Nhân dịp Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học về đồng chí Phùng Chí Kiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi tới hội thảo. Toàn văn bức thư như sau:

Đồng chí Phùng Chí Kiên tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội rất sớm, sang Trung Quốc hoạt động từ năm 1925, được dự lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng của Bác Hồ ở Quảng Châu, được Bác Hồ cử đi học Trường quân sự Hoàng Phố. Về sau đồng chí sang Liên Xô học ở Trường đại học Phương Đông. Trở lại hoạt động ở Trung Quốc, đồng chí tham gia chuẩn bị và dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng tại Ma Cao, được bầu vào Trung ương, sau đó được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách Ban Hải ngoại. Đầu năm 1940, tôi và anh Phạm Văn Đồng được Đảng cử sang Trung Quốc để gặp Bác Hồ. Chúng tôi có gặp anh Phùng Chí Kiên và một số đồng chí ở Côn Minh. Tôi may mắn được cùng ở chung nhà với anh Phùng Chí Kiên một thời gian, chúng tôi sống với nhau rất thân thiết. Lúc đó anh phụ trách chúng tôi và tổ chức cho chúng tôi đi gặp đồng chí Vương tức Bác Hồ ở Thúy Hồ.

Đến tháng 6-1940, chúng tôi về Quế Lâm. Một thời gian sau, anh Phùng Chí Kiên, anh Vũ Anh và một số đồng chí khác tập họp ở Quế Lâm, do anh Phùng Chí Kiên phụ trách. Sau đó, chúng tôi chuyển về Tĩnh Tây. Tại đây, chúng tôi mở lớp học cho số anh em thanh niên từ Cao Bằng sang. Bác Hồ phân công chúng tôi viết các chuyên đề về điều tra, tuyên truyền, tổ chức. Viết xong, anh Kiên được phân công ngồi trên nhà sàn đọc lại, sau đó biên soạn thành cuốn "Con đường giải phóng". Bác Hồ, anh Kiên, tôi, các anh Phạm Văn Đồng, Cao Hồng Lĩnh, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp… cùng nhau ăn Tết Tân Tỵ ở Nậm Quang. Đến ngày mồng 2 Tết, Bác Hồ, anh Kiên và một số đồng chí khác về Pác Bó.

Về nước, Anh tham gia Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941. Hội nghị đã đề ra nghị quyết về cách mạng giải phóng dân tộc-một nghị quyết rất quan trọng và cực kỳ cơ bản cho cách mạng nước ta tiến lên mạnh mẽ, có thể tập hợp mọi người yêu nước vào Mặt trận Việt Minh. Anh Kiên được phân công phụ trách Cứu quốc quân, chiến khu Bắc Sơn. Khi địch khủng bố trắng, Anh dẫn một lực lượng vũ trang rút về hướng Cao Bằng. Trên đường rút lui bị địch phục kích. Anh đã bị thương, bị địch bắt, hành hạ rất dã man, Anh vẫn kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng; chúng đã chặt đầu Anh để khủng bố tinh thần quần chúng.

Đồng chí Phùng Chí Kiên đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng để lại tấm gương anh hùng, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho Đảng ta, quân đội ta.

Đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một cán bộ cấp cao của Đảng được Bác Hồ và Trung ương phân công phụ trách quân sự đầu tiên. Đồng chí là một cán bộ có đức độ và tài năng cả chính trị và quân sự, được đào tạo cơ bản, nhạy bén phát hiện tình hình, sống gần gũi, hòa mình với đồng chí, đồng bào, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bác và Trung ương. Đồng chí Phùng Chí Kiên là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối đã có công lao to lớn đối với Đảng ta, quân đội ta, không chỉ về mặt tổ chức mà cả về đường lối cách mạng. Năm 1947, Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm cấp tướng đầu tiên cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Đây là lần phong hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội ta.

Tôi hoan nghênh Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học về đồng chí Phùng Chí Kiên. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa, vừa để nghiên cứu lịch sử, hiểu biết rõ hơn, đầy đủ hơn về quá trình hoạt động cách mạng và tôn vinh công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quân đội và nhân dân ta; vừa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Qua kết quả cuộc Hội thảo này, tôi đề nghị Viện Lịch sử quân sự, Viện lịch sử Đảng cần nghiên cứu bổ sung vào lịch sử Đảng, lịch sử quân đội đầy đủ hơn về hoạt động và vai trò đồng chí Phùng Chí Kiên trong thời kỳ đầu cách mạng nước ta.

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP