Ông Lưu Trọng Lân bên chiếc tủ đựng kỷ vật.

Chúng tôi đến căn nhà số 58/67 đường Nguyễn Minh Hoàng, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, thăm Trung tá Lưu Trọng Lân, nguyên Phó trưởng phòng Tác chiến Quân chủng PK-KQ, từng là bộ đội pháo cao xạ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trang trọng giữa căn phòng khách là chiếc tủ đựng những kỷ vật của một thời chiến tranh. Nổi bật là tấm ảnh ông vinh dự được đứng cạnh Bác Hồ và những tác phẩm viết về Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng ông.

Ông bồi hồi nhớ lại: Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn pháo cao xạ 367 có 6 tiểu đoàn. Lúc đó ông là trợ lý tác chiến của Tiểu đoàn 383. Kỷ niệm khó quên nhất của ông là những ngày đêm trên đường kéo pháo bằng tay vào trận địa. Con đường kéo pháo chỉ rộng khoảng 3 mét, dốc có nơi cao đến 60 độ. Có đoạn vắt qua những đỉnh đồi, chóp núi cheo leo, một bên là vực thẳm, một bên là núi cao… Trong cuốn “Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ”, ông đã viết: “Hai… ba… nào”! Sau mỗi tiếng hô, cả khối người rạp mình kéo, khẩu pháo mới nhích lên độ một gang tay. Sau vài lần nữa, khẩu pháo ì ra không nhúc nhích. Những gương mặt lấm lem bùn đất, những đôi môi bặm lại, tiếng hô khản dần, những đôi mắt đỏ ngầu nhìn nhau lo lắng. Thế là phải đấu thêm dây, tăng thêm người. Từ con số 20 người lúc đầu tăng lên 40 người, 50 người, rồi 100 người kéo một khẩu pháo. Một đêm trắng trôi qua, mấy khẩu pháo mới bò lên được non 1km. Tốc độ không bảo đảm thời gian. Ban chỉ huy quyết định kéo pháo cả ban ngày. Nhưng sau bao gian nan vất vả, các đơn vị cũng chỉ đưa được 8 khẩu pháo vào sâu thêm 1km nữa.

Rồi “trong cái khó lại ló cái khôn”, nhiều sáng kiến được đưa ra và thực hiện. Công binh mở thêm “cua”, hạ bớt dốc. Bộ đội vào rừng lấy dây cóc, dây mây đấu thêm vào dây chính, quàng vào vai để kéo cho khỏe. Pháo thủ chặt những cành cây có nhánh buộc vào càng pháo để 2 người có thể điều khiển được dễ dàng hơn. Ban đêm trời tối, mỗi khẩu đội cử một người khoác áo màu trắng hoặc đeo miếng gỗ mục có chất lân tinh sau lưng, đi trước dẫn đường. Và tốc độ kéo pháo có khá hơn trước… Cuối cùng, sau 9 ngày đêm gian khổ, những khẩu pháo cao xạ đã được kéo vào trận địa, bố trí giữa cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu mà địch không hề biết. Mọi người thở phào nhẹ nhõm và chờ giây phút trút lửa lên đầu thù. Nhưng khi nghe lệnh: “Kéo pháo ra!” thì tất cả đều thắc mắc. Sau này, được giải thích cặn kẽ ông mới biết đó là một quyết định cực kỳ sáng suốt của Đại tướng Tổng Tư lệnh.

Kéo pháo ra, khó khăn gấp bội lần so với kéo pháo vào vì lúc này địch đã phát hiện ra con đường kéo pháo của ta. Chúng dùng trọng pháo bắn phá ngày đêm. Lòng căm thù giặc được dồn vào đôi tay kéo pháo. “Thà chết không rời pháo”. Một số chiến sĩ đã hy sinh, bị thương trong khi kéo pháo. Điển hình là Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện. Trước lúc ra đi, anh còn dồn hết sức hỏi: “Pháo có việc gì không?”. Anh tắt thở trong vòng tay đồng đội. Đến rạng sáng ngày 4-2-1954, khẩu pháo cao xạ cuối cùng đã được kéo trở lại khu tập kết gần km 62 đường số 41. Như vậy ròng rã mười tám ngày đêm, bằng tinh thần lao động, chiến đấu quên mình cùng với các lực lượng hiệp đồng, bộ đội cao xạ đã lập nên kỳ công kéo pháo bằng tay lịch sử…

Ông là người được hưởng những giây phút cực kỳ phấn khởi của người lính pháo. Đó là lúc pháo cao xạ ta quật cổ máy bay Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ. Ông nhớ rõ ngày, giờ, tên phi công và kiểu rơi của từng chiếc máy bay địch. Ông lật cuốn album đã cũ, chỉ cho chúng tôi chiếc máy bay Đa-cô-ta đã quay 3 vòng trước khi đâm xuống đất… Ông bảo: “Tôi nhớ rõ như vậy là vì lúc đó suốt ngày trực trên đồi sở chỉ huy nên nhìn rõ hết, hơn nữa sau này có thời gian tôi được làm hướng dẫn viên, phục vụ triển lãm “10 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ”. Ông bảo chính chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” này đã một lần giúp ông được đứng gần, nói chuyện và chụp ảnh với Bác. Năm 1964, khi ông đang phục vụ triển lãm thì Bác Hồ đến thăm. Nhìn thấy ông đeo huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”, Bác hỏi ngay: “Chú là chiến sĩ Điện Biên?”. Ông đáp: “Dạ! Vâng thưa Bác! Cháu là chiến sĩ cao xạ”. Bác khen: “À! Hồi đó lần đầu pháo cao xạ ra trận đánh tốt lắm!”.

Năm nay, ông Lưu Trọng Lân đã 79 tuổi đời, 59 tuổi Đảng. Sống giản dị giữa đời thường nhưng trong ông vẫn đầy ắp những kỷ niệm về những ngày chiến đấu tại Điện Biên. Ngoài việc tham gia các hội cựu chiến binh, làm công tác xã hội… ông còn viết sách. Ông đã viết nhiều cuốn về Điện Biên, có những cuốn được tái bản, có cuốn chưa xuất bản. Ông nói: “Viết về Điện Biên với tư cách là người trong cuộc, tôi muốn nói cho mọi người, cho thế hệ con cháu sau này biết được những giá trị đích thực của cuộc chiến đấu gian khổ đã làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”.

Bài và ảnh: TRẦN HUY BÌNH