QĐND - “Gần ba năm được trực tiếp công tác dưới quyền chú Sáu Di (bí danh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - PV) tại Trung ương Cục miền Nam, tôi thấy mình trưởng thành rất nhiều. Cho đến nay, dù tuổi đã cao, nhưng tôi vẫn luôn lấy những điều học được từ chú Sáu Di làm phương châm, lẽ sống của mình”.

Bà Đặng Hồng Nhựt, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hồ Chí Minh, nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam đã tự hào tâm sự về những tháng ngày được hoạt động dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như vậy.

Bà Đặng Hồng Nhựt trao quà tặng nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Phú Sơn

Vị tướng có biệt tài thuyết phục

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, nữ chiến sĩ cách mạng 18 tuổi Đặng Hồng Nhựt (thường gọi là Út Nhựt) không ra Bắc tập kết mà tình nguyện ở lại Xứ ủy Nam Bộ, bí mật hoạt động xây dựng cơ sở. Năm 1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Do có năng khiếu hoạt động phong trào, hát hay, viết giỏi, cô được chuyển sang làm việc tại Hội Liên hiệp Phụ nữ. Tháng 10-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào Nam công tác, đảm nhiệm cương vị Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam đúng thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội đại biểu phụ nữ miền Nam lần thứ nhất. Nhớ lại những ngày đó, bà Út Nhựt kể:

- Để bảo đảm cho đại hội thành công, Ban chấp hành Hội thành lập các tổ làm công tác chuẩn bị. Tôi vừa học xong lớp bồi dưỡng kỹ năng báo chí, nên được bổ sung vào tổ viết văn kiện, kiêm phụ trách phòng trưng bày. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp chỉ đạo tiến hành công tác chuẩn bị và hoàn chỉnh nội dung báo cáo trung tâm. Chú Thanh đã đọc, duyệt các văn kiện một cách cẩn thận, kỹ lưỡng rồi khen chúng tôi viết hay và súc tích. Chị Nguyễn Thị Chơn (vợ của đồng chí Trần Bạch Đằng), phụ trách tổ viết văn kiện phấn khởi nói: "Thưa anh Sáu, bản thân phong trào và hoạt động của chị em phụ nữ rất hay, chứ tụi em chỉ chắp bút lại thôi". Chú Sáu cười và phân tích cho chúng tôi hiểu ý nghĩa chính trị của phong trào phụ nữ miền Nam. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe một cách tường tận, đầy đủ về phương châm “3 mũi giáp công”, về đấu tranh chính trị của phụ nữ.

Bà Nhựt vừa kể, vừa gõ nhẹ nắm tay xuống bàn. Thấy tôi chăm chú nhìn, bà bảo:

- Tôi học chú Sáu đấy! Mỗi lần nói chuyện chú thường làm như thế. Tiếng kêu cồm cộp cũng có sức lay động, lan truyền sự tự tin và ý chí quyết tâm tới người nghe. Bởi thế, khi chú phân tích phong trào biểu tình của phụ nữ kết hợp với những khẩu hiệu rất đời thường, không chỉ là đấu tranh đòi dân sinh, đã thu hút được hầu hết các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, khiến quân thù nhượng bộ thì đó chính là đấu tranh chính trị - một trong 3 mũi giáp công mà lúc đó ta đang thực hiện. Chị em chúng tôi ai cũng tâm đắc, vui và tự hào với những việc mình làm.

Cũng trong thời điểm đó, các cán bộ Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam còn được nghe chú Sáu phân tích một vấn đề hết sức đơn giản mà sâu sắc. Chú bảo, ở thành thị, phụ nữ làm nghề buôn bán nhỏ khá đông, thường tập trung ở các chợ. Bởi vậy, chợ chính là nơi thu thập, tán phát thông tin nhanh nhạy và rất đa dạng, lại không bị địch kiểm soát. Ban chấp hành Hội phải nắm được tiểu thương, giác ngộ họ để nhận và truyền thông tin cho mình thì hiệu quả đấu tranh sẽ rất cao. Sau đó, chú đã trực tiếp chỉ đạo thành lập Đảng ủy 36 chợ nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn, do chị Lê Thị Riêng, Trưởng ban Phụ nữ vận làm Bí thư, phát huy tốt vai trò của tiểu thương phục vụ cách mạng.

Bà Đặng Hồng Nhựt trao kỷ niệm chương tặng cá nhân có thành tích giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngay trong ngày khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ miền Nam lần thứ nhất (8-3-1965), được sự ủy quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thông báo quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thị Định làm Phó tư lệnh Quân giải phóng. Mấy cán bộ nam giới xì xào bàn tán. Một lần nữa mọi người lại được chứng kiến biệt tài thuyết phục của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bà Nhựt nhớ lại:

"Sau giờ giải lao, chú Sáu phân tích: Các đồng chí chỉ huy đơn vị được trang bị đầy đủ lực lượng, vũ khí, vật chất, hậu cần, được huấn luyện chính quy; khi chiến đấu xảy ra thương vong lại được điều trị, chăm lo chính sách… Trong khi đó, chị em phụ nữ, quân của đồng chí Định, không hề được trang bị vũ khí, không được tập hợp, huấn luyện, nhưng chỉ cần tín hiệu phất khăn, vẫy nón là hàng nghìn, hàng vạn người như một, cùng xuống đường đấu tranh. Trường hợp bị thương vong, họ vẫn tiếp tục khiêng nhau áp sát quân địch đấu tranh đến cùng, càng lúc càng đông, khiến chúng nao núng tinh thần, nhiều lần phải nhượng bộ. Như thế có xứng đáng là một người chỉ huy tài giỏi không? Hơn nữa, thực tế ở Bến Tre đã chứng minh, một người phụ nữ lãnh đạo thành công phong trào Đồng khởi thì người đó xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ tư lệnh đánh Mỹ. Cho nên, Bác Hồ và Bộ Chính trị rút đồng chí Định về làm Phó tư lệnh là hoàn toàn đúng đắn.

Nghe Đại tướng phân tích, cả hội trường im phăng phắc rồi bất chợt tiếng vỗ tay vang dội. Tại Đại hội năm đó, các đại biểu đã nhất trí bầu Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân giải phóng Nguyễn Thị Định làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tấm lòng nhân ái của chú Sáu Di

Có khá nhiều câu chuyện kể về tình thương và sự bao dung của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với chiến sĩ. Riêng với bà Út Nhựt, thời gian công tác tại Trung ương Cục miền Nam, bà đã được tai nghe mắt thấy sự thân tình của Đại tướng khiến bà phải thốt lên: “Chú Sáu Di có tấm lòng vô cùng nhân ái”. Bà Út Nhựt kể:

- Sau thành công của Đại hội Phụ nữ miền Nam lần thứ nhất, chú Sáu lại chỉ đạo Đại hội Đoàn thanh niên toàn miền Nam (26-3-1965). Dịp ấy, tôi được giao nhiệm vụ đưa tin Đại hội và tổ chức văn nghệ chào mừng. Thời điểm đó, nhạc sĩ Xuân Hồng mới sáng tác bài hát “Chiếc khăn tay” chan chứa tình cảm, cổ vũ tinh thần của các anh bộ đội. Trong lúc Đại hội đang diễn ra, tôi tranh thủ dạy mấy bạn thanh niên tập hát bài này. Chúng tôi đang say sưa hát thì chú Sáu Di tới. Sợ chú mắng vì gây tiếng ồn trong giờ làm việc, chúng tôi nem nép, im re. Thế nhưng, chú Sáu bảo: “Tôi vừa nghe bài hát rất hay nên mới ra đây, nhạc sĩ này tài thật! Cô cậu nào hát lại cho tôi nghe lần nữa?”. Thấy chú thân mật, không hề trách mắng, tôi liền hát ngay, trong khi chú lắng nghe và gõ nhịp tay đều đều.

Cái khiếu văn nghệ trời cho làm bà Nhựt như trẻ lại tuổi thanh xuân ngày trước. Bà cất giọng hát bài “Chiếc khăn tay” nghe thật rộn ràng, tha thiết: “Sáng nay em đi chợ sớm, tìm mua một vuông vải trắng, đem về may chiếc khăn tay/ Chỉ hồng thêu tặng người trai, chỉ vàng thêu một cành mai/ Cùng đôi chim én lượn bay trên cành, làm quà xuân gửi tặng anh giải phóng quân/ Đường chỉ may chẳng được khéo tay, xin các anh hãy vui lòng nhé!…”. Hát xong, bà Nhựt tươi cười:

- Bài hát này đã theo tôi suốt mấy chục năm trời. Mỗi lần hát tôi lại nhớ lời khen của chú Sáu: “Hay lắm! Bộ đội ta chắc rất thích nghe, cần phổ biến ngay cho anh em ở các đơn vị”. Lúc đó, tôi rất vui và thấy chú gần gũi như người thân trong gia đình. Chú Sáu thường nói với chúng tôi: “Làm người chỉ huy, trong điều kiện có thể hãy làm hết sức mình để mang lại niềm vui cho cấp dưới. Như thế mới thấy lòng thanh thản”. Những câu chuyện và lời chỉ bảo của chú trở thành bài học quý giá và là phương châm sống của tôi cho đến tận bây giờ.

Gần nửa thế kỷ, trải qua nhiều cương vị công tác, từ cán bộ phụ nữ miền Nam, Trưởng ban Thanh niên, công nhân, lao động Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định; cán bộ chuyên trách Ban Tổ chức Trung ương, Hiệu trưởng Trường Cán bộ phụ nữ phía Nam và hiện nay là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hồ Chí Minh, bà Đặng Hồng Nhựt luôn khắc ghi, vận dụng cách nói, cách viết sâu sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; học tập Đại tướng, quan tâm, giúp đỡ, thương yêu cấp dưới… Bà luôn tâm niệm, tự hào: “Với tôi, chú Sáu Di mãi là người thầy lớn!”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các hoạt động

 Khắc ghi lời dặn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội

* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù

* Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta

 Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”

Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ