QĐND - Vào giữa năm 1957, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thấy cần phải gấp rút thành lập cho quân đội một thư viện riêng. Anh chỉ thị Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (TCCT) chọn lấy một phụ nữ là đảng viên để làm cán bộ thư viện. Chính ủy Hồ Nhị Quang lúc đó tính: Cả đoàn chỉ có ba cô “chiến sĩ Điện Biên” là đảng viên: Thậm, người nhiều tuổi nhất; Tuyết, nhiều tuổi vừa và Diệp trẻ nhất-21 tuổi. Anh Thanh chọn cô trẻ nhất! Thế là Thư viện Quân đội khởi đầu có 3 cán bộ, hai nam là Thấu, Phan và nữ là cô Diệp văn công.

Anh Thanh “nhắn” anh Lê Chưởng-Cục trưởng Cục Tuyên huấn là nên chọn cho Thư viện một chỗ “tươm tươm”! Anh Lê Chưởng chọn cho Thư viện Quân đội một phòng rộng rãi nằm trong khu Câu lạc bộ Quân nhân ở mép Sân vận động Cột Cờ, ngay đối diện với nhà của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Sau hơn hai năm, Thư viện Quân đội đã có thêm nhiều đầu sách, nên buộc phải rời về số 28 Cửa Đông (28 phố Lý Nam Đế). Cũng không hiểu đây là vô tình hay hữu ý của các đồng chí phụ trách doanh trại mà thư viện lại ở ngay sát nách nhà Chủ nhiệm TCCT Nguyễn Chí Thanh. Ngôi nhà này vốn là của tên quan sáu thời Pháp, nhà ba tầng có cầu thang xoáy trôn ốc rất điệu nghệ. Nhà có tầng trệt, xe của anh Thanh để ở đấy nên cứ mỗi lần đi làm về qua là anh lại ghé thăm “ba vị thư viện”-như cách gọi của anh, là Thấu, Phan và Diệp. Anh đặc biệt quan tâm đến Diệp vì cô thiệt thòi phải hy sinh chuyến đi cùng Đoàn Ca múa TCCT tham dự Festival Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 6 (năm 1957) tại Mạc Tư Khoa. Nhiều lần anh đến thăm và tặng hoa cho Diệp. Một dịp nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, anh mang cúc đại đóa về và nói với Diệp: "Anh có duyên nợ với cúc (vợ anh tên Cúc), nên tặng cúc cho cô đây". Có lần, vào một chiều hè nóng nực, anh chỉ mặc áo may ô, tay cầm quạt phe phẩy gọi cả “ba vị thư viện” cùng ngồi trên giường của Phan, xuề xòa nói: "Thư viện Quân đội phải là cái trường học; phải để cho cán bộ và chiến sĩ tìm đến đọc. Thư viện là phải có vườn hoa, ghế đá cho người ta ngồi thư giãn... Các cô các cậu suy nghĩ đi nhé!".

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại chiến trường. Ảnh tư liệu

Lại có buổi tối, anh đường đột sang yêu cầu Phan đưa anh lên xem cách xếp sắp của Thư viện. Thấy sách vở phân loại, xếp sắp khá chu tất, ngăn nắp, anh khen cả “ba vị” xong lại chê ngay: "Các cô, các cậu còn đơn giản lắm, thư viện thì phải lo chỗ cho người ta đọc, chứ sách vở gọn gàng, sạch đẹp như thế này thì để mà thờ à? Thôi, ngay ngày mai đi lo mà đóng bàn ghế, chọn gỗ thật tốt, đẹp, chắc, bao nhiêu tiền cũng được. Các cậu nói cơ quan chi cho! Còn việc xếp đặt bàn ghế phải chú ý mấy cái bàn cho cán bộ người ta nghiên cứu".

Một lần khác, trời hơi se lạnh, anh mặc bộ cánh nâu khoác áo đại cán “tạt” sang thư viện, anh nói vội: "Mình đang bận chuẩn bị cho cuộc nói chuyện với thanh niên về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các cô các cậu thư viện cũng phải chuẩn bị sách vở, báo chí mà tuyên truyền về Điện Biên. Tôi đã nói với các anh có trách nhiệm trong TCCT là phải nhanh chóng bổ sung cán bộ, nhân viên cho các cậu, làm sao cho Thư viện Quân đội cũng phải được như Điện ảnh Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội, Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, Báo Quân đội nhân dân…".

Mùa thu năm 1960, trước khi lên đường đi thăm và biểu diễn tại In-đô-nê-xi-a, tôi từ khu tập thể lăng Hoàng Cao Khải-nơi trú quân của Đoàn Ca múa TCCT về thăm Diệp (khi đó đã trở thành vợ tôi, cán bộ Thư viện Quân đội), tôi lại được gặp anh Nguyễn Chí Thanh. Anh nói vui: “Cái "gầm chạn” này vừa cao, vừa rộng, chịu khó giữ cho chắc! Tôi sợ các cô, các chú văn công hay cả thèm, chóng chán lắm!".

Từ khi thành "láng giềng" của anh ở phố nhà binh, tôi thấy vinh dự và thật thú vị. Có hôm tôi thấy anh vội vàng xách cặp lồng sang nhờ anh Phan đưa cơm cho chị Cúc đang điều trị ở Viện Quân y 108, anh phân bua với mọi người: “Thông cảm vì đang tiếp thượng cấp, chứ không thì mình có xe, đi vèo chút là xong mà”. Anh rất yêu quý chị Cúc, nhưng anh đã thẳng thắn nêu lý do không tán thành với Cơ quan Văn phòng đề bạt chị Cúc lên sĩ quan cấp Tá .

Còn biết bao kỷ niệm giữa Thư viện Quân đội thời kỳ trứng nước và gia đình tôi với anh Nguyễn Chí Thanh không thể kể hết, nhưng tôi phải kể một chi tiết đầy ấn tượng này: Khi tôi đang hành quân trên Trường Sơn cùng Đoàn Ca múa TCCT phục vụ bộ đội, thì nhận được bức thư của Diệp-vợ tôi: Anh ơi! Tối hôm qua anh Thanh đi cấp cứu nhưng không qua khỏi, anh đã mất ở Viện Quân y 108 rồi!...

Tôi lặng đi giữa đại ngàn Trường Sơn và lặng lẽ dành cho vị Đại Tướng kính mến Nguyễn Chí Thanh một phút mặc niệm trong lòng...
KHẮC TUẾ (Nguyên trưởng đoàn Văn công TCCT)