QĐND - “Lần đầu tiên trong đời, tôi được thủ trưởng cho phép “đánh” xe con về tận nhà đón Giao thừa với gia đình. Bố mẹ và vợ tôi hết sức ngạc nhiên. Khi tôi nói, đó là xe của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cả nhà tôi càng vui hơn...”- cựu chiến binh Nguyễn Công Chảo, nguyên chiến sĩ lái xe phục vụ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, hiện sinh sống tại xã Phú Bình, huyện Tân Phú (Đồng Nai) tâm sự như vậy...
Những kỷ niệm khó quên
Dẫn tôi đến thăm người lái xe năm xưa của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thiếu tá Lê Văn Tạo, cán bộ Ban CHQS huyện Tân Phú, Đồng Nai giới thiệu: “Ông Chảo là cán bộ có nhiều thành tích trong kháng chiến, nhưng rất kiệm lời, nên các anh cần lựa chuyện”. Nghe vậy, tôi liền chuẩn bị sẵn các phương án để có thể tìm hiểu được nhiều thông tin nhất. Thế nhưng, khi nhắc đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông trở nên vui vẻ khác thường, đôi mắt sáng lên niềm tự hào, kính phục. Những kỷ niệm về Đại tướng được ông Chảo hồi tưởng và kể lại rành rọt như mới hôm nào:
- Thời gian công tác ở Tổng cục Chính trị, vào những ngày lễ, Tết, cánh lái xe chúng tôi phải thường xuyên trực để sẵn sàng cơ động, hầu như không có thời gian được về nhà. Chúng tôi đã quen với nhiệm vụ của mình, nên ai cũng xác định quyết tâm không được để lỡ công việc của thủ trưởng. Chiều Tất niên năm 1960, khi vừa lau chùi, kiểm tra xe xong, tôi được trực ban thông báo lên gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có việc gấp. Vội lên phòng làm việc của Đại tướng, tôi hơi ngạc nhiên vì thấy Đại tướng không có vẻ gì là chuẩn bị đi công tác. Nhìn ra cửa, Đại tướng vẫy tôi vào, hỏi: “Ở quê chuẩn bị Tết đến đâu rồi? Mấy năm rồi cậu chưa về nhà đón Tết với gia đình phải không?”. Tôi trả lời: “Thưa thủ trưởng, ở nhà giờ này chắc vợ em cũng đã mua sắm đủ. Tết này nữa là tròn 5 năm em ăn Tết tại đơn vị”. Nghe xong, Đại tướng bảo: “Cậu thu xếp về quê đón Giao thừa với gia đình để các cụ và vợ con vui, sáng Mồng Hai lên cơ quan sớm. Việc kiểm tra, chúc Tết các đơn vị ở gần đây, tôi tự đi cũng được”. “Báo cáo thủ trưởng, em trực Tết quen rồi, hơn nữa có Tết nào thủ trưởng được nghỉ đâu”.

|
Cán bộ Ban CHQS huyện Tân Phú đến thăm, trò chuyện với ông Chảo. |
Đại tướng nhìn tôi, vẻ nghiêm nghị: “Đây là mệnh lệnh, cậu chạy xe của tôi về quê luôn cho tiện. Giờ này tàu xe không có nữa đâu”. Nói rồi, Thủ trưởng Thanh mở ngăn tủ lấy đưa tôi mấy gói bánh, kẹo và căn dặn: “Quà này tôi gửi về biếu các cụ. Thôi, cũng muộn rồi, cậu về sớm cho các cụ vui”. Tôi nắm chặt tay anh không nói được gì, nước mắt cứ trào ra. Tôi chỉ là một người lái xe bình thường mà được Đại tướng quan tâm, lại còn cho mượn cả xe ô tô để về quê đón Tết, trong khi công việc của anh rất cần phương tiện đi lại.
Cảm phục trước sự quan tâm và tình thương yêu của Đại tướng, ông Nguyễn Công Chảo định ở lại, nhưng sợ làm thủ trưởng buồn, nên quyết định về nhà đón Giao thừa xong sáng hôm sau lên cơ quan sớm. Những ngày Tết năm đó, số anh em ở lại làm nhiệm vụ, được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp thăm hỏi, động viên, chúc Tết thân tình như người thân. Đến bữa ăn, Đại tướng xuống tận nơi kiểm tra tiêu chuẩn Tết của chiến sĩ, có bữa cùng ngồi ăn với anh em phục vụ, chẳng nề hà. Ông Chảo tấm tắc:
- Những ai đã từng được phục vụ Đại tướng sẽ không bao giờ quên tình cảm thương yêu mà Đại tướng dành cho. Tình cảm ấy thật chân tình, ấm áp!
Trong khu vườn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước kia có khá nhiều cây dừa xanh tốt, nhưng ít ai biết đó là thành quả lao động của Đại tướng và bộ phận phục vụ. Ông Chảo nhớ lại:
- Vào một buổi tối thứ bảy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bảo chúng tôi: “Sáng mai anh em ta lao động cải tạo mảnh vườn này để trồng cây, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa lấy bóng mát; nên trồng một số cây dừa, phía dưới vẫn trồng được hoa cảnh”.
Thế là, sáng sớm hôm sau, tôi huy động anh em lái xe, chiến sĩ phục vụ triển khai công việc. Đại tướng cũng cởi trần cùng chúng tôi đi khiêng đất về đổ vào vườn. Anh trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật đào, kích thước, khoảng cách các hố, rồi trồng cây, đắp ụ, che chắn, san mặt bằng… Nhìn anh làm thành thạo, khỏe khoắn, đầm đìa mồ hôi dưới thời tiết oi bức, nhưng vẫn nói, cười vui vẻ, trong lòng chúng tôi trào dâng niềm kính phục một vị tướng thân tình, gần gũi.
Bỗng tôi nhớ đến lần cùng Đại tướng đi công tác ở Nghệ An về. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều, trời đổ mưa tầm tã, xe chỉ chạy được hơn 10km/giờ. Tới địa phận tỉnh Thanh Hóa, xe chúng tôi gặp một phụ nữ ướt sũng đứng bên đường vẫy tay xin đi nhờ. Đại tướng bảo tôi: Dừng lại, hỏi xem chị ấy về đâu? Biết chị xin đi nhờ về Ninh Bình, Đại tướng vui vẻ mời chị lên xe. Trong câu chuyện thăm hỏi thường tình, người phụ nữ ấy tâm sự hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bị bệnh hiểm nghèo đã mấy năm nay, nhưng không có tiền đưa đi bệnh viện. Chị thường xuyên phải vào Thanh Hóa cắt thuốc bắc mang về chữa trị cho chồng, nhưng khổ nỗi gần đây bệnh tình của chồng chị thêm nặng, sức khỏe suy kiệt. Gia đình cố gắng vay mượn cũng chỉ đủ tiền cắt thêm thang thuốc chứ không còn tiền tàu xe. Chị đã đứng suốt chiều, nhưng không ai cho đi nhờ về quê. Nghe vậy, Đại tướng thở dài. Tôi cảm nhận được nỗi buồn sâu thẳm trong tim Đại tướng. Bỗng ông móc túi lấy hết số tiền có được đưa cho người phụ nữ và bảo: “Tôi cũng chẳng có nhiều, chị cầm lấy thêm để bồi dưỡng cho anh ấy. Còn người là còn của chị ạ”. Người phụ nữ ứa nước mắt cảm ơn, nhưng vẫn không biết đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Lúc xuống xe, chị líu ríu không nói nên lời, cứ đứng nhìn theo cho đến khi xe chúng tôi xa khuất…
“Ngọn đèn của đời tôi...”
Trong căn nhà 2 gian tuềnh toàng, tường vôi loang lổ của ông Nguyễn Công Chảo, ngoài chiếc giường, bộ bàn ghế nhỏ và chiếc tủ thờ, chẳng có gì đáng giá. Ba con người già yếu, bệnh tật sớm tối nương tựa vào nhau. Người con trai cả của ông mắc bệnh tâm thần đã mấy chục năm. Ngày ngày, hai người đầu bạc nhọc nhằn chăm sóc kẻ đầu xanh từ miếng ăn, giấc ngủ, thế nhưng hàng xóm xung quanh chưa bao giờ thấy ông kêu ca, than trách. Ông Chảo kể:
- Tôi chính thức công tác trong quân đội từ tháng 7-1953. Trước đó, tôi làm ở xã đội, rồi đi dân công hỏa tuyến. Cuối năm 1975, tôi xuất ngũ về quê. Kinh tế khó khăn, đời sống gia đình khổ cực, năm 1983, cả nhà tôi chuyển từ Thái Bình vào Đồng Nai sinh sống. Ít lâu sau, được chính quyền và bà con tín nhiệm, bầu tôi làm chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình, rồi làm bí thư chi bộ và trưởng ban mặt trận địa phương… Dù ở cương vị nào tôi cũng luôn tâm niệm, mình từng được phục vụ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tiếp xúc với nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội, nên nhất định phải giữ mình trong sạch, liêm chính, tận tụy với công việc, như thế mới không hổ thẹn với lòng mình, không xấu hổ với người đã khuất. Với tôi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như ngọn đèn soi sáng cuộc đời. Dù Đại tướng đã theo Bác Hồ đi xa, tôi cũng đã tuổi gần đất xa trời, nhưng ngọn đèn ấy vẫn cháy sáng mãi...
Minh chứng cho lời nói của ông, Thiếu tá Lê Văn Tạo chia sẻ:
- Trong cuộc sống, ông Chảo rất tốt với hàng xóm láng giềng, hay giúp đỡ bà con những việc có thể. Gia đình ông hiện tại rất khó khăn, 3 miệng ăn và tiền thuốc men cho con trai bị bệnh tâm thần chỉ trông vào khoản lương hưu mỗi tháng gần 4 triệu đồng của ông. Trong khí đó, bản thân ông Chảo lại bị ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng ông không làm thủ tục để hưởng chế độ. Nhiều lần địa phương có ý hỗ trợ, ông cũng không nhận. Mới đây, đồng chí Bí thư Huyện ủy đến nhà thăm hỏi và đề xuất xây tặng ông căn nhà tình nghĩa, ông đã từ chối và đề nghị nhường tiêu chuẩn đó cho người khác còn khó khăn hơn mình. Ông bảo: “Làng xã còn nghèo, nhiều người còn đói ăn, thiếu mặc rất cần được chính quyền địa phương giúp đỡ. Tôi là người lính, nên những khó khăn ấy chẳng đáng gì...”.
Nhìn người lính già đã ngoài 90 tuổi và hoàn cảnh gia đình, tôi cảm thấy thật chạnh lòng. Quy luật ở đời có ai khỏe mãi với thời gian? Giá có đơn vị nào xây tặng ông ngôi nhà thì thật đáng quý biết bao. Tấm lòng đồng đội chắc ông không nỡ chối. Khi chia tay, đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Bí thư Huyện ủy Tân Phú nói thêm:
- Ông Chảo may mắn được công tác, phục vụ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh một thời gian dài, nên học được nhiều đức tính quý báu từ Đại tướng. Cả đời ông sống thanh bạch, giản dị, xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo!
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH