Ông André Menras và ông Phan Duy Nhân - Ảnh: Đ.N.Thạch
Chưa đầy một tháng trước khi Hiệp định Paris được ký kết, một danh sách tù chính trị trong các nhà tù của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam được thống kê đầy đủ tên tuổi, quê quán, đã được chuyển thẳng từ nhà lao Chí Hòa đến bàn đàm phán. Ai đã làm được chuyện ngoạn mục này?

Bạn đọc đã biết André Menras (cùng với Pierre Debris) là hai người bạn Pháp dũng cảm phất cao cờ Mặt trận dân tộc giải phóng và rải hàng ngàn truyền đơn trước nhà Quốc hội chính quyền Sài Gòn năm 1970 chống Mỹ xâm lược, đòi độc lập, hòa bình cho Việt Nam, đã bị chính quyền Sài Gòn bắt giam tại nhà lao Chí Hòa. Vừa rồi, như chúng tôi đã đưa tin, ông André Menras, trong chuyến sang Việt Nam, đến Báo Thanh Niên tham gia hiến kế việc cung cấp nước ngọt cho bộ đội Trường Sa.

Bất ngờ cách đây hai hôm, ông Phan Duy Nhân, một cựu tù chính trị Côn Đảo (xem bài Chiến thắng Mậu Thân, vẫn là thời sự - Thanh Niên Xuân 2008) cùng chúng tôi có cuộc gặp gỡ với ông Menras tại quán cà phê Givral trên đường Đồng Khởi (TP.HCM), ngay bên cạnh nơi mà ông treo cờ giải phóng hồi đó. Hai ông bạn "tà ru" (tù ra) này lần đầu tiên gặp nhau, nhưng lập tức trở thành thân thiết. Ông Phan Duy Nhân ôm ông Menras cảm động: "Trong đời tôi mong một lần được gặp anh, vì anh đã góp công quan trọng vào việc buộc chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải trao trả 5.081 anh em tù chính trị, trong đó có tôi".

Ông Phan Duy Nhân nói, từ hồi trong tù và sau này khi được trao trả (1974), ông đã nghe có một danh sách tù chính trị bị chính quyền Sài Gòn giam giữ ở Côn Đảo, Chí Hòa và nhiều nhà tù khác được chính anh em trong tù gửi ra và đưa thẳng đến Hội nghị Paris, giữa lúc phía phái đoàn của chính quyền Sài Gòn phủ nhận không có tù chính trị đang bị giam giữ. Người mang bản danh sách đó, chính là André Menras đây !

André Menras, người bạn lớn của Việt Nam - Ảnh: Đ.N.Thạch
André Menras hồn nhiên kể lại, rằng ông có mang một tập tài liệu sang Paris gửi cho phái đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, nhưng cho đến bây giờ vẫn không biết đó là tài liệu gì. Bằng một thứ tiếng Việt khi có dấu khi không, nhưng rõ ràng mạch lạc, ông Menras kể chúng tôi nghe chuyện trong tù và chuyện ông bị trục xuất, chuyện sau đó và chuyện từ đó đến bây giờ. Không có gì ông không nhớ, mỗi sự kiện, mỗi chi tiết được kết nối, cái gì cũng mang ý nghĩa.

"Nhà tù cũng là một chiến trường thực sự. Các chiến sĩ ở đây không chỉ đấu tranh mà có tổ chức, có tiếp xúc, có liên lạc", Menras nói. Khi ông mới bị bắt, ban đầu cơ quan ngoại giao Pháp bảo ông là một người bị "tâm thần". Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng muốn "quy" cho ông bị bệnh tâm thần để vô hiệu hóa ý nghĩa của sự kiện treo cờ. Họ đưa ông lên nhà thương điên Biên Hòa và yêu cầu ở đó lập bệnh án tâm thần cho ông, nhưng, ông kể: "Họ thất bại trong chuyện này, vì vị bác sĩ khám bệnh ở đây là người chính trực. Ông ấy đã không làm theo ý của họ, mà đưa ra kết quả tôi là người hoàn toàn bình thường". Qua đường dây trong tù, ông đã gửi một bức thư về Pháp tố cáo chế độ lao tù của Sài Gòn, bức thư đã được đăng trên báo Nhân Đạo. Từ đó, một phong trào được dấy lên mạnh mẽ ở Pháp chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, đòi trả tự do cho hai ông. Cơ quan ngoại giao Pháp rồi cũng gây áp lực để bảo vệ công dân của họ. Vì vậy mà trong tù hai ông được chúng "nới lỏng" cho một chút, được đi phơi nắng mỗi ngày 15 phút, được nhận thư... Menras nói hằng ngày ông nhận hàng trăm bức thư từ Pháp, tuy thư bị kiểm duyệt, bị xóa nhiều chỗ, nhưng "điều đó không quan trọng, biết tinh thần là được rồi".

Cũng do có sự "nới lỏng" đó, nên Menras được tiếp xúc với người khác. Menras kể: "Có một thường phạm người Mỹ cũng được giam ở đây, anh ta tên là Rich Buebb, quê ở Colorado. Thỉnh thoảng tôi được đánh cờ với anh ta. Thông qua đường dây bí mật trong tù, tôi đã chuyển thư về nhờ bạn bè ở Pháp gửi cho tôi sách về Bác Hồ và của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những cuốn sách (in khổ nhỏ) đó được bỏ vào túi đựng bánh biscuit gửi sang gia đình của Rich bên Mỹ để gia đình gửi cho Rich, thông qua sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Vì Rich là tù thường phạm nên quà gửi tới không bị kiểm duyệt. Sách đó được giao cho các sinh viên yêu nước trong tù dịch ra làm tài liệu đào tạo về chính trị cho anh em".

Nhiều người biết ở nhà tù Côn Đảo có lưu hành đầy đủ văn bản của Hiệp định Paris và toàn văn những tài liệu quan trọng khác của cách mạng. Đó là nhờ những chiếc radio bí mật trong tù. Một trong những chiếc đó có sự góp công của Menras. Ông kể tiếp: "Tôi cũng quen một thường phạm khác, tên là Jean Pierre Giunkini, người Pháp. Anh ta có một chiếc radio 3 band do vợ anh ta thăm nuôi gửi cho. Anh ta hỏi tôi có cần dùng không. Tôi thì không được phép dùng cái đó công khai như thường phạm, tôi hỏi mấy anh em ở nhà giam OB1 có cần không, các anh bảo cần. Tôi đã lấy chiếc radio đó giao cho ông Phan Văn Ba (anh Phan Văn Ba hiện nay ở Đà Nẵng). Rồi ông Ba bị đày đi Côn Đảo, ông mang luôn chiếc radio đó đi theo, mang luôn vào phòng giam. Sau này tôi biết người chịu trách nhiệm nghe chiếc radio đó ở Côn Đảo là ông Bùi Văn Toản, tôi biết ông Toản hiện nay ở Sài Gòn. Tôi tự hỏi không biết các anh ấy đã làm thế nào mà giữ được chiếc radio đó dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bọn chúng. Nhưng tôi biết các chiến sĩ trong tù, cũng như ở bên ngoài, rất mưu trí, cái gì cũng làm được".

Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận, khi sắp ký Hiệp định Paris, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải trục xuất hai ông về Pháp, đó là ngày 31.12.1972. Menras nhớ lại: "Trước khi bị trục xuất 3 ngày, tôi được anh em ở OB1 giao một tài liệu gói kỹ, bảo sang đến Pháp thì giao ngay cho phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt NamParis. Anh em chỉ dặn việc đó rất quan trọng, cố gắng làm cho được, ngoài ra không nói gì khác. Tôi cũng không hỏi. Nguyên tắc của anh em trong tù là không được hỏi. Tôi và Pierre Debris tính với nhau bằng mọi giá phải mang tài liệu này đi cho được, nếu bị chúng giở trò lục soát thì sẽ đánh trả để tạo dư luận. Tôi cuốn kỹ tài liệu đó lại, nhét vào trong xi-lip. Chúng tôi được cảnh sát áp giải ra sân bay. Lên máy bay có các nhân viên phòng nhì Pháp, tôi biết chắc ít nhất có 3 người, họ đưa thẳng chúng tôi về Paris. Tôi không bị lục soát gì cả. Tôi nghĩ họ không bao giờ nghĩ chúng tôi có được những tài liệu quan trọng. Đến Paris, nhiều bạn bè ra đón, có cả bố tôi, lần đầu tiên ông đến Paris. Tôi phải đưa gấp tài liệu đến nơi cần đưa, nên nói với bố: "Con có việc gấp phải đi, gặp lại bố sau". Rồi tôi lấy chiếc xe của người bạn và đi thẳng tới nhà bác sĩ Henry Carpentier. Ở đây tôi gặp hai người trong phái đoàn. Đó là bà Nguyễn Ngọc Dung và bà Phan Thị Minh. Tôi giao tài liệu cho hai người đó. Mãi cho đến nay tôi vẫn không biết đó là tài liệu gì". Ông cười: "Nguyên tắc của cách mạng là không được hỏi".

Theo ông Phan Duy Nhân và những người có kinh nghiệm trong tù thì tài liệu đó là do các tổ chức Đảng trong nhà tù ở miền Nam lúc đó thống kê qua các đường dây bí mật, rồi tập hợp lại để chuyển đi. Những người lãnh đạo bí mật trong tù biết rằng hai người bạn Pháp sẽ bị trục xuất, nên thông qua hai ông để gửi đến Paris, như là một phương án tối ưu. Cũng theo ông Phan Duy Nhân, do điều kiện bị ngăn cách giam cầm trong tù, danh sách đó chắc chắn là không đầy đủ, nhưng là một bằng chứng xác thực và đanh thép mà đối phương không thể chối cãi, không thể lẩn tránh được.

Chúng tôi cũng được biết, trước đó hệ thống tình báo của chúng ta cũng lấy được một danh sách 12.000 người bị tù ở Côn Đảo ngay trong Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn.

Những danh sách đó là các bằng chứng hùng hồn để tố cáo tội ác của Mỹ và chế độ Sài Gòn trước công luận quốc tế, là lợi khí để phái đoàn ta đấu tranh đòi đối phương phải trao trả tù chính trị. Chúng tôi chưa có điều kiện và thời gian để tìm hiểu, cuối cùng địch căn cứ vào đâu để chấp nhận trao trả một danh sách hơn 5.000 tù chính trị, theo Hiệp định Paris là "những nhân viên dân sự", bao gồm hầu hết là những cán bộ chiến sĩ trung kiên cốt cán của cách mạng các thời kỳ. Nhưng chắc chắn trong thắng lợi đó có phần đóng góp quan trọng của những người bạn Pháp đáng yêu của chúng ta.

Thời gian trôi nhanh, sau khi về Pháp hai ông tiếp tục đi nhiều nước kêu gọi ủng hộ Việt Nam. Bây giờ thì rất lâu rồi André Menras không gặp lại Pierre Debris. Còn André Menras, cho đến khi về hưu, ngành giáo dục Pháp không công nhận thời gian ở tù 2 năm rưỡi ở Việt Nam là thời gian làm việc. Ông lại đấu tranh, không phải vì tiền lương hưu của ông bị trừ đi, mà vì danh dự, ông đòi phải tính thời gian làm việc cho ông và yêu cầu Chính phủ Pháp phải công nhận đấu tranh cho hòa bình cũng là nghĩa vụ của một thầy giáo. Ông đấu tranh kiên trì trong nhiều năm, mãi đến tháng 8.2003 Chính phủ mới "công nhận hoàn toàn". "Bà Nguyễn Thị Bình lúc đó đã viết thư tay gửi trực tiếp cho Tổng thống Chirac để đề nghị can thiệp", Menras nói.

Bà Phan Thị Minh với cuốn sách của hai ông Jean Pierre Debris và André Menras - Ảnh: Đ.N.K

Phóng viên Thanh Niên gặp bà Phan Thị Minh (cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh) tại Đà Nẵng. Bà sang Pháp năm 1971, là chuyên viên quan hệ quốc tế của Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN tại Paris. Bà Minh khẳng định bà và bà Nguyễn Ngọc Dung là người trực tiếp tiếp xúc với hai ông André Menras và Jean Pierre Debris ngay khi hai ông bị trục xuất về Pháp. Bà Minh nói: "Đến Paris, hai ông không chịu về nhà ngay mà tìm đến nơi ở của phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời. Vừa gặp chúng tôi, André Menras và Jean Pierre Debris liền cho biết tình hình thực tế trong nhà tù và chuyển giao tài liệu. Đó là toàn bộ danh sách tù chính trị đang bị giam cầm ở các nhà tù ở miền Nam, trong đó có những lá thư được viết bằng máu với lời kêu cứu khẩn thiết.

Tôi nhận tài liệu, bảo họ hãy về nhà sum họp gia đình, các phần việc còn lại để chúng tôi lo. Chúng tôi đối chiếu danh sách họ đưa với một số danh sách khác, thấy trùng hợp và đầy đủ hơn. Chính danh sách này trở thành vũ khí đấu tranh về vấn đề tù chính trị mà trước đó chính quyền Việt Nam cộng hòa vẫn khăng khăng nói rằng không có. Côn Đảo bao nhiêu người, Chí Hòa bao nhiêu người... có đầy đủ tên tuổi và quê quán. Trước danh sách cụ thể như vậy, họ sửng sốt và buộc phải chấp nhận cho phái đoàn ta ở trại David (đóng ở sân bay Tân Sơn Nhất) và các tổ chức quốc tế đi thăm các nhà tù. Họ đã không dám thủ tiêu hoặc di chuyển anh chị em sang nơi khác để biến thành thường phạm như báo động trước đó của hai ông André Menras và Jean Pierre Debris. Chị Nguyễn Ngọc Dung, lúc đó là thiếu tá phái đoàn ta tại trại David được nghe phía chính quyền Sài Gòn phân trần: Đủ hết đó bà nghe. Bọn tui đâu có thủ tiêu ai. Bà đừng có la nữa !".

Bà Phan Thị Minh nói tiếp: "Mặt trận đấu tranh do hai ông André Menras và Jean Pierre Debris mở ra rất quan trọng. Được sự hỗ trợ của Hội Cứu tế Đảng Cộng sản Pháp, hai ông đã lên tiếng tố cáo chế độ lao tù Sài Gòn tại nhiều diễn đàn quốc tế như ở Mỹ, Canada, Thụy Điển, Ý, Nhật, Hà Lan, Đức, Bỉ... Đồng thời cuốn sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo của hai ông đã góp phần giải cứu cho lực lượng tù chính trị ở miền Nam lúc đó. Tiếng nói mạnh mẽ của hai ông có sức thuyết phục rất cao!".

Theo : TNO--Đặng Ngọc Khoa