Nhà báo trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939)

Năm 1936, tình hình chính trị nước Pháp có những chuyển biến có lợi cho nhân dân Đông Dương. Trước họa phát xít và nguy cơ chiến tranh đe dọa loài người, phong trào chống phát xít, chống chiến tranh dâng cao ở Pháp, ở Tây Ban Nha…

Tháng 7 năm 1935, Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản đề xướng việc thành lập Mặt trận Nhân dân rộng rãi chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do dân chủ, bảo vệ hòa bình, cải thiện đời sống nhân dân.

Tại Pháp, tháng 1 năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp thành lập, bao gồm Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Đảng Cấp tiến, Tổng liên đoàn lao động Pháp… Trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 4 năm 1936, các đảng phái tham gia Mặt trận giành được đa số phiếu bầu. Tháng 6 năm 1936, Chính phủ phái tả lên cầm quyền, bao gồm những người thuộc Đảng Xã hội và Đảng Cấp tiến do Léon Blum, lãnh tụ Đảng Xã hội làm thủ tướng.

Trong những năm 1936-1939, nghề chính của Võ Nguyên Giáp là dạy học ở Trường Thăng Long, đồng thời anh cũng tiếp tục học Trường Luật, nhưng phần lớn thời gian của anh lại dành cho hoạt động báo chí.

Thời cơ anh trở lại làm báo là lúc Mặt trận Bình dân Pháp giành được thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp.

Ở Việt Nam, vào thời gian này, Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào Mặt trận Dân chủ và cuộc vận động Đông Dương đại hội.

Thời đó, ở một góc ngã tư phố Tràng Tiền, có đặt một bảng thông tin của ARIP (tên viết tắt của Agence de Radio, d’Information et de Propagande: Hãng Phát thanh, Thông tin và Tuyên truyền). Hằng ngày đi dạy học qua đây, anh Giáp đều dừng lại. Một buổi chiều tháng 5 năm 1936, tin thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp được công bố. Tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi. Anh Giáp nghĩ ngay tới chuyện ra một tờ báo để đón thời cơ.

Theo luật pháp của chính quyền thực dân, muốn ra báo bằng tiếng Pháp, chỉ cần nộp trước tờ khai tên báo, chủ nhiệm, quản lý, nếu vi phạm pháp luật, những người này sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Nhưng muốn xuất bản một tờ báo tiếng Việt thì phải xin phép, thể lệ rất phiền phức, và thường phải chờ đợi lâu.

May sao có tờ Hồn trẻ của Hướng đạo sinh, vì thua lỗ phải tạm ngừng xuất bản, chủ nhiệm báo sẵn sàng nhượng lại bản quyền. Anh Võ Nguyên Giáp bàn với anh Đặng Thai Mai và các giáo sư Trường Thăng Long cùng nhau góp tiền để làm cho tờ báo sống lại với một nội dung hoàn toàn mới. Chỉ hai ngày sau khi Léon Blum tuyên thệ nhận chức Thủ tướng Chính phủ Pháp, ngày 6-6-1936, tờ Hồn trẻ tập mới ra đời. Có thể nói đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhằm phản ánh với phái đoàn điều tra của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp do Godart cầm đầu sẽ sang Đông Dương.

Báo rất được bạn đọc hoan nghênh, in ra không đủ bán. Học sinh Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo.

Báo ra đến số 5 thì bị nhà cầm quyền thực dân Pháp đóng cửa. Tuy nhiên đây là tiếng chuông báo hiệu phong trào hoạt động báo chí công khai của Mặt trận Dân chủ Đông Dương trong thời gian 1936-1939.

Không thể sớm có một tờ báo tiếng Việt trong tình hình ấy. Lúc đó có anh Nguyễn Thế Rục, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, về nước bị lao phổi rất nặng, nhà cầm quyền cho điều trị tại gia đình. Anh Rục cùng với một số đồng chí trong đó có anh Giáp hình thành một nhóm chỉ đạo, quyết định cho ra một tờ báo tiếng Pháp. Ngày 16-9-1936, báo Lé Travail (Lao động) ra số đầu tiên.

Anh Giáp trở thành một biên tập viên chính, được phân công viết khá nhiều đề tài: Cổ vũ Đông Dương đại hội, Mặt trận Dân chủ, thời sự quốc tế, đời sống nông dân với các cuộc đấu tranh ruộng đất như Cồn Thoi, những cuộc đấu tranh bãi công của thợ xẻ, thợ giày, thợ mỏ.

Thời gian này, anh Giáp làm việc rất hào hứng, mặc dù sức khỏe của anh không tốt gì cho lắm. Nghe tin có cuộc bãi công lớn của công nhân vùng mỏ, anh đã đạp xe đạp 200km từ Hà Nội về tới Cẩm Phả để viết bài đăng báo. Cuộc bãi công nổ ra ngày 13-11-1936 lúc đầu tại Cẩm Phả, với trên một vạn thợ mỏ tham gia, sau một tuần lan ra khắp vùng mỏ với hơn 5 vạn người tham gia. Chính quyền thực dân Pháp điều động lính lê dương về vùng mỏ, uy hiếp tinh thần thợ bãi công. Anh Giáp viết bài tố cáo đăng liên tiếp trên mấy số báo Lé Travail. Những bài báo này đã gây được sự chú ý của dư luận trong nước và cả ở Pháp, tạo ra sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của thợ mỏ.

Lé Travail tồn tại được 7 tháng với 30 số báo. Ngày 16-4-1937, nhà cầm quyền thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa.

Cuối năm 1936, Luật ân xá chính trị phạm của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp được ban hành ở Đông Dương. Nhiều chiến sĩ cộng sản từ các nhà tù trở về. Các anh Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) Khuất Duy Tiến, Đặng Châu Tuệ, Tống Phúc Chiểu… nhập ngay vào nhóm Lé Travail. Anh Trường Chinh đầu tiên viết báo tiếng Pháp, từ mùa thu 1937, được chỉ định phụ trách về chính trị tất cả các cơ quan ngôn luận của Đảng ở Bắc Kỳ.

Xứ ủy Bắc Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương lập ra một Ủy ban vận động cách mạng nửa công khai do anh Trường Chinh lúc đó là Xứ ủy viên phụ trách. Anh Giáp được chỉ định là một thành viên của Ủy ban này.

Ủy ban đặc biệt quan tâm đến các hoạt động báo chí của Đảng. Hàng loạt tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt xuất bản công khai. Tờ này bị cấm, tờ khác xuất hiện, chiếm lĩnh trận địa dư luận. Báo tiếng Pháp là các tờ Rassemblement (Tập hợp) En Avant (Tiến lên) Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta), Báo tiếng Việt có các tờ: Thế giới, Đời nay, Tin tức, Ngày mới. Thanh niên dân chủ có tờ Bạn dân. Riêng tờ Giải phóng xuất bản bí mật, ra được 3 số thì phải ngừng vì cơ quan ấn loát bị phát hiện.

Anh Giáp viết những tờ báo tiếng Pháp là chính nhưng cũng tranh thủ viết cho nhiều báo tiếng Việt.

Trong phong trào đấu tranh đòi tự do ngôn luận, Xứ ủy Trung Kỳ đề xướng tổ chức Hội nghị Báo giới toàn xứ. Hội nghị họp vào ngày 27-3-1937 tại Đông Ba, Huế. Anh Giáp thay mặt Báo Rassemblement và anh Hà Huy Giáp thay mặt cho Báo Tiếng Trẻ vào Huế dự. Đối với anh Giáp đây là một dịp trở lại Huế, gặp gỡ nhiều bạn bè cũ trong một bầu không khí đấu tranh cách mạng sôi động.

Trở ra miền Bắc, anh báo cáo với Ủy ban và đề nghị Xứ ủy Bắc Kỳ cho tổ chức Hội nghị Báo giới toàn xứ theo gương của Trung Kỳ và thành lập Hội Ái hữu Báo giới Bắc Kỳ. Anh được trao nhiệm vụ cùng với các anh Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ, Phan Tử Nghĩa tổ chức cuộc hội nghị này.

Hội nghị lần thứ nhất của báo giới Bắc Kỳ họp ngày 24-4-1937, tại Hội quán CSA số 1 phố Charles Coulier (nay là Câu lạc bộ Thể dục thể thao phố Khúc Hạo). Hội nghị cử Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Trần Huy Liệu làm Phó chủ tịch Ủy ban Báo chí.

Trong công việc báo chí, anh Giáp đã trải qua hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung, cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa mo-rát và không ít khi cả việc phát hành báo.

Trong thời gian anh Giáp làm báo Notre Voix, có những kỷ niệm khó quên trong đời làm báo của anh.

Có lần cùng một lúc, các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam đều bận việc đột xuất không kịp viết bài, anh Giáp ngồi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, viết kín một thếp giấy 48 trang và bố cục, trình bày xong cả một số báo cho kịp đưa xuống nhà in, sau khi ăn điểm tâm, lại tới Trường Thăng Long dạy học.

Một hôm, tòa soạn báo Notre Voix nhận được một bài báo gửi theo một con đường riêng từ Quế Lâm (Trung Quốc) tới, với bút danh là P.C.Lin. P.C.Lin là ai? Anh em trong tòa soạn đoán là Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc đã về đến Quế Lâm! Qua việc gửi bài cho Notre Voix, Người bắt liên lạc với phong trào cách mạng trong nước. Khó mà tả được sự sung sướng và xúc động của anh Giáp và anh em trong tòa soạn. Loạt bài đó được đăng dưới tiêu đề Thư từ Trung Quốc với chữ in nghiêng. Nguyễn Ái Quốc luôn nhắc phải xây dựng một mặt trận dân chủ thật rộng rãi, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, tạo nên sức mạnh mới để giành thắng lợi.

Năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam tặng huy hiệu dành cho những người đã có từ 25 năm làm báo trở lên, anh Giáp đã đón nhận phần thưởng này với ít nhiều tự hào. Có thể nói suốt quá trình hoạt động cách mạng, anh không mấy khi xa rời công tác báo chí. Anh có nhiều kinh nghiệm làm báo. Anh đã trao đổi ý kiến về vấn đề này trong bài báo “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám", đăng trên Tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8-1991 như sau:

“Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này, khi chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng.

Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì. Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn nhỏ, béo gầy, đứng hoặc nghiêng-đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được sự đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.

Thầy giáo Trường Thăng Long (9/1935 - 5/1940)

Nhiều năm sau này, anh Giáp có dịp gặp lại học trò cũ ở Trường Thăng Long.

Vào những dịp lễ Tết, ngày kỷ niệm, ngày sinh của anh Giáp, nhiều học sinh cũ trường Thăng Long đến thăm và chức mừng anh Giáp. Người đến thăm đứng chật cả phòng khách. Anh Giáp rất xúc động. Câu chuyện hàn huyên tràn đầy tình cảm thầy trò, chuyển sang kể chuyện kỷ niệm xưa. Tất cả như sống rộ lên. Không khí cuộc gặp gỡ càng thêm ấm áp. Các học trò nói:

... “Chúng tôi rất thích các bài giảng của thầy về môn sử Việt Nam. Những bài giảng có hồn đầy tự hào, có bài lại xót xa… Thầy nêu cao tấm gương của Bà Trưng, Bà Triệu. Khi giảng bài “Hà thành thất thủ”, thầy nói cho chúng tôi hiểu cái nhục của người dân mất nước và khơi dậy trong chúng tôi lòng căm thù chủ nghĩa đế quốc thực dân. Chúng tôi còn nhớ hôm thầy dẫn chúng tôi đi dã ngoại, đến nơi Françis Garnier bị chết trên bờ đê Giảng Võ, đến nơi Henri Rivière bị giết ở gần Cầu Giấy. Tại nơi chiến địa cũ, thầy đã trình bày cho chúng tôi cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta chống lại các cuộc hành binh của giặc Pháp. Thầy đặt ra cho chúng tôi câu hỏi: “Tại sao Hà thành với hơn nửa vạn quân mà nhanh chóng thất thủ như vậy, lần thứ nhất trước hai trăm quân Pháp, lần thứ hai trước năm trăm quân Pháp?”. Đó là điều thầy suy nghĩ và trong học sinh chúng tôi, không ai ngờ rằng những suy nghĩ hồi ấy có thể góp vào những ý tưởng quân sự của thầy sau này, khi thầy lĩnh trọng trách tổng tư lệnh cầm quân trong hai cuộc kháng chiến.

“Nhớ lại bài sử nào ông giảng

Xót xa nước mất nhà tan”

(thơ Nguyễn Bùi Vợi)

… “Về sử thế giới, thầy giảng những bài về Cách mạng Pháp rất hay. Thầy đã làm cho chúng tôi hiểu tính chất tiến bộ của cách mạng tư sản Pháp, đề cập đến những mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa xã hội. Thầy giảng về Công xã 1789, về những người cách mạng: Marat, Danton, Hoche… Chúng tôi đều thấy sức mạnh của quần chúng cách mạng là to lớn như thế nào. Chúng tôi bị cuốn hút, chúng tôi muốn giương cao ngọn cờ cách mạng: “L’étendard sanglant est levé” (Ngọn cờ nhuốm máu đã phất cao).

Lúc bây giờ, phong trào Mặt trận Bình dân chống phát-xít đã dấy lên rất mạnh ở Pháp, ở Tây Ban Nha. Trong giờ lên lớp về địa lý châu Âu, thầy đã trình bày cho chúng tôi nghe trận chiến đấu oanh liệt của nhân dân Tây Ban Nha chống phát-xít Franco trên mặt trận thủ đô Ma-đrít – đó là một bài địa lý đặc biệt hay.

Thầy viết cuốn sách “Muốn hiểu rõ tình hình quân sự Tàu”, thầy kể cho chúng tôi về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Trung Quốc chống quân phiệt Nhật Bản xâm lược. Tình hình còn khó khăn nhưng thầy rất tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Trung Quốc”.

Anh Giáp cười: “Lúc đó mình tưởng Chu – Mao là một người!”.

Mọi người cùng cười rộ.

Về việc thành lập Trường Thăng Long: Đó là một chuyện tâm huyết. Năm 1934, một nhóm trí thức yêu nước lập “Hội mở mang nền tư thục” dịch ra tiếng Pháp là ADEL (Association pour le développement de l’enseignement libre). Hai chữ tư thục gợi nhớ đến “Đông Kinh nghĩa thục” cũng là một trường tư thời kỳ 1907 đã bị thực dân Pháp đóng cửa và kết án nặng nề những người sáng lập.

Ý nguyện sâu xa của các sáng lập viên Trường Thăng Long muốn trường phải xứng đáng là một nghĩa thục mới theo gương Đông Kinh nghĩa thục. Hội ADEL lúc đó chỉ gồm một nhóm không đầy chục người: Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Cao Luyện, Đăng Vũ Xích, Nguyễn Dương, Hoàng Minh Giám. Mỗi người đóng góp một cổ phần mấy trăm đồng.

Trường Thăng Long đã thực sự trở thành một “nghĩa thục” góp phần đào tạo cả một thế hệ học sinh trở thành những người ích quốc lợi dân.

Tháng 9 năm 1935, khóa đầu tiên khai giảng. Võ Nguyễn Giáp dạy các môn Pháp văn, Lịch sử, Địa lý từ lớp đệ nhất niên đến lớp đệ tứ niên, dạy cả 5 lớp ABCDE. Đối với bậc tú tài, anh chỉ dạy Lịch sử. Thường anh dạy vào buổi sáng, mỗi buổi hai ba tiết. Riêng ngày thứ sáu, anh Giáp dạy cả sáu tiết.

Chị Hà nói: “Cậu hãy ghi nhớ lấy ngày thứ sáu. Sau này khi chuyển vào hoạt động bí mật, anh Giáp đã ra đi vào một ngày thứ sáu” .

Sinh viên Trường Luật (1934-1938)

Trong thời gian 1935-1939, Võ Nguyên Giáp vừa dạy học, vừa làm báo, viết sách, vừa tham gia các cuộc vận động cách mạng của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là thành viên Ủy ban vận động cách mạng nửa công khai của Đảng, là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ…

Tuy bận rộn như thế, nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn kiên trì học tập đến bậc đại học. Niên khóa 1934-1935, anh nộp đơn xin theo học năm thứ nhất Trường Cao đẳng Luật khoa.

Trường Cao đẳng Luật khoa (Ecole supérieure de Droit) thuộc Viện Đại học Đông Dương (Université indochinoise) đến năm 1941 chuyển thành Trường Đại học Luật khoa, có mục đích chuẩn bị thi bằng cử nhân Luật. Hạn học là 3 năm. Muốn học thêm bảo vệ luận án tiến sĩ thì phải sang Pháp.

Tôi hỏi Võ Thuần Nho: “Anh Giáp bận nhiều như thế, làm sao có thì giờ mà học?”

Anh Nho cho biết: Sở dĩ anh Giáp vừa dạy học, vừa làm báo, vừa học Luật được là vì nhà trường không bắt buộc sinh viên phải thường xuyên dự lớp miễn là cuối năm học thi đậu là được.

Đối với các bài giảng của giáo sư (khi giảng họ mặc áo thụng) ai muốn đến nghe thì đến, không đến thì xin bài giảng.

Võ Thuần Nho nói: Giáo sư Grégoire Khérian, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế chính trị rất yêu mến anh Giáp, và anh Giáp cùng ham thích nhất môn Kinh tế chính trị và rất kính trọng thầy Khérian.

Niên khóa 1935-1936, anh Giáp học năm thứ hai. Năm ấy, có một kỳ thi (Concours général) tập trung các sinh viên giỏi nhất về môn Kinh tế chính trị.

Anh Giáp viết một bản tường trình về “Cán cân thanh toán ở Đông Dương”.

Giáo sư Khérian phê:

Il a fait un exposé sur la “Balance des comptes de l’Indochine”.

Excellent exposé sur un sujet peu commun

De la clarté. De la méthode et aussi de la personnalité 17.

(Anh ấy đã làm một bản tường trình về Cán cân thanh toán ở Đông Dương. Bản tường trình xuất sắc về một vấn đề ít được biết đến. Trong sáng, có phương pháp và có cá tính nữa). Giáo sư cho 17 điểm.

Năm 1972, trên báo Anh The Sunday Times Magazine (số ra ngày 5 đến 12 tháng 11 năm 1972) có bài viết của ký giả James Fox nói đến giáo sư Khérian và anh Giáp. Qua bài báo, tôi được biết là giáo sư năm 1972 đã 86 tuổi. Ông sống tại một căn nhà ở phố St Ambroise, trong nhà có trang trí đồ cổ Trung Quốc và cây bách diệp. Năm 1945, khi người Nhật đảo chính người Pháp, một sĩ quan Nhật cho phép giáo sư đến phòng làm việc của ông để thu nhặt giấy tờ. Giáo sư chỉ cầm đi một hồ sơ của một sinh viên: Hồ sơ về Võ Nguyên Giáp và cho đến năm 1972, giáo sư vẫn còn lưu giữ hồ sơ đó. Trong hồ sơ có bản tường trình của Võ Nguyên Giáp về “Cán cân thanh toán ở Đông Dương”, và lời phê của giáo sư.

Tờ báo l’Express của Pháp số 1243 (từ 5 đến 11-5-1975) đã đăng bản chụp lời phê này.

Bài viết của ký giả James Fox có nói tới ý kiến của Giáo sư Pirou:

“Năm 1938, Võ Nguyên Giáp đỗ ngoại hạng về môn Kinh tế chính trị. Giáo sư Khérian giải thích: Hằng năm, chúng tôi có một giáo sư về kinh tế từ Paris sang để kiểm tra sinh viên. Năm đó là ông Géaton Pirou của Trường Luật ở Paris. Ông ta là Đổng lý văn phòng của Thủ tướng Paul Doumer. Ông nói với tôi ông có rất nhiều ấn tượng về tác phẩm của ông Giáp và hỏi tôi về ông Giáp. Tôi nói ông Giáp đang có chuyện rắc rối với các nhà cầm quyền ở đây và là một người sôi động.

Pirou nói: “Chúng ta phải kéo anh ta ra khỏi môi trường thực dân. Hãy đưa anh ta sang Paris. Chúng ta sẽ trợ cấp học bổng cho anh ta”. Tôi nói chuyện này với ông Giáp. Hôm sau ông Giáp trở lại cho biết ông không thể rời bỏ bạn bè và hành động như một người ích kỷ”.

Thật ra, câu trả lời của anh Giáp đối với thầy Khérian là: “Ma conviction est faite” (Niềm tin của tôi đã xác định).

Còn ý kiến của ông Pirou thì nhà cầm quyền thực dân ở Đông Dương không thể bác bỏ nhưng họ yêu cầu anh Giáp phải làm một certificat de loyalisme (cam kết trung thành với chính phủ Pháp).

Anh Giáp từ chối phắt.

Về sự kiện này, James Fox có lời bình luận như sau:

“Đây không phải là một quyết định bất ngờ đối với bản thân ông Giáp, lúc đó ông đã tham gia sâu vào các hoạt động chống thực dân, nhưng đó là một quyết định tai hại cho người Pháp sau này, khi Pháp bị một thất bại nhục nhã dưới bàn tay của một Võ Nguyên Giáp đại tướng”.

Trung tướng Hồng Cư -với sự cộng tác của Đặng Bích Hà