QĐND Online -Thiếu tướng Phạm Tiến Luật, Cục trưởng Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) và các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Cục có vinh dự và nhiều kỷ niệm khó quên trong những lần được gặp, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn, động viên. Xúc động kể cho tôi nghe những kỷ niệm không thể nào quên về Đại tướng, Cục trưởng Phạm Tiến Luật bồi hồi nhớ lại:

- Lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1974, khi đó tôi là học viên Trường Sĩ quan Hậu cần. Hôm đó, nhà trường được Bác Tôn và Đại tướng đến thăm, động viên. Gần 40 năm đã qua, đến giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Đại tướng uy nghi, nhưng cũng rất gần gũi, cởi mở, đặc biệt là nụ cười đôn hậu của Ông khiến chúng tôi cảm thấy Đại tướng như người chỉ huy gần gũi, giàu tình thương ở chính đơn vị mình. Đại tướng ân cần thăm hỏi động viên, căn dặn cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường phải chăm lo dạy tốt, học tốt, để góp phần bảo đảm tốt hậu cần cho bộ đội, nhất là bảo đảm hậu cần cho chiến đấu và đánh thắng...

 Lần đầu được gặp Đại tướng năm 1974, nhưng ngay từ tuổi thiếu niên, Phạm Tiến Luật đã được nghe, được đọc và rất tự hào về Đại tướng. Các cậu bé trong làng, trong đó có Phạm Tiến Luật còn tổ chức thi vẽ chân dung Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các đảng viên thuốc thế hệ đầu tiên của làng Tử Tế, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, Thái Bình  thường tổ chức họp chi bộ tại nhà bà Vũ Thị Hồi - bà nội của Phạm Tiến Luật, và thường nói về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm kính trọng, tự hào ( cụ Hồi được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích nuôi giấu cán bộ). Từ “chiếc nôi” cách mạng đó ở địa phương, Phạm Tiến Luật lớn lên, được đi học, rồi vào bộ đội, trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trở thành cán bộ cao cấp của Quân đội. Suốt hơn 40 năm trong quân ngũ, tư tưởng quân sự của Bác Hồ và tài năng, đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là nguồn cổ vũ, động viên, niềm tin lớn đối với cá nhân đồng chí Phạm Tiến Luật trên các cương vị, chức trách được giao, cũng như với tập thể đơn vị, nơi đồng chí công tác.

 Là người say mê tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu lịch sử, các sự kiện…liên quan đến sự ra đời, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Phạm Tiến Luật đặc biệt khâm phục, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã đặt tên cho “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, trong đó Bác đã bổ sung vào tên gọi của Đội hai chữ “tuyên truyền” và   nhấn mạnh:  “chính trị trọng hơn quân sự”, thể hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Bác. Tên gọi gần gũi, thân thương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Anh Cả của Quân đội”, cũng do Bác Hồ đặt cho.

 

Trung tá Phạm Tiến Luật vinh dự được gặp và báo cáo tình hình, thành tích của Lữ đoàn Công binh 513 với Đại tướng tại nhà riêng (tháng 2-1994). Ảnh do Lữ đoàn cung cấp.

 

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ về chiến tranh nhân dân, xây dựng Quân đội và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là Anh Cả của Quân đội. Đại tướng đã góp phần quan trọng xây dựng quân đội ta lớn mạnh nhanh chóng, chiến đấu hiệu quả, nhờ chủ trương thành lập các “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Trong trận đánh mở màn chiến dịch Biên giới Thu- Đông 1950, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, thực hiện tư tưởng ''đánh chắc thắng'', Đại tướng và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã quyết định chuyển từ đánh vào Thị xã Cao Bằng (theo dự kiến ban đầu) sang đánh trận then chốt Đông Khê và giành thắng lợi lớn, hạn chế thấp nhất tổn thất của bộ đội ta. Cũng với phương châm đó, Đại tướng đã đưa ra “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời binh nghiệp của mình: Chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh”, sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”...mà nhà sử học quân sự Mỹ Celin Currey đánh giá "Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân...,là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại".

  Vị tướng ngành Quân nhu bộc bạch: "Sử sách ghi lại, sau lễ tuyên bố thành lập và ra mắt Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, mặc dù nhân dân địa phương ủng hộ khá nhiều lương thực, thực phẩm, nhưng đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫn quyết định: Bữa cơm đầu tiên, cán bộ chiến sĩ toàn Đội ăn với muối, thể hiện tinh thần đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn và ý thức tiết kiệm ngay từ buổi sơ khai của đội quân cách mạng. Suốt cuộc đời, Đại tướng luôn quan tâm đến từng người lính, xót từng giọt máu chiến sĩ và luôn căn dặn các cấp chỉ huy: “Chiến sĩ chưa ăn, cán bộ không được kêu đói; chiến sĩ chưa được nghỉ, cán bộ không được kêu mệt”. Trong các chiến dịch lớn, Đại tướng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm hậu cần, để từng người lính đến toàn đơn vị có đủ sức mạnh chiến đấu, giành chiến thắng”.

  - Đại tướng đã truyền cho tôi niềm tin, ý chí quyết tâm và cả cái tâm, cái đức của người thầy, người cán bộ cách mạng, ngay từ lần đầu tôi được gặp Ông - Thiếu tướng Phạm Tiến Luật bồi hồi nhớ lại. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hậu cần, tôi được điều động về làm trợ lý hậu cần tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Công binh 513 (nay là Lữ đoàn 513, Quân khu 3). Ghi sâu lời căn dặn của Đại tướng, tôi đã cùng chỉ huy và tập thể đơn vị mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đưa Lữ đoàn 513 trở thành "điểm sáng" của Quân khu 3 và toàn quân về công tác bảo đảm hậu cần, đời sống, tăng gia sản xuất (TGSX), hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 1985, Lữ đoàn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân…"

 

Đại tướng gửi thiếp chúc mừng năm mới Lữ đoàn Công binh 513 (năm 1994), có bút tích của Đại tướng.

 

Dừng một lát, Cục trưởng Phạm Tiến Luật đứng dậy mở tủ, lấy trong cặp đưa cho tôi xem những kỷ vật về Đại tướng mà anh cẩn thận cất giữ suốt gần 20 năm qua. Đó là tờ giấy giới thiệu đã ngả màu vàng, do chỉ huy đơn vị ký ngày 1-2-1994, giới thiệu Trung tá, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 513 Vũ Ngọc Minh và 2 cán bộ của Lữ đoàn được đến nhà riêng thăm và chúc Tết Đại tướng; tiếp nữa là thiếp chúc Tết Giáp Tuất -1994 của Đại tướng gửi lữ đoàn và đặc biệt là bức ảnh Trung tá Phạm Tiến Luật vinh dự được chụp cùng Đại tướng trong lần gặp đó. Đồng chí Cục trưởng nhớ rất rõ: "Hôm đó là chiều 2-2-1994, Đại tướng vừa đi dự mít tinh chào mừng kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Đảng trở về, tâm trạng rất vui. Sau khi nghe chỉ huy Lữ đoàn báo cáo tình hình, thành tích của đơn vị, Đại tướng chúc mừng, chia vui, đồng thời khái quát những định hướng lớn đối với  Quân đội, LLVT, trong đó có Bộ đội Công binh về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đại tướng chúc mừng Lữ đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, cần tiếp tục phấn đấu, lập những chiến công mới đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ mới. 

 Các cán bộ của Lữ đoàn có mặt tại nhà riêng của Đại tướng hôm đó đều cảm nhận: Những lời căn dặn, chỉ bảo của Đại tướng vừa mang tầm chiến lược của một nhà lãnh đạo tài ba, Người Anh Cả của Quân đội, đồng thời rất chân tình, cụ thể, thân thương, tạo một niềm tin lớn đối với bộ đội.

Trở về đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn kịp thời tổ chức quán triệt những lời căn dặn ân cần của Đại tướng; chụp và in lại thư chúc Tết có bút tích và chữ ký của Đại tướng: "Năm mới, chúc Lữ đoàn 513 hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ" gửi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lữ đoàn. Khắc ghi lời căn dặn, nhắn gửi của Đại tướng, những năm sau đó, Lữ đoàn Công binh 513 luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, Đảng bộ đạt TSVM, đơn vị VMTD và là một trong các đơn vị đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới (danh hiệu Anh hùng lần thứ 2).

Sau này, trên các cương vị công tác, đặc biệt là Cục trưởng Cục Quân nhu- TCHC, đồng chí Phạm Tiến Luật luôn là người chỉ huy hậu cần năng động, sâu sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm, luôn trăn trở cùng tập thể chỉ huy, cơ quan Cục tìm hướng đi, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả, được các cấp và toàn quân ghi nhận, đánh giá cao; cá nhân đồng chí 11 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ Quyết thắng, đồng thời tích cực học tập, nghiên cứu, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, tiếp đó được phong chức danh phó giáo sư. “Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, mọi thành công của bản thân tôi, cũng như của ngành Quân nhu…, đều xuất phát từ việc mỗi người và toàn ngành luôn học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người Anh Cả của Quân đội với tinh thần “dĩ công vi thượng”, hết lòng vì Đảng, vì dân, kiên trì, sáng tạo hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao - Cục trưởng Phạm Tiến Luật bày tỏ.

Lãnh đạo, chỉ huy Cục Quân nhu, đặc biệt là Cục trưởng Phạm Tiến Luật nhiều lần được đến thăm, báo cáo với Đại tướng tình hình, các nội dung về bảo đảm quân nhu, nuôi dưỡng bộ đội. Đại tướng căn dặn, biểu dương và chỉ bảo những nội dung rất thiết thực về bảo đảm hậu cần, đời sống bộ đội, về bảo đảm ăn, mặc, ở, TGSX...Ngành Hậu cần quân đội nói chung, ngành Quân nhu nói riêng hết sức biết ơn, tri ân Đại tướng!

Năm 2009, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo Cục Quân nhu nghiên cứu, sản xuất mẫu các loại quân phục, cầu vai, quân hàm và xin ý kiến Đại tướng. Đại tướng xem kỹ từng loại mẫu quân phục và cho những ý kiến chỉ đạo rất có giá trị, thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn của Đại tướng đối với đặc thù của hoạt động quân sự cũng như việc xây dựng quân đội trong giai đoạn cách mạng mới, hội nhập quốc tế…Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần và Cục Quân nhu thực hiện tốt việc cải tiến quân phục, toàn quân mang mặc thống nhất, chính quy, bền, đẹp đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Ngành Quân nhu, trực tiếp là Cục Quân nhu và Xí nghiệp may 20 (nay là Công ty 20-TCHC) có vinh dự đặc biệt: May quân phục, quần áo phục vụ Đại tướng suốt hàng chục năm qua, cũng như khi Đại tướng qua đời. Với lòng kính trọng, biết ơn cùng những kỷ niệm không thể nào quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cục trưởng Phạm Tiến Luật bày tỏ: Cán bộ, chiến sĩ ngành Quân nhu nói chung, Cục Quân nhu nói riêng mãi mãi biết ơn, ghi nhớ và phấn đấu thực hiện tốt nhất những lời căn dặn của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lập nhiều thành tích mới, bảo đảm tốt hậu cần, đời sống bộ đội, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, như sinh thời Đại tướng hằng mong muốn. 

PHẠM QUÂN