Sớm giác ngộ, bác sĩ Phó Đức Thực, một trí thức trẻ tuổi đã tham gia cách mạng từ năm 1941. Trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội, bác sĩ Thực chăm sóc, cứu chữa chu đáo cho bộ đội, dân quân tự vệ các khu phố. Khi Trung ương chuyển lên vùng ATK Việt Bắc hoạt động, bác sĩ Thực được giao phụ trách Ban Quân y Bộ Quốc phòng, sau đó được cử giữ chức Viện trưởng Quân y Trung ương Trần Quốc Toản (đơn vị tiền thân của Bệnh viện 354). Ở cương vị nào, bác sĩ Thực đều luôn nhận về mình nhiệm vụ khó khăn nhất, chịu đựng gian khổ nhất, tận tâm, tận lực vì mọi người, vì sức khỏe của thương binh, bệnh binh. Là người gần gũi nhân dân, thương yêu bộ đội nên Viện trưởng rất quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho anh, chị em bệnh xá. Trong điều kiện thuốc men khan hiếm, ăn uống kham khổ, ông vẫn làm việc quên mình, cứu chữa nhiều người, được bộ đội, dân chúng cả một vùng quý mến.

Hết mình vì công việc, làm việc đến lúc kiệt sức, người bác sĩ ấy cũng phải nằm trên giường bệnh vì sốt rét ác tính. Biết mình sẽ không qua khỏi, hằng ngày ông vẫn cho gọi từng y, bác sĩ đến căn dặn những công việc chuyên môn phải làm. Xuyên suốt nỗi niềm, tâm nguyện, ông nhắc nhở các thầy thuốc phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Thầy thuốc như mẹ hiền. Bệnh ngày một nặng thêm, ông nói với anh em tỉ mỉ về những công trình mà ông đã và đang tìm tòi về y dược và tổ chức quân y, đề nghị anh em tiếp tục phát triển. Trước khi nhắm mắt, bác sĩ Phó Đức Thực tuyên bố với những người quanh giường bệnh “Tôi là một người Cộng sản” rồi thanh thản ra đi.

Biết tin người bác sĩ quân y tâm huyết với nghề ra đi quá sớm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký ngay quyết định tặng thưởng huân chương Quân công hạng ba - một phần thưởng cao quý hiếm có lúc bấy giờ “Để tưởng lệ công trạng đối với Tổ quốc” của bác sĩ Phó Đức Thực... Sau ngày bác sĩ mất, Quân y xá phục vụ Bộ Quốc phòng được mang tên Quân y xá Phó Đức Thực.

ĐÀO BÁ VY