QĐND - Với Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ gần gũi, thân quen như người anh, người bạn suốt cuộc đời ông luôn trân trọng, mà Đại tướng còn là người “đồng nghiệp” với những bài viết sắc sảo trên báo thường được ký với bút danh như Hạ Sĩ, Trường Sơn. Báo Quân đội nhân dân xin được gửi tới bạn đọc những câu chuyện, kỷ niệm của Nhà báo Phan Quang với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

"… Những bài viết, bài nói của anh thường có nội dung súc tích, có màu sắc độc đáo với cái giọng khó trộn lẫn, có vẻ rất tự nhiên, bình dị. Nhưng mỗi bài đều trải qua một quá trình suy nghĩ lao động nghiêm túc, có khi gian khổ nữa. Anh nói:

- Viết văn lý luận khó về nội dung đã đành, nhưng về hình thức cũng khó là làm sao cho có hình tượng đừng quá khô khan, để người đọc đỡ chán. Mới xem qua mấy dòng, người ta đã chán thì bao nhiêu công phu của mình trở thành công cốc. Nói chuyện càng khó hơn, nhất là nói với cán bộ. Trình độ anh em dần được nâng cao, thời đại này không phải là lúc nói bóng bẩy văn hoa, hoặc hô hào kêu gọi chung chung. Cái chính phải đạt là giúp cho anh em thu hoạch được thêm chút gì. Có hôm nói chuyện về nghĩ lại, mình toát mồ hôi hột, không ăn cơm được.

Những phát hiện dù nhỏ nhưng đúng lúc có tác dụng lớn đối với người chỉ đạo. Đức tính này càng cần thiết cho những ai được giao phó những nhiệm vụ mũi nhọn vào lúc cách mạng chuyển giai đoạn, khi thực tiễn ngồn ngộn sức sống và chuyển biến mau lẹ. Anh Thanh không ưa những người xa rời thực tế mà không có ý kiến cụ thể, dứt khoát về bất cứ một vấn đề gì. Những người này thường trốn sau những ngôn từ bóng bẩy. Họ đi theo lối mòn và không bao giờ phát hiện được điều gì mới mẻ. Anh công khai phê bình loại cán bộ đó. Trong buổi nói chuyện tại Vĩnh Phúc ngày 25-5-1961, anh nói:

- Lãnh đạo kinh tế lại càng phải sát, càng phải cụ thể. Hỏi đến công việc gì, đồng chí đó cũng trả lời “nói chung”, “căn bản”, “tương đối” chung chung. Xin các đồng chí cho biết rằng: sau khi hiểu biết rất nhiều điều cụ thể rồi, người ta mới dùng đến những từ đó để khái quát lại tình hình. Đó là một điều cần thiết. Lãnh đạo kinh tế không chỉ dựa vào cái “nói chung”, cái “tương đối” kiểu đó được. Trong phong trào thi đua hiện nay, chúng ta có những kiện tướng thủy lợi, kiện tướng làm phân bón, trong hàng ngũ cán bộ, chúng ta có nhiều đồng chí cán bộ xuất sắc, hằng ngày, hằng giờ lăn lộn với phong trào quần chúng, nhưng lại có một số đồng chí đã trở thành “kiện tướng nói chung”, “kiện tướng tương đối”. Những đồng chí này cản trở phong trào rất nhiều. Các đồng chí có biết những đồng chí đó xuất hiện trong hoàn cảnh nào không? Họ xuất hiện từ một nền nếp làm việc cũ rích theo lối ba khoán: tỉnh khoán cho huyện, huyện khoán cho xã, xã khoán cho HTX… Kết quả là không ai kiểm tra ai, công việc tốt hay xấu cũng không ai biết.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước khi vào chiến trường miền Nam năm 1964. Ảnh tư liệu

Anh Nguyễn Chí Thanh đánh giá cao tác dụng của báo chí. Do nhu cầu công tác, anh chịu khó viết báo và hình như cũng tìm thấy hứng thú trong việc ấy. Có những bài lớn, có ý nghĩa tổng kết về những vấn đề quan trọng, cũng có những bài dăm bảy trăm từ chỉ đạo các vấn đề cụ thể. Phần lớn những bài này tự tay anh viết ra rồi giao cho cán bộ biên tập sửa chữa. Anh tôn trọng quyền biên tập của nhà báo. Tôi nhớ một lần Báo Nhân Dân đăng bài tổng kết HTX Đại Phong của anh, chúng tôi buộc phải chuyển nhiều từ tiếng địa phương miền Trung ra tiếng phổ thông để bạn đọc khỏi bỡ ngỡ. Hôm sau anh suýt xoa: “Các cậu sửa nhiều chỗ làm mất hơi văn của tớ. Câu ví von nói giọng Bình Trị Thiên thì được, chuyển sang tiếng Bắc nghe nó ngô nghê thế nào”.

Anh không bao giờ cho viết báo là việc dễ. Suy nghĩ của anh rộng, ý kiến của anh phong phú và thường là độc đáo, dường như lúc nào cũng chực tràn ra, làm vỡ tung cách diễn tả bị hạn chế bởi ngôn từ và khuôn khổ bài viết. Anh làm việc nghiêm túc, cách thể hiện có thể châm trước, song không bao giờ anh bằng lòng vay mượn ý kiến của ai.

Học tập Bác Hồ, anh cố gắng trình bày những vấn đề lý luận trừu tượng bằng lời lẽ thông thường. Văn anh chen nhiều thành ngữ dân gian, đặc biệt ngôn ngữ miền Trung mà anh vận dụng nhuần nhuyễn. Có khi anh băn khoăn cả buổi để cân nhắc nên dùng hay không một thành ngữ. Thời trẻ, anh từng đi hò đối đáp nam, nữ, lời ăn tiếng nói dân gian không phải là cái gì đó quá xa lạ, tuy vậy anh vẫn rất thận trọng khi đặt bút. Nói về HTX chi phí sản xuất cao, anh viết: Một tiền gà bằng ba tiền thóc. Phê phán một chủ nhiệm không coi trọng việc xác định phương hướng trước khi làm kế hoạch sản xuất, anh bảo như vậy là đặt cái cày trước con trâu…

Kỷ niệm lần thứ 80 ngày Các Mác từ trần, Bộ Chính trị phân công anh đọc bài phát biểu trong buổi lễ chính thức tại Hà Nội. Chiều hôm ấy, anh gọi điện mời tôi sang nhà. Hai anh em làm việc quá giờ, anh giữ tôi ở lại ăn cơm với gia đình. Suốt bữa cơm, anh chỉ nghĩ tới bài diễn văn sắp đọc: “Mình được giao bài này, nặng quá. Xem lại, Đảng ta chưa có văn kiện chính thức nào về Các Mác. Về Lê-nin đã có bài báo xuất sắc của Bác Hồ: Con đường dẫn tôi đến với chủ nghĩa Lê-nin. Về Ăng-ghen, anh Ba Duẩn đã có lần phát biểu. Còn Các Mác, lần này chủ yếu là tác phẩm đăng báo của Trường Chinh, và sau đó là bài nói này. Tớ muốn dùng hình tượng: giữa thế kỷ 19 mà Mác chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc là làm một việc tưởng như bẻ nạng chống trời. Ấy thế là tớ đọc cho cậu Trọng nghe, cậu ấy bảo người Bắc không hiểu bẻ nạng chống trời là thế nào. Không có từ nạng, đành bỏ đi, tiếc quá…”.

Anh xuýt xoa: Dùng “đội đá vá trời” nghe không hay bằng “bẻ nạng chống trời”, lại khiến người ta nghĩ tới điển tích nước ngoài. Hơn nữa, nó không thể hiện được ý liều lĩnh, gan dạ. Buông đũa xuống mâm, anh chạy sang phòng bên, để tôi ngồi nói chuyện với chị Cúc, vợ anh. Lát sau anh trở lại, hớn hở ra mặt: Có chứ. Người Bắc vẫn dùng chữ nạng. “Nạng chống chuối” chẳng có là gì. Đã nói “nạng chống chuối” thì nói “bẻ nạng chống trời” sao lại không hiểu?

Bài “Huyện ủy 5 không” nổi tiếng một thời của anh cũng khá độc đáo. Mùa hè năm ấy, anh về kiểm tra công tác của thành phố Hải Phòng. Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân dẫn anh về huyện Thủy Nguyên được coi là huyện khá. Trong khi làm việc, các đồng chí để lộ nhược điểm: cái gì cũng chung chung.

Làm việc xong, ngay đêm ấy, chúng tôi về Hà Nội. Cùng ngồi trên xe suốt mấy tiếng đồng hồ anh chuyện trò bình thường, không dặn dò tôi điều gì (thông thường sau một chuyến đi, có vấn đề gì cần viết lên báo hoặc phải đi sâu hơn nữa, anh thường cho ý kiến ngay). Hôm sau, mới 8 giờ sáng, tôi đến tòa báo thì thấy đồng chí giao thông mang sang một bài báo anh vừa viết hồi đêm. Anh viết bằng bút mực, chữ nghĩa không ngay ngắn lắm và càng về cuối, chữ anh càng to bè. Nhiệm vụ của chúng tôi là xem lại những bài anh viết: nếu có ý kiến gì khác về nội dung thì trao đổi lại, còn văn chương chữ nghĩa muốn sửa thế nào thì tùy, rồi cứ thế đưa lên khuôn.

Bài tiểu phẩm này anh viết gãy gọn, lưu loát, chúng tôi làm công tác biên tập chỉ cần chỉnh lý một vài chỗ chấm phẩy, sửa đôi ba từ đưa đăng ngay số báo ngày hôm sau. Cuối bài ký tắt P.V (phóng viên) và tôi là nhà báo duy nhất đi theo anh hôm đó, vì vậy các đồng chí ở địa phương phản ứng dữ dội, cho viết như vậy là làm mất uy tín lãnh đạo, là phạm thượng…

Đọc lại bài báo ngắn, có thể thấy hơi văn độc đáo của anh. Thật ra những điều anh nhắc cũng là những nguyên tắc chung, những yêu cầu đi đến đâu anh cũng nêu cho cán bộ các cấp, mà bản thân anh luôn nghiêm túc thực hiện. Có điều nó được trình bài dưới dạng dí dỏm, dễ đọc, dễ nghe.

Trước khi chủ trương cho làm mở rộng việc làm thí điểm cuộc vận động cải tiến quản lý HTX nông nghiệp, mặc dù Trung ương đã qua nhiều lần xem xét, anh vẫn viết một bài báo ngắn đăng Báo Nhân Dân với câu kết: “Chúng tôi tha thiết đề nghị các tỉnh ủy, huyện ủy, đảng ủy xã cần kiểm tra công tác chuẩn bị cải tiến một lần cuối. Cần tránh lối kiểm tra gián tiếp qua giấy tờ, báo cáo mà nên về tận HTX kiểm tra và góp ý kiến tại chỗ cho chu đáo rồi hẵng triển khai cuộc vận động”. Trong bản thảo, anh gạch hai nét thật đậm đến xước cả giấy dưới mấy từ: Tận HTX.

Bài báo cuối cùng của anh là ý kiến phát biểu về một HTX ở Hà Đông. Mùa hè năm 1967, quân và dân miền Nam đang khẩn trương chuẩn bị Tết Mậu Thân. Anh được mời ra làm việc thêm với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Nhân về thăm gia đình sơ tán ở một thôn thuộc huyện Mỹ Đức, anh xem xét tình hình cơ sở và nhận thấy: HTX phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng trong khi chạy theo phương hướng mới này, đã để cho năng suất và sản lượng lúa giảm sút, do đó tăng thêm gánh nặng Nhà nước về cung cấp lương thực. Đây không phải là hiện tượng riêng lẻ ở một địa phương mà là một khuynh hướng khá phổ biến ở nhiều vùng trồng cây công nghiệp hồi ấy, cần phát hiện và uốn nắn kịp thời. Anh đề nghị với Tỉnh ủy Hà Đông và Ban Nông nghiệp Trung ương nắm lại tình hình. Anh xin phát biểu hội nghị với cán bộ xã và huyện, từ đó có thể nêu vấn đề mở rộng cuộc thảo luận ra những vùng khác.

Anh nói: “Viết bình luận quân sự khó. Phân tích sao cho hay, đập cho trúng, để địch sợ, mà không lộ bí mật của ta và cũng không được lạc quan tếu. Viết về kinh tế và nhất là khi viết về phê bình, ý kiến cần xác đáng đã đành, còn phải nói sao cho người nghe lọt tai. Cũng không phải dễ”.

Bài báo ấy hoàn thành. Anh đưa trả tôi bản đánh máy, có nét chữ sửa chữa của anh và giao hẹn: Cứ giữ lấy, khi nào có tín hiệu sẽ đăng. Tôi không dám hỏi. Giữ nguyên tắc không ai nói ra, nhưng những người làm việc gần gũi đều biết anh chuẩn bị lên đường trở lại miền Nam. Khi bài báo đăng lên là khi anh không còn ở Hà Nội...".

MINH MẠNH (sưu tầm và giới thiệu)

(Trích từ THƯƠNG NHỚ VẪN CÒN, Tập I, Nhà xuất bản Văn học, 2011)

Bài 4: Quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về tác phong công tác của cán bộ chính trị trong Quân đội

Bài 3: Quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ Bài 2: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác dân vận trong Quân đội
Bài 1: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một tư duy nhạy bén, sắc sảo trong nhận định, đánh giá đối phương trên chiến trường miền Nam

Phát huy truyền thống, quyết tâm xây dựng quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngày càng giàu mạnh

* Tin, bài đã xuất bản:
Bài 8: Học tập và noi theo tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bài 7: Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong
Bài 6: Một vị tướng có những đóng góp xuất sắc trên mặt trận nông nghiệp
Bài 5: Người luôn giương cao tư tưởng dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ
Bài 4: Người góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Bài 3: Người tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên
Bài 2: Một người cộng sản kiên trung
Bài 1: Tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lý luận chính trị-quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng của quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường
Chú Sáu Di là người thầy lớn
Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”
Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh