QĐND - Hơn 50 năm đã qua, nhưng với ông Nguyễn Trung Hiếu, nguyên phóng viên Phân xã Giải phóng, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bình Dương, ký ức về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn vẹn nguyên như mới hôm nào. Trong căn nhà rợp bóng cây xanh ở TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), ký ức của ông về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ùa về trong niềm xúc động, tự hào...

Đại tướng dạy làm báo

Trong cuộc đời làm báo và cho đến khi nghỉ hưu trên cương vị Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Trung Hiếu luôn nhớ đến những lời căn dặn, chỉ dạy về nghề báo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông Hiếu nhớ lại:

- Cuối năm 1964, Quân giải phóng Miền mở Chiến dịch Đông-Xuân  1964-1965 tấn công địch ở miền Đông Nam Bộ. Thời điểm đó, tôi được giao nhiệm vụ Trưởng điện đài, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, báo vụ viên cho Sở chỉ huy tiền phương Quân giải phóng miền Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lúc đó  là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư Quân ủy Miền, trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương. Thông tin từ chiến trường báo về Sở chỉ huy tiền phương được tôi ghi chép, tổng hợp rồi chuyển cho cấp trên và viết tin cho Đài Phát thanh giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng.

Tháng 12-1964, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Quân giải phóng miền Nam giành thắng lợi vang dội ở trận mở màn tại Bình Giã (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tôi viết tin về Chiến thắng Bình Giã và may mắn được Đại tướng góp ý:

- Đồng chí viết tin nhanh, nhưng chưa hay! Cần nói rõ cách đánh, quyết tâm của quân và dân ta. Đây là cuộc vận động tiêu diệt địch trên quê hương đồng chí Võ Thị Sáu. Tin cần nhấn mạnh được ý nghĩa thắng lợi mở màn, địch thiệt hại nặng nề, làm phá sản cơ bản chiến lược Chiến tranh đặc biệt của chúng.

Ông Nguyễn Trung Hiếu và chiếc máy truyền tín hiệu được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tặng trong chiến dịch Xuân-Hè 1965.

Đại tướng căn dặn thêm:

- Kết quả chiến thắng 1 thì nói 1, nhưng khi bình luận cần đánh giá ý nghĩa, tầm vóc của trận đánh, đưa thông tin kịp thời, khẳng định vai trò, ý nghĩa thắng lợi để động viên, cổ vũ quân, dân ta và làm cho địch hoang mang tinh thần.

Từ góp ý của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi viết lại bản tin và được Đài Phát thanh giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát. Tin chiến thắng làm nức lòng quân dân cả nước, gây chấn động đối với nước Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Thời gian sau đó, đối với những sự kiện lớn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn quan tâm hướng dẫn tôi đưa tin nhanh, kịp thời. Có nhiều bản tin, tôi được ông khen ngợi, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những gì cần rút kinh nghiệm. Khi quân Giải phóng Miền tiến công giải phóng hai huyện: Hoài Đức và Tánh Linh (Bình Thuận), tạo thắng lợi mở màn, đánh dấu mốc quan trọng trong Chiến dịch Xuân-Hè năm 1965, những tin tức thắng lợi của ta liên tục báo về Sở chỉ huy tiền phương. Với sự nhạy bén, sắc sảo của một nhà báo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gọi tôi đến và truyền đạt:

- Thắng lợi này có vai trò rất quan trọng, đồng chí cần đưa tin ngay, trước cả báo chí Sài Gòn và các báo chí quốc tế như AP, BBC, Roi-tơ…

Đại tướng phân tích thêm:

- Chiến dịch Xuân-Hè 1965 được triển khai theo chiến thuật “lấy nông thôn bao vây thành thị”, phá thế kìm kẹp, mở mảng, mở vùng giải phóng. Tin, bài cần khẳng định rõ vai trò của phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương phối hợp với quân giải phóng, bộ đội địa phương...

Sau khi tôi đưa tin, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, với bút danh “Trường Sơn”, đã trực tiếp viết một bài bình luận dài 2 trang giấy, phân tích sâu sắc, khẳng định ý nghĩa to lớn của thắng lợi. Bài báo được Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… truyền tải. Ở một số bài báo khác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lấy bút danh “Cửu Long”. Có lần trò chuyện với tôi, ông nói, dùng hai bút danh đó để muốn khái quát hóa Nam Bộ qua dãy Trường Sơn và sông Cửu Long. Trong các bài báo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đề cao sức mạnh của phong trào quần chúng nhân dân. Quân giải phóng cần dựa vào dân, phát động phong trào quần chúng nhân dân nổi dậy đấu tranh phá thế kìm kẹp, lật đổ chính quyền ngụy, đánh đuổi quân Mỹ. Những chỉ đạo, quan điểm của ông thể hiện rất cụ thể đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Nhà nước ta.

Kể đến đó, ông Hiếu vào phía trong nhà, khệ nệ khiêng ra chiếc máy truyền tín hiệu được ông gìn giữ cẩn thận suốt mấy chục năm qua. Bật mở hộp máy, ông Hiếu xúc động kể:

- Đây là kỷ vật quý giá nhất cuộc đời tôi. Chiếc máy này là chiến lợi phẩm thu được của quân Mỹ trong Chiến dịch Xuân-Hè 1965. Đại tướng đã có ý kiến chỉ đạo dành tặng tôi chiếc máy này. Những ngày ấy, việc truyền tin rất dễ bị lộ và thực hiện rất khó khăn. Nhờ có chiếc máy này, tôi mới có sáng kiến “chèn sóng” của địch để truyền tin cho các đơn vị cơ sở và cho Thông tấn xã Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ đó, thông tin được truyền đi nhanh, đảm bảo bí mật tuyệt đối.

Gắn bó với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong các chiến dịch lớn từ năm 1964 đến 1965, ông Hiếu được Đại tướng chỉ dạy nhiều bài học quý về nghề báo. Những lời giảng giải về các thể loại báo chí như: Ghi nhanh, tường thuật, tin, bình luận… của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giúp ông học được nhiều kinh nghiệm, trưởng thành hơn rất nhiều, nhất là sự nhạy bén, đánh giá tình hình, về cách đánh, nhận định đường lối chiến tranh nhân dân…

“Điều tôi cảm phục sâu sắc ở Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là sự gần gũi, thân tình với cán bộ, chiến sĩ. Khi đi thăm cán bộ, chiến sĩ cấp dưới, Đại tướng luôn căn dặn, bộ đội ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, lại phải chiến đấu với kẻ thù có tiềm lực quân sự vượt trội gấp nhiều lần, do vậy cần phải luôn biết dựa vào dân, kiên quyết bám dân để xây dựng cơ sở, khơi dậy phong trào đấu tranh của nhân dân”- ông Hiếu nhớ lại.

Cơ duyên gặp lại…

Sau Chiến thắng Bàu Bàng, ông Hiếu được điều về Trung ương cục miền Nam ở Tân Biên, Tây Ninh. Chiến tranh  khốc liệt, ngỡ rằng khó có dịp được gặp lại Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhưng rồi như có cơ duyên, ông Hiếu được gặp lại Đại tướng trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Ông hồi tưởng:

- Đó là vào giữa tháng 6-1966, tôi bị nhiễm trùng máu, viêm cơ tim, bị hôn mê sâu, nên được chuyển đến bệnh viện ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam điều trị. Do thiếu bác sĩ chuyên khoa, thuốc men, trang thiết bị y tế, tình trạng sức khỏe của tôi rất nguy kịch. Khi được bác sĩ chăm sóc, hồi tỉnh, nhìn sang giường bên cạnh, tôi nhận ra Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nên vội gắng sức ngồi dậy để chào, nhưng Đại tướng ra hiệu bảo tôi nằm yên. Ông quay sang bác sĩ điều trị đang đứng cạnh, hỏi:

- Khả năng điều trị và hy vọng đối với cậu ấy ra sao?

- Thưa Đại tướng, đồng chí ấy đã qua cơn nguy kịch, cần tiếp tục truyền huyết thanh và uống thuốc kháng sinh đặc trị thì sẽ hồi phục.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tỏ vẻ vui mừng. Ông hỏi thăm và động viên tôi. Đợt điều trị ấy, một tuần sau thì Đại tướng xuất viện. Trước khi ra viện, Đại tướng đến cạnh giường bệnh nói với tôi:

- Đồng chí cố gắng nhé, mấy thứ bệnh lặt vặt đó thì sá gì, có niềm tin sẽ vượt qua được. Các bác sĩ ở đây sẽ chăm sóc chu đáo cho đồng chí!

Những lời động viên của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khiến tôi cảm động rơi nước mắt. Lần gặp ấy với Đại tướng không ngờ lại là lần cuối cùng. Tôi tiếp tục ở lại điều trị hơn một tháng nữa rồi xuất viện. Các bác sĩ ở bệnh viện kể lại, bác sĩ Thanh Trúc điều trị cho Đại tướng và tôi được điều động gấp từ Hà Nội vào. Khi biết tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị bệnh nặng, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo dùng máy bay trực thăng đưa bác sĩ Thanh Trúc (Khoa Thần kinh - Tim mạch Bệnh viện Việt-Xô) từ Hà Nội sang Phnôm-pênh (Cam-pu-chia), sau đó di chuyển bằng xe gắn máy về bệnh viện ở Căn cứ Trung ương Cục điều trị cho Đại tướng. Nhờ đó, tôi cũng được bác sĩ Thanh Trúc điều trị, giúp qua cơn nguy kịch...

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Trung Hiếu chuyển về công tác tại Đài PT-TH tỉnh Sông Bé và sau này giữ chức Giám đốc đài ở độ tuổi còn rất trẻ. Kinh nghiệm về nghề báo, cùng những lời căn dặn, chỉ dạy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã giúp ông trưởng thành, đạt được nhiều thành tích, được tặng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước. Ông Hiếu tâm sự:

- Những gì học được ở Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giúp tôi vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ, xây dựng Đài PT-TH tỉnh Bình Dương (được thành lập sau khi chia tách tỉnh Sông Bé) trở thành một trong các Đài PT-TH lớn nhất khu vực Nam Bộ với nhiều đột phá, đặc biệt là xây dựng nhiều chương trình, cuộc thi văn hóa nghệ thuật, thể thao, hoạt động từ thiện… với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân không chỉ ở Bình Dương mà cả Nam Bộ. Trên các cương vị công tác, tôi luôn nhớ lời căn dặn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Làm chính trị cũng như tổ chức trận đánh trên chiến trường, phải biết phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng thì mọi việc sẽ thành công”. Mỗi lời dạy của Đại tướng - người thầy lớn của tôi trong những ngày chiến dịch, đến giờ vẫn luôn là những bài học quý mà tôi ghi nhớ, làm theo, với niềm tin tưởng, tự hào.

Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN

 Thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các hoạt động

 

 Khắc ghi lời dặn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội

* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù

* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta

 Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”

Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh