 |
Từ trái sang phải: Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Chung Chơn, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Đức Vinh: 5 tiến sĩ trẻ trong Ban điều hành diễn đàn |
Trong hai ngày 24 và 25-11, hơn 500 nhà khoa học trẻ trên toàn quốc đã gặp nhau với mục tiêu thảo luận và hiến kế cho Đảng, Nhà nước những giải pháp về cải cách hành chính, hỗ trợ thanh niên nông thôn lập nghiệp và đào tạo tài năng trẻ. Các ý kiến phát biểu tại diễn đàn đã thể hiện phần nào quyết tâm “nói không với trì trệ” của trí thức trẻ. Tuy nhiên, các biện pháp mà họ đề xuất nhìn chung vẫn thiếu tính đột phá, cụ thể…
Bức xúc trước thực trạng
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, thành viên ban điều hành Diễn đàn cho biết: Để có được diễn đàn này, từ đầu năm, Trung ương Đoàn đã gửi thư mời và tổ chức rất nhiều hội thảo theo nhóm. Đối tượng được mời là các nhà khoa học trẻ có tuổi đời dưới 40 (đa số có trình độ tiến sĩ). Tuy nhiên, một số người trẻ, không có học vị nhưng có nhiều công trình khoa học được công nhận trong thực tế cũng được mời. Điều đó thể hiện tinh thần thực tế của diễn đàn.
Trong 3 chủ đề được nêu ra, chủ đề tạo ra sự tranh luận trong đánh giá cũng như có nhiều luồng ý kiến phản biện chính sách hiện tại của Đảng, Nhà nước nhất chính là vấn đề hỗ trợ thanh niên nông thôn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài (Viện Xã hội học), trong tham luận của mình đã nêu lên những số liệu điều tra do chị thu thập được để giải thích vì sao chị chọn chủ đề này: Cứ một hec ta đất nông nghiệp bị thu hẹp do tiến trình CNH - HĐH thì có 13 lao động dư thừa. Tốc độ đô thị hoá diễn ra ngày càng nhanh. Từ năm 2000-2004 có 157.000 héc-ta đất chuyển đổi mục đích sử dụng, từ 2005 đến nay, tốc độ đó còn gia tăng nhanh hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 15-29 khu vực nông thôn là 77,06% (số liệu năm 2005). Cuộc điều tra xã hội học nào, vấn đề viêc làm cũng là mối quan tâm hàng đầu của thanh niên, có 49,6% người được hỏi coi đó là vấn đề bức xúc...
Các phát biểu khác của thạc sĩ Hoàng Phong (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia), kỹ sư Lê Mai Hạnh (Câu lạc bộ Thủ khoa Hà Nội), nghiên cứu sinh Đỗ Ngọc Chung (Đại học Quốc gia Hà Nội)... đã góp phần nêu lên thực trạng thanh niên nông thôn và sự cần thiết phải đổi mới chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn.
Về công tác cải cách hành chính, rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, cán bộ công chức trẻ bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Dự án việc làm thanh niên VCCI, đánh giá rằng: hiệu quả CCHC còn ở mức “thấp, chậm, thiếu hiệu quả”. Cải cách hành chính hiện nay chưa hoàn thành sứ mệnh mở đường cho các cải cách khác.
Số liệu thống kê đưa ra tại diễn đàn cho thấy: riêng trong năm 2006, ngành thanh tra tổ chức hơn 14.000 cuộc thanh tra ở 64 tỉnh, thành phố và 18 cơ quan bộ, ngành, phát hiện sai phạm trong sử dụng công quỹ hơn 6.300 tỷ đồng và 5,5 triệu USD. Cũng trong năm 2006, cả nước huỷ bỏ được 249 văn bản pháp quy không phù hợp và sửa đổi 176 văn bản để phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ cho nhân dân, doanh nghiệp; loại bỏ được 140 loại phí của Trung ương và 203 loại phí, lệ phí địa phương... Tuy nhiên, những kết quả trên chưa đáp ứng đựơc yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh đất nước hội nhập và đang bị cạnh tranh mạnh mẽ. Bác sĩ, kỹ sư Tin học Lê Tuy Hoà, doanh nhân trẻ, cho rằng: Hệ thống quản lý chất lượng ISO - 9001 đã được Chính phủ công nhận và cho triển khai ở cơ quan hành chính Trung ương và cấp tỉnh, tính minh bạch của hệ thống và trách nhiệm của công chức được chuẩn hoá nhưng chưa có một đánh giá đầy đủ và cụ thể về hiệu quả của những nỗ lực này.
Ở nội dung đào tạo tài năng trẻ, tổng hợp của ban thư ký diễn đàn cho thấy, các ý kiến phát biểu đều cho rằng cơ chế hiện nay rất khó để có nhà lãnh đạo trẻ. Theo tính toán của các đại biểu, nếu “tiến bộ nhanh” thì cũng phải ngoài 50 tuổi mới làm đến Bộ trưởng. Thạc sĩ Nguyễn Trí Dung, Phó giám đốc một trung tâm tư vấn khoa học bày tỏ: Thực tế lịch sử Đảng ta đã có Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng ở tuổi 34, nhiều Tổng bí thư của Đảng trong thời kỳ chưa giành chính quyền đều dưới 30 tuổi... Chứng tỏ, nếu có cơ hội, tuổi trẻ có thể hoàn thành sứ mệnh của những cương vị lãnh đạo lớn. Từ ngày có chính quyền, đi liền với có bổng lộc, lớp trẻ ngày càng ít cơ hội thể hiện mình với tư cách là nhà lãnh đạo. Thực trạng tài năng trẻ ở nước ta đang diễn ra 3 sự lãng phí: lãng phí về mầm ươm tài năng, lãng phí về sức sáng tạo của các tài năng trẻ, lãng phí tâm huyết của các tài năng trẻ. Hiện tại, hơn 70% số người được đào tạo đại học ra trường không làm đúng ngành nghề được học, sự nhầm lẫn giữa bằng cấp và tài năng còn tràn lan…
 |
Học viên Học viện Hậu cần tham quan gian hàng “Sáng tạo trẻ” của Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh |
Chưa có nhiều giải pháp khả thi
Các ý kiến phát biểu đã thêm một lần nữa khẳng định trí thức trẻ nước ta rất tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có trách nhiệm với những vấn đề của xã hội, cộng đồng. Nhưng điều đáng tiếc là một diễn đàn lớn như vậy nhưng chưa đưa ra được nhiều giải pháp khả thi, chưa có giải pháp nào mang tính đột phá.
Như tham luận của Tiến sĩ N.T.H., một ý kiến được xem là nòng cốt cho chủ đề hỗ trợ thanh niên nông thôn lập nghiệp, các giải pháp nêu ra cũng chỉ chung chung như: tích cực đào tạo nghề, cung cấp thông tin cho thanh niên, thúc đẩy chính sách xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn, hoàn thiện chính sách thanh niên, v.v.. Nhà khoa học N.V.C., cũng trong chủ đề này thì đề nghị những biện pháp khá “cũ kỹ”: xây dựng hệ thống chính sách, phát triển mạng lưới tư vấn, cải cách giáo dục và đào tạo, huy động sự tham gia của cộng đồng…
Ở phần thảo luận về chính sách đào tạo tài năng trẻ, ý kiến “trung tâm” của thạc sĩ Đ.T.D. đề nghị: xây dựng “Chiến lược nhân tài”, củng cố hệ thống trường điểm, minh bạch hệ thống đánh giá và ghi nhận tài năng phù hợp, cải tiến hệ thống lương… Hoặc như phần cải cách hành chính, các ý kiến tập trung nêu thực trạng, còn giải pháp cụ thể thì hầu như không có. Các ý kiến trình bày những vấn đề đã được nói đến lâu nay, như phát huy vai trò của Đoàn trong xây dựng văn hoá công sở, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng mô hình tự chủ về tài chính….
Cách tổ chức diễn đàn lần này cũng cần có sự rút kinh nghiệm. Trong ngày khai mạc, ban điều hành đã lên báo cáo tiến trình tổ chức diễn đàn và các vấn đề đã thảo luận ở nhóm. Sáng ngày 25-11, do có sự xuất hiện của đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương nên ban điều hành lại báo cáo lại nội dung này (mất khá nhiều thời gian). Do chất lượng các ý kiến có hạn, “vô thưởng, vô phạt” nên khi thảo luận tại hội trường, khá nhiều đại biểu “bỏ cuộc” khiến hội trường vắng, ban tổ chức phải mời cả bộ phận lễ tân vào ngồi cho “đỡ trống”. Anh L.V.S., một thạc sĩ trẻ, than phiền: “Đường xa, đi hàng trăm cây số đến dự diễn đàn nhưng hầu như không thu nhận thêm được gì. Nếu có thì đó là thêm một lần nhận thấy giới khoa học trẻ rất quyết tâm và tha thiết với công cuộc đổi mới”.
Có lẽ, Trung ương Đoàn cũng cần có những “cải cách hành chính” với những hoạt động lớn như thế này.
Bài và ảnh: NGUYÊN HỒNG