 |
Đại tá Nguyễn Việt Phương |
Ngày 13-8-1945, Tổng bộ Việt Minh được tin Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa phát Quân lệnh số 1, chỉ thị các đơn vị Quân giải phóng tập trung lực lượng đánh vào đô thị và những nơi trọng yếu của địch, tước vũ khí của chúng. Ngày 16-8, Đại hội Quốc dân ở Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân-phong kiến, giành độc lập dân tộc trên cả nước.
Ngày 19-8, Quân giải phóng tiến nhanh đến làng Thịnh Đám cận kề thị xã Thái Nguyên. Đại đội tôi hoạt động ở vùng Na Lương được lệnh sáp nhập chi đội Lâm Cẩm Như tiến lên bao vây trại lính Nhật và trại bảo an binh. Mới mờ sáng, hàng chục nghìn người thuộc các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Kinh… từ các huyện, đội ngũ chỉnh tề, võ trang giáo mác, súng kíp, cung tên, băng cờ đỏ rực tiến vào trung tâm thị xã.
Bộ chỉ huy khởi nghĩa cho bắc loa kêu gọi Nhật mau thương lượng để tránh thương vong. Kẻ địch không đáp ứng lại bắn ra tỏ thái độ ngoan cố. Ta quyết định trừng trị tên đầu sỏ nhằm biểu hiện sức mạnh. Các mũi xung kích Quân giải phóng được lệnh đánh thốc vào trung tâm khu hành chính, diệt toàn bộ phân đội bảo vệ, bắt sống tên tỉnh trưởng Bùi Huy Lượng vừa được Nhật bổ nhiệm thay Cung Đình Vận đã bị ta xử. Tuy thấy sức mạnh khởi nghĩa, song quân Nhật vẫn tiếp tục chống cự.
Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy phó Đàm Quang Trung trực tiếp thị sát trận địa phòng ngự của địch. Chỉ huy trưởng ra lệnh nhổ ngay ba chốt cố thủ ngoại vi trại lính Nhật. Chi đội ba Lâm Cẩm Như điều trung đội hỏa lực đột phá hệ thống công sự vững chắc. Hai đại đội xung kích đánh như chớp giật, đè bẹp ngay sức đề kháng vòng ngoài. Đòn đánh nhanh diệt gọn làm quân thù khiếp đảm, không dám bắn ra phố.
Ngay chiều hôm đó (20-8-1945), Mặt trận tổ chức mít tinh tại sân vận động thị xã. Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp đại diện Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố: “Kể từ giờ phút này bãi bỏ chính quyền Nhật Bản và tay sai tại Thái Nguyên. Thành lập chính quyền nhân dân lâm thời trong toàn tỉnh. Thực hiện ngay các chính sách của cách mạng… Hiện giờ giặc Nhật vẫn ngoan cố chưa chịu đầu hàng, nó còn ngóng chờ ứng cứu… Nhân dân toàn tỉnh hãy cùng Quân giải phóng nỗ lực chặn đánh, quyết không cho chúng nó viện binh với nhau. Tiếp tục tấn công buộc địch phải chấp nhận các điều kiện của ta…”. Tổng chỉ huy vừa dứt lời, rừng người bật tiếng hô sấm dậy:
Mặt trận Việt Minh… muôn năm!
Cách mạng giải phóng muôn năm!
Đả đảo phát-xít Nhật, đả đảo chính phủ
Trần Trọng Kim…
Binh lính bảo an hãy về với cách mạng.
Hàng vạn lá cờ đỏ vung cao tựa biển lửa dậy sóng. Rừng người chuyển động, giáo mác sáng loáng rầm rập diễu hành. Vạn tiếng hô đồng tâm “quyết chiến, quyết thắng” như lời thề Sát Thát.
Một bất ngờ xuất hiện. Bốn người mặc áo dài gấm, áo đoạn, ngực đeo bài ngà, đầu đội nón dứa, dận giày da xếp hàng đi cuối đoàn biểu tình. Phân đội Giải phóng đi theo yểm trợ mít tinh, trố mắt nghĩ nhanh “… cuộc biểu tình võ trang chống Nhật và tay sai… Sao mấy vị quan này cũng đi… nhằm ý gì? Đáng ngờ lắm”. Tôi định hỏi nhưng chưa biết bắt đầu thế nào cho hợp lẽ… Anh Hoàng Thế Thiện, đội trưởng võ trang tuyên truyền Võ Nhai bước tới, xởi lởi chào:
- Xin cho hỏi các ông là ai? Tôi phụ trách mít tinh mà chưa được biết ?
Người mặc áo gấm ngước nhìn :
- Tôi là án sát, ông này-trỏ người mặc áo đoạn-là quan huyện Đồng Hỷ… Chúng tôi được tin báo Việt Minh hô hào mít tinh.
- Các quan cũng biểu tình ư?
- Chúng tôi điện hỏi Phủ khâm sai Hà Nội… hỏi xử trí thế nào… Trên bảo cần tham dự… chúng tôi đến từ lúc đoàn biểu tình đi vào thị xã…
- À ra thế!-Đội trưởng Thiện nhẹ nhàng đáp - Tôi đại diện Mặt trận Việt Minh hoan nghênh sự hưởng ứng tinh thần yêu nước… Mặt trận sẽ cử người đến nhà quý vị nói chuyện thêm về chính sách-Đội trưởng Thiện nhã nhặn chào, bước đi.
Tôi vội theo, hỏi nhỏ:
- Đồng chí có thể giải thích không?
Hoàng Thế Thiện quay mặt nhìn một chút, cười hỏi:
- À…! Đồng chí ở bộ đội Na Lương hử? Giải thích gì nhỉ?
- Cái chuyện tại sao Phủ khâm sai bảo quan lại Thái Nguyên dự biểu tình? Liệu có phải để dò xét không?
- Tôi tán thành cách nghĩ cảnh giác của đồng chí - Anh Thiện khẽ ngửng đầu-Chắc đồng chí đã được nghe thông báo Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền. Tôi nghĩ các đồng chí ấy chiếm Phủ khâm sai, dùng điện đài gọi đi các tỉnh bảo phải tham gia là cách hỗ trợ phong trào khởi nghĩa địa phương đấy.
Thì ra vậy! Bọn tôi trút được các nghi vấn làm không yên dạ, cứ phải lẽo đẽo coi chừng mấy ông đeo bài ngà đi theo đoàn biểu tình.
Sau cuộc diễu hành, Bộ chỉ huy khởi nghĩa vẫn kiên trì thuyết phục, cử người mang thư cho viên Tư lệnh Nhật. Ta đề nghị Nhật án binh bất động, chờ đưa về khu tập trung theo lệnh Đồng minh. Mặt trận đồng ý tái cung cấp điện nước cho trại lính Nhật. Nhưng viên Tư lệnh Nhật quỷ quyệt lợi dụng thiện chí của ta, mật bàn kế hoạch bất ngờ tập kích cơ quan chỉ huy khởi nghĩa để lật đổ tình thế. Hắn đã liên hệ với nhóm phản động đặc vụ nằm vùng. Nhờ có sở nội tuyến, Quân giải phóng đã biết trước âm mưu của địch.
 |
Việt Nam giải phóng quân cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Nguyên. Ảnh tư liệu |
Bộ chỉ huy khởi nghĩa quyết trừng trị thói lật lọng của phát-xít Nhật. Chi đội 3 Giải phóng quân được giao nhiệm vụ diệt ngay hai cứ điểm tai mắt của địch: Sở hiến binh và Ty liêm phóng cũ của Pháp để lại. Các đội xung kích liền áp sát mục tiêu đồng loạt đổ lửa xuống đầu giặc. Kẻ địch bị choáng vì sức công phá nhưng vẫn cố gượng chống cự. Các chiến sĩ giải phóng xốc tới đánh giáp lá cà bằng mã tấu, tiến lên lấn chiếm từng gian phòng, diệt gọn bắt sống toàn bộ phân đội hiến binh Nhật. Ta bị thương năm người, được cấp cứu kịp thời. Cùng thời gian, bộ đội ta bất ngờ giội lửa cấp tập Ty liêm phóng có 15 lính Nhật. Chúng không kịp ngóc đầu, vội lui vào lò vôi bỏ trống. Nhờ số anh em bị Nhật bắt lao động nắm được đã báo cáo ta từ trước, hai tiểu đội Giải phóng liền đánh thốc vào lò vôi bằng lựu đạn chùm. Đám quân thám báo Nhật không kịp đối phó, bị thương vong gần hết.
Lúc này trại lính Nhật càng thu hẹp phạm vi cố thủ, cô lập tuyệt đối, không thông tin liên lạc, điện nước lại bị cắt. Suốt ngày đêm lăn lộn với lửa đạn, khát cháy họng, vài tên liều mạng bò ra rãnh nước chân tường, bị súng bắn tỉa hạ gục tại chỗ… Không đủ sức chịu đựng hơn nữa, viên Tư lệnh Nhật vội phái một sĩ quan giơ cao cờ trắng, loa to xin ra thương lượng.
Bộ chỉ huy khởi nghĩa cho gặp. Viên sĩ quan đại diện hứa: không có một hành động nào cản trở, phá hoại an ninh của dân; Binh sĩ tuyệt đối không ra khỏi trại; Xin nộp vũ khí của lính Nhật ở các huyện, có sĩ quan đi theo đoàn tước vũ khí đến các đồn truyền lệnh. Riêng vũ khí của đơn vị đóng ở thị xã xin được niêm phong tại chỗ chờ lệnh của cấp trên.
Bộ chỉ huy khởi nghĩa chấp thuận. Nhân dân ta lại cấp điện nước cho chúng. Tuy nhiên, chi đội Quân giải phóng và lực lượng vũ trang tự vệ vẫn giữ nguyên vị trí phong tỏa địch.
Tin thắng trận ở khắp nơi dồn dập bay về Tân Trào-Thái Nguyên làm nức lòng người. Ngày 20-8, Ninh Bình, Bắc Ninh… nổi dậy. Ngày 21-8, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Sơn Tây, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận… đồng loạt khởi nghĩa. Ban thông tin Giải phóng Tân Trào được bổ sung người làm việc suốt ngày đêm vẫn không thỏa mãn lòng dân… Người người ngóng tin vùng đất cực Nam Tổ quốc?... Ba ngày sau, báo Đông Phát (Đông Pháp cũ), báo Cứu Quốc đăng hàng chữ to đậm “Ngày 25-8, Sài Gòn-Gia Định đã khởi nghĩa thắng lợi, kéo theo 17 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, cực Nam Trung Kỳ rùng rùng nổi dậy…”. Chiều 25-8-1945, Bộ tư lệnh Nhật ở Hà Nội cử phái đoàn lên Thái Nguyên thương nghị với Ủy ban khởi nghĩa xin chấp nhận các điều kiện và giao nộp vũ khí, rút hết lính Nhật, yêu cầu phía Việt Nam dẫn đi bảo đảm an toàn về tới Hà Nội.
Kể từ đây, đất rừng Thái Nguyên sạch bóng quân xâm lược, chính quyền hoàn toàn thuộc về nhân dân làm chủ.
Đại tá Nguyễn Việt Phương