Lớp hậu sinh chúng tôi trước nay chỉ biết đến ông qua những câu chuyện vừa hào hùng, vừa xúc động, lại phảng phất âm hưởng huyền thoại về Bộ đội Trường Sơn. Cách đây ít ngày, khi được cùng ông ôn lại ký ức về một thời hoa lửa trong chặng đường binh nghiệp của mình tại nhà riêng, tôi đã cảm nhận rõ hơn khí phách anh hùng, quả cảm và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mà ông dành cả cuộc đời cống hiến cho non sông, đất nước. Ông là Trung tướng Vũ Xuân Chiêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên Chính ủy Đoàn 559.

Khí tiết của người cộng sản

Căn nhà số 21B phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) của gia đình Trung tướng Vũ Xuân Chiêm với khoảnh sân rộng và rất nhiều cây cảnh tạo nên cảm giác dịu mát, thư thái, xua tan đi cái nóng oi ả đầu hạ. Khi tôi đến, chị Vũ Xuân Phương, con gái cả của Trung tướng Vũ Xuân Chiêm kể với tôi thật nhiều kỷ niệm thời ấu thơ gắn liền với Bộ đội Trường Sơn, trong đó có người cha của chị.

Sinh năm 1923 tại thôn An Mỹ, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước, năm 8 tuổi, cậu bé Vũ Xuân Chiêm lên Hà Nội làm thợ trong các lò thủy tinh. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1936, khi chưa tròn 14 tuổi, Vũ Xuân Chiêm đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ chuyển tài liệu.

Chính ủy Vũ Xuân Chiêm phát biểu trong Hội nghị tổng kết mùa khô năm 1965-1966 tại Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Năm 1937, Vũ Xuân Chiêm bị địch bắt. Dù còn nhỏ và cũng không tìm được tài liệu trên người, nhưng địch vẫn kết án ông 15 năm tù khổ sai, cũng là 15 năm đi đày biệt xứ. Ngay sau đó là những tháng ngày Vũ Xuân Chiêm phiêu bạt đến các nhà tù, từ Hòa Bình tới Sơn La rồi cuối cùng là Côn Đảo. Nhà tù đế quốc trở thành “lò lửa thử vàng”, nơi bộc lộ khí tiết cách mạng với phẩm chất anh dũng, kiên cường trong gian khổ của người chiến sĩ cách mạng Vũ Xuân Chiêm. Bọn cai ngục thấy ông còn trẻ nên chúng tra tấn rất dã man để uy hiếp nhằm lấy lời khai. Nhưng Vũ Xuân Chiêm rất vững vàng, cứ sau mỗi lần bị đánh đập chết đi sống lại, Chi “cò” (tên trong tù của Vũ Xuân Chiêm, các đồng đội còn gọi là “cò trắng”) lại được các đồng chí chăm sóc, cứu chữa tận tình.

Có lần, bọn cai ngục tra khảo ai đã đề xướng phong trào tuyệt thực phản đối chúa đảo. Chúng tập hợp tù nhân, vừa vung roi quất vun vút vừa quát hỏi:

- Đứa nào là Nguyễn Đức Thuận?

- Là tao đây - Xuân Chiêm dõng dạc đáp lại.

- Nguyễn Đức Thuận chủ mưu phản đối chúa đảo. Phải tội chết, mày dám nhận chứ?- Bọn cai ngục dọa.

- Chính tao là Nguyễn Đức Thuận. Nhưng tao không chủ mưu. Chúa đảo ác quá thì mọi người đều tự động phản đối…

Năm 1940, ngay trong tù, Vũ Xuân Chiêm được kết nạp Đảng. Đến tháng 9-1945, sau khi ra tù, ông được đồng chí Hồ Tùng Mậu đón về Huế, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Ban chấp hành Công đoàn Trung Bộ. Năm 1947, ông là Tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên.

Được Bác Hồ dạy cách làm công tác chính trị

Thêm một câu chuyện cảm động nữa tôi được biết về Trung tướng Vũ Xuân Chiêm là kỷ niệm lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ năm 1950. Trong chiến dịch Biên giới, ngày 28-7-1950, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy chiến dịch do Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Bí thư, Tư lệnh chiến dịch. Đầu tháng 8-1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức đoàn cán bộ tham mưu, hậu cần trực tiếp đi nghiên cứu địa hình thị xã Cao Bằng, một mục tiêu trọng yếu phải tấn công giải phóng. Sau cuộc thị sát, Đại tướng họp Đảng ủy mặt trận mở rộng lấy ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sở chỉ huy chiến dịch, nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo chủ trương của Đảng ủy mặt trận. Sau đó, Bác Hồ hỏi:

- Các chú còn phân vân gì không?

- Báo cáo Bác, không ạ! - Mọi người đồng thanh trả lời.

Nghe lời căn dặn của Bác, Vũ Xuân Chiêm nghĩ: “Ông Cụ nói chuyện chiến trận mà giản dị như việc nhà, việc cửa, thật dễ hiểu”. Trong giờ giải lao, Bác Hồ hỏi Vũ Xuân Chiêm:

- Chú làm công việc gì ?

- Báo cáo Bác! Cháu làm công tác chính trị ạ.

- Đó là việc tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện chủ trương, đường lối cách mạng. Công việc đó quan trọng lắm, nhưng phải có cặp tai thính, đôi mắt tinh tường mới làm tốt được. Chú hiểu chứ?

Thấy Xuân Chiêm chưa rõ ý, Bác Hồ vui vẻ nói:

- Bác kể chú nghe một chuyện nhé. Một lần Bác ở chỗ làm việc về nhà, chú bảo vệ đón, Bác khẽ gật, đưa tay lên miệng nói: "Cho Bác chút nước...". Chú bảo vệ đi vào rồi quay ra ngay, đưa thuốc và lửa cho Bác. Mấy chú đứng quanh cười ồ lên: "Bác khát hỏi nước sao lại đưa lửa". Bác nhận thuốc, đưa mọi người cùng hút và khuyên anh em không nên quở trách chú ấy, rồi hỏi: "Tại Bác nói không rõ hay tại chú ấy nghe nhầm, nhưng tại ai thì cũng có bài học là cán bộ nói cho dân nghe phải rõ ràng dứt khoát, và cũng chớ làm như chú bảo vệ: Dân xin nước, cán bộ lại cho lửa".

Rồi Bác Hồ cười:

- Chuyện chỉ có thế, chú thấy cái tai, con mắt, cách nói khi làm công tác tuyên truyền với quần chúng quan trọng thế nào chứ?

Vũ Xuân Chiêm ghi nhớ suốt đời những điều Bác Hồ căn dặn trong buổi gặp gỡ lần ấy. Từ đấy ông tâm niệm: Làm cán bộ chính trị là người truyền bá, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Suy ra phải biết thận trọng khi nghe; Trung thực, thẳng thắn khi nói; Chịu trách nhiệm trước nhân dân và cán bộ, chiến sĩ khi làm.

Chính ủy Đoàn 559

Trung tướng Vũ Xuân Chiêm từng giữ nhiều trọng trách nhưng một trong những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông được tổ chức Đảng và các đồng chí, đồng đội nhớ mãi, đó là quãng thời gian ông làm Chính ủy Đoàn 559.

Tháng 2-1965, quân Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, tập trung phá hệ thống giao thông nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Thời kỳ này, Đại tá Vũ Xuân Chiêm là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Phó Chính ủy Đoàn 559. Bước vào mùa mưa năm 1965, ta giành chiến thắng quan trọng tại chiến dịch Bình Giã, thành lập mới mặt trận B3… nên Quân ủy Trung ương yêu cầu Đoàn 559 khắc phục khó khăn “trời cản, địch phá”, bảo đảm đủ sức cho bộ đội trụ vững trên chiến trường Tây Nguyên và các chiến trường khác. Nhận điện trực tiếp của Bộ, Phó chính ủy Vũ Xuân Chiêm đề nghị họp Đảng ủy mở rộng, bàn cách “đề xuất những phương án dù nhỏ nhất mà sát hợp hoàn cảnh” để thực hiện nhiệm vụ. Bộ đội Trường Sơn gọi đó là hội nghị lịch sử. Bởi từ hội nghị này, ý chí quyết tâm cũng như trí sáng tạo của bộ đội được phát huy cao độ, quyết tâm thắng cả thiên nhiên lẫn địch họa để bảo đảm sức người, sức của cho tiền tuyến. Cuối tháng 8-1965, ta đã đưa được hết số bộ đội đang mắc lại ngang tuyến Trường Sơn vào chiến trường.

Phó chính ủy Vũ Xuân Chiêm đi úy lạo các đội “thủy binh” đã nghe được nhiều chuyện lạ kỳ: Nào chuyện bộ đội ta cõng gạo ba ngày đêm bơi trong lũ, nằm ngửa ôm súng bơi ngược dòng, bị rắn cuộn ngang người, tay bận ôm hàng đành dùng miệng cắn ngang đầu rắn… Ông rất khâm phục tinh thần hết mình vì sự nghiệp giải phóng miền Nam của Bộ đội Trường Sơn. Khi nghe được câu thơ lục bát do bộ đội ta sáng tác: “Suối đưa dòng nước về xuôi/Dòng xăng diệt Mỹ quyết trôi ngược nguồn” – Ông đã rất xúc động, cho tìm người sáng tác câu thơ ấy để khen thưởng. Cuối năm 1965, khi Tư lệnh Phan Trọng Tuệ ra Hà Nội báo cáo tình hình với Quân ủy Trung ương, Phó Chính ủy Vũ Xuân Chiêm được giao thường trực chỉ đạo toàn tuyến 559. Tháng 12-1965, Quân ủy Trung ương quyết định đồng chí Vũ Xuân Chiêm giữ chức Chính ủy Đoàn 559.

Đầu năm 1966, do sự đánh phá khốc liệt của địch, công tác bảo đảm cho các chiến trường đã không hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Chính ủy Vũ Xuân Chiêm đã triệu tập Đảng ủy mở rộng, thông báo nội dung thư phê bình của Thường vụ Quân ủy Trung ương và nghẹn ngào nói: “Nguyên nhân chủ yếu do sự lãnh đạo của chúng ta còn yếu. Chỉ huy ở xa đường, không nắm được tình hình để điều khiển. Tôi nhận phần trách nhiệm nặng nề, đấy là biểu hiện tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trong chiến đấu”.

Trước sự dũng cảm nhận khuyết điểm của Chính ủy, từng cán bộ xúc động, tự phê bình bản thân rất tự giác. Từ tinh thần của cuộc họp này, bước chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ của bộ đội toàn tuyến rất rõ rệt. Đầu năm 1967, Bộ tư lệnh Đoàn 559 lại có sự điều chỉnh nhân sự. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên vào thay đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tư lệnh Đoàn 559. Ngay trong thời gian đầu sát cánh bên nhau lãnh đạo, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Vũ Xuân Chiêm đã sâu sát đời sống bộ đội, phát hiện trạng thái “mặc cảm cô đơn” trong bộ đội hành quân qua Trường Sơn (ngại hành quân một mình giữa đêm đen, rừng thẳm, đường dài, địch đánh phá); hai ông đã đi đến thống nhất giải pháp “tổ chức hiệp đồng các binh chủng, chiến đấu dưới sự chỉ huy thống nhất, trực tiếp của trung đoàn, Binh trạm và Bộ tư lệnh”. Kết quả, mùa vận chuyển 1966-1967, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã nói về Trung tướng Vũ Xuân Chiêm: “Tôi đã từng công tác với nhiều đồng chí, ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng ở đồng chí Chiêm có những nét đặc biệt quý, hiếm của một Chính ủy. Anh luôn chăm lo xây dựng đơn vị, thể hiện tinh thần đoàn kết chân thật trong Đảng ủy, Bộ tư lệnh; tiêu biểu tinh thần ủng hộ sự đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu ý chí thống nhất tư tưởng nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy hiệp đồng. Trong những năm tháng gian nguy ác liệt, anh vẫn lạc quan kiên định niềm tin tất thắng… Với Vũ Xuân Chiêm, tôi quý nhất một con người trung thực, thủy chung, giản dị, tiêu biểu nhân cách vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.

NGUYỄN ĐỨC HIẾU