QĐND - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo quan điểm, phong cách của Đại tướng sẽ góp phần để Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị thấm sâu vào cuộc sống. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị về việc học tập, noi gương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Minh Khải

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Minh Khải, Phó giám đốc Học viện Chính trị:

Cán bộ phải thâm nhập thực tế

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của quân đội, mà còn là nhà sư phạm mẫu mực, nguyên Giám đốc đầu tiên của Học viện Chính trị. Đạo đức, nhân cách của thầy giáo Nguyễn Chí Thanh vẫn tỏa sáng trong mỗi buổi học, mỗi bài giảng hôm nay ở Học viện Chính trị. Cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường luôn tự hào về Giám đốc đầu tiên của học viện, đồng thời nỗ lực học tập, noi gương thầy giáo Nguyễn Chí Thanh.

Những ngày đầu thành lập học viện, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Tổng Quân ủy tập trung nghiên cứu, xác định những vấn đề cơ bản về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trong hoàn cảnh quân đội ta vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Đồng chí chủ trương lấy bồi dưỡng ngắn hạn là chính và vận dụng nhiều hình thức, biện pháp để bồi dưỡng cán bộ chính trị, theo phương châm “chiến trường cần gì học nấy”, “làm gì học nấy”, lấy kinh nghiệm của tiền phương để bồi dưỡng ở hậu phương. Cán bộ phải từ quần chúng mà ra, từ thực tiễn đấu tranh mà có.

Trên cương vị Giám đốc đầu tiên của Học viện Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tìm tòi nhiều giải pháp xây dựng nhà trường tiến lên từng bước vững chắc theo quy luật phát triển của nhà trường quân sự chính quy. Đồng chí đã cùng Hiệu ủy nhà trường có những chủ trương, giải pháp đột phá trong xây dựng đội ngũ giáo viên theo con đường tự mở lớp đào tạo là chủ yếu. Nhờ cách làm đó, đội ngũ giáo viên nhà trường tăng dần cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nhà trường.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi đặc biệt ấn tượng khi Đại tướng phê phán cách dạy học lý luận Mác - Lê-nin, dạy Nghị quyết của Đảng chỉ “sính nói chữ và nói lý luận suông”, “cãi nhau về lý luận viển vông”, mà không xuất phát từ thực tiễn để làm sáng tỏ và hiểu sâu thêm về lý luận. Đại tướng luôn yêu cầu phải bồi dưỡng, rèn luyện cho cán bộ tác phong cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo; cán bộ phải thâm nhập thực tế, chống tác phong đại khái, quan liêu, bàn giấy. Đại tướng coi trọng thực tiễn, nhưng không phải là quan điểm thực tế thiển cận hẹp hòi, sự vụ chủ nghĩa.

HỒNG HẢI (ghi) 


Đại tá Bùi Hồng Quân

Đại tá Bùi Hồng Quân, Chính ủy Sư đoàn Không quân 372:

Học tập Đại tướng tấm lòng yêu thương chiến sĩ

QĐND - Chúng tôi học tập ở Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - một tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần cách mạng triệt để, đức tính cương trực, chân thành, tác phong giản dị, khiêm tốn. Trong công tác, đồng chí không chỉ thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược, mà còn rất tỉ mỉ, cụ thể, năng động ở từng hoạt động cụ thể. Với Đại tướng, “Lời nói luôn đi đôi với việc làm, lý luận liên hệ với thực tiễn”, đi sâu, đi sát cơ sở. Trong sinh hoạt, Đại tướng thể hiện tác phong sinh hoạt bình dị, chân thành, thẳng thắn, quan tâm đến đồng chí, đồng đội và nhân dân, được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tôn trọng, quý mến. Đặc biệt, tấm lòng yêu thương chiến sĩ của Đại tướng là bài học rất sâu sắc để chúng tôi vận dụng vào việc quản lý, rèn luyện bộ đội hiện nay.

Xác định việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là khâu quan trọng giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn và các cơ quan, đơn vị đều có nghị quyết chuyên đề, lãnh đạo. Ban chỉ huy Sư đoàn tổ chức gặp mặt riêng với từng đối tượng: Sĩ quan, QNCN, chiến sĩ, CNV quốc phòng; chính ủy, sư đoàn trưởng thường xuyên, đột xuất xuống từng phi đội, từng khoang máy bay trực tiếp kiểm tra, lắng nghe ý kiến, đề đạt của phi công, thợ máy...

Học tập Đại tướng, cán bộ các cấp ở Sư đoàn 372 có phương pháp giáo dục quân nhân hiệu quả, trong đó một trong những trọng tâm là giải quyết mối quan hệ cán - binh. Đối với những sĩ quan có biểu hiện vi phạm kỷ luật, Ban chỉ huy đơn vị trực tiếp gặp gỡ, nhắc nhở với thái độ ân cần, thể hiện sự kiên quyết, nghiêm minh, nhưng cũng rất chân thành, giúp người vi phạm nhận rõ khuyết điểm, quyết tâm khắc phục.

Học tập Đại tướng: Lời nói đi đôi với việc làm, những năm qua, sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong sư đoàn đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền không đơn thuần là những lời thăm hỏi động viên tinh thần, mà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong 2 năm 2012-2013, sư đoàn đã bảo đảm đất ở, nhà ở cho hơn 300 đồng chí, trong đó có 25 trường hợp là thương binh, liệt sĩ. Đối với 6 trường hợp là thân nhân liệt sĩ, đơn vị đã cấp đất cho 3 trường hợp, bố trí 3 trường hợp là vợ liệt sĩ vào công tác tại đơn vị...  

Học tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tấm lòng yêu thương chiến sĩ, các cơ quan, đơn vị của Sư đoàn thực hiện tốt phương châm: “Cán bộ làm gương cho chiến sĩ, cấp trên mẫu mực, cấp dưới noi theo”.  Xin nêu ví dụ cụ thể. Doanh trại Tiểu đoàn 56 huấn luyện chiến sĩ mới qua nhiều năm sử dụng bị xuống cấp, trong khi đơn vị chưa có kinh phí để xây mới. Thương chiến sĩ mùa hạ nóng bức, mùa đông gió lùa, Ban chỉ huy sư đoàn đã huy động cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị phát huy nội lực, đầu tư ngày công tu sửa nhà cửa, bể nước, tôn tạo khuôn viên, sân chơi và các thiết chế văn hóa…, giúp chiến sĩ mới thêm yên tâm huấn luyện, thân nhân các gia đình đến đơn vị thăm con em đều yên tâm, phấn khởi.

Học tập Đại tướng về tình thương yêu con người, với quan điểm “chỉ huy yêu thương chiến sĩ như ruột thịt” góp phần tạo sự chân thành, cởi mở, dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ ở sư đoàn. Sự quan tâm, gần gũi giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đối với quân nhân thuộc quyền cả trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

TIẾN DŨNG (ghi)