 |
Bến Bình Ca.Ảnh: Tư liệu |
"Trường ca Sông Lô"
Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mơ biếc chìm một màu khói thu
Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước Lô xưa…
Nhạc sĩ Văn Cao, "người nghệ sĩ tài ba xuất chúng" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết năm 1995 lưu bút tại gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao), đã dựng nên cảnh sông Lô vừa hùng tráng vừa trữ tình thơ mộng.
Qua giai điệu và ca từ tuyệt đẹp của bản trường ca, chúng ta cảm nhận được hào khí của chiến thắng Sông Lô. Chúng ta sống lại những giờ phút lịch sử với các chiến sĩ Sông Lô:
… "Chiến sĩ Sông Lô thân rừng áo sương đang ca rằng:
Giờ mồ thực dân sóng lấp cát vàng
Chiến sĩ Sông Lô oai hùng đấu tranh gào kêu vang sóng
Đây giặc Pháp tàn trong căm gan toàn dân…
Chúng ta gặp lại những người dân Sông Lô chất phác, khi giặc đến đã vùng lên đánh giặc, khi giặc thua lại trở về dựng lại cuộc sống bình yên.
… Trên dòng sông trở về đoàn người
Reo mừng vui trên sóng nước biếc
Trôi đầy sông bao đám xác thù
Dân hân hoan nghe sóng reo vi vi xa xa…
… Vui hát ca hòa, vui hát ca hòa
Dân buông lưới, Phan Lương trôi bóng thuyền
Lều dựng lên ven sông, bóng người sầm uất bến Then…
"Trường ca Sông Lô" sống mãi với thời gian, với dân tộc, với các thế hệ mai sau như một điểm sáng trong nền nghệ thuật Việt Nam.
Binh đoàn đường thủy Com-muy-nan
Ngày 10 tháng 10 năm 1947, trên sông Hồng đoạn từ Hà Nội đến Sơn Tây xuất hiện một đoàn tàu chiến 35 chiếc hùng hổ rẽ sóng ngược dòng sông, trên trời máy bay "bà già" quan sát yểm hộ. Đến Việt Trì, đoàn tàu rẽ ngoặt vào sông Lô, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác tác giả ca khúc "Lô Giang" đã miêu tả:
… "Một trời chiều buồn, Lô giang rung lên
Từng đoàn tàu chiến xé dòng hòa bình gây mầm hoang tàn
Tiếng súng âm vang, khói mù mịt trời
Làn sóng xôn xao, núi rừng xào xạc, bao nhà mái xiêu…
Đoàn tàu chiến ấy là binh đoàn Com-muy-nan (Communal) theo đường thủy tiến lên bao vây khu căn cứ địa Việt Bắc về phía tây. Bao vây Việt Bắc về phía đông là binh đoàn Bô-phrê theo đường số 4 từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng. Phối hợp với hai gọng kìm là binh đoàn Xô-va-nhắc bủa vây từ trên không, nhảy dù xuống Bắc Kạn.
Đây là một cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn với ý đồ chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh", "đánh một đòn chết tươi", tiêu diệt chủ lực ta, chụp bắt cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến, sớm kết thúc chiến tranh. Theo kế hoạch tác chiến của Pháp, ngày 7-10-1947, binh đoàn Xô-va-nhắc nhảy dù xuống Bắc Kạn. Ngày 13-10-1947 hai gọng kìm Com-muy-nan và Bô-phrê hợp vây tại Đài Thị (Tuyên Quang).
Binh đoàn Com-muy-nan ngược dòng Lô đã bị pháo binh ta bắn chặn tại Phan Dư (11-10), tại Đoan Hùng (12-10), bị vướng kè tại Tiên Du, Sóc Đăng, nhưng kết quả chỉ làm chậm bước tiến của địch, chưa tiêu diệt được tàu chiến địch nên chúng nghênh ngang ngược dòng Lô. Đến địa đầu tỉnh Tuyên Quang thì chúng bị trừng trị. Đó là trận Bình Ca.
Bình Ca-trận đầu đánh thắng trên sông Lô
16 giờ ngày 12-10-1947, tốp tàu chiến đầu tiên của quân Pháp đi vào khu vực Bình Ca. Tổ ba-dô-ca của tiểu đội trưởng Trần Chất do trung đội trưởng Vũ Phương chỉ huy nổ súng. Hai phát đạn nhằm bắn vào hai chiếc tàu đi đầu bị chệch mục tiêu. Khi tốp tàu chiến thứ hai lọt vào trận địa, phát đạn ba-dô-ca thứ ba đã phóng chính xác, trúng vào thân một chiếc LCVP. Đây là tàu đổ bộ loại nhỏ dài 11 mét; trọng tải 15 tấn, chở được một trung đội, được trang bị một pháo 20mm. Tàu địch nghiêng ngả bốc cháy, cố vọt lên được 1km thì bị chìm. Đó là chiếc tàu địch đầu tiên bị bắn chìm trên sông Lô. (Sau này Tuyên Quang đã trục vớt chiếc tàu đắm, các chiến lợi phẩm thu được hiện còn trưng bày tại Bảo tàng Tuyên Quang).
Ngày 13 tháng 10, khi địch đổ bộ lên bến Bình Ca, chúng lọt vào trận địa phục kích của ta. Quân ta giật bom mìn, đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn tiêu diệt 20 tên địch, đánh lui cuộc đổ bộ của quân Pháp vào Bình Ca.
Trận đầu đánh thắng trên bến Bình Ca làm cho quân và dân Khu 10 nức lòng và tin tưởng rằng ta đủ mưu trí và sức mạnh để thắng giặc. Đồng chí Song Hào khi ấy là chính ủy Khu 10 đã viết trong hồi ký: "Chiến thắng Bình Ca đã báo hiệu một sự chuyển biến mới về tình hình chiến cuộc. Quân Pháp không còn có thể bình yên vô sự tiến vào Khu 10 như vào đất không người nữa".
Chiến thắng Bình Ca còn có ý nghĩa bảo vệ cửa ngõ phía tây của An toàn khu (ATK) nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo kháng chiến.
60 năm đã trôi qua, chiến thắng Bình Ca trên sông Lô đã đi vào sử sách.
Ngày nay, trên bến Bình Ca, Tuyên Quang đã xây một đài chiến thắng uy nghi, trên đó khắc dòng chữ biểu dương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
"Trận Bình Ca, Tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng, bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô".
Chiến thắng Bình Ca là một trong ba chiến thắng đầu tiên có tác dụng cổ vũ quân và dân Việt Bắc thi đua giết giặc lập công. Chỉ thị ngày 15-10-1947 của "Trung ương Cứu Quốc hội" (tức Ban Chấp hành Trung ương Đảng): "Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp" đã nêu lên 3 chiến thắng đầu tiên ấy. Đó là:
- Học sinh quân trường Võ bị Bắc Kạn giết hàng chục quân nhảy dù xuống cạnh nhà trường (7-10-1947).
- Đội cao xạ của ta ở Cao Bằng hạ được một máy bay, giết hơn 10 tên địch, trong đó có một võ quan cao cấp Pháp, phó tham mưu quân đội Pháp ở miền bắc Đông Dương (8-10-1947).
- Vệ quốc quân đánh lui quân địch đổ bộ lên Bình Ca thuộc Tuyên Quang (13-10-1947).
Ba trận đánh nổi tiếng của Pháo binh Sông Lô
Sau những lần bắn không trúng tàu địch, Bộ chỉ huy Khu 10 chỉ thị các đơn vị pháo binh rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân. Qua sinh hoạt dân chủ quân sự, cán bộ, chiến sĩ pháo binh càng củng cố quyết tâm "biến sông Lô thành mồ chôn các thủy đội Pháp", nhưng để bắn trúng tàu địch phải đặt gần bắn thẳng, ngắm bắn qua nòng, chọn trận địa ở nơi hiểm có thể bắn được rộng và xa, đồng thời phải hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh bảo vệ và dân quân du kích.
* Trận Khoan Bộ
Trưa ngày 23-10, hai tàu vận tải địch chở đầy quân ngược sông Lô lọt vào trận địa của trung đội 175 sơn pháo cơ động đặt ở bờ sông làng Khoan Bộ. Pháo ta bắn chiếc thứ nhất, đạn trúng tàu địch, nổ trên boong. Chiếc thứ hai cũng trúng đạn, lửa bùng lên ở phía đuôi. Tàu địch vội dạt sang phía bờ hữu ngạn, phun khói đen đặc cả mặt sông để che mắt ta. Trung đội trưởng Nông Văn Cờ chỉ huy trung đội bắn bảy viên đạn nổ trên không vào phía tàu địch. Tuy tàu địch chưa bị chìm, nhưng cách đánh gần của pháo binh ta trong trận Khoan Bộ bước đầu đã có kết quả.
* "Thảm họa Đoan Hùng"
Ngày 24-10, một đoàn tàu 5 chiếc của địch được máy bay hộ tống xuôi qua Bình Ca.
Vào lúc 11 giờ 45 phút, đoàn tàu địch lọt vào tầm bắn của trung đội 200 bố trí ở Đoan Hùng. Trong 10 phút, khẩu đội pháo cao xạ 75 và khẩu đội sơn pháo bắn chìm tại chỗ hai chiếc đi đầu (một LCM và một LCVP). Toàn bộ quân địch chết dưới sông. Máy bay địch quần thảo bắn phá, nhân dân và du kích các làng Hữu Đô, Chí Đám, Thọ Sơn… đốt lửa tạo nên những cột khói nghi binh, đánh lừa máy bay địch, bảo vệ trận địa pháo.
Du kích xã Chí Đám xâu dây qua các quả bưởi đã được bôi đen, rồi thả nổi trên mặt sông giả làm thủy lôi làm cho tàu địch sợ chạy sang bờ hữu ngạn gần nơi pháo ta đã bố trí. Pháo ta tiếp tục bắn hỏng nặng hai chiếc tàu nữa. Chỉ có một chiếc quay đầu chạy rất chậm trở lại Tuyên Quang. Trận Đoan Hùng pháo binh ta thắng lớn. Báo chí và đài phát thanh Pháp gọi đây là "thảm họa Đoan Hùng". Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp gửi điện cho Khu 10 biểu dương chiến công xuất sắc của Pháo binh sông Lô và ra lệnh đưa pháo lên đánh địch trên sông Gâm, bức địch rút khỏi Chiêm Hóa.
* Trận Khe Lau
Đồng chí Doãn Tuế nhận nhiệm vụ do đồng chí Vũ Hiển, Tham mưu trưởng Khu 10 trao, đưa trung đội sơn pháo vừa chiến thắng ở Đoan Hùng lên bố trí phục kích gần ngã ba sông Gâm-sông Lô, nơi dòng sông hẹp, nước sâu chảy xiết, hai bờ rậm rạp cỏ lau. Trận đánh mang tên là trận Khe Lau.
Ngày 10-11-1947, với 10 viên đạn pháo, ta đã bắn đắm 4 trong số 5 tàu địch, thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có 2 khẩu lựu pháo 105.
Nhạc sĩ Văn Cao viết:
Sông Gâm âm vang súng trái phá
Bao rừng thu như bát ngát cười
Dân hoan hô chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công
Tiếng trái phá quân thù gục chìm dòng Lô
Đây dòng Lô, đây dòng Lô…
Các trận đánh thắng giòn giã của Pháo binh sông Lô bắn chìm bắn hỏng nặng tàu chiến, tàu vận tải của địch đã góp phần quyết định bẻ gãy gọng kìm phía tây của cuộc hành binh của địch lên Việt Bắc.
Tuyên Quang, mồ chôn giặc Pháp
Do những trận đánh liên tiếp của ta trên sông Lô nên cánh quân Com-muy-nan tiến rất chậm, đến ngày 26-10-1947 chúng mới tới Đài Thị thì cánh quân Bô-phrê đã lui quân. Cuộc gặp gỡ giữa hai cánh quân ở hợp điểm Đài Thị đã không diễn ra. Tinh thần binh lính địch sa sút nghiêm trọng. Báo cáo của viên quan tư Lơ-giôn ngày 13-11-1947 viết: "Vì trận đại bại của thủy binh, nên binh lính rất chán nản. Sĩ quan ra sức giữ vững tinh thần nhưng không nên đưa họ ra trận nữa vì tinh thần sẽ suy sụp mạnh… Những hạ sĩ quan và đội trưởng tốt nhất đều bị thương".
Từ cuối tháng 10-1947, cả hai gọng kìm đều bắt đầu co lại. Phía Tây, Com-muy-nan rút khỏi Chiêm Hóa. Phía Đông, Bô-phrê rút khỏi Chợ Đồn, Chợ Rã.
Ngày 19-11-1947, công an và tự vệ thị xã Tuyên Quang đã đánh một trận địa lôi tại Km7 đường Tuyên Quang-Hà Giang làm cho quân địch kinh hoàng. Cơ quan thông tấn Pháp đã gọi "Tuyên Quang là một nghĩa địa khổng lồ".
Ngày 21-11-1947, lúc 2 giờ sáng, quân Pháp bí mật rút khỏi thị xã Tuyên Quang. Địch bỏ lại toàn bộ quân trang, quân dụng vì không dám đốt phá. Vì thiếu tàu và sợ chạm trán với pháo binh ta, địch chỉ có một bộ phận nhỏ đi tàu xuôi sông Lô, còn đại bộ phận đi đường bộ rút về Đại Từ, Thái Nguyên theo đường 13 qua Bình Ca-Sơn Dương. Ở mặt trận Sông Lô lại diễn ra một số trận phục kích trên bộ, trên sông ở Bình Ca, Sơn Dương, Km5, Lã Hoàng đánh đắm một số tàu, diệt một bộ phận quân địch rút lui.
Lời tiên đoán của Bác Hồ
Khi địch nhảy dù xuống Bắc Kạn (7-10-1947) và hai cánh quân lớn của địch xuất hiện trên đường số 4 và trên sông Lô, ngày 15-10-1947, Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị: "Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp".
Cùng ngày 15, Bác Hồ ra lời kêu gọi quân và dân Việt Bắc ra sức đánh bại cuộc hành binh của địch, quân và dân cả nước tích cực đánh địch để phối hợp với Việt Bắc.
Bác Hồ viết: "Địch hội quân ở Bắc Kạn tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi cụp ô xuống, dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của kháng chiến… Chúng mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gẫy, thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách và cuộc tiến công thất bại".
Quân và dân sông Lô đã biến lời tiên đoán của Bác Hồ thành sự thực, bẽ gãy gọng kìm phía Tây của cuộc hành binh, góp phần tích cực làm thất bại cuộc tấn công lên Việt Bắc của giặc Pháp thu đông năm 1947.
Giá trị của chiến thắng Sông Lô chính là ở chỗ ấy. Chiến thắng Sông Lô là một mốc son sáng chói trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Trung tướng Hồng Cư