QĐND - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ra ở làng quê Niêm Phò (Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế). Học hết lớp Nhất tiểu học, anh ở nhà cày ruộng và đi làm thuê ở đồn điền trồng chè; năm 17 tuổi, anh bắt đầu tham gia các cuộc đình công đòi chủ trả tiền công cho người lao động.
Nguyễn Vịnh sớm có tinh thần yêu nước, căm thù thực dân, phong kiến. Khi biết Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp, anh quyết định lên Huế cùng một số bạn thân để dò hỏi tình hình và hướng đi của cụ Phan Bội Châu. Được các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu giác ngộ cách mạng, Nguyễn Vịnh tích cực tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Trải qua thử thách trong đấu tranh chính trị, tháng 7-1937, chàng thanh niên 23 tuổi Nguyễn Vịnh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; cuối năm đó, anh được cử làm Bí thư chi bộ Niêm Phò, tổ chức đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền; tiếp đó anh được giới thiệu tham gia Tỉnh ủy lâm thời. Đầu năm 1938, Nguyễn Vịnh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.
 |
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và vợ tại Phân khu Bình Trị Thiên, năm 1948.
|
Lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ ở Huế, người Bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi tỏ rõ bản lĩnh cách mạng và tài năng, phẩm chất của một người lãnh đạo, được các đồng chí lớp trước tin cậy, mến phục. Tháng 9-1938, chấp hành chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế do Nguyễn Vịnh đứng đầu đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp và chính quyền Nam triều, góp phần vào thắng lợi chung trong cuộc tập dượt lần thứ hai, dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Thất bại trong dự án tăng thuế, địch bắt Nguyễn Vịnh và một số cán bộ lãnh đạo của phong trào, giam ở Nhà lao Thừa Phủ, rồi đưa ra xét xử ở Tòa án Nam Triều. Quan tòa là tuần phủ, hách dịch hỏi Nguyễn Vịnh: “Tại sao làm cộng sản ?”. Anh trả lời: “Tôi đấu tranh cho dân tộc, dân chủ, dân sinh, thế là có tội à? Tôi chưa hiểu gì về chủ nghĩa cộng sản thì làm sao có thể làm cộng sản? Nếu cộng sản là yêu nước, thương dân thì cộng sản có gì là xấu?”. Mọi người đến dự phiên tòa đều “ồ” lên vui vẻ. Chưa bao giờ họ chứng kiến một bị cáo cứng cỏi như thế. Quan tòa liên tục kết tội, nhưng đều bị anh vặn lại, cuối cùng đành đập bàn đe nẹt, rồi ấn cho anh mức án “2 năm tù giam”.
Ở trong tù, Nguyễn Vịnh được bầu làm bí thư chi bộ. Trong tù có đồng chí Lê Chưởng, Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, thường xuyên bị địch tra tấn khiến anh có thể bị chết. Nguyễn Vịnh bàn cách đấu tranh, vận động cả tù làm điệu “hò lả” nhằm gây náo động ra ngoài phố, khiến địch phải chùn tay. Một kế hoạch được vạch ra, cứ sau câu hô “một-hai-ba”, tù nhân đồng thanh hô: “Chống khủng bố. Chống tra tấn. Chống đánh đập tù nhân. Bảo vệ Lê Chưởng!”, làm náo loạn cả nhà tù. Tên chỉ huy nhà lao khủng bố bằng vòi rồng, nhưng chúng dừng phụt nước, mọi người lại hò la inh ỏi, khiến chúng phải dỡ những tấm ván sàn bằng gỗ lim, lao thẳng vào tù nhân. Anh Vịnh lại bàn trong chi bộ: Ai khỏe đứng lên trước, ai yếu đứng sau; huy động chăn xếp cao thành “chiến lũy” để chặn các tấm gỗ lim lao vào, giảm thiệt hại. Dư luận ngoài phố ồn ào cũng khiến bọn cai ngục phải chùn tay, thôi tra tấn Lê Chưởng, nhưng Nguyễn Vịnh và một số đồng chí bị địch liệt vào hàng “đầu sỏ” bị kết thêm án tù, bị đày đi Lao Bảo.
Tại Lao Bảo, Nguyễn Vịnh bị nhốt trong căn hầm dài vài chục mét, chỉ có chút cửa sổ thông hơi, chân luôn bị xiềng, không khí rất ngột ngạt với đủ bệnh tật rình rập. Anh lại lãnh đạo cuộc đấu tranh nhịn ăn, nhịn uống để phản đối chính sách quản phạm độc ác của nhà tù. Cuộc đấu tranh kéo dài 14 ngày, gây tiếng vang lớn, khiến địch chùn tay, phải tuyên bố giảm đánh đập, cho tù nhân nhận thư từ và cho ăn uống tốt hơn, nhưng các cán bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh, gồm Nguyễn Vịnh, Hoàng Anh, Tố Hữu và một số người khác lại bị đầy đi Buôn Ma Thuột. Năm 1941, Nguyễn Vịnh cùng một số đồng chí khác tổ chức vượt ngục thành công, trở về thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên, ra sức củng cố, kiện toàn hệ thống cơ sở cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh. Tháng 8-1945, Trung ương Đảng triệu tập hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, đồng chí Nguyễn Vịnh, năm đó 31 tuổi, được bầu bổ sung vào Trung ương, được Bác Hồ đặt cho tên mới: Nguyễn Chí Thanh. Kể từ đó, cuộc đời cách mạng của người thanh niên Nguyễn Chí Thanh bước vào giai đoạn mới, với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
HƯƠNG NGỌC VÂN, lược thuật từ cuốn sách “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”-NXB Quân đội nhân dân.