 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (2-7-1954). |
Tháng 7-1954, Hội nghị quân sự Trung Giã được tổ chức để đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương giải quyết một số vấn đề quân sự, nhằm thúc đẩy nhanh việc thực thi hiệp định Giơ-ne-vơ. Là người được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn đại diện quân đội ta, cố Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ghi lại những cảm xúc của mình trước một nhiệm vụ lớn, trong đó ông nhớ mãi hai lần luôn được Bác Hồ chỉ bảo...
…Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi và các anh trong đoàn (cùng đi có các ông Song Hào, Lê Quang Đạo, Lê Minh Nghĩa và một số đồng chí khác) phải chuẩn bị khẩn trương rất nhiều công việc. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nhận viết giúp đoàn bài diễn văn đọc trong buổi khai mạc. Cả tối hôm trước (3-7) tôi rất sốt ruột chờ mãi mà văn bản không thấy. Đến tận sáng hôm sau (4-7) sát giờ khai mạc, anh Thanh Quảng, Phó văn phòng Bộ Quốc phòng mới mang tới trao cho tôi hai bản, một bản tiếng Việt, một bản tiếng Pháp đánh máy rất sạch sẽ. Anh Thanh Quảng kể lại vắn tắt chuyện làm hai bản diễn văn này, khiến tôi và những người cùng đi vô cùng xúc động.
Chuyện là: Đêm qua anh Văn và anh Quảng mới cùng nhau ngồi lại thảo diễn văn. Hai anh đang viết thì Bác tới. Bác hỏi:
- Hai chú làm gì đấy?
Anh Văn thưa với Bác là đang thảo diễn văn cho đoàn, mới xong phần tiếng Việt, bắt đầu làm sang phần tiếng Pháp.
Bác nói tiếp:
- Thôi đi ngủ, đưa đây Bác xem.
Anh Văn đáp:
- Thưa Bác, đã xong đâu mà ngủ.
Bác bảo cứ đưa đây. Miệng nói, tay Bác lượm hết cả số giấy tờ trên bàn mang về phòng mình. Anh Quảng cho biết, lúc ấy anh rất mệt, nhưng trằn trọc đến gần sáng cũng không sao ngủ được, nhìn lên phòng Bác vẫn thấy ánh đèn và tiếng máy chữ lạch cạch. Sáng sớm hôm sau, Bác đến gõ cửa gọi hai anh dậy đưa cho bài diễn văn này, gồm đầy đủ hai bản. Tôi cầm bản diễn văn bước vào phòng họp với lòng tự hào, tự tin và niềm xúc động khôn tả. Một bài diễn văn nhỏ, một việc làm nhỏ, nhưng làm thêm được một việc giúp cấp dưới của mình là niềm vui của Bác. Đó là một việc khiến tôi ghi nhớ mãi.
Lần khác, là lúc bàn thảo công việc tại hội nghị. Khi bàn về tổ chức ủy ban liên hợp, nảy sinh vấn đề không thống nhất về quy định dấu hiệu đặt trên các loại phương tiện đi lại. Phía Pháp đề nghị những phương tiện dùng chung, cả trên ô tô, máy bay, tàu thủy đều có hai cột cờ cao bằng nhau. Một bên là cờ đỏ sao vàng của Việt Nam dân chủ cộng hòa, một bên là cờ tam tài của Pháp và cờ ba sọc của ngụy treo ngang bằng nhau. Ta bác bỏ và chỉ đồng ý một bên treo cờ của ta, một bên cờ Pháp, vì ta không công nhận ngụy quyền là một bên đàm phán. Cuối cùng phía Pháp phải lùi lại và đề nghị bên cột cờ Pháp phía trên treo cờ tam tài, bên dưới là cờ ngụy ba sọc. Đoàn ta vẫn không chấp nhận. Thấy vấn đề bắt đầu đi vào bế tắc, tôi cử người về báo cáo với Trung ương và Tổng Quân ủy. Ngay sau đó đoàn được Bác Hồ chỉ thị: “… Các chú cứ nhận đi, rồi sẽ thấy những diễn biến thú vị”.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bác, văn bản của hội nghị được ghi rõ như sau: “Trên xe ô tô và máy bay của ủy ban liên hợp có hai cột cờ cao bằng nhau ở hai bên. Một cột cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một cột cờ có cờ Pháp ở trên và cờ của chính phủ Bảo Đại ở dưới. Trên tàu thủy, ở cột tàu đằng mũi một bên là cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một bên là cờ của Pháp, hai cờ ngang nhau, dưới cờ của Pháp là cờ của chính phủ Bảo Đại”.
Về sau, khi các tổ chức liên hợp cùng đi vào vùng địch chiếm đóng, trên ô tô, một bên là cờ đỏ sao vàng rực rỡ bay căng trong gió, một bên là cờ ngụy ba sọc nằm dưới lá cờ tam tài của Pháp. Nhìn cảnh tượng ấy, đồng bào khắp nơi thích thú mỉa mai “rõ là bọn tay sai theo đuôi ngoại bang”. Bị nhân dân bêu riếu khắp nơi, chính quyền bù nhìn quay ra phản đối Pháp. Phía Pháp đề nghị ta cho sửa lại điều khoản về cột cờ. Ta bác bỏ và trả lời đó chính là đề nghị của phía Pháp nêu ra. Cuối cùng họ lúng túng và đành phải cuốn cả hai cờ bên phía họ lại. Từ đó trên các phương tiện đi lại của ủy ban liên hợp chỉ còn một lá Quốc kỳ của ta tung bay. Câu chuyện hài hước “hai cột, ba cờ” được truyền lan rộng rãi như một giai thoại thú vị ở khắp nơi có nguyên do là như vậy. Lúc ấy chúng tôi mới hiểu rõ ý của Bác thật là nho nhã, thâm thúy.
Sau 23 ngày (từ 4-7 đến 27-7-1954) tổ chức họp bàn tại chỗ ở Hội nghị quân sự Trung Giã, đại diện quân sự hai bên đã đi đến thống nhất và giải quyết được nhiều việc quan trọng, đặc biệt là vấn đề tù binh; thực hiện ngừng bắn; điều chỉnh khu vực tập kết quân đội; vấn đề ủy ban liên hợp… góp phần nhanh chóng thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương.
Trích từ cuốn “Theo chân Bác” của Đại tướng VĂN TIẾN DŨNG