Đoàn quân Nam tiến rời Hà Nội vào Nam chiến đấu (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng với bác Dương Đình Lộc, người chiến sĩ trong đoàn quân Nam tiến tháng 1-1946, vẫn bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày đó. Bác kể:

Cách mạng Tháng Tám nổ ra, tôi tham gia giành chính quyền tại địa phương. Khi nghe tin thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, tôi cùng với thanh niên địa phương kéo về Trại Đỏ, Đáp Cầu, gia nhập Giải phóng quân.

Ngày 6-1-1946, bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá I xong, chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị lên đường Nam tiến. Hôm ấy là mồng bốn, tháng Chạp âm lịch, anh em được về thăm gia đình.

7 giờ sáng ngày 10-1-1946, tất cả đã có mặt tại trại Sao Vàng (nay là Viện quân y 110), làm lễ xuất quân. Các chiến sĩ Nam tiến tập hợp thành đội ngũ chỉnh tề. Lễ tiễn đưa diễn ra sôi nổi, lưu luyến. Nhân dân đứng hai bên đường từ thị xã Bắc Ninh đến Phố Mới qua Quế Dương, Đông Du, tay cầm cờ, hoa vẫy chào những người con của quê hương vào Nam chiến đấu. Chúng tôi đi bằng ô tô xuống Phả Lại, nhập vào đoàn quân Nam tiến từ Bắc Giang xuống, thành Chi đội Bắc Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), do đồng chí Lư Giang làm Chi đội trưởng, Chi đội phó là đồng chí Ngô Từ Vân.

Sau hơn nửa tháng hành quân, chi đội Bắc Bắc vào đến Quảng Ngãi, thì nghe tin địch đã chiếm thị xã Phan Thiết, chuẩn bị đánh ra Nha Trang, nên chi đội không vào Nam như dự định mà dừng lại chiến đấu ở mặt trận Nha Trang. Cũng tại đây, chúng tôi vinh dự được gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vào kiểm tra tình hình và truyền đạt những chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ cho quân, dân Nam Trung Bộ. Những lời dặn dò, thăm hỏi, động viên chân tình cùng ý kiến chỉ đạo sát sao của đồng chí là nguồn cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho chi đội nói riêng, quân và dân Nam Trung Bộ nói chung quyết tâm chiến đấu. Lúc này đã là những ngày cuối tháng Chạp, nhân dân cả nước đang chuẩn bị đón cái Tết độc lập đầu tiên, nên chúng tôi được bà con lo cho ăn ở rất chu đáo.

9 giờ sáng ngày 27-1, với sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, đại bác, súng cối, hai cánh quân địch từ Suối Dầu ra, từ Nha Trang đến tìm cách vượt sông Cái, đánh sang khu vực trận địa của chúng tôi. Bến đò bên bờ sông là nơi diễn ra các trận chiến đấu ác liệt. Mấy lần địch liều chết nhảy xuống thuyền bơi qua, nhưng đều bị hoả lực của bộ đội ta bắn thiệt hại, phải rút lui. Suốt một ngày chiến đấu giằng co, ta diệt được gần 50 tên địch, hy sinh bốn đồng chí. Thắng lợi đầu tiên bên bờ sông Cái làm nức lòng bộ đội và nhân dân địa phương. Ngay đêm đó, chúng tôi rút lui lặng lẽ theo hướng tây bắc.

Ngày 30 Tết, một cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch đã diễn ra ở khu vực Cầu Đôi. Do địch bị chặn đánh, bị thương vong, không dám tiến lên. Chiều hôm đó, chúng tôi ăn Tết ngay tại trận địa. Nhân dân địa phương chuẩn bị cho chúng tôi nào bánh tét, thịt heo, giò chả, lại cả nem và rượu. Trước tình cảm của bà con, anh em chiến sĩ chúng tôi cũng thấy ấm lòng, động viên nhau gắng hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là “các anh bộ đội do Cụ Hồ phái vào” như bà con vẫn gọi.

Đúng ngày mồng một Tết, địch mở cuộc tiến công lần thứ hai. Do địch tập trung đông gấp 5-6 lần, lực lượng ta quá mỏng, nên địch thọc được vào hữu ngạn sông Cái, cắt đôi trận địa của ta. Quân ta phần bị thương vong, phần thất lạc. Kể từ trận này, bộ đội Bắc Bắc hầu như độc lập tác chiến. Bộ phận của tôi do đồng chí Lư Giang phụ trách, chạy lên núi, đi suốt một ngày, đêm đến ngủ lại trong một khu rừng rậm, cuối cùng cũng tìm về đến Phú Cốc. Tại đây, chúng tôi phân tán thành từng tổ từ hai đến ba người, sống trong dân, dựa vào dân. Ban ngày anh em cũng áo bà ba, đội nón lá đi làm ruộng, làm vườn. Tối đến củng cố các tổ chức quần chúng, huấn luyện các đội du kích tự vệ chiến đấu, bắt đầu từ hình thức thấp đến cao: trừ gian, diệt tề, bắn tỉa giặc đi càn, phá hoại đường xe lửa, đánh sập cầu...

Được một thời gian, do ở rừng dài ngày, sức khoẻ lại yếu, nên tôi bị nhiễm bệnh thương hàn, phải nằm điều trị ở bệnh viện Phú Cốc. Sau bệnh nặng hơn, tôi phải chuyển ra Bắc điều trị, phải xa rời đồng đội, đồng bào với niềm tiếc nuối không được tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

VÂN HƯƠNG