QĐND - Sinh thời, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đau đáu với nhiệm vụ xây dựng quân đội về mặt chính trị. Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Một đội quân văn hay, võ giỏi là một đội quân vô địch”, Đại tướng rất coi trọng công tác văn hóa văn nghệ và luôn dành sự quan tâm và những tình cảm đặc biệt cho các nhà văn, các nghệ sĩ. Ông mong muốn trong lực lượng vũ trang của ta có một “phong trào” văn nghệ vừa sôi nổi, vừa có thể đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt và vừa có chiến lược dài lâu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm sư đoàn 312 năm 1964. Ảnh Tư liệu

Nói chuyện với đông đảo những cộng tác viên của báo chí, văn nghệ, mùa hè năm 1960, Đại tướng nói: “Đến năm 1959, phong trào văn học nghệ thuật cũng lên theo phong trào thi đua chung trong toàn quốc và toàn quân. Có thể nói rằng, năm 1959 là năm “được mùa” về văn, tuy rằng chưa phải được mùa to lắm. Một là anh em đã viết nhiều; hai là trong những bài thơ, bài văn đã thấy những cái mới, những cái lành mạnh hơn, tuy vẫn còn những cái yếu ớt, những bài lạc lõng. Nhưng nói chung đã có nhiều bài lành mạnh". Đại tướng nói tiếp: “Trong phong trào vừa qua, chúng ta đã phát động được đông đảo anh em viết, có đủ cấp dưới cấp trên, có cũ có mới, đồng chí nào viết được thì viết, ai viết không được thì kể lại, trong số đó có cả các đồng chí như đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Chu Văn Tấn… cũng tham gia phong trào. Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh phong trào đó”.

Đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhắc nhở:

“Hiện nay, các đồng chí tuyên huấn và trong tạp chí Văn nghệ có lo lắng là phát động được phong trào rồi bây giờ làm sao giữ vững được phong trào đó. Theo tôi đó là vấn đề rất lớn. Cần phải làm sao bồi dưỡng được phong trào đó, phải nâng được đà tiến của phong trào. Về điểm này, Tổng Quân ủy sẽ đề nghị với các cấp ủy ở dưới chú trọng hơn nữa trong lãnh đạo. Chúng ta không thể kêu gọi chung chung nữa".

Sau cùng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu những ý kiến mang tính chiến lược lâu dài: “Chúng ta phải cố gắng giữ phong trào cho thật lành mạnh và phải kiên trì xây dựng phong trào. Nghệ thuật phải tính đến chuyện mười năm, hai mươi năm hay hơn thế nữa. Trồng một luống khoai trong vài tháng có thể có củ nhưng xây dựng một nền văn học nghệ thuật thì phải tính hàng chục, hàng trăm năm. Cho nên chúng ta phải từ chỗ sôi nổi của tuổi thanh niên đi đến chỗ chín chắn, kiên trì. Xây dựng một nền văn học nghệ thuật không thể nóng vội được. Năm nay tích lũy thêm một ít, sang năm lại thêm một ít, dần dần tích lũy vốn nghệ thuật sẽ ngày càng nhiều. Trong sáng tác phải tránh nôn nóng, phải kết hợp cái hăng hái, cái tích cực với cái kiên trì dùi mài, nghiên cứu đi nghiên cứu lại, học tập đi học tập lại. Một văn nghệ sĩ chân chính phải có đức tính đó. Từng người một cũng phải kiên trì mà sự bồi dưỡng của Đảng cũng phải kiên trì".

Các nhà văn quân đội như: Thanh Tịnh, Văn Phác, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Hải Hồ… nhiều lần kể với lớp trẻ - các nhà văn quân đội ở nhà số 4, ở “phố nhà binh” về những lần Đại tướng đến chơi thăm và tâm sự về nghề nghiệp với anh em nhà văn áo lính thật bầu bạn, rất anh em và vô cùng cụ thể. Nhà văn Nguyên Ngọc kể, sau khi tiểu thuyết Đất nước đứng lên của ông được giải thưởng Văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Một hôm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời ông đến nhà riêng. Tới nơi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tỏ ý khen ngợi Đất nước đứng lên lắm. Đại tướng còn hỏi nhà văn đã sống, chiến đấu ở Tây Nguyên như thế nào mà viết được một cuốn sách như vậy. Cuối buổi, đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mới nhận xét: “Cái kết của Đất nước đứng lên cậu viết hơi buồn, liệu có sửa chữa chút ít được không?”. Nguyên Ngọc sau đó đã bỏ công sửa đi sửa lại nhiều lần mà vẫn chưa thật ổn, vẫn chẳng ra sao. May thay, đúng lúc đang lúng túng thì Đại tướng gọi điện tới nhà văn và bảo: “Hôm nọ mình nói là nói thế thôi, cậu cứ để nguyên như thế cũng chẳng sao. Đừng có ép mà lợn lành chữa thành lợn què đấy”. Nhà thơ Minh Huệ cũng kể, sở dĩ ông viết được bài thơ Đêm nay Bác không ngủ là nhờ có sự động viên, gợi ý của đồng chí Nguyễn Chí Thanh… 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm bộ đội phòng không không quân năm 1967. Ảnh tư liệu

Nói tới “văn nghệ bộ đội”, nói tới đội ngũ các nhà văn áo lính, rộng ra nói tới văn học cách mạng buổi đầu không thể không nhắc tới phong trào “văn nghệ sĩ đầu quân” những năm đầu cách mạng, kháng chiến (1946-1950). Ấy là một phong trào tự nguyện, tình nguyện của văn nghệ sĩ tiền chiến. Tình nguyện theo kháng chiến, tình nguyện “lên ngàn”, tình nguyện đầu quân và tình nguyện phụng sự cuộc chiến đấu bằng nghề nghiệp của mình. Chính các nhà văn này, bằng tài năng và uy tín văn chương của những “hạt mầm” văn nghệ trong quân đội lớn lên, xuất hiện những tên tuổi mới, những nhà văn “con đẻ” của lực lượng vũ trang, của kháng chiến như: Trần Đăng (tác giả Một lần tới Thủ đô, Một cuộc chuẩn bị, Trận Phố Ràng…); Trần Mai Ninh (tác giả Tình sông núi, Nhớ máu); Hoàng Lộc (tác giả tập phóng sự chiến tranh đầu tiên Chặt gọng kìm đường số 4 và bài thơ Viếng bạn nổi tiếng); Thôi Hữu (tác giả của bài thơ Lên Cấm Sơn, tập bút ký Hẹn giờ chết)... Ấy là những “Văn nghệ binh” đầu tiên vì nhiệm vụ kháng chiến đã ngã xuống trên chiến trường, tiếp theo và cùng với các anh là những: Nguyễn Ngọc Tấn (tác giả tập thơ Hương đồng nội); Hoàng Văn Bổn (tác giả Vỡ đất, Bông cúc bông hường); Hồ Phương (tác giả Lưỡi mác xung kích, Thư nhà); Vũ Cao (tác giả Núi Đôi); Chính Hữu (tác giả Đồng chí, Ngày về); Hữu Mai (chủ bút Báo Quân tiên phong tác giả Cao điểm cuối cùng)... Ấy là một đội ngũ nhà văn rất trẻ, những học sinh, trí thức mới nhập vào đại gia đình quân đội. Tên tuổi và văn nghiệp của các anh gắn liền với cuộc kháng chiến chín năm, đi sát, đi liền cùng bộ đội trong cả những chặng đường chiến đấu sau này. Nhiều anh cho đến mãi những năm gần đây, tuổi đã sáu, bảy mươi còn viết, còn được trao giải thưởng văn chương, có anh đeo lon cấp tướng, cũng có người vĩnh viễn giã từ ngòi bút trang sách và để lại trong lòng đồng nghiệp, đồng đội và bạn đọc những kỷ niệm và thương nhớ đầy vơi.

Và đầu những năm hòa bình ở miền Bắc, đặc biệt là những năm chống Mỹ, cứu nước, đội ngũ nhà văn, nhà báo chiến sĩ trở nên đông đảo, hùng hậu hơn bất cứ lúc nào. Ấy là những năm gian khổ và hào hùng bậc nhất trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam, với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tư do”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, tất cả nhân tài, vật lực đều được huy động cho cuộc chiến đấu. Có thể nói, đại đa số những thanh niên ưu tú nhất của chốn học đường đã đầu quân ra mặt trận, họ có mặt ở tất cả các quân binh chủng, các mặt trận, các tòa soạn báo chí, các chương trình phát thanh và cơ quan thông tấn. Theo hồ sơ lưu trữ tại Văn phòng hội Nhà văn Việt Nam thì trong hơn 1000 hội viên nhà văn chính thức của Hội hiện nay có tới gần một nửa đã từng hoặc đang còn mặc áo lính. Những nhà văn áo lính và một thời áo lính này đã viết nên những tác phẩm sáng đẹp nhất, những bộ sách đồ sộ nhất trong nền văn học cách mạng kháng chiến Việt Nam những năm nửa sau thế kỷ XX góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc; đồng thời tạo nên một nét độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam, bởi trên thế giới không có một quân đội nào có một “lực lượng đặc biệt”, một “đội quân đặc biệt” là các nhà văn, nhà báo chiến sĩ đông đảo, mạnh mẽ như Việt Nam.

Nhớ về những năm tháng chiến tranh, nhớ lại buổi đầu xây dựng phong trào "văn nghệ bộ đội", điểm lại những tác phẩm viết về người lính và chiến tranh cách mạng cùng đội ngũ những nhà văn, nhà báo chiến sĩ trong mỗi người cầm bút hôm nay lại bồi hồi nhớ về một vị tướng luôn đau đáu về nhiệm vụ xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, luôn ao ước có được một phong trào "văn nghệ bộ đội" rộng lớn sâu rộng và luôn dành cho văn nghệ sĩ, báo chí những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Vị tướng ấy là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh!

NGÔ VĨNH BÌNH