã phát hiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đặc biệt yêu hòa bình. Trong buổi trò chuyện, Đại tướng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và sự cần thiết phải duy trì hòa bình cho Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. “Đó là điều mà tôi rất kính trọng và ấn tượng sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi có may mắn đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng tôi rất tiếc mình không tới Việt Nam sớm hơn để có cơ hội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh”, giọng ông Tôn-nét-xơn chùng xuống như một sự tiếc nuối.

Bài và ảnh: KIM OANH