QĐND Online – Dàn diễn viên hùng hậu, sân khấu hoành tráng, tốc độ luyện tập “siêu nhanh”, vở diễn “Sáng trong như ngọc một con người”- tác phẩm văn học nghệ thuật về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả sau 2 buổi diễn tổng duyệt vào ngày 23 và 24-12. Chương trình biểu diễn chính thức diễn ra vào tối 25-12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đây là tác phẩm sân khấu được dàn dựng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1-1-1914/1-1-2014); tác giả kịch bản: Nguyễn Quang Vinh, NSƯT Xuân Hanh chuyển thể chèo, họa sĩ Song Hào thiết kế sân khấu, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang. NSƯT Tự Long đóng vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập thể diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn.
Không khí của thời đại
Khi tấm màn nhung trên sân khấu mở ra, hình ảnh Bình Trị Thiên chìm trong khói lửa chiến tranh trên nền nhạc trang trọng, tạo âm hưởng hùng tráng, khiến người xem như đang chứng kiến cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc.
 |
Hình ảnh mở đầu vở diễn “Sáng trong như ngọc một con người” |
Hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hiện hữu trên sân khấu, một con người từ nhân dân, vì nhân dân, trọn cuộc đời chiến đấu hy sinh cho hạnh phúc của nhân dân; chấp nhận mọi gian khổ, thử thách gian lao, kể cả hy sinh tính mạng vì cuộc sống của nhân dân.
Phần I của vở diễn khắc họa hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - phụ trách một mặt trận đầy gian lao, khốc liệt. Lúc đó, lực lượng của ta thì mỏng mà kẻ thù thì dày đặc, vũ khí tối tân.
Trong tiếng súng nổ, bom đạn dữ dội, trên sân khấu tái hiện một trận đánh. Cảnh những chiến sĩ của ta bị trúng đạn. Những tên lính Pháp xua những người dân bị bắt dồn vào một chỗ, hàng rào dây thép gai cách ly những người dân và các chiến sĩ cách mạng. Trong cảnh chiến đấu đầy khốc liệt ấy, ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” vang lên như thôi thúc quân và dân cùng đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuất hiện với lời kêu gọi: “Chúng ta phải trở về với nhân dân, lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Quân thù đã chiếm hầu hết đất đai của chúng ta. Nhưng mất đất chưa phải là mất nước, mất lòng tin của nhân dân mới là mất tất cả. Chúng ta không thể mất dân. Chết, chúng ta cũng không được xa rời dân, xa rời cơ sở”.
Tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhân dân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được khắc họa rõ nét bởi theo tác giả kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đưa khát vọng của nhân dân vào vở diễn sẽ tạo được xúc động cho người xem. Đại tướng luôn luôn tri ân, luôn mang ơn nhân dân. Diệt trừ cái ác, làm những điều tốt nhất có thể cho nhân dân kể cả hy sinh tính mạng, một mẫu người cán bộ lý tưởng như vậy thật xứng đáng với niềm tin tưởng của nhân dân. Tuy là vở diễn về lãnh tụ nhưng không khí của thời đại luôn đầy ăm ắp.
 |
Một cảnh trong vở diễn. |
Phần II của vở diễn là chủ đề “Dọc đường chiến dịch”. Lúc này, mặt trận Bình Trị Thiên đã tạm thời ổn định. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh, quân dân ta đã thu được nhiều thắng lợi. Giai đoạn này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phong hàm Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phụ trách binh lương tiếp tế cho mặt trận Điện Biên Phủ. Bài hát “Qua miền Tây Bắc” vang lên, tạo không khí sôi nổi để quân và dân cùng vào trận chiến đấu mới.
“Con đường cách mạng gian khổ, đầy xương máu hy sinh nhưng cũng đầy tự hào là vì chúng ta có nhân dân, được nhân dân chở che đùm bọc”, lời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tiếp thêm sức mạnh để quân và dân vững bước trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.
“Gió Đại Phong” là chủ đề của phần III, trên sân khấu là một dàn đồng ca xuất hiện, những người chiến sĩ thay bộ quần áo lính để trở về với đồng ruộng. Lúc này, chiến dịch Điện Biên Phủ đã thắng lợi hoàn toàn, hòa bình được lập lại. Năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Ủy viên Bộ chính trị, được cử làm Trưởng Ban nông nghiệp Trung ương.
Trên mặt trận mới, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục phát huy tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhân dân. Đại tướng vào Quảng Bình xây dựng hợp tác xã Đại Phong với mong muốn biến Đại Phong trở thành một hợp tác xã tiêu biểu của nền nông nghiệp mà hồi đó gọi là “Gió Đại Phong”.
Sống cùng dân, hiểu nỗi khổ của dân khi bị đói, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tìm ra những kẻ tham nhũng, ăn chặn lương thực của dân để xử lý kịp thời, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con nơi đây.
Tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam, chỉ đạo quân dân miền Nam tìm cách đánh Mỹ. Với chiến thuật bám thắt lưng địch mà đánh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo nhiều cuộc chiến đấu của nhân dân ta giành thắng lợi.
Nhận được mệnh lệnh của Bác Hồ và Bộ Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội gấp để báo cáo tình hình mặt trận miền Nam và nhận chỉ thị mới cho một giai đoạn mới.
Nhưng lần ra đi này, đồng bào miền Nam không bao giờ được gặp lại Đại tướng nữa. Hình ảnh về người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Chí Thanh mãi tấm gương sáng chói cho thế hệ ngày nay.
 |
NSƯT Tự Long vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Thùy Linh vai vợ Đại tướng. |
Đưa dân ca 3 miền vào vở diễn
Khi vở “Sáng trong như ngọc một con người” được chọn để dàn dựng và công diễn vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng, nhà văn Nguyễn Quang Vinh coi đây là niềm tự hào vô cùng lớn lao đối với ông. Qua vở diễn này, người dân Việt Nam hiểu hơn về vị Tướng luôn vì dân.
Khi nhận được vở diễn này, các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Quân đội cảm thấy rất vinh dự, tự hào được thể hiện tác phẩm sân khấu về vị Tướng mà cả dân tộc kính trọng.
"Hiếm có một nhà hát nào có dàn diễn viên quần chúng chuyên nghiệp đến thế, mỗi vai diễn dù rất nhỏ nhưng các diễn viên đã hoàn thành tốt vai diễn của mình" - nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã nói như thế về tập thể Nhà hát Chèo Quân đội trong quá trình dựng vở “Sáng trong như ngọc một con người”.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết, khi chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, NSƯT Xuân Hanh đã cố gắng hiện đại hóa tác phẩm. Khi có những xung đột lớn lắm thì mới đưa bài hát chèo vào vì nếu thiên về chèo quá thì tạo cảm giác nặng nề cho người xem. Vì thế, trong vở diễn này, ê kíp dàn dựng đưa cả dân ca 3 miền vào để vở diễn như một bản tổng phổ của sân khấu.
 |
Các diễn viên đã làm tròn vai diễn của mình |
Với lịch tập liên tục trong 2 tuần, mỗi ngày 3 ca, bắt đầu từ sáng và kết thúc vào 24 giờ nhưng các nghệ sĩ luôn cảm thấy tự hào, quên hết mệt nhọc và làm tròn vai diễn của mình.
NSƯT Tự Long tâm sự, được chọn đóng vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, anh rất lo lắng bởi ngoại hình và sự hiểu biết về Đại tướng của mình còn hạn chế. Hơn nữa, lời thoại cho nhân vật cũng không đơn giản. Nhưng rồi, mọi khó khăn đã được tháo gỡ, vai diễn của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem và được ê kíp dàn dựng đánh giá cao.
“Lời thoại của vai diễn hơi khó học bởi lời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mang tính chiến đấu cao. Ông là người quyết liệt trong cách nói, cách làm, cách đánh giặc, ngôn từ sắc sảo. Chưa bao giờ tôi học lời thoại dài đến thế. Tôi học mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi dừng đèn đỏ trên đường”, NSƯT Tự Long chia sẻ.
 |
NSƯT Tự Long khóc rất nhiều bởi những tình tiết trong vở diễn khiến cảm xúc của diễn viên được đẩy lên đến cao trào. |
Khi vào vai diễn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, NSƯT Tự Long khóc rất nhiều bởi những tình tiết trong vở diễn khiến cảm xúc của diễn viên được đẩy lên đến cao trào. Hình ảnh một Đại tướng bình dị, chịu đựng nhiều gian khổ cùng nhân dân tạo thêm động lực cho anh và các đồng nghiệp diễn tốt hơn.
“Sáng trong như ngọc một con người” là một vở diễn nhân văn, mang tính giáo dục sâu sắc, để lại thông điệp về cuộc sống, tinh thần yêu nước thương dân thông qua những việc làm bình dị nhưng sâu lắng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN