QĐND - Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào giai đoạn khó khăn nhất-đế quốc Mỹ đưa quân vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam (1965), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách đặc biệt: Trực tiếp vào chiến trường miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam.

Khi quân Mỹ và đồng minh trực tiếp vào tham chiến trên khắp chiến trường miền Nam, đi cùng với đội quân này là một khối lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại đã gây nên những băn khoăn, lo ngại, thậm chí là dao động trong một bộ phận lực lượng Quân giải phóng và nhân dân miền Nam. Vấn đề đặt ra cấp bách lúc này là liệu chúng ta có đánh được quân Mỹ không? Đánh và thắng quân Mỹ bằng cách nào? Với trọng trách là một trong những người đứng đầu cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và LLVT trực tiếp trên chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam nghiên cứu, tìm câu trả lời thuyết phục cho vấn đề chiến lược trên.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên trái) giao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Chu Huy Mân trước khi vào chiến trường miền Nam (năm 1964). Ảnh tư liệu 

Ở chiến trường, với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, tư duy khoa học biện chứng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra: Nếu Mỹ là triệu phú về đô-la thì nhân dân chúng ta có triệu phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Câu khái quát thật mộc mạc, chính xác và dễ hiểu này đã thực sự góp phần củng cố thêm niềm tin cho quân và dân ta tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên định tư tưởng tiến công, "không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết đánh Mỹ, đấu tranh vì độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội"(1). Điểm quan trọng nữa là, quân Mỹ vào tham chiến ở miền Nam trong thế bị động, bị tấn công liên tục; tuy có số lượng đông, nhiều vũ khí và phương tiện quân sự hiện đại, nhưng tinh thần binh lính không ổn định, địa hình chiến trường miền Nam không phải là điều kiện lý tưởng cho quân Mỹ triển khai đội hình tác chiến theo kiểu chiến tranh quy ước; chỉ huy quân Mỹ chưa thoát ra khỏi sự bế tắc cả về chiến thuật và chiến lược... Từ những phân tích, đánh giá cụ thể, toàn diện và biện chứng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: Ở Việt Nam, quân Mỹ không đáng sợ; phải luôn chủ động nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, phải liên tục tiến công, buộc quân Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta nhằm phát huy ưu thế, sở trường của ta và hạn chế sức mạnh của vũ khí, hỏa lực, khả năng cơ động của chúng; và nhất định phải đánh thắng chúng ngay trong trận đầu, hiệp đầu; "Cứ đánh Mỹ, sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ".

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược đó, trên tuyến đầu đánh Mỹ, quân và dân Khu 5 đã mở trận tập kích Núi Thành (26-5-1965), tiêu hao nặng một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ. Đây là trận đầu diệt Mỹ, là bằng chứng thể hiện tư tưởng “không sợ Mỹ”, cổ vũ tinh thần "dám đánh và quyết thắng Mỹ" cho quân và dân ta ở miền Nam. Tiếp đó, ta giành thắng lợi trong trận Vạn Tường, loại khỏi vòng chiến đấu bộ phận lớn sinh lực, vũ khí và phương tiện quân sự của địch, đã "chứng tỏ một cách hùng hồn khả năng của quân ta đánh bại được quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực"(2). 

Thực tiễn chiến đấu đã chứng minh tư tưởng "không sợ Mỹ" và quyết tâm "đánh Mỹ" của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-người chịu trách nhiệm trước Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam với tầm nhìn chiến lược đã thể hiện rõ bản lĩnh sắt đá, táo bạo, quyết đoán “muốn tìm cách đánh thắng Mỹ thì phải trực tiếp đánh Mỹ”, đã góp phần rất quan trọng đối với việc xây dựng niềm tin và củng cố quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ cho quân và dân ta. Cũng từ đây, những “thủ pháp” chiến thuật độc đáo Việt Nam như "bám thắt lưng địch mà đánh", “Tìm địch mà đánh, gặp địch là diệt”… đã ra đời và nhanh chóng được phổ biến cho các đơn vị lực lượng vũ trang giải phóng và nhân dân miền Nam. Cùng với thời gian, những thắng lợi thu được ngày càng nhiều trên khắp chiến trường.  

Tuy nhiên, với những trận đánh phủ đầu quy mô nhỏ, dù đã diệt được những đơn vị cấp đại đội, hoặc tiểu đoàn quân Mỹ, chưa đủ để đánh bại được đạo quân xâm lược nhà nghề thiện chiến, có trang bị hiện đại vào bậc nhất thế giới. Là người để nhiều tâm sức nghiên cứu lý luận và tìm hiểu thực tế những động thái của kẻ thù, nên chỉ thời gian ngắn sau khi vào chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã lượng định phương án xây dựng "quả đấm chủ lực"-những sư đoàn chủ lực cơ động mạnh ở miền Nam; chuẩn bị sẵn sàng cho những đòn đánh quyết định đối với quân viễn chinh Mỹ. Theo đó, Đại tướng cùng cơ quan Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam đã cử nhiều đoàn cán bộ xuống thị sát trực tiếp, nắm chắc tình hình các hướng chiến trường, làm cơ sở tham mưu cho Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập các đơn vị chủ lực Quân giải phóng miền Nam. Và đúng như ý định, ngay trong năm 1965, các sư đoàn chủ lực cơ động của Quân giải phóng lần lượt ra đời; đó là: Sư đoàn 3, Sư đoàn 9 (2-9-1965), Sư đoàn 2 (30-9-1965), Sư đoàn 5 (23-11-1965), Sư đoàn 1 (20-12-1965)…; đồng thời, nhiều tiểu đoàn, trung đoàn đặc công, biệt động... với trang bị tương đối hiện đại cũng nhanh chóng được thành lập.

Sự xuất hiện nhanh chóng của những đơn vị chủ lực cơ động mạnh của Quân giải phóng miền Nam trên các hướng chiến trường đã được cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ nắm bắt một cách khá chính xác và đầy đủ. Chính đây cũng là mối nghi ngại và thách thức lớn đối với giới chỉ huy quân sự Mỹ. Vì vậy, chúng gấp rút mở các cuộc hành quân quy mô lớn trên các hướng chiến trường vào hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 hòng ra những đòn quyết định để giành lại thế chủ động trên chiến trường. 

Lường trước được mưu đồ của Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam sau khi nghiên cứu tổng thể tình hình địch-ta trên chiến trường và nhất là những vấn đề có liên quan đến nội tình chính quyền và nhân dân Mỹ, đã đi đến khẳng định: "Mỹ đang ở thế thua và bị động về chiến lược"(3). Mặc dù vậy, Đại tướng luôn luôn nhắc nhở quân và dân ta không được chủ quan, coi thường những toan tính, tham vọng của Mỹ; phải tập trung phân tích cả chỗ mạnh cũng như điểm yếu của địch; phải có sự chuẩn bị tốt nhất, kiên quyết đập tan kế hoạch phản công của chúng. Ngay sau đó, Trung ương Cục miền Nam khẩn trương tiến hành quán triệt phương châm tác chiến: Tập trung khoét sâu vào những mâu thuẫn và thế bị động chiến lược của địch; nắm vững, phát huy chiến thuật "bám thắt lưng địch mà đánh", đánh áp sát nhằm tránh phi pháo, chia cắt đội hình quân Mỹ rồi tấn công tiêu diệt; phát huy cao độ tinh thần chủ động "tìm địch mà đánh..."; không ngừng củng cố và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, đánh địch bằng "hai chân", "ba mũi", trên cả “ba vùng chiến lược”; xây dựng, củng cố hệ thống các "Vành đai diệt Mỹ" ở khắp các hướng chiến trường nhằm tiêu hao, tiêu diệt quân Mỹ.

Nhờ những quyết sách chiến lược táo bạo, sáng tạo và kịp thời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về tư tưởng, thế trận, lực lượng-đặc biệt nhất là xây dựng những “quả đấm chủ lực" mạnh, đã góp phần cùng quân và dân miền Nam lần lượt đánh bại cả hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của quân Mỹ, làm thất bại một bước cơ bản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của địch. Những thắng lợi đó mở ra điều kiện thuận lợi để quân và dân ta ở miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giáng đòn quyết định đối với quân Mỹ và quân đồng minh, buộc giới cầm quyền Mỹ phải chuyển sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" (7-1969)-xuống thang chiến tranh, từng bước rút quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam...

Đại tá, Tiến sĩ NGUYỄN HUY THỤC

  _______________
(1) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, tr.457.

(2) Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.131.

(3) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, tr.492.