Từ trái qua phải: Các đồng chí Văn Phác, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà, Hoàng Cầm ở căn cứ địa Miền Đông Nam Bộ 1965-trước ngày mở chiến dịch Đồng Xoài 1965. Ảnh tư liệu

Một ngày cuối tháng 8-1964, tôi có việc bận ở tòa soạn, nên về nhà muộn. Hồi đó, tôi đã từ Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội chuyển sang phụ trách báo Quân đội nhân dân. Vào khoảng giữa trưa, bỗng một đồng chí liên lạc hối hả đến đưa tôi một công văn hỏa tốc, trong đó chỉ có mấy dòng ngắn, gọn của đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, hẹn 14 giờ tôi vào gặp anh có việc gấp. Tôi vừa ăn vừa phỏng đoán mãi việc gấp đó là việc gì.

Nhà tôi ở giữa phố Lý Nam Đế, kề ngay cửa ngõ Tổng cục Chính trị. Tôi đã vào cơ quan sớm, trước giờ hẹn, ít phút sau anh Mậu đến. Anh hỏi tôi lúc chưa kịp ngồi:

- Anh Thanh đã nói gì với cậu chưa?

Tôi sửng sốt trả lời:

- Chưa ạ!

Quả thật, từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh thôi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ra Bộ Chính trị chuyên trách mặt trận nông nghiệp, tôi rất ít gặp anh. Tôi sốt ruột hỏi lại anh Mậu:

- Anh Thanh nói về việc gì hả anh?

Anh Mậu cười-Mình nói để cậu biết nhưng phải "bem" (bí mật) tuyệt đối. Ngay về xóm nhà anh cũng phải "ngậm miệng ăn tiền", đại sự quốc gia mà để lộ ra là chết bỏ cả lũ. Anh nhìn ra cửa, không thấy ai qua lại, mới nói tiếp:

- Chắc cậu cũng chưa biết anh Thanh đã được phân công thay mặt Bộ Chính trị vào trực tiếp lãnh đạo chiến trường. Anh đề nghị chọn một số cán bộ đi cùng đợt này, trong đó có cậu đấy. Đã có quyết định của Quân ủy Trung ương đây rồi. Hôm nay, tôi mời cậu vào là để phổ biến nhiệm vụ đó! Anh chuyển sang hỏi thăm sức khỏe, về việc thu xếp cho vợ con trước khi đi và trao đổi ý kiến về người phụ trách thay tôi ở báo Quân đội nhân dân.

Mấy hôm sau tôi được triệu tập dự một lớp học đặc biệt. Số cán bộ được tập trung đi B lần này lớn nhất từ trước đến nay, phần lớn là từ cấp tá trở lên. Cán bộ đơn vị chủ lực gồm đủ mặt các anh tài của bộ binh, pháo binh, công binh, đặc công và đủ cả cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần. Kết thúc, lớp học được Bộ Chính trị đãi một bữa tiệc mặn tại nhà khách Bộ Quốc phòng ở số 33 phố Phạm Ngũ Lão. Cũng là một buổi kết thúc rất đặc biệt. Có gần đủ mặt các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đến dự. Đồng chí Phạm Hùng đến trước tiên, tiếp theo là các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Lê Quang Đạo, Phạm Ngọc Mậu, v.v. mọi người xúm quanh vào các anh trò chuyện. Bác đến đúng giờ hẹn. Chúng tôi bật dậy, vô cùng xúc động vì sự có mặt của Bác. Với dáng điệu ân cần, Bác giơ tay làm hiệu ngồi xuống. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng lên mời Bác nói chuyện với anh em. Bác nhìn mọi người rồi quay sang hỏi anh Văn:

- Có cơm chưa?

- Có rồi ạ.

- Có cơm rồi thì vào ăn đã, ăn rồi nói gì thì nói, thế mới là ăn nói, phải không các chú?

Mọi người vui vẻ vào phòng ăn, Bác đi một vòng xem xét thức ăn và chỗ ngồi của chúng tôi đâu vào đấy, rồi Bác mới trở về chỗ của mình. Bác lại chỉ vào đồng chí Võ Nguyên Giáp:

- Bây giờ đề nghị đồng chí Văn hô "xung phong".

Anh Văn đứng dậy vui vẻ nói:

- Tối hôm nay là buổi liên hoan với các đồng chí được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử đi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Vậy theo lệnh của Bác, tất cả "xung phong".

Đợi chúng tôi ăn xong rồi, Bác mới nói chuyện. Bác phân tích cặn kẽ thắng lợi vừa qua, diễn biến tình hình sắp tới, nhất là ở miền Nam. Bác so sánh những đặc điểm của hai cuộc kháng chiến chống thực dân cũ trước đây và chống thực dân mới ngày nay. Bác dặn chúng tôi phải gương mẫu, đoàn kết, phải sâu sát quần chúng, phải thật lòng thật dạ yêu thương giúp đỡ đồng bào, phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bác ngừng lại hỏi chúng tôi:

- Nhiệm vụ chính của các chú là gì?

Một đồng chí ngồi gần Bác đứng lên trả lời trôi chảy. Bác hài lòng nhấn mạnh thêm:

- Nhiệm vụ chính mà Trung ương và Quân ủy giao cho các chú là phải quyết tâm đánh thắng, không được chủ quan khinh địch, lơ là mất cảnh giác.

Đến đây, Bác ngoảnh sang đồng chí Tố Hữu:

- Yêu cầu đồng chí Tố Hữu ngâm lại hai câu thơ hồi sáng nay tiễn Tổng thống Mô-di-bô Cây-ta (chắc là Bác đọc sáng nay). Đồng chí Tố Hữu bị gọi bất thần, nhưng đáp ứng kịp thời:

"Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay,

Bạn về chúc bạn ngày ngày thành công".

Bác sửa lại chữ "về" bằng chữ "đi"

Rồi Bác đọc lại cả câu: "Bạn đi, chúc bạn ngày càng thành công".

Trong buổi liên hoan đặc biệt, hiếm có này, riêng tôi cứ thấp thỏm vì sao một nhân vật quan trọng như đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại vắng mặt ở đây. Tôi lẻn đến hỏi anh Mậu. Anh Mậu ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Ông Thanh đã đi bằng đường đặc biệt, vào tới trong đó an toàn rồi, đang điện ra, giục các cậu vào gấp đấy. Còn vào làm gì, kể cả cậu, tới trong đó, anh Thanh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể.

Vài ngày sau, chúng tôi được lệnh lên đường. Để bảo toàn lực lượng, chúng tôi được chia ra nhiều tốp nhỏ và mỗi tốp đi theo một đường khác nhau. Lúc đó chiến trường đang cần một số cán bộ bộ đội chủ lực có kinh nghiệm vào gấp để xây dựng quả đấm chủ lực của miền, nên phần lớn đi bí mật theo đường biển. Về sau này chúng tôi cũng được làm một cuộc hành quân mạo hiểm theo đường mòn trên biển. Sau bảy ngày, bảy đêm, con tàu bé nhỏ của chúng tôi chẳng khác gì một chiếc lá tre lênh đênh giữa đại dương, chất đầy vũ khí, thuốc nổ trong khoang, thêm 5 cán bộ đi cùng, đổ bộ trót lọt vào cửa sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh. Từ đó, chúng tôi chuyển sang đường giao liên trên bộ, lặn lội cả tháng trời ròng rã mới tới trạm đón của R (tên gọi tắt của cơ quan Trung ương Cục ở B2). Chúng tôi được đưa về Cục chính trị Miền. Ngay sáng hôm sau, anh Hai Chân (Lê Văn Tưởng) đã đưa chúng tôi sang gặp anh Thanh ở Bộ chỉ huy Miền gần đấy. Lần đầu tiên tôi được đi xe đạp trong rừng miền Nam. Rừng rất bằng phẳng, cây thưa, nên cứ theo con đường mòn mà đạp rất ngon lành.

Anh Thanh đang làm việc, niềm nở ra đón chúng tôi vào nhà. Anh vui vẻ giới thiệu ngôi nhà xinh xắn do các đồng chí vệ binh dựng lên rất nhanh để anh vừa làm việc, vừa ngủ ngay bên hầm trú ẩn. Tôi chú ý đến những khác lạ của ngôi nhà. Mái nhà lợp bằng một thứ lá được đặt tên là lá "trung quân". Anh Hai Chân cho biết tất cả các nhà của cơ quan R đều lợp bằng lá trung quân, vì nó chịu được mưa nắng, bom na-pan thả trúng cũng không cháy. Cột nhà là những cây ngành ngạnh, không sợ mối mọt. Nhà để trống bốn bề, vì ở miền Nam cả đời không có gió bão nên anh Thanh muốn để vậy cho thoáng. Bàn làm việc của anh bằng cây, có thêm một chiếc võng ni-lông mắc vào hai cây cột. Anh ngồi đu đưa trước võng và bắt đầu bằng việc xưng tên:

- Các cậu này! Vào đây vui thật, mỗi người đều được đặt một tên mới, được phong "thứ" nữa. Nguyễn Chí Thanh bây giờ tên là Sáu Di đấy nhé. Cái tên này cũng có lai lịch để rồi nói sau. Từ nay cấm tiệt gọi tên cúng cơm, các cậu cũng vậy, đều đặt tên mới và gọi bằng thứ.

Anh vui miệng giới thiệu anh Trần Văn Trà, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Miền là Tư Chi; anh Lê Trọng Tấn chỉ huy phó là Ba Long, anh Lê Đức Anh tham mưu trưởng là Sáu Nam… Một cuộc đặt tên cho chúng tôi diễn ra sôi nổi ngay tại nhà anh. Tôi vốn họ Trần, thấy chưa có ai nhận thứ tám, nên xin đặt tên mình là Tám Trần.

Sau đó, phần quan trọng trong buổi gặp đồng chí lãnh đạo cao cấp của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, là nghe anh nói về tình hình và nhiệm vụ của chiến trường, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Trước hết anh hỏi chúng tôi, trên đường đi có theo dõi chiến thắng Bình Giã không? Cũng nhờ Tổng cục Chính trị phát cho mỗi người một cái đài Pa-na-sô-ních của Nhật Bản nên không đến nỗi ú ớ lắm. Sau khi nghe chúng tôi trả lời, anh sảng khoái nhận định: "Đây là đòn đầu tiên, trung đoàn chủ lực của ta diệt chiến đoàn ngụy ngoài công sự. Nhưng ta còn phải vươn lên có nắm đấm chủ lực lớn hơn, mạnh hơn, đủ sức diệt gọn cả tiểu đoàn chủ lực ngụy trong công sự, mới hòng xoay chuyển nổi tình hình". Anh càng nói càng say sưa, hút thuốc lá liên tục. Anh nhắc đi nhắc lại nhiệm vụ cần kíp trước mắt là phải có phong trào chiến tranh nhân dân mạnh, đánh mạnh địch bằng cả hai chân, ba mũi, làm cho địch khốn đốn trăm bề, không ngóc đầu dậy nổi. Bỗng anh nắm chặt bàn tay giơ cao trước mặt chúng tôi:

- Nhớ là phải có quả đấm chủ lực mạnh mới mong nắm chắc phần thắng trong tay. Chính vì vậy mà Trung ương và Bộ Chính trị cho chúng ta vào đây để cùng các đồng chí trong này hoàn thành nhiệm vụ đó.

Sau khi giao nhiệm vụ cho từng người đâu vào đấy vui vẻ, anh đưa chúng tôi đi dạo quanh một lượt. Khi đi ngang qua nhà bếp, một cô gái đen giòn chạy ra đon đả:

- Thưa anh Sáu, đây là mấy chú vừa ở ngoài về hẻn?

Tôi bật cười về cách xưng hô của cô. Cô gọi đồng chí Nguyễn Chí Thanh là anh rất tự nhiên, còn bọn tôi thì được tôn lên là chú.

Anh Thanh cười, bắt chước giọng Nam Bộ:

- Ừ, mấy chú vừa "dô" đó. Hôm nay nhà bếp làm món gì tươi đãi khách nghen!

Ngay tại đó, đồng chí Thuận, bác sĩ riêng của anh Thanh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui về "chị nuôi" này.

Buổi đầu tiên anh Thanh về Bộ chỉ huy Miền, anh lững thững đi dạo, tiện đường ghé thăm nhà bếp. Người đầu tiên gặp là cô "chị nuôi". Anh vui vẻ hỏi trước "Cô tên chi", cô trả lời gọn: "Em tên Hường". Anh hỏi tiếp: "Thứ mấy?", "Thưa thứ năm". Anh Sáu thân mật đưa tay ra: "Xin chào chị nuôi Năm Hường nhá!". Năm Hường hỏi lại: "Anh mới "dô" hả?".

- Phải

- Anh thứ mấy?

- Thứ sáu

Mấy bữa sau, tuy Năm Hường biết rõ anh Sáu là thủ trưởng "bự" nhất rồi cô vẫn cứ quen miệng gọi anh Sáu và cũng trong lúc ấy cô lại gọi chú Tư Chi, chú Ba Long, và cả chú Tám Trần nữa!

Còn anh Thanh thì khen hết lời Năm Hường có tính hồn nhiên của người Nam Bộ, nên khi cô gọi anh là anh Sáu, anh gật đầu cười vui vẻ hưởng ứng.

Sau chiến thắng Bình Giã, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại cùng tập thể Bộ chỉ huy quân sự Miền ráo riết chuẩn bị chỉ đạo việc chuẩn bị chiến dịch mới. Mọi người đều tâm đắc với lời nhắc nhở chí lý của đồng chí Chính ủy Quân giải phóng miền Nam là "thỏa mãn dừng lại lúc này là có tội, phải thừa thắng xốc tới, quyết tâm đập tan chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch". Chính ủy Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp, biến tư tưởng chỉ đạo chiến lược đó thành ý chí và hành động của cán bộ và chiến sĩ trên chiến trường. Vì vậy, chỉ sau chiến dịch Bình Giã mấy tháng, vào trung tuần tháng 5 năm 1965, lại nổ ra chiến dịch lớn Đồng Xoài, lớn về mục đích yêu cầu, lớn về lực lượng tham gia, về thời gian kéo dài của chiến dịch. Một bộ chỉ huy tiền phương được thành lập, các anh Ba Long (Lê Trọng Tấn), anh Năm Thạch (Hoàng Cầm) trực tiếp đôn đốc kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị tham chiến. Chính ủy Nguyễn Chí Thanh và chỉ huy trưởng Trần Văn Trà ở chỉ huy sở cơ bản chỉ huy chung các hướng toàn Miền phối hợp với Đồng Xoài.

Chiến dịch Đồng Xoài đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Phước Long không xa lắm về hướng bắc Sài Gòn. Chiến dịch lịch sử này đã tạo ra khả năng chiến đấu mới của chủ lực Miền và gây nỗi kinh hoàng mới cho ngụy quân, ngụy quyền. Trong chiến dịch này, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn chủ lực ngụy trong công sự vững chắc. Khi được tin này, cả chỉ huy sở cơ bản reo lên ầm ĩ. Anh Tư Chi vội vã hướng dẫn thảo điện báo cáo với Trung ương và Trung ương Cục. Anh Thanh thưởng cho mỗi người có mặt một điếu thuốc lá để mừng chiến thắng. Trong khi đó lại càng vui về tin quân và dân Khu 5 thắng lớn trong trận Ba Gia ở Quảng Ngãi. Trong khí thế chiến thắng dồn dập trên khắp các chiến trường, ngay hôm sau, đồng chí Nguyễn Chí Thanh ngồi viết một mạch bài báo lấy tựa đề là "Ba Gia gọi Đồng Xoài" phân tích sâu sắc về hai chiến thắng vang dội này, với bút hiệu Trường Sơn. Bài báo đã được đài Phát thanh Giải phóng phát đi phát lại nhiều lần và gây được sự chú ý đặc biệt của cả dư luận trong nước và ngoài nước. Trong bài báo đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nêu bật được một nhận định có ý nghĩa chiến lược của chiến thắng Ba Gia-Đồng Xoài cùng với thắng lợi đánh phá tơi bời là biểu hiện sự phá sản hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ-ngụy. Chiến thắng Ba Gia-Đồng Xoài chứng tỏ quân và dân miền Nam đã giành quyền chủ động trên chiến trường. Sau đó ít ngày, chính Mắc Na-ma-ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng phải công khai thú nhận: "Quyền chủ động trên chiến trường đã thuộc về tay Việt cộng". Sau đó, đồng chí còn viết tiếp một số bài nổi tiếng khác nêu ra nhiều ý kiến mới và sự phân tích sâu sắc như bài "Mỹ giàu nhưng không mạnh". Đối phương thừa nhận đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một trong những đối thủ rất khó chịu của họ ở Việt Nam. Còn đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm nắm bắt những âm mưu và hành động dù lớn, dù nhỏ của Mỹ.

Tôi nhớ mãi một buổi tối đầu tháng 3-1965, anh gọi tôi lên hỏi: "Chú có nghe tin gì vừa rồi không?". Tôi chưa kịp trả lời, anh nói ngay:

- Các đài phương Tây vừa đưa tin hôm nay Mỹ đã cho hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ Ô-ki-na-oa đổ bộ vào Đà Nẵng rồi. Chắc nó còn tiếp tục đổ tiếp quân Mỹ vào nữa. Chú báo ngay cho bên tham mưu theo dõi sát, nắm kỹ tình hình, để Bộ chỉ huy Miền có cơ sở bàn biện pháp chủ động đối phó.

Tôi nhìn lên tấm lịch treo ở cột nhà. Hôm đó là mồng 9-3-1965. Trong buổi giao ban hôm sau ở chỉ huy sở, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đưa ra tập thể Bộ chỉ huy bàn và đi đến kết luận chính xác là phải chuẩn bị thật tốt, bảo đảm chắc thắng trong chiến dịch Đồng Xoài, đồng thời phải chuẩn bị ngay cuộc đọ sức trực tiếp với quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Sau đó, anh đã dành nhiều thời gian đi xuống đơn vị chiến đấu và cơ sở, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để mong tìm ra câu trả lời cho những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra, đặc biệt là việc xây dựng quyết tâm đánh Mỹ trong bước chuyển từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Hồi đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh mới ngoài 50 tuổi, còn khỏe, rất xông xáo. Phương tiện đi lại duy nhất là xe đạp, lại thường phải đi đêm, nhưng anh đạp chẳng thua kém gì chúng tôi. Bộ đồ hành quân quen thuộc của anh thường là bộ bà ba đen hoặc nâu, chiếc mũ tai bèo, một đôi bốt ngắn để chống rắn chàm oạp và một khẩu súng ngắn bên sườn.

Đến thăm đơn vị chủ lực miền Đông, anh đã ngồi nói chuyện tay đôi rất lâu với chiến sĩ Ma Văn Thắng, người đã diệt được tên Mỹ đầu tiên trong trận đầu diệt Mỹ của đơn vị này tại Đất Cuộc. Anh Thanh hỏi Thắng:

- Chú thấy đánh Mỹ có gì khác với đánh ngụy?

- Có khác, Mỹ có súng bén, có nhiều máy bay, đại bác hơn ngụy.

- Thế sao đơn vị mình vẫn diệt được Mỹ?

- Vì ta có tinh thần cao, ta cũng có súng tốt, lại có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn Mỹ.

- Thắng nói thật nhé, lần đầu tiên thấy lính Mỹ, chú có ớn không?

- Lúc đầu cũng ớn, thấy nó to con, lông lá đầy ngực, nhưng sau thấy nó vận động khù khờ quá, cháu bớt sợ, nổ liền mấy phát nó ngã ngay.

Anh Thanh gặp chiến sĩ khác chưa có dịp đánh Mỹ:

- Có dám đánh Mỹ không?

- Dám đánh ạ!

- Có sợ bom, đạn Mỹ không?

- Em không sợ! Má em đã bị pháo bầy của Mỹ bắn chết giữa lúc đang cấy ở ruộng. Em chỉ mong trả thù cho má!

Cơ sở xây dựng quyết tâm dám đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ bắt nguồn từ đây. Những khẩu hiệu "Tìm Mỹ mà đánh, thấy ngụy là diệt", "Bám thắt lưng Mỹ mà đánh" không phải bỗng dưng mà có, mà cũng bắt nguồn từ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, từ thực tế cuộc sống mà ra, được cô đúc lại và biến thành ý chí và hành động của toàn thể các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thời đó. Phần đóng góp nổi bật nhất của đồng chí Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường là ở chỗ đó.

Cuối năm 1965, được sự chỉ đạo của Trung ương và Trung ương Cục, Quân ủy Miền triệu tập hội nghị mở rộng do đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì, để bàn gấp những vấn đề cấp bách đối với chiến tranh cục bộ của Mỹ. Hội nghị có ý nghĩa lịch sử này không làm ở chỉ huy sở của R, mà bí mật chuyển ra rẫy sản xuất của cơ quan. Rẫy này nằm ở gần biên giới, rất quang đãng, thoáng mát. Thỉnh thoảng đồng chí Nguyễn Chí Thanh ra rẫy kết hợp vừa làm việc, vừa nghỉ ngơi. Anh em vệ binh làm cho anh một cái nhà nhỏ giữa mấy khóm chuối, chung quanh là những hàng dừa, đu đủ, mía, vừa dọn cỏ, vun đất mới đỏ chói, trông rất vui mắt. Hội nghị Quân ủy Miền đã làm việc tại ngôi nhà này.

Mở đầu hội nghị, anh Tư Chí (Trần Văn Trà) và anh Năm Thạch (Hoàng Cầm) trình bày tỉ mỉ diễn biến, kết quả và kinh nghiệm sốt dẻo qua những trận đầu tiên của Sư đoàn 9 của ta đọ sức với quân Mỹ.

Hội nghị rất mừng vì Sư đoàn 9, sư đoàn chủ lực đầu tiên của Miền mà đồng chí Hoàng Cầm là sư đoàn trưởng, đã đánh tốt và tiến bộ nhanh. Nhưng khi đi sâu vào nội dung chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ và những vấn đề mới về chiến dịch, chiến thuật của ta, thì có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề "đánh Mỹ khác đánh ngụy thế nào?". Cuộc tranh luận kéo dài sôi nổi suốt cả ngày. Cuối cùng đều nhất trí với kết luận của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam đã sụp đổ hoàn toàn và Mỹ đã chuyển thành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam. Quân Mỹ đã lên tới 20 vạn tên. Mắc Na-ma-ra đang rêu rao về chiến lược hai gọng kìm: Tìm diệt và bình định. Chúng đang chuẩn bị tung ra cuộc phản công mùa khô lần thứ nhất (1965-1966) tập trung vào hai hướng chủ yếu là miền Đông Nam Bộ và Khu 5 nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực ta, giành lại thế mạnh về quân sự, hỗ trợ cho bình định có trọng điểm của chúng. Đối với thắc mắc "đánh Mỹ khác đánh ngụy thế nào?" đồng chí cũng nói thẳng vào vấn đề, không giấu giếm: "Thú thật với các đồng chí, hội nghị này chưa có đủ thực tiễn để giải đáp đầy đủ thắc mắc này. Đó là một vấn đề lớn rất quan trọng, tất cả chúng ta đều phải tìm được câu trả lời tốt nhất theo cương vị của mình. Nhưng theo tôi, cái cốt lõi bây giờ là dám đánh và quyết thắng Mỹ không đã. Các chiến sĩ mà tôi gặp đã tỏ thái độ dứt khoát, còn những người chỉ huy và lãnh đạo cần tỏ thái độ thế nào? Xin các đồng chí về đơn vị cùng bàn với chiến sĩ hãy cứ đánh, quyết tâm đánh Mỹ đã, đánh rồi ta sẽ tìm ra cách đánh Mỹ tốt nhất cả về chiến dịch, chiến thuật và chiến đấu". Cuối cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh nhiệm vụ của công tác chính trị, tư tưởng lúc này là xây dựng cho được quyết tâm đánh Mỹ, quyết tâm đập tan kế hoạch phản công mùa khô 1965-1966 của địch. Trước khi kết thúc, Hội nghị Quân ủy Miền nhất trí phát động phong trào dám đánh và quyết thắng Mỹ với những khẩu hiệu đầy sức sống đã thành câu nói cửa miệng của quần chúng: tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt, bám thắt lưng Mỹ mà đánh v.v..

Không mấy chốc phong trào giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", "Dũng sĩ diệt ngụy" khởi đầu từ T4 (đặc khu Sài Gòn) nhanh chóng phát triển thành cao trào rộng lớn toàn Miền không sức gì cản nổi.

Nhiệm vụ nặng nề của chiến trường đã làm đồng chí Nguyễn Chí Thanh xuống sức. Đầu năm 1967, anh được Bộ Chính trị triệu tập ra Hà Nội bàn chiến lược chung của cả nước và kết hợp kiểm tra sức khỏe.

Sau chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong chiến dịch Gian-xơn Xi-ti của Mỹ ở miền Đông Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh điện vào Bộ chỉ huy Miền cho anh Hoàng Cầm và tôi mang tài liệu ra báo cáo, làm việc xong lại vào.

Chúng tôi về tới Thủ đô Hà Nội giữa lúc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại, không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc hằng ngày.

Mặc dù công việc khẩn trương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vẫn dành thời gian cho chúng tôi gần gũi gia đình.

Một ngày đầu tháng 7-1967, đồng chí Nguyễn Chí Thanh gọi tôi và anh Cầm vào làm việc ở Tổng cục Chính trị. Anh báo kế hoạch trở về B2 và nói rõ thời gian cụ thể là ngày 7-7-1967 anh sẽ đi trước với bác sĩ Thuận bằng đường riêng. Một tuần sau anh Cầm và tôi đi tiếp theo đường cũ của chúng tôi. Tối ngày 5-7-1967, tôi và vợ tôi đến thăm anh và chị Cúc là vợ anh. Hai anh chị rất vui vẻ tiếp chúng tôi. Anh cho biết sức khỏe của anh rất tốt, không có vấn đề gì. Tôi cũng nghĩ như thế.

Sáng 6-7-1967, tôi vào Tổng cục Chính trị làm việc với anh Song Hào như đã hẹn. Tôi bước lên cầu thang thì thấy anh Hào đang từ trên gác vội vã đi xuống. Nhìn thấy tôi, anh nói ngay:

- Anh Thanh phải cấp cứu rồi. Ta vào Viện quân y 108 ngay xem thế nào.

Tôi giật thót người, đứng sững lại ít phút, rồi mới chạy vội ra xe. Khi qua nhà anh, thấy chị Cúc đang đứng thờ thẫn ở sân, tôi rẽ vào hỏi chị:

- Tình hình của anh thế nào chị?

Chị lắc đầu:

- Nguy lắm. Tôi vừa ở dưới ấy về, các bác sĩ không muốn tôi ở luôn dưới đó. Anh cho tôi đi cùng với.

Tôi đưa chị ra xe.

Khi tới nơi, các đồng chí lãnh đạo và nhiều người khác đứng đông chật ở cửa buồng mổ. Bên trong chỉ có hội đồng bác sĩ đang làm việc. Không khí nặng nề quá. Tôi lách qua đám đông nhìn vào, thấy anh Thanh đang nằm trên bàn mổ để bơm ô-xy vào người.

Tôi quay ra thì đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa đến. Một bác sĩ đưa anh một áo choàng trắng. Anh vào một lúc lâu, khi ra anh ngập ngừng nói với một số đồng chí đứng gần đó.

- Anh em bác sĩ rất cố gắng, nhưng khó lắm rồi.

Vừa lúc ấy, bác sĩ Thuận ra, len tới ôm lấy tôi nói trong nước mắt:

- Chúng ta mất anh Thanh rồi!

Lúc đó là 8 giờ 30 phút sáng 6-7-1967.

Bệnh nhồi máu cơ tim đã vội cướp mất đồng chí Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, trong lúc sự nghiệp cách mạng và kháng chiến rất cần những nhà chiến lược xuất sắc toàn diện và những người lãnh đạo tài đức toàn vẹn như anh.

VĂN PHÁC (Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân giải phóng miền Nam)