Từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 đến tháng 7-1965, Mỹ đã ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam trực tiếp tham chiến. Tổng số quân Mỹ lên tới 125.000 tên. Đưa cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam sang một thời kỳ khác. Chiến lược xâm lược thực hiện
 |
Quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu |
bằng quân đội ngụy quyền Sài Gòn do Mỹ trang bị, có cố vấn chỉ huy cơ bản chấm dứt ở giai đoạn này. Quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến (tất nhiên quân đội ngụy vẫn được sử dụng phối hợp) đẩy cuộc chiến tranh đặc biệt lên mức cao nhất. Dã tâm xâm lược điên cuồng của chính quyền Giôn-xơn càng hiện nguyên hình. Cuộc chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt.
Âm mưu thâm độc
Đây là giai đoạn chính quyền Giôn-xơn đã sa lầy nghiêm trọng ở chiến trường miền Nam. Thất bại liên tiếp và điểm đánh dấu quan trọng nhất là trận Bình Giã cuối năm 1964 đầu năm 1965, gây bao phấn khởi cho nhân dân Việt Nam, thì cũng đồng thời gây lo sợ, hoảng loạn cho Mỹ. Toàn chiến trường miền Nam, nửa triệu quân đội Sài Gòn do 20.500 sĩ quan Mỹ làm nòng cốt được yểm trợ bằng máy bay phản lực, xe tăng-thiết giáp và tàu chiến Mỹ không đương đầu nổi với quân giải phóng và du kích miền Nam. Cứu vãn tình thế chính quyền Giôn-xơn thực hiện âm mưu:
- Đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam bằng cách tăng cường các đơn vị chiến đấu của quân đội Mỹ và chư hầu với quy mô lớn. Đồng thời củng cố chế độ ngụy quyền, tăng cường ngụy quân và các lực lượng phản động để làm chỗ dựa và công cụ cho chiến tranh xâm lược.
- Mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam, coi đó là một bộ phận của chiến tranh xâm lược kiểu mới của chúng, cứu vãn tình thế bi đát ở miền Nam.
- Đồng thời chúng tiến hành cái gọi là “tiến công ngoại giao và tâm lý” với những luận điệu lừa bịp về “giải pháp hòa bình”, về “Thương lượng không điều kiện” để lừa gạt dư luận và che đậy âm mưu của Mỹ.
- Đặc biệt Mỹ tiến hành biện pháp ồ ạt đưa quân đội viễn chinh và chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam.
Lộ trình đưa quân đổ bộ vội vã
Đầu tiên (tháng 1-1965), Mỹ đưa bổ sung 2.000 quân chư hầu Nam Triều Tiên sang chiến trường miền Nam. Tiếp đến tháng 2-1965 trong lúc Mỹ bắt đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân thì chúng đưa Lữ đoàn lính thủy bộ Mỹ số 9 vào đóng ở Đà Nẵng và Phú Bài (Huế). Rồi đưa thêm 3.500 lính dù Mỹ vào đóng tại Vũng Tàu và Biên Hòa.
Báo Mặt Trời (Mỹ) ngày 3-3-1965 vạch rõ: Chính quyền Giôn-xơn đang chơi một canh bạc đáng sợ với việc đưa lính thủy đánh bộ (Mỹ) vào Nam Việt Nam. Thật là khó khăn cho Mỹ trong việc rút ra khỏi cái vũng lầy chiến tranh Nam Việt Nam… Vấn đề cơ bản là Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến tranh này được!”.
Ngày 24-4-1965 Giôn-xơn tự tiện quy định khu vực chiến đấu của Mỹ trên bờ biển Việt Nam (cả Nam lẫn Bắc), khu vực bắt đầu từ Hà Tiên vòng ra tới Móng Cái. Đó là một cách phong tỏa bờ biển Việt Nam bằng lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ. Đến ngày 8-6-1965 Giôn-xơn lại ra lệnh chính thức cho quân đội viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến ở Nam Việt Nam.
Cùng với việc đưa quân vào miền Nam, Mỹ khẩn trương xây dựng nhiều sân bay mới, mở rộng nhiều quân cảng để chuẩn bị cho những cuộc đổ bộ ồ ạt hơn nữa, như sân bay Chu Lai (Quảng Nam), quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Chính quyền Giôn-xơn tăng thêm 700 triệu đô-la cho chi phí quân sự ở Nam Việt Nam, thúc đẩy chính quyền ngụy (Phan Huy Quát rồi Nguyễn Cao Kỳ) bắt thêm 160.000 lính ngụy mới. Mặt khác thúc đẩy các đồng minh của Mỹ trong khối Đông Nam Á và Bắc Đại Tây Dương phối hợp với Mỹ để mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Trong vòng đầu tháng 5-1965 Mỹ đưa thêm 20.000 quân viễn chinh vào miền Nam (gồm toàn bộ Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 và Lữ đoàn dù số 173). Đưa số quân Mỹ lên tới 54.000 tên. Đến ngày 7-7-1965 với cuộc đổ bộ 8.000 lính thủy đánh bộ lên Đà Nẵng, thì số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên tới 75.000 tên. Đó là không kể 25.000 quân của Hạm đội 7 Mỹ ở ngoài khơi biển Việt Nam.
Đồng thời Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B57, B52 ném bom dữ dội các vùng Plei-cu, Bình Định, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Đông Nam Bộ.
Tiếp đến, Giôn-xơn cho phép đưa tức khắc 50.000 quân Mỹ vào chiến trường miền Nam, đưa tổng số quân Mỹ lên 125.000 tên. Đặt dưới Bộ chỉ huy gồm 20 tướng Mỹ với đầy đủ các binh chủng, quân chủng, trong đó có nhiều sư đoàn bộ binh.
Ngày 28-7-1965 Giôn-xơn thay mặt chính phủ Mỹ họp báo để công bố những quyết định mới về vấn đề Việt Nam. Trong lời tuyên bố đầy tính hiếu chiến và xảo trá, Giôn-xơn bày tỏ chiến lược của Mỹ là tiến thêm một bước mới trong âm mưu xâm lược Việt Nam.
Thất bại thảm hại
“Với hành động đưa quân đội viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam trên quy mô lớn, đế quốc Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh xâm lược sang một giai đoạn mới. Đây không phải là bước chuyển bình thường từ kế hoạch chiến tranh này sang kế hoạch chiến tranh khác mà là một bước chuyển sang giai đoạn mới của cuộc chiến tranh xâm lược…”. Đại tướng võ nguyên giáp đã đánh giá tình hình năm 1965 như vậy.
Dù mang tư tưởng chiến lược quân sự mới, dù đã đưa 125.000 quân Mỹ vào chiến trường miền Nam trực tiếp tham chiến nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Mắc Na-ma-ra trong báo cáo với Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải thốt lên: “Quân đội viễn chinh Mỹ có vào ồ ạt trực tiếp tham chiến, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến tranh đi đến chiến thắng, nhằm chống sự tan rã của quân đội Sài Gòn song đều vô vọng…”.
Sự thật đã minh chứng ngay trong năm 1965. Và đến năm 1975 càng minh chứng điều đó.
HOÀNG NGUYỄN