 |
Bà kể chuyện chiến đấu ngày xưa cho con cháu. |
Cô gái Sông Trà 80 mùa thu trước, giờ là một bậc lão thành cách mạng tôn kính, đang hiện hữu cùng chúng ta. Không biết các đồng chí cùng thời với bà, nay còn ai? Riêng bà, ngày 8-3-2009 này, đã 96 tuổi đời, 79 tuổi Đảng, vẫn minh mẫn, hoạt bát. Đời bà là một trường hợp khá đặc biệt và thật hiếm có. Trò chuyện với bà, dù là nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, chính khách, tướng lĩnh hay thường dân, nhất là cán bộ nữ và tuổi trẻ, đều có thể nhận được những bài học có giá trị. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng đã đồng cảm như vậy khi trân trọng nói về bà.
Rất có thể, cụ bà Phạm Thị Trinh hiện đang sống hồn hậu, thanh bạch tại ngôi nhà nhỏ số 16, ngõ 315 phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, là một phụ nữ cao tuổi Đảng nhất Việt Nam hiện tại. Nhân ngày 3-2 kỷ niệm thành lập Đảng đầy ý nghĩa thiêng liêng, chúng tôi đến thăm bà. Bà tiếp chuyện vui vẻ, cởi mở như thân tình từ lâu. Đời bà, gắn liền với cuộc đấu tranh biết bao gian lao, anh dũng, vẻ vang của Đảng, nhân dân và phong trào phụ nữ nước ta trong thế kỷ 20, có sức cuốn hút như một thiên lịch sử truyền hình lớn lao, kỳ thú lạ thường. Thật tiếc quá! Tôi không phải là nhà văn để có thể làm giàu chất văn học, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cao của bạn đọc. Tôi đành tự an ủi: Cuộc đời bà vốn đã đẹp đẽ, lãng mạn như tiểu thuyết, không cần phải hư cấu, thêm thắt gì hơn. Thôi thì bằng hình thức ghi chép, cố gắng hết sức mình phản ảnh thật trung thực, cho dù chỉ được phần nào về bà. Và, tôi khát khao hy vọng sẽ có một ngày nào đó, có một nhà văn, một đạo diễn điện ảnh tâm huyết, tài năng, tái hiện một cách hết sức sinh động, hấp dẫn cuộc đời bà cùng với những người thân yêu, âu đó cũng là thể hiện tấm lòng của hậu thế hôm nay với quá khứ, tiền nhân, cùng nhau tiếp bước đi tới tương lai tươi sáng. Được như vậy là thỏa nguyện lắm rồi!
Bà thuật lại: Bà quê gốc ở làng An Phú (ngày xưa thuộc tổng Thượng), nay là xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, một làng quê nghèo nhưng giàu truyền thống chống đế quốc, phong kiến, nằm bên bờ miệt thượng lưu sông Trà Khúc hùng vĩ và thơ mộng. Gia đình bà làm ruộng, có 10 anh chị em, bà là út nên thường gọi út Trinh hoặc Một Trinh, cô Một, chị Một. Thời Pháp thuộc, nhà bà nghèo khổ đến cùng cực, còn bị ghép tội “theo giặc!?” vì đã tham gia các phong trào yêu nước. Mẹ bà là người gan dạ khác thường. Thời Văn Thân, cha bà tham gia phong trào “Khất thuế”, bị tống giam. Mẹ bà dám tranh cãi với bọn tổng lý, giở những miếng võ của ông ngoại bà truyền cho, khiến bọn chúng hoảng hồn chạy trốn và bà xông vào đình làng tháo cùm, giải thoát cho chồng. Thời có Đảng, mẹ bà dám nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng, chưa từng khuất phục đòn roi của kẻ thù. Mẹ bà không được học hành nhưng thông minh, thường kể chuyện các vị anh hùng dân tộc và các sĩ phu chống Pháp cho con cháu noi gương. Còn các anh trai bà tham gia tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”. Mồ côi cha từ năm lên bảy, bà thất học, quanh năm chỉ biết gặt thuê, cấy mướn, bắt ốc mò cua đỡ đần mẹ già và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi khí phách, nghị lực, nhân cách phi thường của mẹ và các anh trai.
Hai năm 1928-1929, mới 14-15 tuổi, vì tự ái và giận các anh “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” không cho đi biểu tình, hội họp, chỉ biết nhờ ra ngõ canh gác; nghe đọc truyện cụ Phan Bội Châu mà mình thì mù chữ, út Trinh tự mày mò từng chữ a, b, c… giở sách tập ghép vần, ra trường làng học lén, rồi biết đọc, biết viết, khiến nhiều người hết sức ngạc nhiên. Năm 1930, một bước ngoặt lịch sử đến với tuổi 16 của út Trinh. Bà nhớ như in ngày 10-9-1930 trong nhà có cuộc họp kín. Năm Chừng-bạn chí thân của các anh trai-hỏi bà: “Nếu bọn anh nhờ em giúp một việc nguy hiểm đến tính mạng, em có dám làm? Có sợ chết không? Anh sợ em còn nhỏ dại, không có gan chịu nổi sự tàn ác của bọn chúng?”. Út Trinh rắn rỏi hẳn lên: “Em nói thiệt với anh, đừng coi thường em nhỏ dại nghen! Việc gì em cũng dám làm. Chết vì nước, vì dân, thì sợ gì chết…”. Vậy là, ngay đêm đó và ba đêm liền, bà chui lủi rải truyền đơn khắp các đường thôn, bờ ruộng, gò miếu, đình làng, rải cả vào ngõ nhà bọn hương lý. Bà dán áp-phích, truyền đơn vào tường nhà, thân cây; xếp từng xếp truyền đơn ở những góc khuất trên mái đình. Có một đêm, bà chạm trán một bóng đen. Bà chắc mình sẽ bị bắt, chuẩn bị đối phó. Không ngờ là Phạm Kiệt (anh ruột thứ 10, kề bà). Bà hỏi: “Anh đi đâu? Mượn quần áo đen của ai mặc làm em sợ mất hồn!”. Phạm Kiệt hóm hỉnh: “Thì tao đi xem mắt, hỏi vợ chứ đi đâu?”. Thực ra, để đề phòng bất trắc, Phạm Kiệt được bố trí đi treo cờ búa liềm và hỗ trợ bà. Ông treo cờ tít trên các ngọn cây cao. Cứ sáng ra, xóm làng bừng bừng náo động hẳn lên. Bọn hương lý cuống cuồng chửi bới om sòm, đánh đập lung tung mà bọn tuần đinh không tài nào tháo gỡ kịp cờ, truyền đơn. Mỗi lần có gió thổi qua, truyền đơn trên mái đình bay lượn vung vãi, chúng lùng sục khắp nơi không thấy người rải, càng điên tiết, hoang mang. Bà giả bộ đi mua ang lúa về xay gạo để nắm tình hình. Bà con gặp bảo: “Một Trinh, mầy đi đâu thì đi, đừng ra đình nghe chưa! Mầy ra đó, tụi nó đánh mầy sưng đít, bể gối đó nghen!”. Út Trinh không nhịn được cười.
Tiếp đến, một đêm mít tinh lớn được tổ chức, có “cấp trên” về nói chuyện. Người giàu có và cả bọn có máu mặt đều tham dự. Anh em Tự vệ đỏ xếp bọn hương lý, cường hào ngồi chung một góc, quản lý nghiêm ngặt, chúng sợ hãi im phăng phắc. “Cấp trên” mặc đồ đen, đầu đội khăn bông to tướng, chòm râu đen quắc thước, giọng trọ trẹ tiếng miền ngoài, nhưng nói chuyện hùng hồn, lưu loát, đầy sức thuyết phục. Đồng bào hoan hô nhiệt liệt. Từ sau buổi mít tinh, nhiều người giàu có tìm cách mạng xin đóng nguyệt liễm, ủng hộ tiền, gạo. Bọn mã tà lo sợ, trốn lên đồn, lên huyện ở. Té ra, vị “thượng cấp” diễn thuyết đêm đó là Phạm Kiệt cải dạng.
Đồng chí Phạm Kiệt về sau là một danh nhân lịch sử nổi tiếng. Ở tù chung thân tại nhà lao Buôn Ma Thuột, ông đã vui vẻ chuyển phương án trốn tù của mình thành kế hoạch trốn tù thành công cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, chịu đòn tra tấn chết đi sống lại, vẫn không cung khai. Ông đã trực tiếp lãnh đạo chỉ huy thắng lợi trọn vẹn cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, sáng lập và chỉ huy Đội Du kích Ba Tơ lừng danh. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông là người duy nhất cương trực kiến nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh. Cuối đời, ông là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Đại biểu Quốc hội khóa III, IV, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Ông mất tháng 1-1975 trong niềm thương tiếc vô hạn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, đồng bào, đồng chí, bạn bè cả nước.
Mười ngày sau khi rải truyền đơn, có người đưa cho bà một cuộn giấy vo tròn nhỏ xíu. Đọc xong, bà xin ý kiến mẹ. Mẹ điềm nhiên bảo: “Mẹ tự nuôi sống mình được. Nếu con chịu được đòn tra tấn dã man của kẻ thù, thì con cứ yên tâm ra đi. Đừng lo lắng gì cho mẹ”. Thương mẹ già yếu, nghèo khổ, hiu hắt, nhưng ấp ủ từ lâu ước mơ được làm cách mạng, út Trinh nuốt nước mắt tạm biệt mẹ, bí mật ra bờ sông, xuống chiếc ghe nhỏ, xuôi dòng sông Trà giữa đêm đen. Đây là lần đầu tiên, út Trinh rời khỏi làng, có chuyến đi xa đến tận cuối sông Trà, về cơ quan Tỉnh ủy. Lần đầu tiên được nhìn thấy mây nước xanh trong bát ngát, biển cả bao la tít tắp tới chân trời, lại được nghe chị liên lạc mô tả 12 thắng cảnh của Quảng Ngãi như Thạch Bích tà dương, Long Đầu hí thủy, Thiên Bút phê vân, La Hà thạch trận, Hà Nhai vãn độ, Thiên Ấn niêm hà, Cổ Lũy cô thôn v.v.. út Trinh thấy lòng vô cùng rạo rực như muốn reo lên: “Ôi! Đất nước quê mình đẹp quá mà lâu nay mình không được biết! Phải làm gì đây?”.
Nhớ lại buổi đầu, không hiểu công tác tuyên truyền là gì, lo sợ không làm nổi, bà xin được giao nhiệm vụ khác. Nhưng rồi được mọi người tin yêu, động viên, hết lòng chỉ bảo, bà nhanh chóng chấp hành.
Bà thực hiện nhiệm vụ in ấn thành thạo, qua đó am hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, ngày càng đọc thông viết thạo. Trong các bạn, có Nguyễn Chánh tính tình điềm đạm, tuy đồng tuổi nhưng tầm hiểu biết khá sâu rộng, đã tận tình giúp đỡ bà hiểu biết nhiều điều. Chuẩn bị cho buổi diễn thuyết đầu tiên, út Trinh bối rối quá, sợ nói không ra hồn thì mắc cỡ lắm. Nguyễn Chánh nhẹ nhàng góp ý: “Chị Trinh đừng lo lắng quá. Bài diễn thuyết đã được chuẩn bị sẵn, chỉ cần bình tĩnh nhớ kỹ mấy phần lớn, những nội dung chính, nói chuyện tự nhiên như hằng ngày chị nói chuyện với bọn tôi, là thành công thôi”. Bà tập nói riết ba ngày liền…
Trên bãi biển Mỹ Khê trăng sáng vằng vặc, đồng bào có mặt rất đông. Bà hơi run, trân trọng cất lời: “Xin kính chào đồng bào”. Bà con thịnh tình vỗ tay vang dội. Bà lấy lại bình tĩnh, lên án đanh thép thực dân Pháp xâm lược, vua quan Nam Triều bán nước, vạch trần tội ác dã man của chúng. Sực nhớ bài trù của cụ Phan Chu Trinh, bà đọc: “25 triệu, một đàn trâu, ngựa/Xô xuống hầm không cựa không la/Cướp cả nước, tịch cả nhà/…”. Bà con sôi sục hờn căm, hô to: “Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo quan lại Nam Triều!”. Bà tự tin kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên đánh đổ chế độ áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, đòi cải cách điền địa, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, học tập Liên Xô; quyết giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước, nhân dân. Đồng bào hoan hô nhiệt liệt. Từ sau đó, bà được phân công đi vùng đông và về tổng Thượng quê hương, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Đoàn thanh niên cộng sản, Phụ nữ cứu quốc hiệp hội… và đấu tranh đòi quyền sống. Bà dám cùng Tự vệ đỏ “Xuất quỷ nhập thần” diễn thuyết giữa ban ngày trong chợ đông người. Bà con đồng lòng bãi chợ, bãi đò, khiến bọn quan lại địa phương thất thu thuế. Chủ đất phải trả giá công cày, công cấy, công gặt tăng gấp rưỡi, gấp đôi, nông dân mới chịu ra đồng.
Tháng 11-1930 không thể nào quên! Huyện ủy tổ chức lớn cuộc “Biểu tình truy điệu Sơn Tịnh”, nhằm tỏ thái độ phản đối địch đàn áp các cuộc biểu tình và nâng cao thêm uy thế của Đảng. Bà được giao cầm cờ chỉ huy cuộc biểu tình đông đến hai nghìn người kéo đến cổng huyện đường Sơn Tịnh. Trống mõ thúc liên hồi. Dao, rựa, đòn gánh, gậy gộc vung cao trong tiếng đả đảo vang động đất trời. Tên tri huyện Nguyễn Bính không dám chạy trốn, buộc lòng phải trực diện xin lỗi nhân dân. Hắn đổ hết tội cho cấp trên, xin hứa “Đệ trình” yêu sách đòi bồi thường nhân mạng mấy chục người bị bắn giết trong cuộc biểu tình lần trước lên bề trên giải quyết…
(còn nữa)
HỒ NGỌC SƠN