QĐND Online – “Có đồng chí Trần Nam Hùng chủ động cương quyết tìm địch, bám nắm địch, dám đánh Mỹ, là một trong yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng Bàu Bàng 2” - lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dành cho Đại tá Trần Nam Hùng, Anh hùng LLVTND, nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9), nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 7, ngụ ở phường 7 (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) luôn được ông lưu giữ trong ký ức 30 năm chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ của mình.
Nhớ lại lịch sử, vào cuối năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản. Để cứu vãn tình thế, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam trực tiếp tham chiến. Tại chiến trường miền Đông Nam bộ, sáng 11-11-1965, Lữ đoàn 3, Sư đoàn Bộ binh số 1 “Anh cả đỏ” của Mỹ, gồm: 2 chi đoàn tăng, thiết giáp; 2 tiểu đoàn bộ binh, quân số hơn 2.500 người. Chúng càn quét dọc quốc lộ 13, từ căn cứ Lai Khê, tỉnh Bình Dương lên Chơn Thành, tỉnh Bình Long. Đến 16 giờ cùng ngày, chúng tạm dừng tại bắc Bàu Bàng (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
 |
Đại tá Trần Nam Hùng.
|
Qua trinh sát báo cáo, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 9 vạch kế hoạch tập kích tiêu diệt Lữ đoàn 3 ngay trong đêm 11 rạng sáng ngày 12-11-1965 theo hai phương án, đánh đêm và đánh ngày, trong đó phương án tập kích đêm là chính. Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 đảm nhiệm tập kích trên hướng chủ yếu, nổ súng đầu tiên phát tín hiệu tiến công. Nhưng khi Tiểu đoàn 1 tiếp cận mục tiêu thì không có địch. Lập tức, Trần Nam Hùng nghĩ phải chuyển ngay phương án tập kích ban ngày. Với tinh thần quyết đánh, Trần Nam Hùng hội ý nhanh với đồng chí Lê Tấn Thắng, Chính trị viên tiểu đoàn, tổ chức bộ đội hành quân gấp về hướng Nam Bàu Bàng tìm địch đánh. Đến hơn 4 giờ sáng ngày 12-11, cơ động đến nam Bàu Bàng, phát hiện có địch. Bấy giờ, đơn vị chưa được trang bị súng B40, B41 diệt xe tăng, Trần Nam Hùng đã sáng tạo, điều toàn bộ súng phun lửa, DKZ áp sát trận địa địch, đồng thời cho bộ đội cột lựu đạn thành chùm để tiêu diệt xe tăng. Sau đó, thông tin kịp rải dây tới, ông báo cáo gấp với trung đoàn xin chỉ thị nổ súng trước 5 giờ sáng. Nhận được báo cáo của Trần Nam Hùng, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, lúc ấy là Chính ủy Trung đoàn 2 phân tích, các tiểu đoàn của Trung đoàn 2 đã lui về tập kết, trung đoàn cũng chưa liên lạc được với các đơn vị, nếu Tiểu đoàn 1 nổ súng sẽ rất khó khăn. Trước băn khoăn của cấp trên, Trần Nam Hùng báo cáo nêu rõ sự cấp thiết và ý chí quyết đánh của đơn vị.
Bởi trời sắp sáng, thời cơ nổ súng rất khẩn thiết, nếu không cho Tiểu đoàn 1 nổ súng, đơn vị sẽ mất thời cơ, rơi vào tình huống cực kỳ khó khăn, bất lợi. Quá trình trao đổi phân tích với cấp trên, cuối cùng đúng 5 giờ, ông được cấp trên đồng ý phát lệnh nổ súng. Ngay loạt đạn đầu, pháo của ta đã bắn cháy nhiều xe tăng, thiết giáp. Nắm thời cơ, ông chỉ huy các mũi đột phá trước sự phản kích quyết liệt của quân Mỹ. Nhiều xe tăng địch bị các tổ dùng chùm lựu đạn nhanh chóng áp sát mục tiêu, ngăn chặn, tiêu diệt nhiều xe tăng, thiết giáp của địch.
Nhưng do quá chênh lệch về lực lượng, hỏa lực địch mạnh, phản kích điên cuồng, làm cả hai mũi tiến công của Tiểu đoàn 1 bị nhiều thương vong nhưng bộ đội vẫn kiên cường chiến đấu. Trước tình thế đó, ông đưa lực lượng dự bị vào đột kích. Đúng lúc ấy, 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 2 vận động kịp đến trận địa, chia thành hai mũi công kích mãnh liệt. Đến 8 giờ sáng, chớp thời cơ, Trần Nam Hùng mưu trí chỉ huy ngay một trung đội dũng mãnh thọc sâu đánh thẳng vào Sở chỉ huy lữ đoàn địch. Bị đánh trúng chỉ huy sở, quân Mỹ bỗng chốc hoảng loạn vỡ trận bỏ chạy. Đến 11 giờ trưa cùng ngày, quân ta làm chủ hoàn toàn trận đánh, tiêu diệt 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn tăng, thiết giáp và toàn bộ ban chỉ huy lữ đoàn 3; bắn cháy 39 xe tăng, thiết giáp, phá hủy 8 khẩu pháo hạng nặng. Trận đầu trên chiến trường Nam bộ, Quân giải phóng tiêu diệt quân Mỹ cấp lữ đoàn.
Sau chiến thắng Bàu Bàng 2, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Quân ủy Miền đã chỉ đạo Sư đoàn 9 tổng kết, biên soạn tài liệu “Một số kinh nghiệm về chiến thuật của Mỹ và cách đánh của chủ lực ta qua hoạt động của Sư đoàn 9” để phổ biến các đơn vị. Đại tá Trần Nam Hùng tâm sự: Lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng là lời huấn thị không chỉ có ý nghĩa, bài học, kinh nghiệm chiến đấu đối với tôi mà còn rất bổ ích đối với cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu trên chiến trường lúc bấy giờ, đặc biệt là cán bộ chỉ huy. Lời khen của Đại tướng trở thành niềm tin chiến thắng, động lực, phương châm tác chiến của tôi mỗi khi tôi nhận nhiệm vụ chiến đấu sau này.
Thấm sâu lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi trực tiếp tham gia, chỉ huy chiến đấu hơn 500 trận, giúp tôi luôn trưởng thành lần lượt phát triển từ chiến sĩ đến Phó tham mưu trưởng Quân khu 7. Quá trình công tác chuyển sang thời bình sau này, tôi luôn coi đó là phương châm, biện pháp, nhằm hoàn tốt mọi nhiệm vụ. Rời quân ngũ 1993 đến nay, mỗi lần được mời kể chuyện chiến đấu, tôi luôn truyền lửa lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh của tôi năm xưa để gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay, tinh thần bám nắm địch, cương quyết, dám đánh.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN
Khắc ghi lời dặn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội
* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù
* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”