Khó có thể không khóc, nước mắt của niềm hạnh phúc, của lòng tự hào và cảm xúc nhớ thương những đồng chí, đồng đội đã mãi mãi không về vì sự bình yên của Tổ quốc... Đó là trạng thái tình cảm của nhiều đại biểu có mặt tại cuộc gặp gỡ do Ban liên lạc cựu chiến binh Cục Chính trị Quân khu Trị-Thiên-Huế tổ chức sáng 20-1 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Ký ức 40 năm trước
Với mái tóc bạc trắng, dáng đi chậm rãi, bước từng bước một, tay cầm tờ báo Quân giải phóng đã ngả màu- ông là người đầu tiên có mặt trong buổi gặp mặt. Đó là Đại tá Kiều Tam Nguyên, nguyên Phó cục trưởng Cục Chính trị Quân khu Trị-Thiên-Huế. Tờ báo Quân giải phóng ông mang theo hôm nay là liều thuốc tinh thần tạo nên khí thế, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, quân và dân Trị-Thiên trước giờ xung trận cách đây 40 năm về trước. Đó là số báo Quân giải phóng ra đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Trong số báo đó có đăng trang trọng ảnh Bác Hồ và bài thơ chúc Tết của Bác. Dẫu đã được các đại biểu chuyền tay nhau xem hết lượt, nhưng khi được Đại tá Kiều Tam Nguyên đọc lại bài thơ chúc Tết của Bác Hồ, ai cũng thấy dâng trào niềm xúc động. Không gian lắng xuống, giây phút như kéo mọi người trở về với quá khứ cách đây 40 năm. Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hải (Phong Hải), nguyên phóng viên báo Quân Giải phóng thì bức ảnh Bác Hồ và măng-séc được ông lấy từ báo Quân đội nhân dân mang vào chiến trường phục vụ cho việc xuất bản đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968.
 |
Các cựu chiến binh trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. |
Không khí buổi gặp mặt sôi động trở lại khi bà Hương, nguyên diễn viên Đoàn văn công Quân khu Trị-Thiên-Huế không “thể hiện” tài năng chơi đàn, mà lại ngâm liền hai bài thơ. Đã ở tuổi bà, nhưng chất giọng vẫn hết sức trong trẻo, say đắm và rất nhiệt tình như ngày nào bà từng biểu diễn phục vụ bộ đội ngay trên chiến hào, hoặc giữa hai trận chiến đấu. Những câu chuyện “bếp núc” trong đội văn công của bà thuở ấy, phần nào nói lên tính chất ác liệt, tàn khốc của cuộc chiến tranh, nhưng cũng thể hiện rõ ý chí, lòng quyết tâm của quân dân Trị-Thiên-Huế vượt qua khó khăn, vất vả, hy sinh giành thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt, bài thơ có tựa đề “Bài thơ Xuân 68” của hạ sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên chiến sĩ thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 42 vừa mới được một cán bộ thuộc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam sưu tầm trong dịp kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, phần nào phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu, niềm lạc quan, yêu đời của của bộ đội ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Trên một khía cạnh khác, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 và Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên- Huế lại tập trung phân tích những giá trị to lớn mà quân và dân Trị-Thiên-Huế đã góp phần làm nên chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thượng tướng Lê Khả Phiêu cho rằng: Không phải tới bây giờ, Đảng ta, nhân dân ta mới thấy hết giá trị to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, điều này đã được Đảng ta khẳng định ngay tại các Nghị quyết của Trung ương trong năm 1968 và năm 1973. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là hết sức to lớn tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý, đặc biệt là khả năng huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân và việc xây dựng thế trận chiến lược ở cả ba vùng cách mạng. Đây là những bài học không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn mang đầy đủ ý nghĩa thực tiễn. Đặc biệt, những bài học ấy vẫn nguyên giá trị đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thượng tướng Trần Văn Quang tập trung phân tích, làm rõ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện ý chí và khát vọng hòa bình của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước; làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện và thời cơ để cách mạng nước ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những điều đã thành huyền thoại
“Liệt sĩ Thẩm Đức Hòa và những lá thư tình rực lửa”, tên một tác phẩm của Nhà báo Đỗ Phú Thọ, phóng viên báo Quân đội nhân dân kể về công việc thầm lặng trong suốt nửa thế kỷ của bà Phương Bích Ngân đã làm nhiều người xúc động. Mặc dầu, biết chồng đã hy sinh, nhưng dường như không ngày nào bà không viết một lá thư “gửi” cho chồng như thời anh vẫn còn sống. Hồi chưa tìm được mộ của anh, sau khi viết xong chị đặt lên bàn thờ, thắp hương khấn vái và đốt, với hy vọng nó sẽ tới anh ở nơi chín suối. Anh là liệt sĩ Thẩm Đức Hòa, một người đã có mặt trong những ngày chiến đấu tại mặt trận Trị-Thiên-Huế. Người phụ nữ tưởng như huyền thoại ấy đến với cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh hôm nay với tất cả tấm lòng, sự kính trọng và lòng biết ơn đối với đồng chí, đồng đội. Cuộc gặp để lại nhiều cảm xúc khi mọi người được nghe những câu chuyện do chính bà Ngân kể lại. Chuyện “Nuôi vợ bằng thư” của bà Ngân đã gợi lại cả một thời gian khổ và ác liệt của chiến tranh. Giữa bom đạn khốc liệt ấy, những người chiến sĩ ngoài mặt trận vẫn dành tình cảm cao quý nhất cho gia đình, tất cả được gói vào những cánh thư. Một trong những lá thư mà đồng chí Thẩm Đức Hòa gửi về cho vợ từ mặt trận có đoạn viết: “Ngày 24-6 tới sẽ là ngày kỷ niệm 10 năm ngày cưới của chúng ta. Anh hứa mở tiệc chiêu đãi em trọng thể mỗi khi ngày cưới đến, nhưng không lần nào thực hiện được, phần vì việc quên mất, phần vì lúc đó chúng mình đang “đi kiết”. Lần này ngày cưới đến chúng mình lại xa nhau”. Có thể những bạn trẻ hôm nay ít có điều kiện nhận được những lá thư viết trên giấy nữa bởi giờ đây, điện thoại, internet đã trở nên quá quen thuộc. Những điều bà Ngân kể cũng phần nào khắc họa được hình ảnh của hàng vạn, hàng triệu người phụ nữ Việt Nam luôn khắc khoải chờ chồng, đợi con ngày trở về, đó cũng là câu chuyện của hàng vạn, hàng triệu chiến sĩ xông pha tiền tuyến nhưng vẫn luôn nhớ về gia đình, hậu phương.
Kỷ niệm của những người vào sinh ra tử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 qua lời kể của các cựu chiến binh tại buổi gặp mặt, có nhiều chuyện mà những người lính trẻ như chúng tôi rất cảm phục. Không gian trở nên tĩnh lặng khi Thiếu tướng Phan Khắc Hải - người có mặt tại thành nội Huế suốt 25 ngày, đêm kể lại những câu chuyện sinh động và đầy sự hấp dẫn về cuộc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của quân dân thành Huế. Đặc biệt, câu chuyện về lá cờ của Mặt trận Liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình treo trên cột cờ Phú Văn Lâu mồng một Tết Mậu Thân 1968. Lá cờ chính là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và niềm khát khao hòa bình của quân, dân Trị-Thiên-Huế nói riêng và quân, dân cả nước nói chung. Chẳng thế mà cuối năm 1967, hàng vạn thanh niên nam, nữ của các địa phương trên miền Bắc với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã có mặt trên nhiều mặt trận, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Và điều đáng trân trọng hơn là mỗi chiến thắng của người chiến sĩ ngoài mặt trận đều có dấu ấn từ hậu phương, nhiều khi chỉ là một hơi ấm truyền qua bàn tay từ người vợ cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho chồng.
Tâm sự của bà Thái Thị Thành với các cựu chiến binh lại thổi bùng lên ý chí, nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt Nam. Ngày tham gia cách mạng bà mới chỉ là cô bé lứa tuổi “quàng khăn đỏ”. Chứng kiến không ít cảnh tàn sát dã man của Mỹ, ngụy đối với đồng bào mình trên chính quê hương, bà đã quyết tâm theo bộ đội đi giết giặc. Lúc đầu từ một chị nuôi quân, rồi chuyển sang là y tá. Ngày bà lấy chồng nhiều người cứ băn khoăn lo cho hạnh phúc gia đình của người phụ nữ đã từng chịu nhiều thiệt thòi vất vả. Nhưng cái điều mà nhiều người lo cho bà đã không xảy ra. Bà đã có một gia đình hạnh phúc. Ý nghĩa hơn, hai con của bà giờ đã trở thành tiến sĩ, trong đó một người về lại chính mảnh đất nơi bà sinh ra, trực tiếp chiến đấu để xây dựng quê hương giàu mạnh. Người con trai đó của bà hiện là Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Hương Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế)...
Còn không ít câu chuyện chân thực và hết sức cảm động phản ánh sinh động đời sống, chiến đấu, công tác của quân, dân Thừa Thiên-Huế trong những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh như câu chuyện của nhạc sĩ Thuận Yến khi cùng nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sáng tác bài hát “Mầu hoa đỏ”, hoặc những đêm biểu diễn, những giờ biểu diễn của đoàn văn công Quân khu Trị-Thiên-Huế bên những chiến hào khét lẹt mùi thuốc súng. Tất cả đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô địch trong cuộc kháng chiến thần thánh chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
*
* *
Thời gian một buổi sáng dường như quá ngắn đối với một cuộc gặp mặt đầy cảm động. Họ chia tay nhau mà nước mắt nhòa đi trên khuôn mặt hằn rõ dấu ấn thời gian. “Gặp nhau đây là quý lắm rồi” - câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất chợt được ai đó nhắc lại dường như giúp mỗi người trở lại với thực tế cuộc sống hôm nay.
Bài và ảnh: Lê Ngọc Long và Nguyễn Anh Tuấn