QĐND - Năm 1950, khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Phó Bí thư Tổng Quân ủy, cũng là năm Báo Quân đội nhân dân được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tờ báo Vệ Quốc quân và Quân du kích. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ giao chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đồng chí đã xin ý kiến và được Bác Hồ đồng ý đặt tên cho báo là Quân đội nhân dân và chính thức ra mắt bạn đọc vào ngày 20-10-1950.
Niềm tự hào to lớn với các thế hệ làm báo Báo Quân đội nhân dân là trang nhất số báo đầu tiên, số báo lịch sử ấy, đăng toàn trang bài viết của tác giả Nguyễn Chí Thanh (không ký chức danh Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) nhan đề "Đánh thắng và bảo vệ mùa màng". Bài báo có nội dung chỉ đạo các lực LLVT và nhân dân thực hiện tốt hai nhiệm vụ cấp bách và trọng yếu lúc đó là chiến đấu và bảo vệ sản xuất. Tác giả viết: “No thành Phật, thành Tiên, đói thành ma, thành quỷ. Đánh có thắng được giặc dân mới no, mới ấm, quân mới hùng, mới mạnh. Giữ được mùa màng, thì dân, quân mới tạm đủ ăn no để thắng giặc và xây dựng lực lượng hùng hậu”. Một bài viết chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng giàu tính báo chí, có sức lôi cuốn người đọc, bất cứ ai nghe cũng thấm thía và nhận thức sâu sắc mình phải làm gì.
 |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với các đại biểu dân tộc thiểu số tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba năm 1966. Ảnh tư liệu
|
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn viết nhiều bài, với các thể loại báo chí khác nhau đăng trên Báo Quân đội nhân dân, đề cập các vấn đề công tác chính trị-tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng quân đội và cả những vấn đề quốc tế. Các bài viết của Đại tướng, hầu hết có lối viết giản dị, giàu hình ảnh, dễ hiểu, dễ tiếp thu, nhưng lời lẽ đanh thép, thái độ kiên quyết, lập luận chặt chẽ, khoa học, vừa giàu tính thực tiễn vừa sáng tầm chiến lược. Đặc biệt ấn tượng với bạn đọc là các bài nói, bài viết của Đại tướng về vấn đề lập trường tư tưởng và công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng. Từ năm 1964 đến 1967, những bài viết, bài nói tại chiến trường miền Nam của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ký bút danh Trường Sơn) có giá trị đặc biệt, góp phần lý giải những câu hỏi nóng hổi tính thời sự nhưng mang tầm chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, góp phần quan trọng xây dựng quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, phát động toàn quân toàn dân tìm tòi sáng tạo phương thức và cách đánh phù hợp, hiệu quả để giành thắng lợi trước kẻ thù đông và mạnh hơn ta nhiều lần, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới.
Trong hoạt động lãnh đạo và chỉ huy của mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhận thức sâu sắc vai trò và chức năng của báo chí cách mạng theo quan điểm của V.I. Lê-nin "Là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể". Nhiều năm liền trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp chỉ đạo phát triển hệ thống báo chí cách mạng trong Quân đội, trong đó Báo Quân đội nhân dân được xác định là cơ quan của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tiếng nói của Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, coi đây là công cụ và phương tiện có sức mạnh to lớn trong chỉ đạo và tiến hành công tác tư tưởng, trong tổ chức phong trào cách mạng, động viên tính tích cực và tự giác của cán bộ, chiến sĩ và toàn thể công-nông-binh, các tầng lớp nhân dân vào các phong trào cách mạng.
 |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với các anh hùng, dũng sĩ thiếu nhi tại Trung ương Cục Miền Nam năm 1966. Ảnh tư liệu
|
Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Bác Hồ điều động trở lại tham gia lãnh đạo quân đội. Thời kỳ này, bằng những bài báo chính luận đăng trên Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan báo chí lý luận của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nghiên cứu và phát triển tư tưởng chiến lược quân sự của Đảng trước những diễn biến rất mới mẻ và phức tạp, khi toàn dân tộc phải đương đầu với kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn ta. Hạ quyết tâm đánh Mỹ ở thời điểm những năm 1964-1965 thực sự là một thử thách lớn của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Bác Hồ và các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự của chúng ta. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những người được giao nhiệm vụ giải đáp những câu hỏi: Có đánh được Mỹ không? Làm thế nào để đánh Mỹ? Đánh Mỹ bằng cách nào?…
Những vấn đề này được đặt ra và đòi hỏi phải có câu trả lời ngay từ khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chuẩn bị vào chiến trường miền Nam. Và chúng ta đã biết, với trí tuệ và sự sắc sảo hiếm có, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng bước đưa ra các câu trả lời trong các bài nói và bài viết của mình. Trong bài “Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đại tướng viết: “Vũ khí, cơm gạo tiền bạc chúng ta đều nghèo hơn Mỹ. Bọn Mỹ nhiều tiền, lắm của. Nhưng nếu Mỹ là triệu phú, tức là có bạc triệu đô-la thì nhân dân chúng ta là triệu phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mỹ thua chúng ta là ở chỗ đó, tức thua cái gan của dân tộc chúng ta”.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ rõ vũ khí chiến thắng của chúng ta chính là chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đại tướng cũng khẳng định: Con người, tinh thần là yếu tố quyết định thắng lợi của chiến tranh chứ không phải là vũ khí. Mỹ và tay sai không những không thiếu mà còn còn thừa vũ khí, nhưng vì sao không thắng nổi chúng ta? Nếu giờ đây còn có người nào cho rằng, trong thời đại nguyên tử ngày nay, luận điểm yếu tố con người, yếu tố tinh thần là quyết định đã lỗi thời thì thực tiễn cuộc đấu tranh của chúng ta hoàn toàn bác bỏ lý luận đó…
Chính từ quan điểm căn bản này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phát triển tư tưởng quân sự đánh Mỹ bằng chiến tranh nhân dân, bằng sức mạnh tinh thần của yếu tố con người, chính là con người Việt Nam đoàn kết, yêu nước, yêu độc lập tự do, dũng cảm, thông minh, sáng tạo, không bao giờ lùi bước trước khó khăn và hiểm nguy, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và cách đánh Mỹ từng bước được sáng tỏ qua thực tiễn chiến trường. Khẩu hiệu “nắm thắt lưng địch mà đánh” đã được đúc kết từ thực tiễn chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta, trở thành phương châm chủ đạo trong cách đánh, tổ chức chiến dịch và chiến thuật để đánh thắng Mỹ.
 |
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị tham quan triển lãm các tác phẩm báo chí của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do Học viện Chính trị tổ chức. Ảnh: Hồng Hải
|
Trong một bài viết ký tên Trường Sơn tháng 5-1966 với tựa đề “Kế hoạch phản công chiến lược mùa khô của Mỹ đã bị đập tan, quân dân miền Nam ta đã giành được thắng lợi rất to lớn”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phân tích toàn diện cục diện chiến trường miền Nam, giúp người đọc hình dung thế và lực của ta và địch trên chiến trường. Tác giả viết một cách rất hình ảnh: "Ý đồ của Mỹ thật là lớn, tham vọng của Mỹ thật là to, lực lượng của Mỹ-ngụy tung ra trên chiến trường vào mùa khô này khá hùng hậu. Vào đầu mùa khô bè lũ Giôn-xơn, Mắc Na-ma-ra, Oet-mo-len hí hửng tưởng chừng bở ăn như cầm cái kéo đi cắt tóc người ta, nhưng nào có ngờ đâu chính chúng đã bị cạo trọc đầu”.
Trong khi nhân dân ta và bạn bè trên thế giới cùng chung một băn khoăn, làm sao một nước Việt Nam nhỏ, yếu có thể thắng được đế quốc Mỹ xâm lược, thì chính những lập luận, phân tích sắc sảo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tạo cho mọi người một niềm tin dựa trên cơ sở khoa học-thực tiễn qua sự so sánh rất sâu sắc, cơ bản thế và lực của ta và địch trên chiến trường, dự báo xu thế phát triển của tình hình, khẳng định niềm tin tất thắng của nhân dân ta vào thắng lợi cuối cùng. Trong khi có nhiều ý kiến khác phân tích, dự báo tình hình dựa trên sự đánh giá quá cao sức mạnh vật chất của đối phương, thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phân tích nêu bật thế thắng về chính trị của cuộc chiến tranh nằm ở phía chúng ta.
Nhìn vào thực tiễn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và các cuộc chiến tranh trên thế giới sau chiến tranh Việt Nam có thể thấy cách nhìn nhận, đánh giá, phân tích dự báo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là rất khoa học và phù hợp quy luật. Đế quốc Mỹ đã thất bại ở Việt Nam và sa lầy ở nhiều cuộc chiến tranh và xung đột khác trong thế kỷ 20 và những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Những lập luận của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong các bài luận văn của mình còn nguyên giá trị đến hôm nay. Mặc dù trong chiến tranh hiện đại, vũ khí, trang bị của những đội quân xâm lược đã phát triển ở trình độ công nghệ cao, với các loại vũ khí thông minh nhưng để giành chiến thắng yếu tố con người, sức mạnh tinh thần của chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn là quyết định.
Bản thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn chỉ đạo báo chí viết và nói những điều thiết thực. Trong một bài trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân tháng 11-1950, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói: “Người phụ trách tờ báo phải cẩn thận, viết cho đúng chủ trương đường lối, viết cho dễ để đội viên đọc hiểu, cái gì thiết thực thì viết, viển vông thì đừng”. Chính Đại tướng đã sử dụng báo chí để viết, để nói những điều thật thiết thực đối với quân đội, với đất nước, với dân tộc. Chính nhờ chọn đúng những vấn đề thiết thực để viết nên các tác phẩm báo chí của ông đã đi vào công chúng rất nhanh, được mọi người đón đợi, đọc để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, đọc để có nhận thức đúng và niềm tin, đọc để hành động đúng. Ông là nhà lý luận, nhưng lại là con người lăn lộn với thực tiễn, say mê nghiên cứu thực tiễn, nên những bài báo của ông giải đáp một cách thuyết phục các vấn đề của thực tiễn.
Học tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, các thế hệ những người làm báo Báo Quân đội nhân dân học ở người Thủ trưởng trực tiếp của mình đạo đức, phẩm chất của một người cộng sản, một nhà lãnh đạo chính trị am hiểu lý luận, lăn lộn với thực tiễn; một người viết báo sử dụng tài tình các thể loại báo chí, phát huy cao nhất vai trò của báo chí trong lãnh đạo và tổ chức phong trào cách mạng, trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Báo chí đã được Đại tướng sử dụng để giải đáp những vấn đề khó nhất mà thực tiễn cách mạng đặt ra. Đó là điều những người làm Báo Quân đội nhân dân phải tiếp tục nghiên cứu, học tập, vận dụng kinh nghiệm của Đại tướng vào công việc làm báo hiện nay.
Trung tướng LÊ PHÚC NGUYÊN, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân