Thu đông năm 1947, sau khi bình định được một số vùng ở đồng bằng và trung du, thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta, hủy căn cứ địa kháng chiến, kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam một cách nhanh chóng.
Đánh lên Việt Bắc, địch còn nhằm khóa chặt biên giới Việt – Trung, ngăn chặn sự liên lạc giữa ta với quốc tế.
Kế hoạch tấn công của địch được triển khai theo hướng tập trung lực lượng mạnh tiến theo đường số 4 và đường sông Lô, tạo thành 2 gọng kìm lớn từ phía Đông và phía Tây nhằm kẹp chặt căn cứ địa cách mạng Việt Bắc. Âm mưu đó được thể hiện trong lời phát biểu của Tướng Salang ngày 9 tháng 6 năm 1947: “Bịt kín biên giới ngăn chặn không cho Việt Minh liên lạc với Trung Quốc. Loại trừ mọi sự chi viện từ ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt. Đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ...".
Tướng Pháp còn huyênh hoang: “Cuộc tấn công Việt Bắc là một đòn quân sự cực mạnh để kết thúc chiến tranh Đông Dương như một cuộc bắn pháo hoa đẹp mắt”.
 |
Sông Lô (ảnh internet) |
Để thực hiện ý đồ trên, thực dân Pháp đã huy động hơn 2.000 quân tinh nhuệ, 800 xe cơ giới, 40 máy bay, 40 ca nô, tàu chiến tấn công lên Việt Bắc. Gọng kìm phía đông theo đường số 4 do binh đoàn Bôphrê đảm nhiệm. Gọng kìm phía Tây theo đường sông Lô do binh đoàn Commuynan đảm nhiệm.
Ngày 15 tháng 10 năm 1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Chỉ thị đã trở thành mệnh lệnh hành động và ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta trên khắp chiến trường Việt Bắc. Trên mặt trận Sông Lô, Ban Chỉ huy các lực lượng khu 10 (bộ đội chủ lực) đã triển khai kế hoạch phối hợp với dân quân, du kích của tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang tích cực phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu. Tại Chí Đám (Đoan Hùng) và Bình Ca (Tuyên Quang), ta xây dựng trận địa phục kích, chặn đánh tàu chiến của địch trên đường tấn công Việt Bắc. Nơi đây là ngã ba sông Lô và sông Chảy, hai bờ sông là những quả đồi thấp lau sậy mọc um tùm, có lợi thế giấu quân mai phục, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với mục tiêu: Diệt gọn toàn bộ cánh quân thủy của địch, Ban chỉ huy mặt trận đã xây dựng kế hoạch hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực gồm pháo binh, bộ binh, công binh... với dân quân, du kích địa phương. Pháo binh mạnh được thí điểm áp dụng chiến thuật mới “đặt gần, bắn thẳng”, đã bố trí trận địa giả ở các xã Hữu Đô, Đại Nghĩa, Văn Cương nhằm nghi binh thu hút hỏa lực địch. Nhân dân địa phương các xã thuộc huyện Đoan Hùng nằm dọc ven sông Lô nô nức tham gia đóng góp lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ cho trận đánh; đã chuẩn bị trống, mõ, kẻng, thùng khua vang để gây thanh thế cho trận chiến; đặc biệt là nhân dân xã Chí Đám và xã Hữu Đô đã hái quả bưởi đem sơn đen vỏ rồi thả xuống dòng sông Lô giả làm thủy lôi hướng luồng tàu địch. Tất cả các đơn vị, mọi binh chủng tham gia trận đánh đều được phân công nhiệm vụ cụ thể và có đủ điều kiện phối hợp để phát huy triệt để mọi khả năng tác chiến, đảm bảo thắng lợi cho trận đánh.
Ngày 24-10-1947 đoàn tàu địch gồm 5 chiếc, được 6 máy bay yểm trợ từ Tuyên Quang xuôi sông Lô đi ứng cứu cho tàu chở quân từ Hà Nội lên đang bị ta chặn đánh tại Khoan Bộ (Lập Thạch – Vĩnh Phúc). Khi tới Chí Đám (Đoan Hùng) chúng lọt vào trận địa phục kích của ta. Pháo binh và bộ đội chủ lực đã phối hợp cùng dân quân, du kích được lệnh nổ súng tiêu diệt tàu chiến địch. Sau gần 6 giờ chiến đấu quyết liệt, pháo binh ta đã bắn chìm 2 tàu chiến trọng tải 500 tấn, bắn cháy và bắn bị thương 3 chiếc khác; 350 tên địch cùng một số lớn vũ khí, đạn dược bị tiêu diệt. Ta thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự. Sau trận đánh lực lượng tiếp tế của địch không còn khả năng tiến thêm nữa, số còn đóng tại Tuyên Quang hoang mang đến cực độ. Tình thế này đã khiến cho quân mũi đường sông của Pháp chẳng những không thực hiện được kế hoạch LEA “Đánh mau, thắng mau” mà còn bị lâm vào thế “Tiến thoái lưỡng nan”.
Ngày 22-11-1947 địch từ Tuyên Quang theo sông Lô rút lui về Việt Trì. Rút đường sông, bằng tàu thủy và ca nô đi chậm; đường bộ, lính bộ binh do thám và sục sạo đề phòng bị phục kích; có máy bay yểm trợ trên không. Ngày 24-11-1947 tàu chiến địch tới Chí Đám (Đoan Hùng) bị trúng trận địa thủy lôi của ta. Tàu chở các sĩ quan của địch bị trúng đạn, hơn 100 tên chết chìm theo tàu. Thủy binh địch rối loạn, cố vùng vẫy để thoát được ra khỏi trận địa của ta. Trên đà thắng lợi ta tiếp tục truy kích địch diệt thêm nhiều lính giặc. Tính tổng cộng trên mặt trận sông Lô – thu đông năm 1947 ta tiêu diệt hơn 1.000 tên địch; 10 tàu chiến và 1 ca nô; hạ 1 thủy phi cơ (máy bay chiến đấu), thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự.
Thắng lợi trên mặt trận sông Lô đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Khí thế hào hùng của dân tộc ta bật dậy, cổ vũ toàn dân ta quyết tâm kháng chiến thắng lợi. Thắng lợi này chẳng những đã góp phần bẻ gãy gọng kìm bao vây phía Tây căn cứ địa Việt Bắc của Pháp, mà còn tác động mạnh vào việc phá tan kế hoạch tấn công mùa đông của địch. Quân và dân Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, phía gọng kìm phía đông, cũng giành chiến thắng vang dội. Trong đó phải nói đến chiến công đánh quân nhảy dù, chiến tranh nhân dân tại các làng bản, đánh giao thông… khiến cho âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá vỡ căn cứ địa cách mạng Việt Bắc và tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến đã hoàn toàn bị sụp đổ.
Sau chiến thắng sông Lô hàng loạt chiến thắng khác của quân và dân Việt Bắc nối tiếp nhau đã giáng cho kẻ thù những đòn chí tử. Cục diện chiến trường chuyển sang giai đoạn mới: Ta từ phòng ngự chuyển dần sang cầm cự và tích cực tổng phản công; địch lúng túng, bị động và thất bại.
Đánh giá về chiến thắng sông Lô đồng chí Trường Chinh-Tổng Bí thư của Đảng đã viết: “Những trận đánh vô cùng anh dũng của quân và dân ta trên sông Lô và trên con đường Tuyên – Hà tuy chỉ tiêu diệt được trên 1.000 tên tinh nhuệ địch, nhưng khiến cho binh lính, sĩ quan địch mất tinh thần. Chẳng những nó làm sai kế hoạch của địch mà còn phá một phần lớn kế hoạch tấn công Việt Bắc. Giá trị của trận sông Lô chính là ở chỗ đó”.
Chiến thắng sông Lô khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh do Đảng ta chủ trương và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Đó còn là sự sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh của quân và dân ta, biết kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc.
Chiến thắng sông Lô là chiến thắng đầu tiên của quân và dân ta trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954); đã gắn với những tên đất, tên làng như: Chí Đám, Sóc Đăng, Phan Lương, Khoan Bộ, Đoan Hùng... “Chiến thắng Đoan Hùng đã giành được thắng lợi: Tiêu diệt được nhiều địch, thu được nhiều vũ khí, tinh thần chiến đấu của bộ đội địa phương, dân quân du kích được nâng cao, dân chúng tin tưởng tiền đồ cuộc kháng chiến”.
Sau chiến thắng, sông Lô đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt tác phẩm văn học, thơ ca, nhạc, họa... Bản “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao; “Lô giang” của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác... đã ra đời và 60 năm sau đến nay vẫn xứng danh là những bài ca đi cùng năm tháng.
Cuối tháng 11-1947 tại lễ mừng chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng chỉ huy quân đội đã đọc nhật lệnh tuyên dương công trạng của quân và dân Việt Bắc trong đó có chiến thắng sông Lô; pháo binh khu 10 được vinh dự mang tên “Pháo binh sông Lô”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận định: “Chiến thắng Đoan Hùng như một luồng gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh... Chiến thắng Đoan Hùng mở đầu cho những chiến thắng oanh liệt của bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch Việt Bắc...
Phú Thọ