LTS: Nhà văn Văn Phác, tức Thiếu tướng Trần Văn Phác (1926-2012), nguyên: Chủ nhiệm đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa từng có nhiều năm là Bí thư riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, gia đình nhà văn gửi đến Báo Quân đội nhân dân bài báo ông viết lúc sinh thời với tựa đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động văn nghệ trong quân đội”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Vào một ngày đầu xuân năm 1957, một tin vui đến với mọi người là Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đầu tiên ra mắt bạn đọc.
 |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Văn Phác ở chiến trường Nam Bộ năm 1966. Ảnh do Nguyễn Hồng chụp lại
|
Tôi muốn nói rõ thêm đây là một bước phát triển mạnh mẽ nhất, rất sâu sắc và toàn diện đối với Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói riêng và đối với công tác văn nghệ trong quân đội nói chung thời đó.
Vì từ năm 1952 đã có tờ Sinh hoạt Văn nghệ quân đội ra đời ở khu kháng chiến Việt Bắc, nhưng chỉ phát hành trong nội bộ quân đội với nhiệm vụ là vận động, hướng dẫn phong trào văn nghệ quần chúng. Lực lượng văn nghệ lúc đó cũng khá mạnh, nhưng về tổ chức lại rất đơn giản, gọn nhẹ. Tất cả những tên gọi là Phòng Văn nghệ quân đội, Nhà xuất bản Quân đội và Báo Sinh hoạt Văn nghệ quân đội thật ra đều nằm chung trong một tổ chức là Phòng Văn nghệ quân đội, một phòng khá kềnh càng trong Cục Tuyên huấn.
Vào thời ấy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có tầm nhìn chiến lược sắc sảo, gần gũi văn nghệ sĩ và thường có những ý kiến chỉ đạo nhạy bén đối với công tác văn hóa, văn nghệ. Một buổi chiều, anh bất chợt đến Phòng Văn nghệ quân đội. Trước thái độ thân mật, nhưng nghiêm túc của anh, tôi cảm thấy có vấn đề quan trọng liên quan tới công việc của chúng tôi. Anh nói gọn và rõ ràng:
- Tổng cục Chính trị đã có chủ trương và được Ban Tuyên huấn Trung ương đồng ý để tờ Báo Văn nghệ Quân đội sẽ phát hành rộng ra ngoài, phục vụ cả quân đội và nhân dân. Vì trong tình hình mới, quân đội ta không thể giữ mãi chế độ tình nguyện như bây giờ mà sẽ có những lớp cán bộ và chiến sĩ được phục viên về địa phương, đồng thời lại có những lớp thanh niên thay nhau vào bộ đội làm nghĩa vụ quân sự. Cả Báo Quân đội nhân dân và Báo Văn nghệ Quân đội phải phục vụ tốt đối tượng quan trọng này.
Anh không quên nói về công tác tổ chức của chúng tôi. Anh chê tổ chức Phòng Văn nghệ quân đội lạc hậu rồi, phải kịp thời tách ra làm ba đơn vị rạch ròi là Phòng Văn nghệ quân đội, Nhà xuất bản Quân đội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội và phải xây dựng vững mạnh cả ba mới cáng đáng nổi nhiệm vụ mới.
Anh gợi ý đại thể, Phòng Văn nghệ quân đội tập trung vào việc hướng dẫn, vận động phong trào văn nghệ quần chúng “hướng về đại đội, phục vụ chiến sĩ”. Nhà xuất bản Quân đội phải sớm có các loại sách nghiên cứu sâu về quân sự chính trị và có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật hay về kháng chiến, về bộ đội trong thời bình. Còn Tạp chí Văn nghệ Quân đội phải phục vụ bộ đội bằng sáng tác và phải là nơi phát hiện, tập hợp và bồi dưỡng được nhiều cây bút trẻ.
Cuối cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh thăm dò về cán bộ lãnh đạo trực tiếp. Số đông anh em đều muốn tôi phụ trách tờ tạp chí là thích hợp nhất vì tôi cũng viết văn, viết báo, đã từng là thư ký tòa soạn Báo Khu Hai kháng chiến từ năm 1946, đã được giải nhất cuộc thi viết về mẩu chuyện hay của Báo Vệ quốc quân năm 1947, nhất là tôi đang làm Trưởng phòng Văn nghệ. Anh Thanh hỏi ý kiến tôi thế nào. Quả thật lúc đó tôi cũng băn khoăn lo lắng, nên xin khất trả lời sau.
Sau đó ít ngày, tôi nhận được quyết định của Tổng cục Chính trị, bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà vẫn phải kiêm cả Phòng Văn nghệ một thời gian. Thế là dứt khoát rồi. Tôi cùng anh em bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra mắt số đầu tiên.
Trước hết là bàn kỹ về nhiệm vụ, đối tượng, nội dung thể tài của tờ tạp chí. Đụng đến vấn đề nội dung và thể tài của tạp chí phải qua nhiều buổi tranh cãi kịch liệt mới đi tới thống nhất là tạp chí lấy sáng tác văn học là chính, tạp chí vẫn dành phần cần thiết cho các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh và không coi nhẹ phần nghiên cứu phê bình.
Cuối cùng là việc tổ chức bộ máy của tạp chí. Lực lượng của tờ Sinh hoạt Văn nghệ quân đội trước đây rất mỏng và Phòng Văn nghệ xúm vào giúp cho bài vở. Nay đã tách ra, hoạt động theo hướng mới, lấy sáng tác văn học là chính. Tạp chí Văn nghệ Quân đội phải là một tổ chức riêng, nhất là tòa soạn phải có một lực lượng sáng tác đủ mạnh của bản thân mình là có ý nghĩa quyết định nhất. Nếu bộ máy vẫn lèo tèo, vẫn ăn đong theo kiểu ngồi chờ bài gửi tới như trước đây thì khó mà làm nên trò trống gì và không tránh khỏi thất bại. Rất mừng là trong lúc đó Phòng Văn nghệ quân đội được Tổng cục Chính trị cho mở trại sáng tác đầu tiên sau ngày về tiếp quản Thủ đô. Những người được triệu tập về trại đều là bạn viết ít nhiều đã có bài, có truyện được đăng trên các báo. Một số anh đã có sẵn đề cương truyện dài mà các anh hằng ấp ủ. Điểm qua cũng thấy đủ mặt anh tài ở trại: Hữu Mai, Hồ Phương của Sư đoàn 308; Nguyễn Khải, Mai Ngữ của Liên khu 3; Lưu Trùng Dương của Sư đoàn 324, bộ đội Liên khu 5 tập kết; Hà Mậu Nhai, Bích Lâm, Xuân Miễn của bộ đội miền Nam tập kết; Hải Hồ, Nguyễn Trọng Oánh của Sư đoàn 304; Vũ Sắc của Sư đoàn 312; Xuân Thiêm của Sư 320; Nguyễn Khắc Thứ của Sư đoàn 325... Các nhạc sĩ Doãn Nho, Trần Quý; họa sĩ Nguyễn Hiêm cũng tham gia trại sáng tác.
Ngay khi anh em còn đang ngồi viết ở trại, tôi đã có ý định sẽ xin Tổng cục giữ lại một số có khả năng để bổ sung cho Phòng Văn nghệ quân đội vì chính các đồng chí này cũng muốn ở lại để đi vào chuyên sâu công tác văn nghệ và có điều kiện để sáng tác. Thì nay, trại kết thúc đúng vào lúc tạp chí chuẩn bị ra công khai. Anh em đều đồng ý với tôi nếu được lực lượng này về làm nòng cốt, tạp chí sẽ phát huy tác dụng tốt hơn là về Phòng Văn nghệ quân đội. Đề nghị hợp lý của chúng tôi được đồng chí Nguyễn Chí Thanh và lãnh đạo Tổng cục Chính trị đồng ý ngay và kịp thời quyết định rút gần hết các trại viên của trại sáng tác về bổ sung cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thế là tòa soạn được cả người lẫn của. Những sáng tác của anh em ở trại đã là nguồn lương thực dồi dào cho số đầu của tạp chí và những số tiếp theo.
Số đầu Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra đời tháng Giêng năm 1957 và mấy số sau nữa vẫn chỉ phát hành trong quân đội để nghe ngóng dư luận. Mãi tới số 5, nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ lần thứ 4, tạp chí mới chính thức phát hành rộng rãi ra cả nước. Toàn thể tòa soạn chúng tôi hồi hộp theo dõi tình hình. Rất mừng là đã nhận được sự cổ vũ mạnh ngay từ đầu. Nhiều bạn đọc cả trong và ngoài quân đội cho biết rất thích đọc các sáng tác trên tạp chí. Nhưng không phải đã có những bài hay ngay trong mấy số đầu, mặc dầu chúng tôi đã cố gắng thực hiện ý định đó ngay từ đầu. Phải tới số 4, tạp chí mới có bài đánh động được dư luận. Đó là truyện ngắn “Đẹp” của Xuân Cang, một bạn viết trẻ của tạp chí công tác ở ngành quân giới. Trong sáng tác này, đồng chí Xuân Cang đã đề cập đến một vấn đề xã hội khá phổ biến thời đó. Nội dung tóm tắt là sau ngày kháng chiến thắng lợi, anh bộ đội trở về thì vợ anh ở nhà do hoàn cảnh xô đẩy đã có quan hệ bất chính với một gã ở địa phương, nhưng sau đó chị rất hối hận và đã dứt khoát không tái phạm việc làm bậy bạ như thế nữa vì vẫn yêu chồng tha thiết, nên khi gặp anh, chị đã thú nhận tội lỗi với chồng và để tùy chồng quyết định. Qua đấu tranh gay gắt với bản thân, anh bộ đội đã tha thứ cho vợ, cùng nhau xây dựng lại hạnh phúc gia đình trong công cuộc khôi phục và xây dựng chung của đất nước.
Câu chuyện viết gọn, sâu, tình tiết hấp dẫn. Lập tức có nhiều thư liên tiếp gửi về tòa soạn, khen, chê rất khác nhau, gây nên cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài trên tạp chí.
Ít lâu sau, trong quân đội lại có cuộc vận động xây dựng ý chí cách mạng triệt để, chống tư tưởng hòa bình hưởng lạc, sa sút ý chí chiến đấu. Anh Hữu Mai đã thành công trong truyện ngắn “Mất hết”, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 9, năm 1957. Truyện cũng nói về một anh bộ đội, người trai của Hà Nội, đã lập nhiều chiến công trong chiến đấu, nhưng sau khi vào tiếp quản Thủ đô chẳng mấy chốc đã bị viên đạn bọc đường bắn gục. Truyện này cũng làm dư luận xôn xao và gây nhiều tranh cãi trên tạp chí. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh theo dõi tình hình, gọi điện thoại trực tiếp đến tòa soạn khen “tạp chí cần có những bài như thế, vừa có chủ đề tư tưởng rõ, vừa có nghệ thuật hấp dẫn, thế là phục vụ tốt cho công tác tư tưởng”.
Từ năm 1959, quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 về chuyển hướng cách mạng miền Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội lại được đồng chí Nguyễn Chí Thanh giao thêm nhiệm vụ quan trọng là chọn và bồi dưỡng những cây bút có khả năng, có điều kiện vào hoạt động ở “B”.
Đã có nhiều cuộc tiễn đưa kín đáo và cảm động diễn ra ở ngay tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, như với nhà văn Thanh Giang, Thu Bồn... được đi “B” trước chúng tôi.
Sau này, vào cuối năm 1964, khi tôi vào tới chiến trường B2 (Nam Bộ) thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở chỉ huy sở của Miền, với tên mới là Sáu Di, với cương vị mới là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền và là Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngay trong buổi gặp mặt đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên đồng chí giao cho tôi là cùng các nhà văn Minh Khoa, Thanh Giang, Nguyễn Thi... lập tờ Văn nghệ Quân giải phóng và tờ Báo Quân giải phóng để góp phần xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân miền Nam anh hùng.
Nhà văn VĂN PHÁC