QĐND - Từ cuối năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng và Bác Hồ điều động vào quân đội, được giao đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã mang hết tâm huyết, trí tuệ để củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chế độ lãnh đạo tập thể của Đảng từ Tổng Quân ủy đến chi bộ; bồi dưỡng, phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của Quân đội nhân dân; xây dựng nền nếp CTĐ, CTCT, tăng cường xây dựng quân đội về chính trị, làm cơ sở xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt, nâng cao sức mạnh chiến đấu...

Trên cương vị Chủ nhiệm TCCT, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những đóng góp to lớn xây dựng Cơ quan TCCT xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ là cơ quan chiến lược giúp Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy lãnh đạo CTĐ, CTCT trong quân đội. Đại tướng đã xác định và làm rõ vị trí vai trò, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm, phương pháp tác phong công tác của Cơ quan TCCT. Ngay trong phiên họp đầu tiên với các đồng chí cục trưởng và Chánh văn phòng TCCT, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã trao đổi về chức năng, nhiệm vụ của TCCT và nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, theo đồng chí: “Cần nhanh chóng tổng kết công tác chính trị trong quân đội” để có cơ sở đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng cơ quan. Đồng chí giao nhiệm vụ cho các đồng chí cục trưởng phải nghiên cứu, khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị để tổ chức hội nghị toàn quân về các mặt công tác: Tuyên huấn, tổ chức, bảo vệ, địch vận..., nhằm tạo sự chuyển biến mới về công tác chính trị trong quân đội.

Trên cương vị Chủ nhiệm TCCT (1950-1961), Đại tướng luôn nắm chắc tình hình, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội, quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh, trên cơ sở đó xác định chức năng, nhiệm vụ của TCCT và từng cơ quan, đơn vị của Tổng cục. Theo đồng chí, để TCCT hoàn thành tốt nhiệm vụ “giúp Tổng Tư lệnh chỉ đạo quân đội về phương diện chính trị” thì Cơ quan TCCT phải nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất giúp Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh quyết định những chủ trương, biện pháp lớn về CTĐ, CTCT trong quân đội. Đồng thời, căn cứ chủ trương, nghị quyết của Tổng Quân ủy, chỉ thị, mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh, đề ra chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới thực hiện có hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT.

Trong nhiều hội nghị cán bộ chủ chốt của Cơ quan TCCT, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có những kết luận chỉ đạo các cơ quan TCCT phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, nâng cao hơn nữa hiệu lực CTĐ, CTCT. Tại hội nghị ngày 3-7-1951, đồng chí nêu rõ: “Tổng cục đã giúp đỡ thiết thực và cụ thể cho các đơn vị... Cơ quan Tổng cục tiến bộ được như thế là do nền nếp làm việc dần dần bớt quan liêu, hướng xuống dưới..., nhưng về phương diện lãnh đạo chính trị thì vẫn còn thiếu sót. Sự giúp đỡ cho dưới chưa phải là lãnh đạo chính trị, mà mới chỉ là giúp nhỏ lẻ; phải tiến tới lãnh đạo từng vấn đề, từng chủ trương mới của Đảng”, và “công tác đã tiến bộ, phải củng cố sự tiến bộ đó, định nền nếp làm việc mới cho hợp với những đòi hỏi mới”.

Trong kết luận tại Hội nghị cán bộ chủ chốt Cơ quan TCCT ngày 11-9-1957, để kiểm điểm tự phê bình việc thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục và xây dựng cơ quan, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho rằng: “Qua kiểm điểm lần này, chúng ta thấy được những thành tích chung, tinh thần cố gắng và sự tiến bộ về trình độ và năng lực lãnh đạo của chúng ta, tuy rằng còn xa so với yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời, cũng thấy được nhược điểm về trình độ lý luận, nghiệp vụ, trình độ khoa học quân sự, nhiều khuyết điểm về các mặt công tác. Chúng ta cần ra sức phát huy thành tích, khắc phục nhược điểm và sửa chữa khuyết điểm; kịp thời đẩy mạnh mọi mặt công tác tiến lên hoàn thành nhiệm vụ ngày càng tốt hơn nữa. Chúng ta phải cố gắng nhiều, Cơ quan TCCT luôn phải cố gắng, các đồng chí cán bộ phụ trách phải cố gắng nhiều hơn… Cần nhận rõ yêu cầu và khả năng để đạt mức phấn đấu và phương hướng cố gắng chung cho chính xác, phù hợp với thực tế của đất nước và quân đội”.

Với nhãn quan chính trị sắc sảo, phương pháp tư duy khoa học chính xác, luôn bám sát thực tiễn, gắn chặt thực tiễn với lý luận, dùng lý luận soi sáng thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những đóng góp to lớn xây dựng Đảng bộ và Cơ quan TCCT vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ Cơ quan TCCT ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của cơ quan chiến lược về CTĐ, CTCT, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản về xây dựng quân đội cách mạng, đưa cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Những cống hiến của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ có ý nghĩa to lớn trong lịch sử mà còn nguyên giá trị trong xây dựng Cơ quan TCCT hiện nay.

Đại tá NGUYỄN TIẾN SỸ
Bài 1: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một tư duy nhạy bén, sắc sảo trong nhận định, đánh giá đối phương trên chiến trường miền Nam
Bài 2: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác dân vận trong Quân đội
* Tin, bài đã xuất bản:
Bài 8: Học tập và noi theo tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bài 7: Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong
Bài 6: Một vị tướng có những đóng góp xuất sắc trên mặt trận nông nghiệp
Bài 5: Người luôn giương cao tư tưởng dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ
Bài 4: Người góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Bài 3: Người tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên
Bài 2: Một người cộng sản kiên trung
Bài 1: Tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lý luận chính trị-quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng của quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường
Chú Sáu Di là người thầy lớn
Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”
Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh