QĐND - Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có thời gian được làm việc cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi Đại tướng giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương (1960-1964). Hồi ấy, nhà báo Phan Quang là Trưởng ban Nông nghiệp của Báo Nhân Dân. Tôi tìm gặp ông trong những ngày cả nước nói chung, quân đội nói riêng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Từng hình ảnh, câu chuyện về đại tướng cứ ùa về như một thước phim quay chậm. Trong ký ức của nhà báo lão thành đã bước sang tuổi 86, những kỷ niệm về vị đại tướng hồn hậu, dung dị vẫn vẹn nguyên, tràn đầy như tình cảm chân thành, thân thương ông dành cho đại tướng, cho người anh, người bạn, người “đồng nghiệp”.

Nhắc đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, những bậc lão nông trên khắp các làng quê Việt Nam hôm nay chắc hẳn sẽ không bao giờ quên hình ảnh của người “Đại tướng nông dân” chân lấm bùn, trán đổ mồ hôi và nụ cười đôn hậu, cùng người nông dân Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình) làm nên những "cánh đồng vàng" trên miền Bắc XHCN thập niên 1960. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dồn hết tâm lực của một người cộng sản chân chính để góp phần làm nên một phong trào được lưu giữ trong sử sách và trong lòng người. Đến hôm nay, phong trào vẫn như luồng gió mát lành thổi đến mọi làng quê Việt Nam yên bình, dung dị - Phong trào Đại Phong.

Nhà báo Phan Quang kể chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Nhà báo Phan Quang nhớ lại: Sau năm 1954, miền Nam tiếp tục đấu tranh đòi Mỹ, Diệm thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, còn miền Bắc thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế và xây dựng những cơ sở đầu tiên của CNXH. Về nông nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, toàn miền Bắc bắt đầu thực hiện mô hình làm ăn tập thể vì sau chiến tranh, phần lớn nông dân đều rất nghèo, ruộng đất ít nên phải tổ chức hợp tác làm ăn và hình thành nên phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Đây là một chủ trương lớn của Đảng. Vấn đề chủ yếu là khôi phục ruộng hoang, tăng vụ, tăng sản xuất, mở rộng ngành nghề được tổ chức bằng quản lý làm ăn tập thể vì nông dân làm ăn manh mún, giờ làm ăn tập thể, dựa vào nhau mà làm. Sau 3 năm thực hiện, từ 1958 đến 1960 đã hoàn thành chủ trương lớn trên. Về cơ bản, khoảng 90% nông dân tham gia vào hợp tác xã (HTX), làm chung, ăn chung. Những khái niệm về kinh tế tuy còn thô sơ nhưng cũng đã phù hợp với xã hội thời kỳ đó.

Tuy nhiên, trong năm 1960, khi vừa hoàn thành chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp thì thiên tai, dịch bệnh làm lúa bị mất mùa, thu nhập kém khiến người dân phân vân không biết làm tập thể hơn hay cá thể hơn, tạo ra không khí vô cùng trầm lắng, có sự băn khoăn trong nhân dân. Cũng vào thời điểm đó, Đại hội toàn quốc lần thứ ba của Đảng họp vào tháng 8-1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Khi được bầu vào Trung ương Đảng, ai cũng nghĩ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ giữ những trọng trách trong quân đội. Thế nhưng, ngay sau Đại hội Đảng, Bác Hồ lại mời đại tướng đến và giao nhiệm vụ: “Hiện nay phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trầm lắng vì thiên tai, dịch bệnh khiến nông dân mất mùa, chú phải tìm một điển hình tiên tiến để phát động phong trào thi đua yêu nước, xua tan bầu không khí trầm lắng ở nông thôn, đưa phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên.”.

Bác giao nhiệm vụ khiến không ít người ngạc nhiên, một đại tướng quân đội lại được giao làm "tướng" nông dân, chạy khắp miền Bắc để tìm điển hình, xốc dậy phong trào thi đua. Đây chính là tầm nhìn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã nhìn thấy ở Đại tướng Nguyễn Chí Thanh một con người năng động, đủ khả năng để vực dậy phong trào.

Đầu tháng 1-1961, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp chỉ đạo hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tại Hà Nội. Hội nghị mời những HTX điển hình tiên tiến lên phát biểu, trong đó có HTX Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình) nổi bật hơn cả, được cả hội nghị khen. Đại Phong là một thôn của xã Mỹ Thủy gồm một nhóm đồng bào từ miền Nam vượt tuyến ra miền Bắc, cùng đồng bào huyện Lệ Thủy tổ chức làm ăn tập thể. Vì nơi đây là vùng chiêm trũng, điều kiện kinh tế, tự nhiên không thuận lợi, chỉ làm 1 vụ, vụ mùa hay bị lụt. Người dân nơi đây tính toán nếu trong 5 năm làm 2 vụ thì may lắm ăn 3 vụ. Lúc đầu chỉ có khoảng 40 hộ, sau đó phát triển mạnh lên và có khoảng 420 hộ tham gia và hình thành lên HTX Đại Phong, đặt mục tiêu mức sống của các hộ dân bằng mức sống của trung nông. Khi đó không còn địa chủ, địa tô nữa nên đây là mức rất khiêm tốn. HTX sau khi phấn đấu đã đưa được 420 hộ đạt đến mức trung nông.

Bác Hồ tuy không đến dự hội nghị nhưng Người theo dõi rất kỹ. Ngay khi hội nghị kết thúc, Bác viết bài đăng trên Báo Nhân Dân với tiêu đề: “Một hợp tác xã gương mẫu”. Sau khi đọc bài viết, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đưa quân vào Quảng Bình, mời Bí thư Tỉnh ủy cùng cán bộ tỉnh về Đại Phong nghiên cứu trong 5 ngày và mở hội nghị toàn tỉnh ngay tại đây. Sau khi nghiên cứu Đại Phong, Đại tướng rút ra được một số bài học kinh nghiệm: Đại Phong có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, lũ lụt thường xuyên nhưng nơi đây đã làm được thì nơi khác cũng làm được. Ta phải phấn đấu học tập Đại Phong, thi đua Đại Phong và vượt Đại Phong.

Sau khi phát động phong trào, rất nhiều HTX khác trên toàn miền Bắc từ các nơi đã đến Đại Phong để học tập. Sau 3 tháng có hơn 1000 HTX đăng ký thi đua. Bác Hồ đã viết hẳn một bài đăng trên Báo Nhân Dân và khẳng định đây chính là “Phong trào Đại Phong”. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Bác Hồ đã thay mặt Trung ương biểu dương, hoan nghênh HTX Đại Phong.

Theo nhà báo Phan Quang, ý nghĩa của phong trào Đại Phong không phải mang lại cho nhân dân sự thay đổi về đời sống mà đã dấy lên không khí hồ hởi, gợi cảm hứng thi đua trên toàn miền Bắc, ở mọi ngành, nghề, lĩnh vực. Rõ nhất trong công nghiệp có phong trào “Thi đua Duyên Hải”, trong quân đội có phong trào “Cờ 3 nhất”, phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”; năm 1965 có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”… theo đúng tinh thần thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng những cơ sở đầu tiên của CNXH ở miền Bắc và phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam.

Qua phong trào Đại Phong có thể thấy, quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ trong thi đua điển hình tiên tiến đó là: Điển hình tiên tiến không phải tìm nơi có điều kiện kinh tế tốt, cũng không phải nơi mà Trung ương đưa cán bộ giỏi xuống làm. Điển hình tiên tiến phải tìm nơi có điều kiện bình thường, thậm chí khó khăn hơn những nơi khác nhưng người ta làm được, làm tốt.

Nhà báo Phan Quang tâm sự: Sau này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường nói lại với chúng tôi: Bản thân tôi chỉ nêu thi đua, học tập và vượt Đại Phong chứ không phải làm cho Đại Phong trở thành điển hình tiên tiến. Phong trào Đại Phong là công lao của Đại tướng, nhưng qua đây cũng thấy được sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ. Bác đã gợi ý, thường xuyên theo dõi cụ thể phong trào.

Trò chuyện với chúng tôi, từng kỷ niệm của nhà báo Phan Quang với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn còn như mới hôm qua. Hình ảnh vị đại tướng giản dị mang phong cách của một người xuất thân từ nông dân như vẫn còn đâu đây. Nhà báo Phan Quang chia sẻ: "Ấn tượng rõ nét nhất của tôi về anh Thanh đó là một người có tác phong quần chúng, chứ không phải là một trí thức đi về nông thôn để hòa mình vào đó, ông coi mình như một người của dân thật sự, đến đâu cũng xông vào. Phong cách của Đại tướng đó là lao vào thực tế, mọi việc đều tìm từ thực tế. Vì thế, ông thường xuyên đi kiểm tra, tìm hiểu cơ sở. Đại tướng luôn băn khoăn: Chúng ta ngồi trên Trung ương ban hành chính sách, liệu có phù hợp với dân không, nên phải đi tìm hiểu để xem thế nào, cần thêm những chính sách gì và phải từ thực tế để ban hành chính sách. Tất cả những HTX ông đi kiểm tra xong thì đều viết bài tổng kết. Phát triển sản xuất đi đôi với hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, sau khi đưa nông dân vào HTX là một công việc mới mẻ. Dựa vào đường lối của Đảng, Đại tướng tìm những lời giải đáp cụ thể qua thực tiễn, rồi từ thực tiễn trở lại góp phần bổ sung đường lối và xây dựng các chính sách cụ thể".

Sau khi tổng kết kinh nghiệm của Đại Phong và nêu lên những vấn đề chung về phát triển, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục nghiên cứu HTX Việt-Trung hữu nghị (ngoại thành Hà Nội) để xác định phương hướng sản xuất và chọn quy mô thích hợp. HTX Thư Thị (Hưng Yên) là địa bàn để nghiên cứu phương pháp quản lý thâm canh lúa ở Đồng bằng sông Hồng. HTX Hạ Hội (Hà Đông) cung cấp những kinh nghiệm về cách thức quản lý lao động…

Sự nhạy bén đối với vấn đề thuộc đời sống nông thôn hoặc dính dáng đến lợi ích của nhân dân giúp “anh Thanh” (cách gọi thân mật của nhà báo Phan Quang) mau chóng có những quyết định sắc sảo. Gắn liền với cuộc sống, anh thật lòng tin tưởng vào tri thức của những người lao động. Sự thực hành dân chủ của anh không bao giờ mang tính hình thức. Anh quan tâm đặc biệt đến vai trò làm chủ của quần chúng qua việc để cho họ, bằng cách này hay cách khác có cơ hội tham gia để ra các chính sách, chế độ.

Sau khi Hội nghị Trung ương 5 họp xong, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về miền núi. Đại tướng lại tiếp tục cùng các cộng sự đi khắp các nẻo đường Tây Bắc để tìm hiểu về cuộc sống đồng bào các dân tộc vùng cao, tìm hiểu về HTX của đồng bào người Mông và đồng bào dưới xuôi lên vùng cao xây dựng vùng kinh tế mới. Nhà báo Phan Quang còn nhớ mãi kỷ niệm cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào thăm một gia đình ông cụ người Hà Nam lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Bắc và trao đổi với ông cụ về vấn đề: Ở đâu có hạnh phúc? Quan điểm của Đại tướng là ở đâu cũng là Tổ quốc ta. Ở đâu cũng là quê hương của ta. Ở đâu mà chúng ta lao động hết mình thì chúng ta tìm thấy hạnh phúc.

Bài và ảnh: MINH MẠNH

Tin, bài liên quan


Bài 8: Học tập và noi theo tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bài 7: Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong
Bài 6: Một vị tướng có những đóng góp xuất sắc trên mặt trận nông nghiệp
Bài 5: Người luôn giương cao tư tưởng dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ
Bài 4: Người góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Bài 3: Người tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên
Bài 2: Một người cộng sản kiên trung
Bài 1: Tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lý luận chính trị-quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng của quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường
Chú Sáu Di là người thầy lớn
Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”
Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh