QĐND Online - Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914/1-1-2014), Tỉnh Thừa Thiên-Huế, quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam nói chung và quê hương Thừa Thiên-Huế nói riêng. Báo Quân đội nhân dân Online đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế xung quanh sự kiện trọng đại này...

PV: Thưa đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí có thể cho biết một số hoạt động của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên- Huế trong dịp này?

Đồng chí Trần Thanh Bình

Đồng chí Trần Thanh Bình: Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vinh dự, tự hào bởi quê hương có người con là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị tướng tài đức vẹn toàn của quân đội ta. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là sự kiện trọng đại của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nói chung và của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thừa Thiên-Huế nói riêng. Ngày 3-12 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng tại Thừa Thiên-Huế và Hà Nội.

Theo kế hoạch, các hoạt động trọng tâm trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh diễn ra từ ngày 22-12-2013 đến 9-1-2014; điểm nhấn là Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng vào ngày 31-12 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế. Dịp này, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế còn phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế"; xây dựng bộ phim tài liệu lịch sử về cuộc đời, hoạt động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; xuất bản sách và phát hành bộ tem đặc biệt về Đại tướng; tổ chức công diễn vở kịch "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Sáng trong như ngọc một con người"; tổ chức tuyên truyền, trưng bày về thân thế, sự nghiệp và xây dựng tượng  Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại quê hương Quảng Điền.

Ngoài ra, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành tu bổ các di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; xây dựng tượng tại Nhà lưu niệm Đại tướng (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền), tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền) và Trường Đảng mang tên Nguyễn Chí Thanh; đón tuổi trẻ các tỉnh, thành phố trong cả nước hành hương về quê hương Đại tướng; dâng hương, dâng hoa tại khu di tích lưu niệm và tượng đài Đại tướng tại huyện Quảng Điền; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động về nguồn…

PV: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về Hội thảo khoa học với chủ đề "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế"?

Đồng chí Trần Thanh Bình: Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế”, do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức vào ngày 26-12 tại Hà Nội. Hội thảo sẽ có tham luận của các đồng chí: Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ngô Xuân Lịch, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Nhà báo Hữu Thọ… Hội thảo còn thu hút một lượng lớn các bài tham luận của các nhà nghiên cứu. Các bài tham luận tại Hội thảo có nội dung tập trung làm rõ một số vấn đề như: Truyền thống yêu nước của quê hương Thừa Thiên-Huế; quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; vai trò và những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trong đó có những đóng góp của Đại tướng trong xây dựng Quân đội, trong lĩnh vực nông nghiệp; những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, qua cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… Phong cách, tác phong lãnh đạo; tấm gương mẫu mực và tinh thần kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cũng như những tình cảm và đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với quê hương Thừa Thiên-Huế, là một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội thảo. Đặc biệt, trong Hội thảo này, tỉnh Thừa Thiên Huế có 8 tham luận với nội dung tập trung khẳng định, làm rõ những đóng góp, cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với quê hương Thừa Thiên-Huế, nhất là trong giai đoạn Đại tướng là Bí thư Tỉnh ủy.

PV: Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, nơi sinh ra Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và cũng là nơi Đại tướng đã có nhiều đóng góp xứng đáng, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Đề nghị đồng chí cho biết một số thành tựu nổi bật của tỉnh nhà trong những năm qua?

Đồng chí Trần Thanh Bình: Thừa Thiên-Huế là địa bàn chiến lược quan trọng nối hai miền Nam, Bắc; là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã cùng quân và dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách mà đỉnh cao là chiến dịch Mậu Thân 1968, cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975, đưa non sông thu về một dải.

Thừa Thiên-Huế hôm nay có những bước phát triển vượt bậc. Nền kinh tế của tỉnh những năm gần đây tăng trưởng toàn diện, bền vững với tốc độ bình quân luôn đạt trên 12%. Thừa Thiên-Huế là địa phương nằm trong tốp dẫn đầu thu hút đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua của Thừa Thiên-Huế đạt gần 33.000 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh qua từng năm, vượt kế hoạch đề ra (năm 2009, thu ngân sách đạt 2.520 tỷ đồng, tăng 30% so với 2008; năm 2013 đạt 4.609 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người đạt 1.700 USD; các chỉ tiêu về hộ sử dụng điện, nước sạch, lao động đào tạo nghề… đều có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm còn 6,5%. Chất lượng cuộc sống của người dân cả thành thị và nông thôn đều được cải thiện và nâng lên rõ rệt

Lĩnh vực văn hoá, xã hội đã có nhiều chuyển biến. Chương trình xoá đói, giảm nghèo, xoá nhà tạm được đẩy mạnh và thu được kết quả tích cực. Các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng thường xuyên được quan tâm. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành chương trình xoá nhà tạm cho đồng bào 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và chương trình tái định cư cho nhân dân vùng thủy điện, vùng đầm phá, nhất là dân vạn đò sông Hương. Đó là nỗ lực lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên- Huế . Công tác giáo dục-đào tạo có bước phát triển, trình độ dân trí được nâng lên. Đại học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Bệnh viện Trung ương Huế được xếp hạng là bệnh viện đặc biệt, phát triển theo hướng chuyên sâu, kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong khu vực. Thành công của các kỳ Festival Huế đã góp phần nâng cao vị thế của văn hoá Việt Nam và bản sắc văn hoá của cố đô Huế, làm tăng sức hấp dẫn và ngưỡng mộ đối với các nước, mở ra triển vọng mới trong hội nhập và phát triển; chính trị - xã hội luôn ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng của Thừa Thiên-Huế được chú trọng, nhờ đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị...góp phần tích cực để Thừa Thiên- Huế đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mỗi người dân Thừa Thiên-Huế thấy vinh dự, tự hào, nguyện phát huy cao độ truyền thống “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”, xây dựng quê hương Thừa Thiên- Huế ngày càng giàu mạnh.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ĐÌNH THĂNG (thực hiện)

Bài 4: Quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về tác phong công tác của cán bộ chính trị trong Quân đội

Bài 3: Quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ Bài 2: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác dân vận trong Quân đội
Bài 1: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một tư duy nhạy bén, sắc sảo trong nhận định, đánh giá đối phương trên chiến trường miền Nam
* Tin, bài đã xuất bản:
Bài 8: Học tập và noi theo tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bài 7: Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong
Bài 6: Một vị tướng có những đóng góp xuất sắc trên mặt trận nông nghiệp
Bài 5: Người luôn giương cao tư tưởng dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ
Bài 4: Người góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Bài 3: Người tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên
Bài 2: Một người cộng sản kiên trung
Bài 1: Tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lý luận chính trị-quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng của quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường
Chú Sáu Di là người thầy lớn
Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”
Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh