Khẩu đội cối 82 của C3/K3
quân giải phóng Quảng Trị
đánh địch ở thôn 5, xã Triệu Lăng.

Nhớ chiến trường Trị Thiên - Huế trước đây là một phân khu của Quân khu 5. Tháng 2-1966, Quân ủy Trung ương quyết định tách phân khu Trị Thiên - Huế khỏi Quân khu 5, thành lập Quân khu Trị Thiên - Huế trực thuộc Trung ương về Đảng, trực thuộc Quân ủy Trung ương về quân sự.

Quân ủy Trung ương quyết định giao cho tôi, Đặng Kinh, vào làm Tư lệnh, đồng chí Đặng Thí làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu, đồng chí Lê Chưởng, Thường vụ Khu ủy, Phó chính ủy Quân khu và một số đồng chí ở phân khu thuộc Phân khu 5 cũ được chuyển về thành lập Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu.

Cũng trong thời điểm cuối tháng 2-1966, Quân ủy Trung ương triệu tập đoàn cán bộ Trị Thiên - Huế ra họp nhận nhiệm vụ. Đoàn cán bộ gồm có: Đồng chí Lê Chưởng, nguyên Bí thư Phân khu; đồng chí Công, Bí thư Quảng Trị; đồng chí Thanh, Bí thư Thừa Thiên - Huế. Trung ương còn bổ nhiệm thêm đồng chí Vạn vào Khu ủy. Cuộc họp Thường trực Quân ủy Trung ương do đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì. Dự họp còn có các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Lê Quang Đạo. Phía Trị Thiên có các đồng chí như trên tôi vừa nêu. Cuộc họp diễn ra trong hai ngày, Thường trực Quân ủy Trung ương nghe đoàn Trị Thiên báo cáo; sau đó góp ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến phê bình Trị Thiên - Huế là nơi gần miền Bắc nhưng phong trào không lên. Đặc biệt đồng chí Nguyễn Chí Thanh phê bình nhiều về biểu hiện thiếu đoàn kết nội bộ, thiếu tư tưởng bám sát cơ sở, thiếu tinh thần tiến công… Lúc đó có danh từ anh Nguyễn Chí Thanh gọi là "nằm ổ".

Sau khi kiểm điểm xong, thảo luận đến nhiệm vụ, rồi anh Võ Nguyên Giáp kết luận: "… Nhiệm vụ của Quân khu Trị Thiên - Huế trước hết phải xây dựng lực lượng chính trị, cơ sở Đảng, lực lượng võ trang tại chỗ, dân quân du kích, bộ đội địa phương, thực hiện nhiệm vụ đánh quỵ Sư đoàn 1 của quân ngụy, đưa đồng bằng tiến lên làm chủ, đánh vào thành phố làm cho chính quyền ngụy rối loạn, quân Mỹ mất chỗ dựa; tạo điều kiện bước sang năm 1967 đuổi kịp phong trào chung ở miền Nam".

Sau hội nghị, đến tháng 4-1966, chính thức tuyên bố thành lập Khu ủy và Quân khu ủy; họp bàn triển khai thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương… Lực lượng của Quân khu lúc đó có Trung đoàn 6 bộ binh, một tiểu đoàn đặc công, một tiểu đoàn thông tin. Bộ đội địa phương có: Quảng Trị một tiểu đoàn, Thừa Thiên một tiểu đoàn, các huyện mới có một trung đội.

Tháng 5-1966, Quân khu quyết định mở đợt hoạt động xuống đồng bằng diệt ác, phá kìm, đưa vùng cơ sở yếu lên làm chủ, củng cố các chi bộ xã. Cho đến tháng 8-1966, Quân khu đã mở ra một vùng làm chủ ở đồng bằng bao gồm các khu vực: một bộ phận Phong Điền-Quảng Điền, Phú Vang ở Thừa Thiên; Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị… Cơ sở Đảng được củng cố, bắt đầu xây dựng các huyện vùng đồng bằng có đại đội. Các tiểu đoàn tỉnh bám trụ được ở dưới đồng bằng. Đội du kích phát triển hoạt động có hiệu quả ban đầu.

Về tác chiến của chủ lực, ngày 17-5-1966, Trung đoàn 6 tiến hành trận phục kích trên Đường 1 từ Câu Nhi đến Phò Trạch thuộc đất Thừa Thiên, tiêu diệt một tiểu đoàn thủy quân lục chiến mang biệt danh "Trâu điên", một chi đội thiết giáp và cả ban chỉ huy chiến đoàn ngụy. Ta thắng lớn khá vang dội, trận thắng đầu tiên của Quân khu đã gây dựng lòng tin cho nhân dân. Bộ đội ta bắt sống hơn 200 tên địch. Trung đoàn 6 cử một đại đội dẫn tù binh đang ở bãi trống thì địch đưa 8 máy bay luân phiên rải thảm bom diệt hết tù binh và cả đại đội của ta cũng bị thương vong tất cả. Từ đó ta rút ra kinh nghiệm: muốn đánh thắng giòn giã ít thương vong phải diệt được bộ phận thông tin chỉ huy của địch ngay ban đầu.

Qua nắm tình hình địch - ta ở chiến trường, triển vọng khả năng, vận dụng chiến thuật chủ lực phối hợp với đặc công, đánh bất ngờ tiêu diệt phải vận dụng nhiều. Bộ Tư lệnh Quân khu đã điện ra Bộ Quốc phòng xin đồng chí Thiếu tá Mạc Văn Căng - Trung đoàn phó Trung đoàn 42 vào Quân khu Trị Thiên - Huế tạm quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 để tiến hành huấn luyện các tiểu đoàn biết đánh tập kích bất ngờ phối hợp với đặc công.

Sau 3 tháng huấn luyện, ngày 20-12-1966, một tiểu đoàn của Trung đoàn 6 phối hợp với một đại đội đặc công đã tập kích bất ngờ tiêu diệt gọn tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 quân ngụy ở thị trấn An Lỗ, cách Huế 17 cây số. Thắng trận này, quân dân Quân khu càng phấn khởi. Địch bị tiêu diệt một tiểu đoàn từ lúc 2 giờ đêm mà tới 8 giờ sáng chỉ huy cấp trên của chúng mới biết. Qua hoạt động năm 1966, Quân khu Trị Thiên - Huế đã rút được nhiều kinh nghiệm bổ ích để chuẩn bị một kế hoạch rộng lớn cho năm 1967.

Tháng 10-1966, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương tăng cường thêm cho Trị Thiên - Huế đồng chí Trần Văn Quang làm Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh và Chính ủy Quân khu. Tôi chuyển sang làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng và thêm anh Lê Minh, Trung ương Đảng cử vào làm Phó bí thư Khu ủy, anh Thanh Quảng vào làm Phó chính ủy và tham gia Quân khu ủy…

Tháng 2-1967, Quân ủy Trung ương gọi đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu ra Hà Nội báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ mới. Quân khu cử tôi và đồng chí Thanh Quảng ra báo cáo. Chúng tôi ra đến nơi, vừa gặp dịp Tết nên được nghỉ ngơi mấy ngày. Ngày 25-2, Thường trực Quân ủy Trung ương tổ chức cuộc họp gồm có: anh Võ Nguyên Giáp chủ trì; anh Văn Tiến Dũng; anh Song Hào; anh Trần Quý Hai; anh Lê Quang Đạo. Tôi và anh Quảng báo cáo đầy đủ tình hình hoạt động của Trị Thiên-Huế từ khi thành lập Quân khu đến hết năm 1966 và những dự kiến hoạt động năm 1967, trong đó có trận đánh chiếm lĩnh thành phố Huế. Các anh Thường trực Quân ủy Trung ương rất vui mừng vì phong trào của Trị Thiên - Huế đã lên một bước. Anh Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương biểu dương kết quả hoạt động một năm của chiến trường. Đồng thời anh Giáp giao cho chúng tôi hai người chia làm hai bộ phận để ở lại làm việc sau.

Anh Thanh Quảng sang làm việc với Tổng cục Chính trị. Tôi được phân công làm việc với Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu do anh Võ Nguyên Giáp chủ trì. Cùng dự còn có các đồng chí: Phan Hàm, Phó cục trưởng Cục Tác chiến; đồng chí Nam Hồ - Trưởng phòng B và các cán bộ theo dõi chiến trường Trị Thiên - Huế. Tôi báo cáo toàn bộ lực lượng và một năm hoạt động của lực lượng vũ trang tại chiến trường. Đồng chí Võ Nguyên Giáp hỏi tôi:

- Khả năng chiến trường có thể đảm nhiệm những nhiệm vụ gì?

Tôi báo cáo:

- Tất cả các vị trí và căn cứ quân sự của địch như La Vang, Từ Hạ, Đông Hà cho đến thành phố Huế đều có khả năng đánh vào được, với điều kiện kết hợp lực lượng bộ binh với đặc công phải đánh đồng loạt, bất ngờ trong một thời gian ngắn, nếu kéo dài, địch tiến hành phòng thủ thêm thì không thể đánh được.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp hỏi tiếp:

- Có thể giải phóng được Trị Thiên - Huế hay không?

Tôi trả lời với tính chất thân mật của người đàn em:

- Việc này thuộc Trung ương và Quân ủy Trung ương, với chúng tôi thì Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy!

Tôi biết rằng đồng chí Võ Nguyên Giáp suy nghĩ rất nhiều về việc đưa chiến trường Trị Thiên - Huế đi đến đâu? Trong 10 ngày, có 6 lần đồng chí Võ Nguyên Giáp gọi tôi làm việc riêng. Lần cuối cùng, tôi xin phép được phát biểu thật về nhiệm vụ của Quân khu đánh quỵ sư đoàn 1 ngụy làm chủ đồng bằng và đánh vào thành phố Huế giữ một số ngày, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên - Huế có thể làm được. Nhưng chiếm toàn bộ Quân khu trong đó có Huế thì rất khó khăn, vì tương quan lực lượng ở Thừa Thiên - Huế đã thay đổi lớn. Từ tháng 5-1966, địch đã đưa hai sư đoàn Mỹ ra căng dọc Đường 9; củng cố được căn cứ Đông Hà, Ái Tử và đóng quân án ngữ từ Khe Sanh đến cửa biển, chúng đã có công sự tương đối vững chắc. Như vậy, từ Cửa Việt đến Đông Hà đã trở thành một khu căn cứ tổng hợp lớn, có cảng, sân bay, kho tàng và cả lực lượng chủ lực của Mỹ… Phía bên trong, nếu ta đánh mạnh, địch còn có thể điều các lữ hoặc sư đoàn thủy quân lục chiến và quân dù. Mỹ cũng còn nhiều khả năng điều thêm lực lượng ra để tăng cường. Như vậy, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi không thể chiếm được toàn bộ Trị Thiên - Huế.

Sau khi tôi phát biểu, anh Võ Nguyên Giáp suy nghĩ nhiều. Và cuộc họp lần thứ 7, anh Võ Nguyên Giáp lại họp tại Cục Tác chiến. Việc đầu tiên anh Võ Nguyên Giáp phân tích hai chiến trường: "Thứ nhất, chiến trường miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn là chiến trường quan trọng nhất. Về chiến lược, chiến trường này đi tới một bước nào đó là giành thắng lợi quyết định. Thứ hai, chiến trường Trị Thiên - Huế và Đường 9 kéo dài từ bắc Quảng Đà đến bắc Quảng Trị đã trở thành chiến trường hết sức quan trọng, có nhiệm vụ tiêu diệt, tiêu hao thu hút lực lượng của Mỹ ra để tạo điều kiện cho chiến trường Miền Đông Nam Bộ thực hiện nhiệm vụ của mình"… Từ đó, anh Võ Nguyên Giáp kết luận: "Các sư đoàn chủ lực của ta có nhiệm vụ tiêu hao thu hút, kìm chân và kéo thêm quân Mỹ ra Đường 9 - lúc đó còn gọi là chiến trường B5...".

Nhiệm vụ của Quân khu Trị Thiên - Huế là: Tiếp tục đánh quỵ sư đoàn 1, không còn khả năng tấn công và càn quét; xây dựng cơ sở chính trị, vũ trang tại chỗ mạnh và đánh vào thành phố Huế, chiếm giữ một số ngày tiêu diệt nhiều địch, làm cho quân Mỹ bị kìm chân mất chỗ dựa. Từ đó tạo nên thế chiến lược mới có lợi cho ta làm chuyển biến tình hình chiến lược ở miền Nam.

Anh Võ Nguyên Giáp hỏi lại tôi:

- Với thực tế chiến trường, nhiệm vụ như vậy có khả năng hoàn thành được không?

Tôi trả lời:

- Với nhiệm vụ Thường trực Quân ủy Trung ương giao, khả năng chiến trường Trị Thiên - Huế có thể làm được.

Đồng thời tôi đề nghị hai điểm: "Một là, xin thêm lực lượng đặc công mạnh vào trước; khi đánh, Huế xin thêm một trung đoàn; Hai là, khi bắt đầu đánh Huế tôi xin một sư đoàn thiếu, bao gồm một trung đoàn bộ binh mạnh, đánh giỏi công sự vững chắc, một trung đoàn pháo binh nặng và một tiểu đoàn thiết giáp nhẹ tập kết sẵn ở A Lưới và Nà Đụt".

Vì khi tấn công vào thành phố bằng lực lượng tinh nhuệ thì thế nào cũng còn những điểm tựa hoặc căn cứ được cố thủ mạnh, phải có lực lượng trên để làm dự bị chiến dịch tiêu diệt các căn cứ hoặc cứ điểm bằng cách đánh công sự vững chắc. Anh Võ Nguyên Giáp đã đồng ý với đề nghị của tôi và giao cho Cục trưởng Cục Tác chiến đưa vào kế hoạch của Bộ. Chúng tôi trở về chiến trường báo cáo với Khu ủy và Quân khu ủy, tất cả đều nhất trí với nhiệm vụ nói trên.

Đó cũng là lúc chiến dịch tác chiến của Quân khu bắt đầu đợt hoạt động tác chiến từ tháng 4 và 5-1967. Ngày 4-4-1967, Trung đoàn 6 của Quân khu phối hợp với Tiểu đoàn địa phương tỉnh Quảng Trị và lực lượng đặc công tấn công tiêu diệt căn cứ của Trung đoàn 1 thuộc sư đoàn 1 ngụy gồm cơ quan trung đoàn bộ cùng các đơn vị trực thuộc và một tiểu đoàn bộ binh ở La Vang. Đồng thời, ta chiếm và làm chủ Thành cổ Quảng Trị một đêm. Ngày 7-4, một tiểu đoàn của Trung đoàn 6, một tiểu đoàn đặc công và tiểu đoàn địa phương của tỉnh Thừa Thiên tấn công căn cứ của trung đoàn 3, sư đoàn 1 ngụy tại Từ Hạ, chỉ cách thành phố Huế 14 cây số, tiêu diệt cả trung đoàn bộ cùng đơn vị trực thuộc và một tiểu đoàn bộ binh. Cuối tháng 4, lực lượng đặc công Huế dưới sự chỉ huy của Thành đội, tấn công tiêu diệt trường huấn luyện hạ sĩ quan của tiểu đoàn 4 tại Long Thọ, diệt 200 tên. Ba trận đánh nói trên làm cho sư đoàn 1 ngụy mất sức chiến đấu nghiêm trọng.

Chiến dịch mùa hè, các trận chiến đấu mở ra giòn giã, đã tạo một khí thế mới cho chiến trường Trị Thiên - Huế. Sang tháng 5, đặc công của thành Huế lại đánh một trận rất đẹp, tiêu diệt 120 tên cố vấn Mỹ ở khách sạn Hương Giang (Thuận Hòa). Đồng thời, lực lượng địa phương vây ép các vị trí Lương Mai ở Phong Điền, Nam Rạng ở Quảng Điền, mở rộng khu căn cứ Phong Điền và Quảng Điền nối với nhau. Ở phía Quảng Trị, ta tiêu diệt chi khu quân sự của huyện Triệu Phong, tạo nên thế liên hoàn của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng.

Kết luận chung, qua hoạt động đến tháng 7, khu giải phóng được mở rộng trên 5 huyện đồng bằng của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, đã giải phóng hoàn toàn hơn 600 thôn, trong đó có 400 thôn bị địch kìm kẹp (hai tỉnh có 927 thôn).

Các hoạt động này rèn luyện được bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương thành thạo chiến thuật tập kích bất ngờ. Có thể nói cả chủ lực và địa phương đều trở thành những lực lượng tinh nhuệ làm cơ sở cho chiến dịch đánh chiếm thành phố Huế sau này.

Về tác chiến ta đã phát huy thắng lợi của đợt 1, đợt 2. Tháng 10-1967, bước vào mùa mưa, Khu ủy chủ trương hoạt động nhỏ tại các huyện xung quanh thành phố, huyện Hương Trà, Hương Thủy để chuẩn bị cho trận đánh lớn sau này…

Trung tướng Đặng Kinh

(Nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam)

-------------------------------------

(Còn nữa)