Bây giờ, khi đã thảnh thơi nghỉ hưu, Đại tá Phan Dĩnh vẫn khôn nguôi hoài niệm về những ngày sống, chiến đấu trên đất nước Triệu Voi yêu dấu.

Thương nhớ, bởi khi người ta già thường hay nghĩ về quá khứ, khác với tuổi trẻ hăm hở với tương lai. Có một điều đặc biệt hơn nữa là với tuổi 78 của mình, Phan Dĩnh có tới 37 năm chiến đấu và công tác với các bạn Lào, chưa kể 10 năm thơ ấu sống với bố mẹ ở đất nước này! 47 năm, không biết có chiến sĩ tình nguyện Việt Nam nào vượt qua con số đó không, nhưng quả thực nghĩ tới thời gian đằng đẵng đó, tôi thấu hiểu được tình cảm của ông dành cho quê hương thứ hai của mình.

Đại tá Phan Dĩnh và Trung tướng Xiêng Xổm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào, người trực tiếp tham gia cuộc giải thoát Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và các nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Lào. Ảnh do Đại tá Phan Dĩnh cung cấp

Quê hương thứ hai đó là nơi bố mẹ, anh chị em của ông từng làm ăn, sinh sống và tham gia Mặt trận Việt Minh.

Quê hương thứ hai đó là nơi đưa ông đến với cách mạng trong những ngày Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Quê hương thứ hai đó là nơi ông nhập ngũ vào Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành chiến sĩ quân tình nguyện ở mặt trận Tây Lào, sau đó phụ trách Văn phòng Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Viêng Chăn.

Và đó chính là yếu tố để lãnh đạo ở Cục Nghiên cứu (nay là Tổng cục 2) tuyển chọn ông vào hàng ngũ cán bộ tình báo quân sự.

Cho nên, bây giờ ngồi nói chuyện với tôi tại nhà riêng ở đường Hoàng Văn Thái (Hà Nội), Đại tá Phan Dĩnh “khoe” rằng ông đã viết sách, viết báo, làm thơ... Nhưng ông vẫn tiếc ngẩn ngơ vì tuổi tác nên không viết được nhiều hơn những ngày tháng làm tình báo của mình, một “nghề” mà từ đó giúp ông chứng kiến trực tiếp nhiều cuộc biến động chính trị ở Viêng Chăn trong những ngày cả ba nước Đông Dương chiến đấu chống Mỹ xâm lược…

Đại tá Phan Dĩnh. Ảnh: Lê Trung Nguyên

Ngày 27-11-1957, Lào thành lập Chính phủ Liên hiệp lần thứ nhất, Ban cán sự Đảng bộ Viêng Chăn giải thể, Phan Dĩnh về nước. Tháng 5-1958, anh được điều chuyển vào Cục Nghiên cứu, học qua một lớp nghiệp vụ 3 tháng và sau đó được cử đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh).

Hồi đó, được học tập cơ bản tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc là một vinh dự lớn, là ước mơ của bất cứ cán bộ, đảng viên nào. Nhưng mới học được 3 tháng, vào một ngày tháng 5-1959, nhà trường gọi Phan Dĩnh lên, rồi cho xe đưa về gặp Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Nghiên cứu. Ngồi ở phòng đợi, lòng của Phan Dĩnh như lửa đốt, vừa hồi hộp, vừa lo âu. Gặp Cục trưởng chắc phải có chuyện gì thật đặc biệt và quan trọng lắm.

Quả đúng như anh dự đoán, bắt tay vị khách trẻ tuổi xong, Cục trưởng Trần Hiệu nói ngay:

 - Tình thế bây giờ đã thay đổi, cách mạng Lào đang gặp khó khăn. Bọn phái hữu lật lọng, đưa Phủi Sa-na-ni-kon lên làm Thủ tướng, xé bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Lào, xóa bỏ Chính phủ Liên hiệp, mở chiến dịch khủng bố cán bộ và cơ sở Neo Lào Hắc Xạt trên toàn quốc. Nghiêm trọng hơn, chúng đã bắt giam Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cùng 15 cán bộ cách mạng. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng Nhân dân Lào (năm 1976 đổi tên thành Đảng nhân dân Cách mạng Lào) yêu cầu Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cử một số đồng chí có năng lực và thông thạo Viêng Chăn bí mật trở lại giúp bạn tổ chức cuộc giải thoát Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và các đồng chí bị địch giam. Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Cục quyết định cử đồng chí làm tổ trưởng cùng 8 đồng chí khác sang giúp bạn. Đồng chí về làm kế hoạch xong lên báo cáo với Đại tướng Tổng tư lệnh. Tuyệt đối giữ bí mật!

Mấy ngày sau, Cục trưởng Trần Hiệu đưa Phan Dĩnh đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi đọc xong kế hoạch giải thoát, Đại tướng ngẫm nghĩ rồi mỉm cười hiền hậu:

- Kế hoạch thế này là được rồi. Anh Hiệu bố trí cho đồng chí Dĩnh đi biên giới Mường Xén (Nghệ An) ngay để báo cáo anh Bảy (Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản). Đồng chí Dĩnh còn băn khoăn gì không?

Phan Dĩnh thật thà:

- Báo cáo Đại tướng, nếu các đồng chí bị giam không nhất trí rút ra thì chúng tôi làm thế nào?

Đại tướng trả lời ngay:

- Đây là công việc hệ trọng, liên quan đến vận mệnh quốc gia của bạn, nên phải do bạn quyết định!

Lời dặn của Đại tướng chẳng những theo Phan Dĩnh suốt hành trình làm nhiệm vụ đặc biệt, mà đã trở thành cẩm nang của ông trong suốt cuộc đời hoạt động trên đất nước Lào.

Sau gần 10 tháng chuẩn bị, đêm 23 rạng ngày 24-5-1960, cuộc giải thoát  Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và 15 cán bộ của Đảng Nhân dân Lào và Mặt trận Lào yêu nước (Neo Lào Hắc Xạt) ra khỏi tù ngục đã thành công ngoài mong đợi. Với 300 ngày bị giam giữ cẩn mật mà chỉ trong một đêm, cả đoàn tù và tiểu đội hiến binh canh gác đã “biến mất” khỏi trại giam Phôn Khênh (Viêng Chăn) khiến cho những kẻ phái hữu hết sức kinh ngạc, bàng hoàng. Ngày nay, báo chí Lào và Việt Nam đã nói nhiều đến cuộc vượt ngục nổi tiếng này. Điều đặc biệt là những người lính canh gác đó sau này đều trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào. Thành công đó bắt nguồn từ tình đoàn kết chiến đấu Việt- Lào và công tác “địch vận” tuyệt vời mà Tổ trưởng Tổ đặc biệt Phan Dĩnh có công đóng góp xứng đáng.

Hai tháng sau khi Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và các nhà lãnh đạo Mặt trận Lào yêu nước được giải thoát, nội bộ chính quyền phái hữu Lào hết sức rối ren, mâu thuẫn. Hai giờ đêm ngày 9-8-1960, Tiểu đoàn dù 2 của quân đội Vương quốc do Đại úy Coong-le và Trung úy Đươn chỉ huy đã tiến hành làm đảo chính, lật đổ chính phủ Sổm-sa-nít thân Mỹ, tuyên bố hòa hợp với Mặt trận yêu nước Lào. Ủy ban Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính, sẵn sàng tiếp xúc, đàm phán để thực hiện đường lối hòa bình, trung lập, thực hiện hòa hợp dân tộc.

Trong khi đó, đoàn tù vượt ngục của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, có Tổ công tác đặc biệt của Phan Dĩnh hộ tống, đang hành quân bí mật lên căn cứ phía bắc Sầm Nưa. Trung ương Đảng Nhân dân Lào chỉ thị đoàn chia làm hai bộ phận: bộ phận thứ nhất do Chủ tịch Xu-pha-nu-vông dẫn đầu tiếp tục hành quân lên vị trí đã định, còn bộ phận thứ hai do đồng chí Nủ-hắc Phum-xa-vẳn (lúc đó là Phó tổng bí thư Đảng Nhân dân Lào, sau này là Chủ tịch nước) dẫn đầu quay trở lại Viêng Chăn để đại diện cho Mặt trận Neo Lào Hắc Xạt hợp tác với Coong-le. Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam lệnh cho Phan Dĩnh đi theo đoàn đồng chí Nủ-hắc.

Nhưng niềm vui của nhân dân Lào chưa được bao lâu thì Phum-mi Nô-sa-vẳn đứng ra thành lập cái gọi là “Ủy ban cách mạng” ở Xa-van-na-khẹt, tuyên bố chống lại Ủy ban đảo chính. Tình hình Lào trở nên căng thẳng và hết sức phức tạp. Mỹ và các thế lực phản động ra sức thúc đẩy, chi viện cho Phum-mi Nô-sa-vẳn tập hợp lực lượng, chuẩn bị tấn công lên Viêng Chăn. Ngày 19-11-1960, hơn 400 cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ đến Xa-van-na-khẹt giúp Phum-mi Nô-sa-vẳn huấn luyện quân sự. Ngày 23-11-1960, quân phái hữu được sự trợ giúp của Mỹ và Thái Lan tiến đánh Viêng Chăn.

Cuộc nội chiến bắt đầu.

Trong những ngày đó, Phan Dĩnh được giao nhiệm vụ làm con thoi liên lạc giữa đồng chí Nủ-hắc ở trong thành với đồng chí Phun-xi-pha-xớt ở Na-son. Mỗi ngày, anh phải đi lại hai đến ba lần để chuyển báo cáo của đồng chí Nủ-hắc về Trung ương Đảng Nhân dân Lào. Trong cuộc chính biến này, Phan Dĩnh và tổ điệp báo phải trả lời chính xác các câu hỏi của cấp trên: Nội bộ lực lượng trung lập thực chất ra sao? Quan điểm của Coong-le và Ủy ban đảo chính? Lực lượng phái hữu ở Viêng Chăn còn những đơn vị nào, thành phần nào, vị trí đóng quân, vũ khí trang bị của chúng… Đó là những câu hỏi khó, nhưng nhờ sự thông minh, nhanh trí và dựa vào cơ sở mật, những tin tức của Phan Dĩnh luôn được chờ đón và đánh giá cao ở Trung ương Đảng bạn và Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, làm cơ sở cho những nhận định và hành động chiến lược của Trung ương Đảng ta chi viện cho cách mạng Lào. Không những thế, anh còn là trợ thủ đắc lực cho đồng chí Chu Huy Mân, cố vấn quân sự của Mặt trận Lào yêu nước trong những ngày biến động đó. Ở những thời điểm ác liệt nhất, Phan Dĩnh đã trực tiếp cầm súng như một người chiến sĩ, sát cánh bên quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng yêu nước Lào trong vòng vây kẻ thù cho đến khi toàn bộ lực lượng đảo chính và Neo Lào Hắc Xạt rút lui an toàn về Cánh đồng Chum, chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới…

Như vậy, chỉ trong hai năm liên tiếp, nhà tình báo trẻ tuổi Phan Dĩnh đã chứng kiến và tham gia hai cuộc chính biến lớn ở Thủ đô Viêng Chăn, không những dưới bom đạn, mà cả sự đấu trí đấu mưu với các cơ quan tình báo và mật vụ đối phương. Trong cuộc đọ sức đó, bản lĩnh và phẩm chất một chiến sĩ tình báo của Phan Dĩnh được khẳng định. Chính điều đó mà năm 1963, sau khi Lào thành lập chính phủ Liên hiệp ba phái, cấp trên đã tin tưởng cử anh làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Viêng Chăn trong sự dòm ngó, bao vây và uy hiếp của phái hữu cho đến ngày cách mạng Lào thắng lợi hoàn toàn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời (2-12-1975).

Giờ đây, ngồi kể chuyện với tôi trong ngôi nhà ở một con ngõ nhỏ, mặc cho cái chợ tạm bên cạnh đang buổi ồn ào, ông già Phan Vĩnh, với đôi mắt sáng và lông mày xếch, bồi hồi nhắc lại đồng đội của ông nay người còn, người mất. Ông cứ day dứt mãi về ba chiến sĩ đặc công: Đăng (quê Quảng Nam), Du (Phú Yên), Lầu (Khánh Hòa) trong Tổ công tác đặc biệt, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc rồi làm gì, ở đâu mà ông và một số đồng chí khác không biết, mặc dù các ông ra sức tìm kiếm...

Còn biết bao chiến sĩ tình báo có danh và vô danh khác, đang sống hoặc đã hy sinh mà do nhiều lý do khác nhau, họ chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là điều mà ông luôn day dứt cho đến hôm nay. Lòng ông ấm lại khi nhìn những dòng chữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề tặng trên bức ảnh mà Đại tướng chụp với 3 người trong Tổ công tác đặc biệt:

“Cuộc giải thoát Chủ tịch Xu-pha-nu-vông là một chiến công đặc biệt tiêu biểu cho tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Chúng ta hãy giữ vững và phát triển tình hữu nghị đặc biệt ấy. Chúc các đồng chí mọi sự tốt lành và nhớ mãi công lao của các đồng chí, trong đó có các đồng chí đã không còn…”.

Thân, 3-9-2003
Võ Nguyên Giáp

HỒNG SƠN