QĐND - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng lĩnh tài ba của quân đội, mà còn là nhà sư phạm mẫu mực, nguyên Giám đốc đầu tiên của Học viện Chính trị. Đạo đức, nhân cách của thầy giáo Nguyễn Chí Thanh vẫn tỏa sáng trong mỗi buổi học, mỗi bài giảng hôm nay ở Học viện Chính trị. Cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường luôn tự hào về Giám đốc đầu tiên của học viện, đồng thời nỗ lực học tập, noi gương thầy giáo Nguyễn Chí Thanh.
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Minh Khải, Phó giám đốc Học viện:
Nhớ phương châm “chiến trường cần gì học nấy”
 |
Thiếu tướng Nguyễn Minh Khải.
|
Những ngày đầu thành lập học viện, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Tổng Quân ủy tập trung nghiên cứu, xác định những vấn đề cơ bản về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trong hoàn cảnh quân đội ta vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Đồng chí chủ trương lấy bồi dưỡng ngắn hạn là chính và vận dụng nhiều hình thức, biện pháp để bồi dưỡng cán bộ chính trị, theo phương châm “chiến trường cần gì học nấy”, “làm gì học nấy”, lấy kinh nghiệm của tiền phương để bồi dưỡng ở hậu phương. Cán bộ phải từ quần chúng mà ra, từ thực tiễn đấu tranh mà có.
Trên cương vị Giám đốc đầu tiên của Học viện Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tìm tòi nhiều giải pháp xây dựng nhà trường tiến lên từng bước vững chắc theo quy luật phát triển của nhà trường quân sự chính quy. Đồng chí đã cùng Hiệu ủy nhà trường có những chủ trương, giải pháp đột phá trong xây dựng đội ngũ giáo viên theo con đường tự mở lớp đào tạo là chủ yếu. Nhờ cách làm đó, đội ngũ giáo viên nhà trường tăng dần cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nhà trường.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi đặc biệt ấn tượng khi Đại tướng phê phán cách dạy học lý luận Mác-Lênin, dạy Nghị quyết của Đảng chỉ “sính nói chữ và nói lý luận suông”, “cãi nhau về lý luận viển vông”, mà không xuất phát từ thực tiễn để làm sáng tỏ và hiểu sâu thêm về lý luận. Đại tướng luôn yêu cầu phải bồi dưỡng, rèn luyện cho cán bộ tác phong cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo; cán bộ phải thâm nhập thực tế, chống tác phong đại khái, quan liêu, bàn giấy. Đại tướng coi trọng thực tiễn, nhưng không phải là quan điểm thực tế thiển cận hẹp hòi, sự vụ chủ nghĩa.
Thiếu tá Trịnh Ngọc Hưng, Học viên Lớp 49C, Hệ 1:
Người thầy kiên định
 |
Thiếu tá Trịnh Ngọc Hưng.
|
Thế hệ học viên chúng tôi hôm nay vẫn được các thầy, cô giáo kể lại những câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Chí Thanh trên giảng đường học viện. Thầy đã tham gia chỉ đạo và cũng trực tiếp đứng lớp một số buổi trong suốt 6 khóa học. Những bài giảng của thầy giáo Nguyễn Chí Thanh luôn sôi nổi, sâu sắc, nóng hổi tính thời sự, đọng lại tâm trí người học một định hướng rõ ràng. Những buổi nói chuyện của thầy về “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại hiện đại”, “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là những hình mẫu về khả năng định hướng cho người học phân biệt rõ đúng sai, xấu tốt, nhận thức sáng rõ về bản chất vấn đề, chiều hướng phát triển tất yếu của hiện thực. Đến nay, mỗi cán bộ, học viên của học viện vẫn nhắc nhau học tập phong cách nói chuyện sôi nổi, gần gũi với lối nói quần chúng, nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn của Đại tướng.
Chúng tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Đại tướng: “Học chính trị, trung tâm là nâng cao trình độ chính trị và cải tạo tư tưởng”.
Đại tá Nguyễn Đăng Tú, Bí thư Đảng ủy Hệ 1:
Hình mẫu về người chính ủy trong quân đội
 |
Đại tá Nguyễn Đăng Tú.
|
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một hình mẫu lý tưởng về người chính ủy trong quân đội. Đồng chí luôn đòi hỏi người chính ủy phải có tư duy nhạy bén, sắc sảo, quyết đoán trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình nhiệm vụ. Bản thân đồng chí nêu gương về sự nhạy bén, quyết đoán, dám đưa ra những biện pháp củng cố quyết tâm chiến đấu, niềm tin chiến thắng, củng cố tinh thần đoàn kết của bộ đội trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm.
Chúng tôi vẫn thường tâm sự với học viên, những phẩm chất trong con người Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không tự nhiên mà có, chủ yếu do Đại tướng nỗ lực học tập, rèn luyện và nhất là hòa mình vào thực tiễn, tìm giải pháp ngay trong thực tiễn, qua thực tiễn để phát hiện mâu thuẫn, tìm ra biện pháp giải quyết đúng. Đó cũng chính là con đường để mỗi học viên của hệ học tập, rèn luyện, từng bước hoàn thiện nhân cách người chính ủy. Nếu không xông vào thực tế, thì rất dễ rơi vào tình trạng quan liêu, bảo thủ, trì trệ, thiếu niềm tin nơi quần chúng, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tình huống gặp phải. Toàn quân đang nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, mỗi học viên càng cần phải học tập, rèn luyện theo tấm gương Chính ủy Nguyễn Chí Thanh để đáp ứng vai trò chủ trì về chính trị ở các đơn vị.
HỒNG HẢI (ghi)