 |
Trung tá Phạm Văn Chắt (người đứng thứ tư từ trái sang). |
Tôi gặp lại CCB Phạm Văn Chắt, nguyên Trung tá, chỉ huy trưởng Đơn vị H21, Quân chủng Phòng không (nay là Quân chủng Phòng không-Không quân) khi ông vừa lặn lội đi xe khách từ phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương lên Hà Nội dự gặp mặt bạn chiến đấu Bộ đội Tên lửa phòng không. Trong lòng ông tràn đầy niềm tự hào vì trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, ông là chỉ huy trưởng phân đội 72, đơn vị H85 (Đoàn phòng không Hải Phòng) bắn rơi tại chỗ “pháo đài bay” B52. Xác của chiếc máy bay này còn lưu giữ trong lòng hồ Hữu Tiệp và làng hoa Ngọc Hà...
Đã 35 năm trôi qua, ông vẫn nhớ đến từng chi tiết. Vào lúc 13 giờ 30 phút, chiều 22-12-1972, khi phân đội của ông đang trực chiến tại trận địa Trung Hà (Thủy Nguyên, Hải Phòng) thì đoàn cán bộ cấp trên xuống giao nhiệm vụ, yêu cầu phải có mặt tại trận địa mới vào sáng sớm 26-12, chịu sự chỉ huy trực tiếp của Đoàn phòng không B61 để tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Nhận lệnh xong, ông tổ chức hội ý cán bộ phân đội, thống nhất phương án thu hồi khí tài, tổ chức hành quân và triển khai khí tài ở trận địa mới ngay trong điều kiện địch đánh phá liên tục, ác liệt. Nhờ có phương án cơ động hợp lý, tinh thần trách nhiệm cao của bộ đội, nên sáng sớm 26-12, chúng tôi đã triển khai xong khí tài tại trận địa Đại Chu (xã Long Châu, Yên Phong, Bắc Ninh), bảo đảm an toàn. Sau đó ông báo cáo về sở chỉ huy Đoàn B61, tinh thần chiến đấu của phân đội tốt, vũ khí, khí tài đồng bộ, sẵn sàng chờ lệnh.
Đêm 27-12, không quân Mỹ tiếp tục sử dụng số lượng lớn máy bay B52 và máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội. Phân đội 72 được lệnh triển khai chiến đấu. Kíp chiến đấu hôm đó gồm: Chỉ huy trưởng Phạm Văn Chắt; phó chỉ huy trưởng Phạm Quang Tuyến; đại đội trưởng đại đội 1 Nguyễn Văn Xoang; chính trị viên đại đội Ngô Chí La; sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng cùng các trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền; trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa; trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu. Tất cả đều nóng lòng chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt máy bay B52 của địch. Từ thực tế những trận chiến đấu bảo vệ Hải Phòng và học tập kinh nghiệm đánh máy bay B52 trên nền nhiễu, kíp chiến đấu phát hiện ngay mục tiêu và phóng tên lửa chính xác vào máy bay địch. Lúc ấy là 23 giờ 3 phút, chiếc máy bay B52 còn chưa kịp cắt bom gây tội ác (sau này tôi được biết là loại B52D, cất cánh từ căn cứ Gu-am) đã bị bắn hạ, rơi tại chỗ trong lòng Hà Nội. Xác máy bay gồm phần thân rơi ở hồ Hữu Tiệp, cánh và đuôi rơi rải rác trên đường Hoàng Hoa Thám và vườn Bách Thảo, động cơ rơi vào khu vực dân cư tổ 51 phường Ngọc Hà... Ngay trong ngày 28-12-1972, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận nơi chiếc máy bay rơi để thị sát. Sau này, Đại tướng nói: “Đây là một chiến công rất xuất sắc, rất đặc biệt của Bộ đội Tên lửa phòng không. Xuất sắc là vì bắn rơi máy bay tại chỗ, đúng đối tượng, bắt sống giặc lái. Còn đặc biệt là vì đánh trúng địch trước khi chúng cắt bom, rơi ngay trong lòng Hà Nội...”.
Chiến công của kíp chiến đấu tên lửa phân đội 72 do Thượng úy Phạm Văn Chắt chỉ huy đã góp phần làm nên thắng lợi lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Phạm Văn Chắt sau đó tiếp tục vào Nam chiến đấu, năm 1982, được bổ nhiệm chỉ huy trưởng Đơn vị H21 làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới của Quân chủng Phòng không. Khi nghỉ hưu, trở về quê nhà vào năm 1986, ông tiếp tục tham gia các hoạt động trong các tổ chức chính trị, đoàn thể địa phương. Ông là bí thư chi bộ, kiêm tổ trưởng khu phố 3; Ủy viên ban chấp hành Hội Cựu chiến binh phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương hai khóa liên tiếp. Ông đã nhiều lần được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khen thưởng về thành tích công tác trên những trận tuyến mới.
Bài và ảnh: Đình Xuân