 |
Đồng chí Lê Quang Đạo (bên phải), chính ủy Mặt trận Khe Sanh 1968. |
LTS: Nhân ngày sinh của Cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (8-8-1921/8-8-2008) và nhân dịp Hà Nội đặt tên đường Lê Quang Đạo, báo Quân đội nhân dân xin đăng bài báo của Cố chủ tịch viết trước khi ông mất mấy tháng (Xuân Kỷ Mão 1999).
Chiến dịch giải phóng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn là chiến dịch phản công lớn đầu tiên của quân đội ta từ ngày bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Là Phó ban tuyên truyền của Trung ương Đảng, tháng 9-1950, tôi được điều động vào công tác trong quân đội cùng với nhiều đồng chí khác. Được cử tham gia ngay chiến dịch giải phóng biên giới, tôi cùng lên đường đi Cao Bằng với đoàn cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp dẫn đầu. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, đến khi sắp thông qua quyết tâm và kế hoạch chiến dịch, tôi rất xúc động được biết Bác đã bí mật lên tận Sở chỉ huy ở Cao Bằng, trực tiếp tham gia chỉ đạo. Bác đến thăm mấy đơn vị bộ đội. May mắn và vinh dự, tôi đã được cùng đi với Bác đến một đơn vị thuộc đại đoàn 308.
Trên đường núi đá mấp mô, khúc khuỷu, hai bên đường là lau lách rậm rạp, đoàn có mấy người cùng đi với Bác, đi bộ leo đèo lội suối mấy chặng đường. Lúc này, đã 60 tuổi nhưng Bác khỏe và đi rất nhanh. Tôi đang tuổi thanh niên chưa đến 30 mà theo kịp bước đi của Bác cũng thấy mệt. Vừa đi, Bác vừa hỏi tôi về tình hình bộ đội. Biết tôi được phân công cùng anh Lê Liêm làm công tác chính trị trong chiến dịch, Bác nói:
- Công tác của một cán bộ chính trị trong quân đội không những phải làm tốt việc giáo dục chính trị tư tưởng, hiểu rõ nhiệm vụ, yêu cầu tác chiến nâng cao quyết tâm đánh giặc, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết của cán bộ, chiến sĩ mà còn phải quan tâm đến mọi sinh hoạt của bộ đội.
Qua bao năm tháng, cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ những lời chỉ bảo cặn kẽ của Bác Hồ:
- Chú phải lo chỗ ăn, chỗ ở, chỗ đi vệ sinh của cán bộ, chiến sĩ. Phải giữ gìn tốt mối quan hệ bộ đội với nhân dân, chấp hành thật tốt kỷ luật quần chúng và chính sách nhân đạo đối với tù binh, hàng binh…
Lần này là lần thứ hai tôi làm công tác chính trị trong quân đội.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi được chỉ định làm chính trị viên bộ đội giải phóng ở tỉnh Bắc Giang trong vài tháng, nhưng chưa được học tập gì về quân sự và công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Lần này, những lời chỉ bảo trực tiếp của Bác và hoạt động thực tiễn của chiến dịch vô cùng quý giá đối với tôi.
Ở bản Na Lạn (Lạng Sơn), Bác Hồ đã dự nhiều cuộc họp với cán bộ chỉ huy chiến dịch và chỉ huy các đơn vị. Hình ảnh Bác Hồ cầm ống nhòm, quần xắn cao, từ trên đài quan sát vị trí địch ở Đông Khê là một bức tranh hào hùng và thân thương đối với nhân dân cả nước và đặc biệt in sâu vào trái tim và trí nhớ cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến dịch biên giới năm ấy.
Đánh vào Đông Khê, ta đã điều động được địch như dự kiến của ta. Toàn bộ hai binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa-giơ bị tiêu diệt gọn. Ta bắt hơn 5 nghìn tù binh.
Đến ngày 10 tháng 10, địch bỏ Thất Khê, rút chạy và hai ngày sau, địch bỏ luôn cả Lạng Sơn, rút về Tiên Yên.
Vào giai đoạn kết thúc, chiến sĩ các đơn vị và cả anh nuôi len lỏi vào các khe núi, hang đá gọi hàng, bắt tù binh bằng cách vừa giơ nắm cơm ra, vừa kêu gọi vì tàn quân địch lẩn trốn đã bị đói lả.
Bác Hồ mặc đồ xanh chàm dân tộc như một ông già địa phương, trực tiếp đi kiểm tra bộ đội thi hành chính sách khoan hồng, nhân đạo của ta đối với tù binh. Bác đã hỏi chuyện sĩ quan, binh lính địch bằng tiếng Pháp. Khi gặp một tù binh Pháp cao tuổi, không có áo, rét run, Bác đã lấy áo khoác ngoài của mình, tự tay khoác lên vai người tù binh.
Cử chỉ này của Bác làm mọi người rất xúc động.
*
* *
Năm nay, 30 năm sau ngày mất của Bác, đã gần 50 năm sau ngày giải phóng biên giới Cao Lạng, những lời chỉ bảo của Bác vẫn còn sống động trong tôi.
Và một kỷ niệm khó quên nữa là: Bữa cơm ăn riêng với Bác Hồ.
Vào một buổi chiều mùa thu năm 1968.
Sau khi kết thúc chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, trở về Hà Nội, tôi được Bác Hồ gọi lên. Rất hồi hộp, tôi chưa biết Bác muốn hỏi tình hình hay giao nhiệm vụ gì.
Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác và tôi đứng nói chuyện với nhau ở phòng đợi. Rất đúng hẹn, Bác mở cửa bước vào. Vừa nhìn thấy chúng tôi, Bác đột ngột nói:
- Ô, hai chú cao lớn bằng nhau!
Chúng tôi rất vui và lấy làm thú vị về câu nói dí dỏm của Bác vì cả hai đều thấp nhỏ.
Bác hỏi tôi một số tình hình về chiến dịch, đời sống bộ đội và nhân dân. Bác hỏi đâu tôi trả lời đến đấy. Qua những câu hỏi của Bác, tôi biết Bác rất quan tâm theo dõi và hiểu rõ tình hình. Tôi phấn khởi trực tiếp báo cáo Bác nhưng cũng rất lo. Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng còn nhiều khuyết điểm và chưa đạt được yêu cầu cao hơn như mong muốn. Ngay từ khi mới mở màn chiến dịch, máy bay địch ném bom trúng sở chỉ huy. Phải di chuyển đến sở chỉ huy mới, chúng tôi đã mất liên lạc một thời gian ngắn với các đơn vị tham gia chiến dịch. Với thái độ chân tình, thông cảm, Bác làm cho tôi dần dần hết lo ngại.
Tôi có cảm nghĩ như không phải mình đang báo cáo với vị lãnh tụ cao nhất của Đảng, Nhà nước và quân đội mà như một đứa con trong gia đình đi xa về được trò chuyện thân mật với người cha. Dù vậy, tôi vẫn chờ những lời nhận xét, phê bình của Bác. Song trong suốt buổi nói chuyện chiều hôm ấy, Bác không hề chê, khen một điều gì cụ thể.
Bác vẫn mặc bộ quần áo lụa nâu quen thuộc. Tôi cảm thấy Bác có vẻ vui, vừa lòng về tinh thần chiến đấu, hy sinh, về những cố gắng của quân đội ta và nhân dân các dân tộc ở Đường 9-Khe Sanh. Tôi rất cảm động và phấn khởi.
Khi gần kết thúc câu chuyện, một đồng chí giúp việc đến. Bác nói:
- Hôm nay có khách nhé.
Dường như đã quen lệ, đồng chí giúp việc ân cần trả lời Bác:
- Thưa Bác, vâng ạ.
Bác quay lại bảo tôi:
- Hôm nay chú ở lại ăn cơm với Bác.
Tôi bị bất ngờ và sung sướng vì đây là lần đầu Bác cho ăn cơm riêng với Bác.
Một lát sau, một khay cơm nhỏ được mang ra, đặt ngay dưới sàn nhà, cạnh cửa hầm để phòng báo động máy bay. Trên khay chỉ có hai đĩa con con như đĩa thường đặt chén uống nước. Một đĩa có mấy lát thịt lợn nạc nhỏ thái mỏng. Một bát canh rau cải. Một chén nước mắm nhỏ và một bát con đựng mấy quả cà muối. Hai quả chuối tráng miệng đặt bên cạnh.
Nhận thấy sắc mặt Bác có vẻ không được khỏe như năm trước, tôi mạnh dạn hỏi:
- Thưa Bác, đêm Bác ngủ được mấy tiếng ạ?
Bác cười, trả lời hóm hỉnh:
- Từ lúc đi nằm đến lúc ngủ được, Bác có xem lại đồng hồ đâu mà biết mấy giờ.
Tôi đoán là Bác ngủ ít nhưng Bác tránh nói cụ thể.
Bác ăn được hai nửa bát cơm nhỏ. Bác cố gắng tỏ ra ăn được để tôi yên tâm. Các đồng chí phục vụ Bác cho tôi biết:
- Rau cải này do Bác tăng gia đấy. Chuối này cũng là chuối Bác trồng. Khi có khách ăn cơm riêng với Bác, Bác cho tăng thêm một suất thịt mới có hai đĩa thịt nhỏ.
Chào Bác ra về, tôi lo lo vì nhận thấy sức khỏe Bác yếu hơn trước, nhưng cũng thật không ngờ rằng bữa cơm này là bữa cơm duy nhất và cũng là bữa cơm cuối cùng được ăn riêng với Bác.
Một năm sau, Bác đã mãi mãi ra đi để lại bao đau xót và muôn vàn thương tiếc cho toàn dân và toàn quân ta.