Bác Hồ chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cụ Bùi Bằng Đoàn (bên phải) sau lễ phong quân hàm cho Đại tướng ngày 25-5-1948 tại đồi Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên). Ảnh: Nguyễn Năng An

Mới nhấc ống nói, Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận ra, thậm chí còn biết cả ý định của tôi...

Vẫn giọng trầm, ấm, khúc chiết, pha chút hài hước của người Nghệ An, anh nói:

- Gặp anh Văn viết bài Tết à? Để tôi xin ý kiến Đại tướng đã.

Biết anh Huyên làm việc rất nguyên tắc, không bao giờ hứa trước việc gì, nhất đó lại là những công việc liên quan đến Đại tướng, tôi chủ động gợi chuyện:

- Không. Em gặp anh.

- Gặp tớ thì kiếm chác được gì?

- Để em khoe với anh chuyện cảm động lắm. Các “cụ” cựu chiến binh nhờ Trung tướng Hồng Cư chuyển những tâm tư tình cảm của họ đến Đại tướng.

- Gì mà quan trọng thế, nói qua tớ nghe?

- Họ bảo sang năm là tròn 60 năm Bác Hồ đọc quyết định phong quân hàm cho Đại tướng. Họ có lời chúc mừng Đại tướng.

- Thế à, họ nói sao?

- Họ chẳng nói gì cả, mà cùng đồng thanh đọc 10 chữ vàng do Viện Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh kính tặng Đại tướng.

- Đôi câu đối chữ nho thêu màu vàng trên nền vải đỏ: “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm”. Cậu có hiểu ý câu đó không?

- Dạ, một lần anh dịch nghĩa cho em: Chiến công lưu truyền lịch sử dân tộc/ Nhân văn đức độ thấu tận lòng người.

- Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết cũng vừa làm bài thơ mừng Đại tướng sắp bước sang tuổi 97, ý tứ ra phết.

Như hiểu ý tôi, anh đọc câu kết của bài thơ: 59 năm “mang trên vai quân hàm đại tướng/ Anh là tướng trong lòng dân…”.

- Cậu đọc bài ấy chưa?

- Dạ chưa!

- Ừ. Thế vào đi. Cho tớ cuốn lịch treo tường của báo Quân đội nhân dân nhé.

Tôi biết anh Huyên bao giờ cũng dành tình cảm đặc biệt cho báo Quân đội nhân dân, vì thế mà từ ngày được quen, hằng năm, tôi vẫn biếu anh cuốn lịch của Báo.

Chỉ một thoáng là tôi đã có mặt ở số nhà 30, phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

Vào… Tôi hồi hộp, hy vọng sẽ được gặp Đại tướng. Nhưng không được, Đại tướng đang kiểm tra sức khỏe ngoài Bệnh viện Trung ương Quân đội 108!

Mở tủ tài liệu, anh Huyên vừa đưa cho tôi xem khá nhiều thư của nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi Đại tướng, vừa nói:

- Cứ xem những bức thư này, rồi gặp trước những người từng phục vụ Đại tướng, nhiều chuyện ở ATK hay lắm. Mấy hôm nữa anh Văn về gặp sau.

Thời gian đang nghiêng sang năm Mậu Tý, trong lòng tôi như có lửa đốt, nhưng anh Huyên đã nói thế thì tốt nhất là nghe theo anh. Tôi đọc lướt nhanh những lá thư mới gửi về cho Đại tướng. Rất nhiều, rất tình cảm. Ai cũng mong Đại tướng khỏe, sống lâu trăm tuổi và đều có chung nguyện vọng được gặp Đại tướng. Cảm động nhất là bức thư của cụ Nguyễn Văn Tứ, 88 tuổi, lão thành cách mạng, ở khối 9, phường Trường Thi, thành phố Vinh, Nghệ An. Cụ Tứ viết: “…Đời tôi mọi việc chung, riêng đều đã toại nguyện, duy chỉ có một mong ước từ rất lâu được gặp Đại tướng, mà nay gần đất xa trời rồi vẫn chưa đạt được…”.

Anh Huyên bảo:

- Tháng 8 vừa rồi, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 96, Đại tướng đã ân cần đón cụ Tứ. Phấn khởi lắm. Về quê, cụ phóng to bức ảnh ngồi bên Đại tướng treo ở giữa nhà, ngay dưới ảnh Bác Hồ.

Đọc thư của cụ Tứ tôi lại nhớ bức thư ông Kim Sơn cho tôi xem, đề ngày 1-6-1999 của Sác-lơ-phen, sĩ quan quân đội đồng minh Mỹ, người rất có cảm tình với Cách mạng Việt Nam gửi cho Thiếu tướng Nguyễn Kim Hùng, nguyên cán bộ Cục 2, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục 2), cũng bộc bạch ở tuổi 92 một ước muốn được gặp Đại tướng. Ông Sác-lơ-phen viết: “Các bạn vẫn còn một người nổi tiếng trên thế giới - Võ Nguyên Giáp. Sao mà tôi mong có thể lại được bắt tay ông ấy”.

Do công việc Tòa soạn phân công mà mấy năm nay tôi thường có dịp được gặp những người phục vụ Đại tướng. Từ sĩ quan cao cấp, có thâm niên mấy chục năm công tác trong Văn phòng, đã ở tuổi ngoài 60, 70, đến người chiến sĩ vệ binh, nhân viên đánh máy… mới rời ghế nhà trường, họ đều có phẩm chất chung là rất trung thực, khiêm tốn, tận tình, chu đáo với mọi người. Có phải do họ may mắn hằng ngày được ảnh hưởng trực tiếp tấm gương đạo đức trong sáng của Đại tướng? Ví như Đại tá Nguyễn Huy Văn (Bí danh Kim Sơn). Ông Sơn, nguyên là sĩ quan tác chiến, nhưng cả gia đình đã biết Đại tướng từ thời kháng chiến. Về hưu, ông tự nguyện ngày ngày đến giúp Đại tướng, khi thì kiểm tra hiệu đính, chú thích lại một địa danh trong những cuốn sổ tay của Đại tướng viết vội; khi thì thống kê, lau chùi, bảo quản những quyển sách, trang báo, tấm bản đồ lưu…

Tôi hẹn từ ngày hôm trước, sáng hôm sau, đúng giờ như chiếc đồng hồ, ông Kim Sơn đã có mặt ở đầu nhà C3, khu tập thể 34 Trần Phú, Hà Nội, đón tôi bất chấp mưa lạnh, tuổi già. Thấy tôi băn khoăn, ông ân cần bảo:

- Đồng chí lạ, tôi quen thì phải đón đồng chí. Tìm đường là mất thời gian lắm…

Tôi hết sức bất ngờ sau khi pha nước mời tôi uống, ông vào nhà trong, khệ nệ bê ra một chồng tài liệu, đã được ông soạn sẵn, đánh dấu cẩn thận từng trang viết có nội dung liên quan đến tư liệu tôi cần tìm. Nhất là hai tập “Nhật ký của một Bộ trưởng” của Lê Văn Hiến. Ông Hiến được Bác Hồ và Chính phủ tin tưởng giao làm Bộ trưởng Bộ Tài chính từ tháng 2-1946 đến cuối thập niên 1960. Ông có tác phong ghi nhật ký rất đều đặn. Và trong cuốn 1 của ông, ngày 28-5-1948, ở ATK ông đã ghi rất chi tiết lễ phong cấp Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ông viết: 28.5.48-ATK. Hôm nay cũng là ngày lịch sử, vì là ngày làm lễ thụ phong chức Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Đáng lẽ lễ cử hành sáng hôm nay nhưng mưa to quá, suối đầy nước lội qua không được… Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu. Đến giờ làm lễ… Hồ Chủ tịch tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt, mà không nói được tiếng gì. Một phút vô cùng cảm động có lẽ trong chúng mình, tuy không ai nhìn thấy ai, nhưng mỗi người đều phải rớm nước mắt. Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”… Sau hết lễ, ai nấy ngồi chung quanh Hồ Chủ tịch và nghe Cụ nói sự xúc động của Cụ trong buổi lễ. Trước những ngày lễ có tính cách long trọng, Cụ không thể nào không nhớ đến các tiền liệt, các bạn đồng chí từ bao nhiêu năm chiến đấu cho đất nước, chịu bao nỗi gian lao khổ sở, kẻ hy sinh đầu này người hy sinh chỗ nọ, nhờ những sự hy sinh dũng cảm ấy nên mới có ngày nay. Mỗi lần nhớ đến các bạn ấy, là một lần Cụ cầm lòng không đặng, nên phải có những giây phút khó chịu, Cụ xin lỗi anh em…. (NXB Đà Nẵng, 1995, trang 359, 360).

Thấy tôi vừa đọc vừa ghi ghi, chép chép, ông Kim Sơn xởi lởi nói:

- Đồng chí cứ mang cả về nhà đọc, bao giờ xong thì trả lại tôi.

Tôi thực sự xúc động khi được một người cung cấp tài liệu lại tận tình, chu đáo, tin cậy đến thế.

Thời gian còn lại của buổi sáng, ông kể liền một mạch cho tôi nghe những kỷ niệm không thể nào quên của ông, gia đình ông với Bác Hồ và Đại tướng. Nhớ nhất là năm 1989 trước khi Đại tướng đi chúc Tết đồng bào tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), Đại tướng giao cho ông lên làm việc trước với Tỉnh ủy, truyền đạt ý kiến của Đại tướng nhằm tiết kiệm đến mức triệt để nhất trong đón tiếp đỡ tốn kém tiền của của nhân dân, tạo điều kiện để ngày mùng 4 Tết, Đại tướng về Định Hóa chúc Tết và cám ơn đồng bào trong “Thủ đô kháng chiến”. Ngày đó giao thông rất khó khăn, mãi đến hơn 12 giờ trưa Đại tướng mới đến được xã Phú Đình, huyện Định Hóa, thì hàng vạn người dân kéo về đón Đại tướng chật kín đường, không thể đi tiếp được nữa. Lâu ngày gặp lại đồng bào, đồng bào cũng lâu ngày mới được gặp lại Đại tướng. Mừng mừng, tủi tủi, thế là các mẹ, các chị từng nuôi, che chở Đại tướng trong những ngày cách mạng còn trong trứng nước, cứ thế chạy lại ôm lấy Đại tướng mà hôn, mà khóc. Đại tướng cũng không cầm được lòng nữa... Ông Kim Sơn bảo, phải nửa giờ sau mới ổn định trật tự lại được để Đại tướng nói chuyện, chúc Tết đồng bào.

Từ UBND xã lên đồi Tỉn Keo, nơi tổ chức Lễ phong quân hàm cho Đại tướng (tháng 5-1948) chỉ cách chừng 3km.

Trưa mùng 4 Tết Nguyên đán hôm ấy, huyện Định Hóa dùng chiếc chảo quân dụng của bộ đội, đường kính hơn một mét, nấu cháo mời Đại tướng và tất cả mọi người cùng ăn (thay cho bữa chính). Có lẽ trong lịch sử dân tộc cũng hiếm lặp lại bữa cháo tập thể có Đại tướng cùng ăn với nhân dân cảm động đến thế…

Tôi vừa ra khỏi nhà ông Kim Sơn thì có điện của anh Huyên báo, vào gặp Đại tướng. Tôi mừng quá. Anh Huyên bảo:

- Văn phòng chúc Tết Đại tướng xong, cậu ở lại luôn, tranh thủ xin ý kiến Đại tướng.

Đã thành thông lệ, từ nhiều năm nay, cứ gần “năm hết Tết đến” là anh Huyên lại triệu tập tất cả anh em phục vụ lại chúc Tết Đại tướng và lắng nghe Đại tướng căn dặn. Có thể nói buổi chúc Tết năm nay giản dị đến không giản dị hơn được nữa. Duy nhất chỉ có bó hoa tặng Đại tướng là vừa mua, còn chụp ảnh, nước uống là “của nhà” cả…

Chiếc đồng hồ trên tường điểm 15 giờ vừa dứt thì Đại tướng chỉnh tề trong bộ quân phục xuất hiện, tươi cười, trìu mến nhìn mọi người. Ai nấy đứng cả dậy vỗ tay, chào đón Đại tướng. Phòng nhỏ ghế ít, người ngồi người đứng, quây quần bên Đại tướng, làm cho buổi chúc Tết càng trở nên ấm cúng hơn. Thiếu tá Lê Văn Hải, được phân công đặc trách khâu chụp ảnh thì phấn khởi lắm, vì không phải đạo diễn, sắp xếp gì, chụp kiểu nào được kiểu ấy…

Sau lời chúc Tết của anh Huyên, một đồng chí mạnh dạn đứng lên:

- Xin kính chúc Đại tướng sống lâu hơn trăm tuổi.

Đại tướng cười hiền từ như ông tiên:

- “Báo cáo”! Nhiệm vụ đồng chí giao nặng quá, hãy cứ để tôi phấn đấu một trăm đã…

Cách nói hài hước của Đại tướng làm căn phòng rộn lên tiếng cười vui vẻ. Thời gian trôi nhanh quá, đã lại kết thúc phần chúc Tết Đại tướng.

Luôn đóng vai trò “nhạc trưởng” rất thành công trong các lần Đại tướng tiếp khách, anh Huyên yêu cầu mọi người “rút” nhanh để Đại tướng làm việc tiếp.

Trong khoảnh khắc, sau tiếng khép cửa, căn phòng trở nên tĩnh lặng. Anh Huyên nhè nhẹ báo cáo:

- Thưa anh Văn, đồng chí phóng viên báo Quân đội nhân dân muốn xin anh nói đôi điều anh nhớ nhất trong buổi Bác Hồ đọc quyết định phong quân hàm cho anh 59 năm trước.

Vừa nghe nhắc đến Bác Hồ là Đại tướng bật dậy, hai tay thu trên bàn, đăm đắm nhìn về phía trước như người ngồi thiền…

Một khắc, hai khắc im lặng… tôi nhận ra khóe mắt hiền từ của Đại tướng rưng rưng… Không phải lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh như thế, nhưng đây là lần Đại tướng khóc nhiều nhất-khóc ở tuổi 96… Tôi và anh Huyên trở nên bối rối.

Phải một lúc sau Đại tướng mới nghèn nghẹn nói:

- Hôm ấy Bác khóc. Tôi thương Bác!... Bác khóc là mệnh lệnh luôn luôn nhắc tôi phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vì Đảng, vì dân, vì nước để không phụ lại sự hy sinh xương máu của lớp lớp bộ đội, lớp lớp đồng chí, đồng bào…

Đại tướng rút khăn chấm khóe mắt làm tôi nhớ lần lên Điện Biên kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng dành bộ lễ phục mang theo duy nhất, đẹp nhất, mới nhất để đi viếng các liệt sĩ. Trong sương khói mờ ảo của trời Điện Biên vạt áo Đại tướng như đẫm nước mắt. Còn Đại tá, CCB Hoàng Minh Phương, nguyên trợ lý chiến dịch Điện Biên Phủ thì kể, lần đầu tiên ông được chứng kiến Đại tướng khóc ở tuổi 43. Đó là sáng ngày 3-4-1954, khi nghe trợ lý tác chiến báo cáo trung đoàn 174, 102, Đại đoàn 308, đánh lên Đồi A1, chiến đấu rất dũng cảm, mà vẫn chưa dứt điểm được. Thương cán bộ, chiến sĩ hy sinh nhiều, Đại tướng xúc động, nước mắt giàn giụa.

Cũng ở Mặt trận Điện Biên Phủ, hạ tuần tháng 4-1954, trong hội nghị Đảng ủy Mặt trận mở rộng đến cán bộ trung đoàn, kiểm điểm hiện tượng hữu khuynh trong chiến đấu, để chiến sĩ hy sinh nhiều, sau khi tự kiểm điểm bản thân, Đại tướng nói:

- Cán bộ trung đoàn chỉ huy gần 3 nghìn quân, là gần 3 nghìn con người, gần 3 nghìn thanh niên ưu tú; cán bộ Đại đoàn chỉ huy một vạn quân, là một vạn con người, của một vạn gia đình. Đảng, nhân dân, gia đình họ tin cậy giao cho các đồng chí, nếu các đồng chí thiếu trách nhiệm, hữu khuynh, để họ hy sinh là hy sinh mất những thanh niên ưu tú nhất, nhiệt huyết nhất, triển vọng nhất của Đảng, của cách mạng, của nhân dân, của gia đình họ mà không gì có thể thay thế được… Các đồng chí nghĩ sao…?

Giọng Đại tướng lạc đi… Ông khóc… Cả hội trường lắng xuống.

Còn lần ở Thủ đô Hà Nội, tiễn đoàn Hành quân tiếp lửa truyền thống, gặp một CCB già mặc áo sờn vai Đại tướng cũng khóc. Mọi người không cầm lòng được…

Không để Đại tướng quá xúc động, anh Huyên chủ động chuyển sang chuyện khác:

- Sắp sang xuân mới, anh căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân đội điều gì?

Đại tướng nói ý: Cán bộ, chiến sĩ quân đội phải ra sức học tập; học trong trường và tự học, nhưng chú ý tự học, học trong thực tế, học suốt đời là rất quan trọng. Đại tướng mong rằng lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần xây dựng đơn vị có môi trường học tập thuận lợi, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ say mê học tập, tìm tòi nâng cao trình độ để khi còn trong quân đội, cũng như chuyển ra ngoài đều hoàn thành được nhiệm vụ, đáp ứng với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Thôi để Đại tướng nghỉ - Như mọi lần, anh Huyên nói nhỏ đủ tôi nghe, rồi rất nhanh đứng dậy xin phép Đại tướng kết thúc buổi làm việc.

Bâng khuâng bước thấp, bước cao đi trong chiều đông nắng lặng, xao xác lá vàng rơi trong khuôn viên ngôi nhà ở 30 Hoàng Diệu, tôi cầu mong Đại tướng khỏe mãi để chúng tôi lại vẫn được đi-về, vẫn được nghe những lời Đại tướng nói.

Huy Thiêm