QĐND - Nhà báo lão thành Hữu Thọ, người từng có thời gian là phóng viên giúp việc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi ông làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương kể rằng: Vào dịp giáp Tết 1961, khi ông cùng đồng chí Mai Quang Ca đang nghe đồng chí Nguyễn Chí Thanh phổ biến dàn bài một cuốn sách viết về nông nghiệp thì có người đưa đến một tập thơ đã đánh máy. Khi Đại tướng hỏi, đồng chí đó trả lời: “Đây là những bài thơ của anh viết thời kỳ hoạt động cách mạng, chúng tôi sưu tầm lại để in ở Nhà xuất bản Phổ thông, các anh ở Bộ Văn hóa, Hội Nhà văn và anh Tố Hữu đã xem, đến xin chữ ký của anh”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lật qua tập đánh máy, rồi nói: “Đúng là thơ của mình. Lúc đó, anh em chúng mình làm thơ để tỏ rõ ý chí, khí tiết cách mạng để tự động viên và động viên nhau tiếp tục chiến đấu, chứ có giá trị văn học gì đâu mà in thành sách. Đồng chí về nói tôi cảm ơn Bộ và Hội, nhưng không nên in, để giấy in những bài thơ hay!”.

Nhà báo Hữu Thọ kết luận: “Được giúp việc Đại tướng, tôi cảm phục Đại tướng trên nhiều phương diện, nhưng qua chứng kiến việc ông từ chối in thơ của mình, tôi lại hiểu thêm về anh, con người luôn hiểu rõ giá trị thực chất những việc mình làm. Xem ra, nịnh được những  người như anh thật không dễ !”.

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm Sư đoàn 312 đúng ngày sinh nhật lần thứ 50 của Đại tướng (1-1-1964). Ảnh chụp lại

Nhà thơ Thanh Tịnh có lần kể: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và ông hay đến thăm nhau vì công việc. Một người là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một là Đại úy, Phó chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội; cũng có nhiều khi hai người đến thăm nhau vì tình đồng hương, vì cả hai đều quê “Bình - Trị - Thiên khói lửa". Một buổi tối, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi bộ từ nhà riêng ở đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên, Hà Nội hiện nay) đến chơi, thăm nhà thơ Thanh Tịnh. Hai người nằm khoèo trên sàn gỗ chuyện trò, tâm sự. Câu chuyện đang vui, bỗng Đại tướng đột ngột nói với nhà thơ: “Buồn hung Thanh Tịnh ơi. Chiều nay miềng bị mệ mắng”. “Mắng răng?” - nhà thơ hỏi bạn (Thanh Tịnh tuy là cấp dưới, nhưng hơn tuổi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). “Mệ nói: Thanh ơi, mi mần đến Đại tướng mà có mỗi một việc đưa mệ về thăm quê mà không mần được!” - Đại tướng xúc động kể lại. Hai người con xứ Huế - một nhà thơ, một Đại tướng không lúc nào là nguôi nhớ về quê hương đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Câu chuyện “Đại tướng bị mệ mắng” khiến nhà thơ Thanh Tịnh xúc động về nỗi niềm rất đỗi đời thường của Đại tướng.

Còn Thiếu tướng Đặng Văn Duy, từng là thư ký của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì nhớ mãi câu chuyện Đại tướng “chỉ đạo” nấu nướng để mời cơm Bác Hồ. Chuyện là năm 1956, Trung ương Đảng và Chính phủ về thủ đô đã được vài năm, nhưng các đồng chí trong Bộ Chính trị để ý thấy Bác có lúc hơi buồn. Thế là các đồng chí bảo nhau luân phiên vào dịp cuối tuần, từng nhà nấu cơm mời Bác đến dùng bữa thân mật để Người vui hơn. Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sớm được đón Bác đến thăm. Trước hôm đó, Đại tướng bàn với vợ là bà Cúc rằng, tính Bác rất đơn giản, không cầu kỳ, nên chỉ cần một đĩa cá bống kho khô và một bát canh chua nhẹ, nếu thêm quả khế thì tốt, còn lại có thể thêm một vài món khác, nhưng không được bày vẽ. Cuối tuần đó, sau khi họp Trung ương, Đại tướng sang đón Bác đi cùng xe về nhà. Hai cô con gái của Đại tướng chạy ùa ra, đứa ôm chân, đứa cầm tay Bác, ríu rít khoe chuyện, khiến Bác rất vui. Bác hỏi thăm sức khỏe của mệ (mẹ, theo cách gọi của người dân Huế-PV) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bỗng Bác phát hiện bàn tay phải của mệ mất ngón tay cái và một mảng lớn của bàn tay. Bác hỏi thì được mệ cho biết: Thời kỳ con trai hoạt động bí mật, bọn mật thám ác ôn bắt mệ đi tra khảo, mệ không khai, chúng đánh mệ và chặt mất cả mảng tay như thế. Nghe đến đây, Bác nói: “Thật mệ nào, con nấy”.

Đến lúc ăn cơm, Bác khen: “Bếp nhà chú Thanh nấu khá lắm, hợp với khẩu vị của Bác, rất ngon”. Lời khen của Bác khiến cả nhà rất vui, một không khí đầm ấm lan tỏa từ hai tâm hồn lớn, nhưng rất đỗi dung dị, đời thường.

HƯƠNG NGỌC VÂN