 |
Nhà báo Hữu Thọ. Ảnh: Hoàng Hà |
QĐND Online – Có điều kiện gần gũi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khi Đại tướng được Đảng điều sang phụ trách mặt trận nông nghiệp, nên Nhà báo Hữu Thọ có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng. Tại hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế” được tổ chức vừa qua, Nhà báo Hữu Thọ đã có những câu chuyện dung dị mà xúc động về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đang là Chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 50, tôi được Bộ Tư lệnh Tả Ngạn sông Hồng điều động về công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh; sau đó Khu ủy Tả Ngạn bổ sung cho khu tập kết 300 ngày theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, rồi biệt phái tham gia Thường vụ Thị ủy Hải Dương tiếp quản thị xã. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lại được Khu ủy điều động lên công tác ở Báo Nhân dân. Về đây, tôi được phân công theo dõi, viết bài về nông nghiệp. Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Quân đội nhân dân, được điều động sang phụ trách nông nghiệp, tôi hay được theo anh đi các cơ sở nghiên cứu tình hình.
Khi làm việc với anh, chúng tôi hay được gọi đến nhà anh ở 34 Lý Nam Đế-Hà Nội (sau khi anh mất, gia đình đã trả lại nhà cho Bộ Quốc phòng). Đó là ngôi biệt thự xây từ thời Pháp thuộc, có sân rộng. Ở sân có cây phượng vỹ tỏa bóng mát, dưới có ghế đá mà thỉnh thoảng anh cùng chúng tôi vẫn ngồi nói chuyện khi chuẩn bị đi công tác hoặc chuẩn bị thảo luận về một đề tài nông nghiệp do anh nêu ra. Anh là Ủy viên Bộ Chính trị, là Đại tướng nên khi mới tiếp xúc, chúng tôi chưa mạnh dạn. Thấy thế, anh thường khêu gợi để chúng tôi và các cán bộ được anh mời đến mạnh dạn nêu ý kiến thảo luận. Anh nói: “Các cậu cứ tranh cãi thoải mái. Mình xuất thân từ nông dân, suốt đời trận mạc, nay được trao phụ trách nông nghiệp có nhiều điều chưa biết, cho nên sẽ cùng tham gia tranh cãi. Khi tranh luận có ý đúng, có ý chưa đúng là việc bình thường. Còn nếu cậu nào nói đúng một nửa cũng đã giữ 50% chân lý, rất “oách” rồi còn gì!”.
 |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương thăm ruộng lúa tăng vụ của Hợp tác xã Quyết Tiến, xã Quảng Trung, huyện An Lão, Kiến An, tháng 3-1962. Ảnh tư liệu. |
Khi chuẩn bị Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm 1960 về nông nghiệp, mà bây giờ nhiều người vẫn nhớ những khẩu hiệu nổi tiếng như “Phá xiềng ba sào”, “Đuổi kịp mức sống trung nông” và “Phong trào làm thủy lợi hai năm”… anh cũng cho tôi đi theo xuống Đồ Sơn, ở trong nhà nghỉ của quân đội lúc đó còn lợp mái tranh. Anh mời các chuyên gia đến báo cáo, nêu vấn đề, góp ý với Đề cương. Sáng làm việc, chiều cùng nhau tắm biển, tạo điều kiện tốt và gần gũi cho các chuyên gia có không khí thoải mái khi làm việc.
Anh là người lãnh đạo thích đi cơ sở, thích nói chuyện tâm tình với dân và không bao giờ “sáng đi tối về”, không có chuyện thao thao diễn thuyết, chỉ thị suồng sã. Nhớ những ngày theo anh về hợp tác xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để nghiên cứu tình hình, tổng kết công tác “đuổi kịp trung nông”, theo gợi ý trong một bài báo của Bác Hồ, anh cũng ngủ tại xã chứ không nghỉ ở nhà khách huyện. Anh mặc quần áo bộ đội bạc màu, đi dép, ngồi bệt xuống đất ven bờ sông Kiến Giang, trò chuyện với cán bộ xã và nông dân. Nhiều bà con nhất là các cựu binh biết tiếng đại tướng nhưng chưa hề biết mặt cứ trầm trồ hỏi anh em trong đoàn “Đại tướng mô?”. Anh sợ phiền bà con và mất thời giờ cho nên chỉ anh Dương Quốc Cẩm- lúc đó là Vụ trưởng của Ban Nông nghiệp Trung ương- rồi nói “Cứ hỏi ông này”. Thấy dáng anh Cẩm cao to, trắng trẻo, đi đứng bệ vệ nên nhiều người cứ tưởng anh Cẩm là đại tướng. Nhưng biết tính anh Thanh cho nên anh Cẩm cũng ậm ừ, không dám cải chính... Làm việc xong, anh nói “cậu Thọ tối nay đi cấy với bà con, tâm tình xem bà con đánh giá chủ nhiệm Ánh thế nào”. Ở đây có thủy triều nước lên xuống cho nên bà con phải chờ nước rút cấy “lấn nước”, ra đồng từ nửa đêm vừa cấy vừa hò vui vẻ. Sáng ra đã thấy anh đứng ở đầu bờ thăm bà con... Ở Đại Phong, anh muốn đến tận nơi khai hoang Bến Tiến, đi dọc sông Kiến Giang cũng tới mười cây số. Ngồi đò chở đi, có lúc anh thay tay cầm chèo, cùng hò câu hò Lệ Thủy mà anh mới học được như người nông dân Đại Phong chính hiệu.
Khi tổng kết công tác, anh thường nêu những khẩu hiệu cổ vũ phong trào rất dễ nhớ. Với nông nghiệp, ai cũng nhớ câu “bám đội lội đồng”, nêu tác phong sát dân, sát đồng ruộng của người lãnh đạo, quản lý. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó chính là câu trả lời của chủ nhiệm Nguyên Ngọc Ánh với anh. Từ đó anh đã rút ra thành chuẩn mực tác phong của người lãnh đạo nông nghiệp. Sau này khi được nghe anh nêu phương châm đánh Mỹ ở miền Nam “nắm thắt lưng địch mà đánh” vừa tỏ rõ khí phách, vừa chỉ rõ phương pháp, chiến thuật, thì được biết anh cũng tổng kết phương châm đánh địch của một đại đội ở Núi Thành- Quảng Nam… Đồng cảm, chân thành, tôn trọng dân, học dân, tổng kết sáng tạo của dân để nâng tầm lãnh đạo-đó thực sự là phong cách của Hồ Chí Minh, mà anh là người học trò xuất sắc.
HOÀNG HÀ (ghi)