Thực ra thì Hoàng Dzự, người mang những bút danh Dương Hoàng, Linh Nam, Dzím… thuộc lớp thanh niên, học sinh, sinh viên thủ đô, tuổi mười tám, đôi mươi, ngay từ những năm 1964, 1965 đã lên đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Hoàng Dzự đã tham gia trực tiếp các trận đánh ác liệt với quân Mỹ ở Đắc Tô, Tân Cảnh, Plây Me, Sa Thầy… trong đội ngũ trinh sát, quân báo, xung kích thuộc trung đoàn 88. Tiếp đến, chuyển sang Trung đoàn 95, chuyên hoạt động chiến đấu trong vùng địch ở Bắc Tây Nguyên, anh trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, đánh đường 19, đoàn An Khê-Plei-cu.
Bị thương, bị bệnh, sức khỏe suy kiệt, Hoàng Dzự được chuyển ra Bắc chữa trị nhưng chưa kịp hồi phục sức khỏe, anh đã lao vào học đại học rồi trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Kinh tế, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hơn hai mươi năm công tác, ngoài nhiệm vụ chính là làm khoa học rất nghiêm túc, có hiệu quả và uy tín cao, Hoàng Dzự còn tham gia hoạt động báo chí, văn chương, mỹ thuật và cũng đạt được không ít kết quả, được dư luận xã hội coi trọng, quý mến.
 |
Hoàng Dzự (thứ hai từ trái qua phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. |
Trong hơn mười năm, từ 1980 đến 1992, Hoàng Dzự đã viết, vẽ, xuất bản 48 cuốn truyện tranh lịch sử dân tộc, chỉ vì thấy còn quá nhiều thanh thiếu niên chưa biết, chưa yêu “sử ta” và buồn vì “người ta” chưa coi trọng đúng mức việc đầu tư giáo dục thế hệ trẻ truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Năm 1993, Hoàng Dzự đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam gửi thư khen ngợi và mong muốn anh tiếp tục thực hiện công việc rất có ích nói trên. Thời ấy, điều kiện kinh tế quá khó khăn, các tư liệu và phương tiện phục vụ cho việc tìm hiểu các nhân vật, các sự kiện lịch sử đều hết sức thiếu thốn, Hoàng Dzự đã phải bỏ nhiều công sức đến những bảo tàng, tới những đền, chùa, miếu mạo cũng như phải đi sưu tầm những tài liệu cổ, khai thác các huyền sử, dã sử, truyền thuyết, chỉnh lý, bổ sung các sơ đồ chiến thuật, xây dựng hình hài nhân vật cùng với trang phục của từng thời kỳ rất công phu; và cuối cùng, phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần mới tạo được bản thảo hoàn chỉnh để nhà xuất bản mang đi in ấn.
Bạn đọc không chỉ tâm đắc với những bài viết của Hoàng Dzự trên báo chí, họ còn rất thích thú và luôn ngóng chờ những bức biếm họa của anh ký tên Dzím. Thực ra biếm họa mang tên Dzím đã xuất hiện trên báo Văn nghệ, Thống Nhất, Tiền Phong từ khi Hoàng Dzự còn là học sinh Trường trung học Nguyễn Trãi-Chu Văn An, Hà Nội. Khi ấy, một số biên tập viên báo chí thận trọng tìm gặp tác giả và họ rất ngạc nhiên tự hỏi, tại sao một học sinh mới mười sáu, mười bảy tuổi mà đã có biếm họa sắc sảo, già dặn đến thế! Năm 2003, trong triển lãm tranh biếm họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hoàng Dzự cũng có tranh tham dự và nhận được giải thưởng.
Nhớ lại thời còn ở chiến trường, những khi đơn vị lui về căn cứ, Hoàng Dzự lại chuyển cho đồng đội xem những tập tranh biếm họa đả kích Mỹ, ngụy và chế giễu những thói hư tật xấu của lính ta, khiến không khí trong đơn vị vui nhộn hẳn lên. Hồi ấy Hoàng Dzự không chỉ ký họa, ghi lại những hình ảnh sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội và đồng bào vùng căn cứ mà còn theo yêu cầu của Ban chỉ huy đơn vị và lãnh đạo địa phương sáng tác tranh cổ động phục vụ công tác chính trị. Dụng cụ sáng tác khi ấy là những đoạn le được đập giập một đầu để làm bút và mầu vẽ là thuốc “ký ninh” chống sốt rét, màu vàng rộm, cùng với những thuốc sát trùng màu xanh, màu đỏ và màu đen chủ đạo là nhọ nồi… Một kỷ niệm đáng nhớ trong thời kỳ đang phải chữa vết thương và trị bệnh ở trung đoàn 95, lãnh đạo đơn vị bố trí cho Hoàng Dzự một hang đá khá rộng để làm nơi sáng tác và “sản xuất” hàng loạt tranh cổ động nhưng máy bay giặc đã bỏ bom ngay gần đấy, các đồng chí chỉ huy phải tới giúp anh sơ tán “xưởng vẽ” đi nơi khác. Những bức tranh cổ động của Hoàng Dzự sau đó đã được gửi xuống các đơn vị bộ đội, trạm xá dã chiến và cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm.
Mặc dù công tác khoa học bận rộn, Hoàng Dzự vẫn tranh thủ thời gian ban đêm và những lúc rảnh rỗi để sáng tác tranh mỹ thuật; anh đã có hơn hai trăm bức tranh với nhiều chất liệu khác nhau. Đầu tháng 8 năm 2002, nhờ sự hỗ trợ tài chính của một tổ chức quốc tế và đồng đội, bạn bè cũ. Hoàng Dzự tổ chức triển lãm mỹ thuật cá nhân với 26 bức tranh sơn dầu khổ lớn tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam (16 Ngô Quyền, Hà Nội). Nội dung phòng tranh có hai mảng lớn, một là nhớ lại và suy ngẫm về chiến tranh, hai là nhớ về các bậc tài danh văn hóa Việt Nam. Triển lãm chỉ mở chín ngày (vì tài chính hạn hẹp) nhưng đã có hơn một nghìn người vào xem; riêng ngày khai mạc đã có gần bốn trăm người tới dự và thưởng ngoạn. Hội đồng mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá phòng tranh của Hoàng Dzự là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầy sáng tạo, có nội dung đổi mới. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Khánh Chương phát biểu: “Tác giả chỉ nhận là hoạt động nghiệp dư nhưng tranh của anh không nghiệp dư chút nào!”.
Nhớ lại thời chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên, vào cuối năm 1966, Tư lệnh mặt trận chủ trương tăng cường công tác chính trị tư tưởng, tôi và một số cán bộ khác được cử xuống các đơn vị chiến đấu, tuyển chọn các anh em có trình độ văn hóa và có khả năng hoạt động văn nghệ… để thành lập các đoàn văn công tuyên truyền, các đội chiếu bóng xung kích và ra tờ báo Tây Nguyên. Được nhiều người mách rằng, ở trung đoàn 88 có Hoàng Dzự, người Hà Nội, đẹp trai như Liên Xô, lại lắm tài, viết, vẽ đều giỏi và có giọng hát rất hay… Tôi lần mò tìm xuống gặp, nhưng bất ngờ bị Hoàng Dzự từ chối:
- Lính tráng vào đây là để đánh nhau, bây giờ lại lên làm văn nghệ, văn công… Em thấy thế nào ấy! Thôi, anh để em ở lại dưới này.
Mới đó thôi mà đã mấy chục năm trôi qua, Hoàng Dzự cũng như tôi bây giờ đã nhiều tuổi, thế nhưng thật lạ, gương mặt của anh vẫn giữ được vẻ tươi đẹp, sáng láng như ngày xưa…
Nguyễn Duy Nhiệm